News

Chanel mua lại 20% cổ phần nhà sản xuất bộ máy đồng hồ Kenissi

Theo thông tin chính thức từ Chanel, thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đã mua lại 20% cổ phần Kenissi, nhà sản xuất bộ máy đồng hồ tự động chất lượng cao tại Thụy Sĩ.

Apr 24, 2019 | By Hai Yen Ho

Ảnh: Kevin Cureau/Revolution

Kenissi là nhà sản xuất có trụ sở tại Geneva, nổi tiếng với hàng loạt bộ máy hiệu suất cao. Với việc mua lại 20% cổ phần Kenissi, Chanel giờ đây đang tiếp tục củng cố vị thế của thương hiệu trong lĩnh vực chế tác đồng hồ, sau khi đã có riêng những bộ máy cao cấp nhờ 20% cổ phần tại F.P. Journe, hay chiếc Monsieur và Boy.Friend ấn tượng nhờ mối hợp tác với Romain Gauthier.

Chưa dừng lại ở đó, tờ LeTemps còn cung cấp thông tin rằng, Tudor, thương hiệu chị em của Rolex đang chuẩn bị xây dựng khu sản xuất tại Le Locle cùng Kenissi. Mặc dù Rolex-Tudor đã xác nhận về việc có một “dự án sản xuất tại Le Locle”, song lại không chia sẻ thêm thông tin chi tiết nào. Được biết, một nửa xưởng sản xuất mới sẽ thuộc về Kenissi, trong khi nửa còn lại sẽ thuộc về Tudor. Việc sở hữu 20% cổ phần Kenissi đồng nghĩa với khả năng Chanel có thể nắm giữ 1/10 sản lượng từ toàn xưởng sản xuất (20% trong 50% còn lại).

Công tác di dời từ trụ sở Geneva đến Le Locle sẽ diễn ra vào năm 2021. Tuy nhiên, chúng ta không cần chờ đợi lâu đến thế để tận mắt chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ Chanel đầu tiên mang bộ máy tự động Kenissi: cỗ máy chính thức được ra mắt tại triển lãm Baselworld 2019.

Vì sao điều này lại quan trọng?

Đó là vì sự kiện trên cho thấy xu hướng sản xuất theo chiều dọc đang ngày càng nở rộ: nếu một thương hiệu lớn phấn đấu đạt chất lượng cao kéo theo giá thành cao, họ sẽ cần – và muốn – kiểm soát càng nhiều càng tốt. Sự kết hợp giữa Chanel và Tudor cũng như các bộ máy chung của Tudor và Breitling sẽ giúp hạn chế rủi ro và tiết kiệm chi phí, giúp mang lại lợi ích cho chính thương hiệu, kế đến là khách hàng của họ.

Kevin Cureau/Revolution

Hơn nữa, các thương hiệu đồng hồ cao cấp đều nhận thức rõ rằng những khách hàng toàn cầu luôn trong trạng thái mong chờ các bộ máy được sản xuất độc quyền với giá khoảng 20.000 hoặc 25.000 USD đến từ Kenissi. Trong khi đó, các mẫu có giá từ 6.000 đến 8.000 USD mang trong mình bộ máy ETA hay Sellita sẽ bị hầu hết người tiêu dùng sành sỏi từ chối.

Cuối cùng, quay trở lại chủ đề tích hợp theo chiều dọc của quy trình sản xuất, các thương hiệu sẽ bớt trăn trở hơn khi họ không phải là nhà cung cấp các thành phần cực kỳ quan trọng trong một chiếc đồng hồ. Hãy cùng chờ đợi xem điều này sẽ đưa Chanel và Tudor đến đâu trước mốc thời gian năm 2021, và lâu hơn thế nữa. Chỉ có một điều chắc chắn rằng tại Baselworld năm nay, người tham dự đã có cơ hội được chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ Chanel đầu tiên mang bộ máy đến từ Kenissi.


 
Back to top