The Talks

GĐTM Eric Joumiax: Speake-Marin – Đỉnh cao bespoke

Được nghệ nhân Peter Speake-Marin thành lập từ năm 2002, thương hiệu Speake-Marin đến nay không chỉ giữ vững được vị thế độc lập, mà còn cho ra đời hàng loạt mẫu đồng hồ bespoke theo sở thích người dùng.

Jan 13, 2019 | By Hai Yen Ho

Gặp gỡ WOW World of Watches Vietnam tại Hà Nội, ông Eric Joumiaux, Giám đốc Thương mại của Speake-Marin, đã có những trải lòng rất riêng về tinh thần thương hiệu.

Bespoke (tùy biến hay hàng thửa – pv) thường gắn với xe hơi, du thuyền hay những bộ suit lịch lãm. Đồng hồ bespoke xem ra vẫn là điều gì đó khá mới mẻ, thưa ông?

So sánh của bạn khá thú vị. Bespoke là một lĩnh vực vô cùng phổ biến trong lĩnh vực xe cộ. BMW có hãng độ Alpina; Rolls-Royce có bộ phận Bespoke còn Mercedes có AMG. Nếu là khách hàng của một hãng xe sang, bạn có thể tự do lựa chọn rất nhiều chi tiết như sơn ngoại thất, chất liệu nội thất, mâm xe, ốp gỗ… Chỉ riêng phần động cơ là bất biến dù trên thực tế, khách hàng vẫn có thể nâng cấp ít nhiều tùy theo sở thích.

Ngành đồng hồ cũng có những thuộc tính tương tự. Suy cho cùng, sự sang trọng thực thụ nằm ở tính độc đáo của món đồ mà bạn sở hữu. Khách hàng luôn khao khát những sản phẩm được “thửa” riêng cho họ. Ở đây, tôi không muốn nói đến giá bán mà chỉ muốn đề cập đến độ hiếm và tính độc đáo của chúng. Đó là lí do vì sao Rolls-Royce hay Hermes thường tạo ra các tác phẩm độc bản để chiều lòng khách hàng.

Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các mẫu đồng hồ bespoke tại thị trường Việt Nam?

Xin được trả lời câu hỏi của bạn bằng bộ sưu tập Đông Sơn mà cá nhân tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Mỗi năm, chúng tôi đều có một Series mới dành cho bộ sưu tập này. Điều đó cho thấy tiềm năng to lớn của dòng đồng hồ tùy biến tại đất nước các bạn.

Giám đốc thương mại Eric Joumiaux tại buổi trò chuyện cùng World of Watches Vietnam

Thực tế, cũng giống như nhóm khách hàng thượng lưu ở các quốc gia khác, người Việt thích sở hữu các món đồ vừa lạ, vừa độc đáo. Thị trường Việt Nam dù chưa phát triển ngang tầm châu Âu hay Hồng Kông, nhưng các nỗ lực của Miluxe đã giúp Speake-Marin trở thành một thương hiệu được ưa chuộng tại đây. Tôi tin rằng, Đông Sơn vẫn còn sức hút lớn với khách hàng Việt.

Hãng xe Rolls-Royce có một châm ngôn bất hủ: “Với Rolls-Royce, bespoke không có giới hạn. Giới hạn, có chăng, chỉ nằm ở trí tưởng tượng của khách hàng”. Với Speake-Marin, có khuôn khổ nào không, thưa ông?

Hiện tại, phổ biến nhất vẫn là chạm khắc lên thân vỏ đồng hồ. Đó có thể là một con số, một ký tự hay biểu tượng có ý nghĩa đối với khách hàng. Phức tạp hơn một chút là phần mặt số. Tuy nhiên, khó khăn nhất phải kể đến việc bespoke bộ máy của đồng hồ với các chức năng mà khách hàng mong muốn.

Đây là một quy trình công phu và mất nhiều thời gian. Dù vậy, chúng tôi sẵn sàng “chơi tới bến” nếu khách hàng yêu cầu. Nhìn chung, ngoại trừ phần máy do Speake-Marin phát triển cùng với vỏ Piccadilly, chúng tôi có thể tùy biến các chi tiết thuộc loại “điên rồ” nhất. Chúng tôi từng tái hiện nửa chiếc xe Aston Martin hay “hầm rượu” Rum lên mặt số đồng hồ.

Theo ông, có sự khác biệt nào giữa khách hàng Á – Âu trong nhu cầu bespoke hay không?

Khách hàng châu Âu có thiên hướng mua những sản phẩm theo kiểu cổ điển và gắn với một thương hiệu tên tuổi. Trong khi đó, khách hàng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường ưa chuộng những sản phẩm gắn với đời sống văn hóa và lịch sử dân tộc.

Nhu cầu tùy biến đến từ khắp mọi nơi, nhưng Việt Nam là thị trường duy nhất mà Speake-Marin mỗi năm đều ra mắt một Series mới giống như trường hợp của bộ sưu tập Đông Sơn. Thành thực mà nói, họa tiết của bộ sưu tập Đông Sơn dù phản ánh những hoạt động mang tính sơ khai nhưng lại được chế tác theo cách vô cùng tinh xảo.

