News

IWC xây dựng xưởng chế tác khổng lồ giữa lòng Thụy Sĩ

Nhà máy sản xuất của IWC là cột mốc mới nhất đánh dấu sự kết hợp giữa truyền thống chế tác của thương hiệu với công nghệ tiên tiến.

Dec 15, 2018 | By Hai Yen Ho

Có thể chắn chắn một điều rằng tổ hợp sản xuất mới của IWC chính là điều mà thương hiệu này tự hào giới thiệu đến thế giới. Lần thứ hai bước vào trái tim của công ty Thụy Sĩ gốc Đức này nhân dịp khai trương nhà máy IWC Manufakturzentrum, chúng tôi không hề bị cấm quay phim hay chụp hình, để gần như được tác nghiệp sát bên những người thợ đồng hồ. Điều này khác hẳn với 4 năm về trước, khi chúng tôi đến trụ sở IWC và nhà xưởng chính ở Neuhausen, nơi đề ra quy định chặt chẽ về việc chụp hình, quay phim, hay khu vực được phép lui tới.

Tọa lạc tại vùng tự trị Merishausen thuộc thành phố Schaffausen, chỉ cách trụ sở chính của IWC ở Baumgartenstrasse khoảng mười phút lái xe, nhà máy rộng 13,500 m2 thực sự rất ấn tượng. Đó là một cấu trúc bê tông trắng rất dài với bề mặt trải rộng, phần lớn mảng tường đều được lắp kính chạm trần. Được chính Giám đốc điều hành của thương hiệu, anh Christoph Grainger-Herr – kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế nội thất – tham gia thiết kế, nhà máy thể hiện tầm nhìn của IWC trong ít nhất 50 năm tới.

Trong thời gian tới, IWC hy vọng sẽ đón hơn 10,000 khách tham quan đến Manufakturzentrum mỗi năm. Khách hàng, nhà báo hay khách du lịch đến đây sẽ được tham gia vào chuyến tham quan với hướng dẫn viên. Grainger-Herr khẳng định: “Sắp tới chúng tôi sẽ số hóa trải nghiệm này, để đưa Manufakturzentrum đến với mọi người. Tôi muốn các chương trình hỏi đáp trực tiếp tại nơi đây sẽ được trình chiếu rộng rãi toàn thế giới.”

Là nơi diễn ra các công đoạn sản xuất then chốt – từ sản xuất vỏ, máy cho đến lắp ráp các bộ phận – Manufakturzentrum là nơi làm việc của 239 thợ đồng hồ điêu luyện, cùng loạt máy móc có độ chính xác cao hoạt động liên tục. “Chúng tôi không chỉ luôn hướng về quá khứ,” Grainger-Herr nói với nụ cười nhẹ nhàng. “Trong sản xuất đồng hồ, có những lúc con người là nhân tố duy nhất tạo nên sự khác biệt. Nhưng việc kết hợp công nghệ máy móc với bàn tay con người chưa bao giờ bị cho là mâu thuẫn. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải e ngại việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra những sản phẩm tốt hơn.”

Triết lý này đã dẫn dắt IWC từ năm 1868, khi nhà sáng lập người Mỹ Florentine Ariosto Jones mở công ty ở Schaffausen, thuộc miền Đông Thụy Sĩ. Trái hẳn với tư tưởng cũ kỹ của miền Tây Thụy Sĩ trong việc chế tạo đồng hồ, F.A Jones kết hợp truyền thống chế tác đồng hồ của Thụy Sĩ với phương pháp sản xuất công nghiệp mới của Mỹ, như việc dùng máy chạy thủy lực từ sông Rhine. Ngày nay, nhà máy Manufakturzentrum đang vẽ nên trọn vẹn tầm nhìn ấy.

Grainger Herr nói: “Tôi nghĩ Manufakturzentrum là một trong những mấu chốt kinh doanh của chúng tôi. Bạn yêu thương hiệu này, yêu thiết kế và câu chuyện phía sau, nhưng ở đây bạn sẽ thấy được tận mắt tình yêu ấy, sự tỉ mỉ, khéo léo và nhiệt huyết được truyền vào từng chiếc đồng hồ IWC. Đó là một lời khẳng định cho những gì thương hiệu này đại diện.”

