Anthony Nguyen: Từ cậu bé tị nạn đến bậc thầy đồng hồ tại Guam
Gắn bó với những cỗ máy thời gian tí hon từ khi chỉ mới 14 tuổi, đến nay, Anthony Nguyen đã trở thành bậc thầy đồng hồ được nhiều người biết đến, đồng thời có trong tay bộ sưu tập nho nhỏ.
Tại đảo Guam cũng như nhiều khu vực khác của Hoa Kỳ, có khá nhiều người dân gốc Việt đều có chung câu chuyện rời khỏi đất nước sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Đó là một phần của cái được gọi là Chiến dịch Cuộc sống mới. Khoảng 111.000 người tị nạn đã tạm thời được tá túc tại Asan trước khi bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ người. Anthony Nguyen, chủ cửa hàng và trung tâm sửa chữa đồng hồ Dededo Mall, cũng là một người trong số đó. Anh đã ở trong tình trạng ấy khi còn là một đứa trẻ rất nhỏ.
Nói về quãng thời gian đã qua, ký ức của anh quy về những khó khăn sau thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là đối với những người có liên quan đến chính quyền miền Nam cũ, khi chế độ cộng sản tịch thu phần lớn đất đai và các tài sản khác. Là con trai lớn trong nhà, anh cũng phải đối mặt với nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
“Vào thời điểm đó, cha tôi quyết định tốt hơn là đưa tôi lên thuyền và rời khỏi đất nước. Tất nhiên, đó là một quyết định khó khăn. Ai lại muốn đưa con trai của mình đi, khi biết rằng cơ hội sống sót hoặc đến được một quốc gia khác chỉ là 0,1%?”
Đó là năm 1987. Anthony Nguyen vẫn là một đứa trẻ 12 tuổi, và tàu cứu hộ của anh là một chiếc thuyền đánh cá. Động cơ thuyền đã chết, khiến anh và những người khác trôi dạt vào vùng biển quốc tế. Định mệnh đã mỉm cười với anh khi chiếc tàu chở dầu Chevron ở Singapore đến cứu trợ. Anh tiếp tục được một người chú ở Hawaii giúp đỡ khi hướng dẫn bước vào nghề liên quan đến đồng hồ.
Anh Anthony bắt đầu mày mò với đồng hồ kỹ thuật số từ năm 14 tuổi. Sau đó, anh vào một trường dạy làm đồng hồ ở Seattle, và tiếp tục hành trình học vấn tại những nơi xa xôi hơn cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Trái tim và linh hồn của anh Anthony Nguyen từ lúc ấy đã gắn với nghệ thuật chế tác đồng cơ truyền thống.
Anh nói: “Nếu bạn tháo ra hoàn toàn một chiếc đồng hồ cơ, bạn sẽ thấy trước mắt hơn 200 linh kiện, bao gồm ốc vít, đòn bẩy và lò xo. Bạn cần biết chính xác nơi của chúng. Bạn sẽ làm việc với những bộ phận có kích thước bằng sợi tóc, và chúng cần được bôi trơn hay làm sạch.”
Khi nói đến bảo trì, độ ẩm thay đổi thất thường của Guam cũng là điều vô cùng bất lợi để bảo dưỡng bất cứ thiết bị nào.
Đồng hồ là vật để truyền đời
Nếu có thể giữ gìn một chiếc đồng hồ tốt trong tình trạng hoàn hảo, bạn đã có cả gia tài để truyền lại. Và Anthony Nguyen hiểu rõ điều đó khi tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp trên đảo.
“Tôi có khá nhiều khách hàng tìm đến với chiếc đồng hồ từng thuộc về cha hay ông của họ, nhưng nó có vẻ hoàn toàn mới mặc cho tuổi đời 50, 60 năm. Tất cả những gì nó cần là được tháo ra, làm sạch, bôi trơn, hiệu chuẩn lại và nó sẽ tiếp tục hoạt động rất hiệu quả. Nó sẽ tồn tại thêm 50 hoặc 60 năm nữa, không vấn đề gì,” anh nói.
“Nguyên tắc đơn giản là đưa cỗ máy cơ này đi làm sạch bảo trì cứ sau 4-5 năm, và đồng hồ thạch anh là mỗi 12 năm” anh chia sẻ. Điều tối kỵ chính là để lại pin trong đồng hồ thạch anh trong thời gian quá lâu, nó sẽ bị rò rỉ và phá hủy các bộ phận bên trong.
Nhà sưu tầm tham vọng
Tuy vậy, Anthony Nguyen không chỉ làm việc với đồng hồ. Anh còn là một nhà sưu tầm với khát khao lớn lao như bất cứ nhà sưu tầm nào khác.
“Tôi từng thấy một số chiếc Seiko, Bulova và Elgin thực sự lâu đời. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở đảo Guam mang đồng hồ bỏ túi và họ đến đây để bảo dưỡng cho chúng.” Và điều đó đã thúc đẩy anh sở hữu một bộ sưu tập cho riêng mình.
Khởi đầu đáng tự hào của anh chính là chiếc Seiko 1969. “Đây là một trong những chiếc đồng hồ bấm giờ tự động đầu tiên trên thị trường. Từng có cuộc cạnh tranh giữa nhà sản xuất tại Nhật Bản và ba nhà sản xuất châu Âu khác diễn ra, và cuối cùng Seiko đã đứng đầu. Giờ đây, họ được biết đến là công ty đầu tiên sản xuất đồng hồ bấm giờ tự động, đồng hồ cơ,” anh nói.
Phần lớn niềm đam mê sưu tập của Anthony Nguyen đều hướng đến Seiko, nhưng anh chỉ quan tâm đến khoảng thời gian từ cuối những năm 1950 đến khoảng năm 1982. Sau đó, công ty bắt đầu sử dụng nguồn cung từ các nước khác để cắt giảm chi phí lao động.
Ngang với tình yêu dành cho Seiko, Anthony Nguyen cũng mơ đến sản phẩm của nhà sản xuất Đức, được chế tác trong thời hiện đại nhưng không chứa đựng bất cứ yếu tố kỹ thuật số nào: A. Lange & Söhne.
“Bộ máy là một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả mọi thứ, các chi tiết, chúng đều được làm thủ công,” anh khẳng định.