Speake-Marin lâu nay gắn liền với hình ảnh của người sáng lập – Peter Speake Marin. Liệu việc Peter ra đi có gây nhiều xáo trộn cho thương hiệu hay không?

Tôi may mắn sát cánh cùng Peter trong một thời gian khá dài. Ông là người đàn ông mẫu mực, nhà chế tác đồng hồ tài ba. Sau một thời gian gắn bó, Peter quyết định rẽ sang hướng đi mới và dành thêm thời gian cho gia đình. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định này.

Thật ra, Speake-Marin không chỉ có một mình Peter. Chúng tôi là một tập thể với nhiều bộ phận chuyên môn, từ lên ý tưởng, thiết kế, phát triển bộ máy cho đến chế tác sản phẩm. Mọi thứ vẫn ở nguyên đó. Bản sắc và vị thế của thương hiệu không hề mất đi. Thực tế, việc Peter ra đi có ảnh hưởng về mặt hình ảnh hơn là sự phát triển thương hiệu. Peter đã hằn sâu trong ký ức của những người mê đồng hồ.

Phải nói thêm rằng, khi Peter còn tại vị, chúng tôi chỉ dùng các dòng máy do ông lên ý tưởng rồi thuê gia công bên ngoài. Ngày nay, Speake Marin hoàn toàn chủ động với các dòng máy do mình sản xuất. Đây chẳng phải là một bước tiến sao?

Tôi được biết, phương châm của Speake-Marin là kết hợp cả yếu tố “cổ điển” lẫn “hiện đại” trong một sản phẩm. Xem ra, đây là một thử thách thú vị đấy chứ?

Có lẽ bạn đang muốn ám chỉ chiếc đồng hồ London Chronograph? Đây chính xác là một thử thách thú vị đối với chúng tôi mà ý tưởng ban đầu đến từ Peter Speake-Marin. Sau khi được giới thiệu lần đầu vào năm 2016, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đặc biệt mà khách hàng dành cho London Chronograph. Đó là lý do mà chiếc đồng hồ này được đưa vào chế tác. Điểm đặc sắc nhất của nó là 2 mặt số phụ được thiết kế dạng nổi vô cùng đẹp mắt bên cạnh bộ máy Valjoux 92 được ra đời từ những năm 50 của thế kỷ XX.

Hiện tại, đây là mẫu đồng hồ thu hút nhiều nhà sưu tầm. Trong thời gian tới, Speake-Marin sẽ ra thêm các dòng đồng hồ sử dụng máy cổ để hướng tới các nhà sưu tầm. Biết đâu, sau London Chronograph sẽ là Paris Chronograph không chừng (cười).

Ông từng nói, đam mê đang trở nên ngày một xa xỉ trong ngành đồng hồ. Nhưng phải chăng đam mê cũng chính là lợi thế của một thương hiệu độc lập như Speake-Marin?

Bạn biết đấy, người sở hữu thương hiệu Speake-Marin hiện nay là một quý bà trẻ tuổi mê sưu tầm đồng hồ. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ bà ấy đầu tư vào Speake-Marin vì lợi nhuận. Chỉ có đam mê mới thôi thúc con người ta làm những điều như vậy.

Tôi cho rằng, một nhà chế tác đồng hồ dù làm việc trong bất kỳ thương hiệu nào cũng cần có niềm say mê thực thụ. Nếu không, làm sao họ có thể tạo nên những “cỗ máy thời gian” hoàn mỹ đến vậy. Cái tôi muốn nói chính là những người đứng đầu các thương hiệu lớn. Đôi khi, họ phải bỏ qua cái gọi là “đam mê” để hướng tới các mục tiêu tài chính khác. Với Speake-Marin thì khác. Chúng tôi là một thương hiệu độc lập và được tự do làm những điều mình thích. Thú thật, tôi cảm thấy may mắn khi làm việc tại đây.

Lâu nay, không ít thương hiệu đồng hồ nổi tiếng đặt chân vào Việt Nam rồi lặng lẽ ra đi khi kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi. Họ thất bại một phần do hoạt động marketing không mấy hiệu quả, chủ yếu đi theo các phương thức truyền thống có phần lỗi thời. Theo ông, đâu là sự thay đổi cần thiết trong vấn đề này?

Tôi cho rằng, cốt lõi luôn nằm ở sản phẩm. Để thành công, bạn cần có những sản phẩm tốt, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Không có điều này, có lẽ chúng ta không nên mơ mộng.

Bên cạnh đó, thế giới cũng đang thay đổi một cách mạnh mẽ, kéo theo sự chuyển đổi trong phương thức truyền thông – tiếp thị và phân phối sản phẩm. Do vậy, mỗi thương hiệu phải thay đổi để thích ứng với xu thế công nghệ và mạng xã hội. Speake-Marin hướng tới những khoản đầu tư thông minh và các hoạt động marketing theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”.

Chúng tôi biết rõ khả năng và nguồn lực của mình. Số lượng đồng hồ mỗi năm cũng chỉ trên dưới một ngàn chiếc nhằm duy trì tính độc đáo và độ hiếm cần thiết. Nói gì thì nói, đồng hồ Speake-Marin vẫn dành riêng cho những người thật sự cá tính và các nhà sưu tập.

BÀI: HÀO VŨ

 
Back to top