Khu tổ hợp sản xuất IWC Manufakturzentrum có diện tích 13.500m2, nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó. Nơi đây được thiết kế đặc biệt để có thể linh hoạt cơi nới về sau. Với sức chứa lên đến 400 người, nhà máy có đủ chỗ cho lượng nhân công gấp đôi con số hiện tại là 239.

Quá trình sản xuất vỏ đồng hồ được tiến hành dưới tầng hầm. Kế bên là khu vực chứa các thanh kim loại để sản xuất vỏ bao gồm thép, titanium, đồng thau và nguyên liệu độc quyền của thương hiệu là hợp kim Ceratanium được làm từ titanium và gốm, có khả năng phát huy hai ưu điểm nhẹ và chống trầy xước của cả hai vật liệu.

Trong khi những bộ máy nhỏ trong các mẫu đồng hồ như Tribute, Pallweber hay các máy phức tạp như đồng hồ lịch vạn niên vẫn được lắp ráp theo kiểu truyền thống ở trụ sở chính, hầu hết các bộ máy khác đều được lắp ráp từ hệ thống dây chuyền ở Manufakturzentrum. Andreas Voll, Giám đốc hoạt động của IWC giải thích: “Trước đây, thợ đồng hồ thường lắp ráp bộ máy từ đầu đến cuối. Giờ đây, chúng tôi chia quy trình ấy thành nhiều công đoạn nhỏ, để ấn định mỗi chuyên gia vào từng khâu thực hiện.”

Nhà máy là nơi tiến hành các công đoạn chủ chốt như làm vỏ và các linh kiện máy, cũng như lắp ráp thành bộ máy hoàn chỉnh. Có khoảng 1500 chi tiết được sản xuất ở xưởng linh kiện, bao gồm các linh kiện cho bộ máy chính, hay các chi tiết đặc biệt của bộ máy lịch vạn niên, lịch năm và tourbillon. Vì các linh kiện đòi hỏi sự chính xác đến một phần nghìn milimet, hầu hết các công đoạn ở đây đều được tự động hóa. Sau đó, các bộ phận được chuyển đến phòng trang trí, nơi các nghệ nhân sẽ phô diễn kỹ thuật bên máy móc. Tại đó, các nghệ nhân trẻ sẽ tiến hành chạm khắc hoa văn hình vòng tròn trên một trục quay nhỏ, hoặc trên các khung có kích thước lớn hơn cho bề mặt đồng hồ.

Trước khi vào phòng sạch cấp độ 7 để lắp ráp, những người thợ đồng hồ phải mặc áo khoác đặc biệt chống tĩnh điện. “Cứ mỗi giờ, không khí trong phòng lại được luân chuyển nhiều gấp 10 lần bình thường. Khu vực lắp ráp có tổng diện tích là 1200m2, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải bơm một lượng khí tương đương 50000m³ mỗi giờ. Nhân viên và thợ đồng hồ phải bước qua hai cửa kín khí riêng biệt trước khi bước vào phòng,” Andreas Voll giải thích. Bên cạnh đó, áp lực khí trong phòng cũng luôn cao hơn bên ngoài để bụi bẩn không thể lọt vào trong.

Tại Manufakturzentrum, có hai bàn làm việc của thợ đồng hồ cho phép khách tham quan và chạm vào dụng cụ. Trong thời gian tới, IWC hy vọng sẽ đón hơn 10,000 khách tham quan đến Manufakturzentrum mỗi năm. Khách hàng, nhà báo hay khách du lịch đến đây sẽ được tham gia vào chuyến thăm quan cùng hướng dẫn viên. “Sắp tới chúng tôi sẽ số hóa trải nghiệm này để đưa Manufakturzentrum đến với mọi người. Tôi muốn các chương trình hỏi đáp trực tiếp tại đây sẽ được trình chiếu rộng rãi khắp thế giới,” Grainer-Herr khẳng định.

BÀI: VINCENT PHẠM

 
Back to top