News

Google biến Wear OS thành đối thủ cạnh tranh của Apple Watch

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thương hiệu này sẽ cho ra mắt mẫu đồng hồ Pixel mới, để thay thế cho loạt smartwatch trước đây.

Jan 22, 2019 | By Hai Yen Ho

Mới đây, cuộc chiến smartwatch vừa trở nên thú vị hơn gấp bội. Vào cuối tuần trước, Fossil tuyên bố rằng họ đã bán công nghệ smartwatch trị giá 40 triệu USD cho Google, giúp nhà cung cấp Wear OS có thêm bước tiến quan trọng trong cuộc chơi phụ kiện công nghệ.

Thỏa thuận trên có thể là một khoản tương đối nhỏ so với hàng tỷ USD Google chi cho Nest, nhưng tầm quan trọng mang lại thì không hề thua kém. Trước nhất, Fossil là một trong những công ty duy nhất liên tục giới thiệu đồng hồ Wear OS mới mà mọi người thực sự muốn mua. Nhưng ngay cả khi thỏa thuận này không mang lại kết quả gì cho đồng hồ Pixel hay phần cứng mang thương hiệu Google, đây cũng là lần đầu tiên Google sở hữu một phần cứng của sản phẩm công nghệ mang trên người, để từ đó thúc đẩy thiết kế, điều hướng và giao diện người dùng trong tương lai.

Quan trọng nhất, điều đó có nghĩa là Google cam kết phát triển Wear OS thành một điều gì đó lớn lao hơn so với chỉ là một nền tảng đơn lẻ áp dụng lên tất cả sản phẩm, để thích ứng với các phần cứng khác xung quanh. Và điều này cũng có nghĩa là đối thủ cạnh tranh hợp pháp đầu tiên của Apple Watch cuối cùng đã xuất hiện.

Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu

Lần cuối cùng Google công bố khoản đầu tư lớn như vậy vào phần cứng của một công ty khác chính là điện thoại Pixel. Vào tháng 1 năm 2018, Google chi hơn một tỷ USD để giữ lại phần lớn đội ngũ thiết kế điện thoại thông minh HTC, bao gồm hàng ngàn kỹ sư và sản phẩm trí tuệ. Mặc dù có khả năng rằng tác động của khoản đầu tư thực tế từ Google sẽ không được thể hiện hoàn toàn cho đến khi chiếc Pixel 4 ra đời vào cuối năm nay, chúng ta vẫn có thể thấy được nhóm phần cứng của HTC đã ảnh hưởng đến chiếc điện thoại này như thế nào.

Quan hệ đối tác với Fossil, dẫu có là một khoản tiền nhỏ so với thoả thuận cùng HTC, cũng có thể mang lại tác động tương tự. Trên điện thoại Pixel, các tính năng như Active Edge (bản sao trực tiếp của Edge Sense trên điện thoại U11 và U12 của HTC) và việc bổ sung sạc không dây và camera trước thứ hai rõ ràng đã được nhóm của HTC phát triển từ trước, song mối gắn bó này thực tế lại sâu sắc hơn nhiều so với việc cải tiến phần cứng bên ngoài. Hơn bất kỳ điện thoại Android nào khác, Pixel chứa đầy các chi tiết kết hợp với phần cứng và phần mềm theo cách tạo ra trải nghiệm liền mạch, thể hiện những phẩm chất tốt nhất của Android.

Điều này có thể được chứng minh qua việc điều hướng mới, máy phóng Pixel, cải tiến AI và tất nhiên là cả camera. Trong những lần sửa đổi vừa qua, Google đã thiết kế nên chiếc Android với tư duy của Pixel. Nhưng những cải tiến về giao diện và các tính năng đã cải thiện khả năng tích hợp cho hệ điều hành Google, và điều này không chỉ giới hạn trên các mẫu điện thoại. Thực tế này cũng làm dấy lên hy vọng với chiếc Wear OS khi giờ đây Google đã tự sản xuất được phần cứng: một sự cộng sinh mà chúng ta chưa từng thấy từ những chiếc đồng hồ không phải của Apple.

Vẻ ngoài đánh bại chức năng

Khi Android Wear xuất hiện vào tháng 3 năm 2014, Apple Watch vẫn chưa được ra mắt. Hệ điều hành Galaxy Gear và Tizen OS của Samsung vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, và nền tảng Pebble chỉ nhỉnh hơn một chút so với máy nhắn tin. Android Wear là hệ điều hành có kích thước nhỏ gọn để đeo được trên cổ tay đầu tiên cho thấy nỗ lực cân bằng giữa đồng hồ cơ và đồng hồ thông minh có khả năng cung cấp dữ liệu.

Điều khiến những chiếc đồng hồ Android Wear đầu tiên (cụ thể là Moto 360 và Huawei Watch) trở nên rất hứa hẹn là mối quan hệ chặt chẽ với Android Wear. Từ mặt số cổ điển đến nút bấm đơn, chiếc Android Wear đầu tiên là sự cải tiến tự nhiên từ các đối tác điện thoại thông minh, khác biệt rõ rệt so với kiểu cách trơn, phẳng của Samsung và LG. Phần nhìn ổn, chức năng cũng không tệ, loạt đồng hồ này đã đáp ứng được tương đối kỳ vọng của người chơi.

Khi Apple Watch được công bố khoảng sáu tháng sau đó, mẫu đồng hồ này chỉ củng cố thêm tầm nhìn của Google. Trong khi đồng hồ Apple là một sản phẩm công nghệ hiển thị thêm thời gian, thì Android Wear lại có nét truyền thống hơn cả về ngoại hình và chức năng, tập trung vào mặt số và bề ngoài thay vì các chức năng tiên tiến.

Đó là lý do tại sao đồng hồ thông minh Fossil có thể phát triển mạnh trong khi các mẫu đồng hồ thông minh OEM lại không được như thế: Đồng hồ Android Wear/Wear OS hấp dẫn những người muốn có chiếc đồng hồ “thông minh hơn”, chứ không nhất thiết phải là đồng hồ thông minh. Google có thể đã mua bất kỳ nhóm đồng hồ thông minh nào khác, nhưng lại chọn Fossil chỉ vì một lý do đơn giản: Google không muốn lấp đầy Wear OS bằng các ứng dụng và tính năng mà không ai sử dụng. Họ muốn Wear OS đơn giản và ít tương tác nhất có thể.

One size fits one

Có thể, bạn đã từng ít nhất một lần liếc mắt qua chiếc Wear OS của Fossil mà không nhận ra nó. Nhìn lướt qua, chúng trông giống đồng hồ đeo tay kiểu cũ, nhưng điều quan trọng hơn là chúng tuân theo ngôn ngữ thiết kế của các thương hiệu mà chúng đại diện: Michael Kors, Kate Spade, Armani, Diesel, và dĩ nhiên là cả Fossil nữa. Một số mẫu được kết hợp cùng cơ chế máy cơ và màn hình nhỏ, một số khác lại là chiếc smartwatch đúng nghĩa với khả năng hiển thị luôn hoạt động cùng khả năng tùy biến vô tận.

Đồng hồ của Fossil như chiếc Michael Kors Sofie ưu tiên ngoại hình hơn chức năng.

Tuy nhiên, điểm chung của chúng là sự “thông minh” chủ yếu tập trung xung quanh phần cốt lõi của mọi chiếc đồng hồ: mặt số. Nhiều đồng hồ Fossil tránh các tính năng phổ biến như cảm biến nhịp tim và chip NFC, mà thiên về các thiết kế vừa quen thuộc vừa thời trang. Mặc dù có rất nhiều đồng hồ Wear OS cố gắng nhồi nhét nhiều cảm biến vào mặt số được thiết kế lớn dần, Fossil lại ít quan tâm đến các thiết bị quy tụ mọi chức năng hơn là khám phá các khía cạnh đồng hồ đơn giản của smartwatch. Và Google có thể sử dụng chiến lược đó để thắt chặt và tập trung Wear OS vào các lĩnh vực quan trọng: thể dục, sức khỏe, và nhất là hiển thị thời giờ.

Bằng cách đầu tư vào Fossil, Google không phải đang cố gắng bắt chước noi theo thành công của Apple Watch. Thay vào đó, điều này cho thấy rằng họ đã nhận ra được việc smartwatch không cần phải đi vào cuộc đua nước rút để đạt đến đỉnh cao chức năng. Có rất nhiều người quan tâm đến smartwatch vì chức năng đơn giản được tích hợp thông minh thay vì quá nhiều tính năng, và đó chính là điểm mạnh của Fossil.

Google đã chỉ ra rằng họ quan tâm đến việc phát triển Wear OS để hợp tác tốt hơn với các thương hiệu đối tác, hơn là phát triển phần cứng của riêng mình, đồng thời tránh khỏi ý niệm về một chiếc đồng hồ quy tụ mọi chức năng. Sự hợp tác với Fossil đã mang đến cho Wear OS tiềm năng và tương lai mà thương hiệu chưa từng có trong vài năm vừa qua.

Đi theo định hướng của Fossil, tương lai trước mắt của Wear OS sẽ hạn chế việc chạm vào ứng dụng trên màn hình, mà tập trung hơn vào xây dựng các trải nghiệm phần mềm đơn giản, đòi hỏi ít tương tác. Giờ đây, chúng ta có thể hy vọng rằng Google có thể mang đến một nền tảng rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu mà không cố gắng trở thành bất cứ thứ gì khác: một thứ mà mọi người thật sự muốn mang theo trên người.

Theo PC World

 
Back to top