Features

Armin Strom – Kiệt tác cộng hưởng của thế kỷ 21

Trong tự nhiên, cộng hưởng là điều chỉ xảy ra ngẫu nhiên, khi một vật dao động được kích thích bởi ngoại lực tuần hoàn có cùng tần số với dao động riêng của nó. Đây được xem là hiện tượng hy hữu hiếm có, với khả năng xảy ra chỉ mang tính ngẫu nhiên.

Apr 24, 2019 | By Lương Tôn Bình

Biến những điều ngẫu nhiên thành hoạt động thường xuyên có thể được xem như một khao khát thống lĩnh tự nhiên đến điên rồ. Song sự điên rồ ấy đã xuất hiện 4 lần xuyên suốt chiều dài 500 năm lịch sử của thế giới chế tác: đồng hồ quả lắc của Christiaan Huygens từ thế kỷ 17; đồng hồ quả lắc của Antide Janvier và đồng hồ bỏ túi của Abraham-Louis Breguet trong thế kỷ 18, 19; cuối cùng là đồng hồ đeo tay của Armin Strom ở thời điểm hiện tại.

Sở hữu cơ chế hiệu chỉnh độ chính xác bằng cộng hưởng, chiếc Dual Time Resonance Sapphire của Armin Strom có thể được xem như một kỳ công chế tác của thế kỷ 21. Để làm được điều đó, chiếc đồng hồ đưa 2 bộ máy độc lập vào hoạt động cùng lúc, được hiển hiện sau lớp kính sapphire 360°. Vốn dĩ được biết đến với việc luôn phô bày bộ máy để làm nổi bật những chuyển động bên trong, vỏ kính sapphire này của Armin Strom vẫn đưa khả năng thấu tỏ ấy lên một tầm cao mới.

“Vỏ Sapphire chính là một sân khấu hoàn hảo để phô diễn những thành quả tinh vi và niềm đam mê mà chúng tôi đặt trọn vào chiếc Dual Time Resonance. Sự trong suốt tuyệt đối không cho phép chúng tôi có bất kỳ sai sót nào, và đòi hỏi kỹ năng hoàn thiện ở mức độ cao nhất – điều cũng chính là triết lý hoạt động của chúng tôi,” nhà đồng sáng lập thương hiệu Claude Greisler cho biết.

Theo ông, khi nghiên cứu và ứng dụng hiện tượng cộng hưởng trong đồng hồ đeo tay, Armin Strom theo đuổi 2 mục tiêu: thứ nhất là bất kỳ cộng hưởng nào cũng cần cải thiện độ chính xác của đồng hồ, và thứ hai là mọi người đều có thể đánh giá trực quan hiện tượng cộng hưởng khi xảy ra.

Chính vì thế, lò xo ly hợp cộng hưởng – bí mật bên trong bộ máy cộng hưởng của Armin Strom – đã được ra đời sau 3 năm ròng rã, và được CSEM (Center Suisse d’Electronique et de Microtechnique) chính thức chứng nhận là hệ thống cộng hưởng thực sự. Bộ ly hợp này kết nối 2 bộ máy riêng lẻ được sắp xếp cạnh nhau, mỗi máy hiển thị 2 múi giờ riêng biệt và đồng bộ với nhau qua cộng hưởng để cải thiện độ chính xác. Hai bộ máy độc lập cũng cho phép Dual Time Resonance Sapphire sở hữu nhiều tính năng phức tạp như GMT, múi giờ thứ 2, bộ đếm thời gian hoặc đếm ngược.

Bên cạnh đó, mặt đồng hồ còn hiển thị mức dự trữ năng lượng trong vòng 24 giờ để vận hành 2 mặt hiển thị khác nhau. Với việc thực hiện thành công bộ máy tinh vi bên trong Dual Time Resonance, Claude Greisler đã tự hào khẳng định: “Việc phát triển lịch vạn niên hay tourbillon tính ra vẫn còn dễ dàng hơn rất nhiều so với những năm mà chúng tôi dành ra để tính toán và đưa vào thực tế lò xo ly hợp cộng hưởng; đó hoàn toàn là một lãnh địa khác trong thế giới đồng hồ.”

 

WOW VIETNAM X SIHH HANOI 2019

Xuất xưởng với 8 mẫu duy nhất, Dual Time Resonance Sapphire có thể được xem như một trong những mẫu đồng hồ hiếm hoi nhất thế giới, góp mặt trong triển lãm SIHH và SIHH Hanoi 2019 vừa diễn ra.

Tại sự kiện, WOW Vietnam đã có cuộc trao đổi ngắn với Giám đốc Thị trường Khu vực của Armin Strom – ông Emanuel Bitton – để tìm hiểu về thương hiệu đặc biệt gắn liền với những cỗ máy thời gian độc nhất vô nhị này.

Giám đốc Thị trường Khu vực của Armin Strom – ông Emanuel Bitton.

Dual Time Resonance Sapphire là chiếc đồng hồ hiếm hoi trên thế giới sở hữu cơ chế hiệu chỉnh độ chính xác bằng cộng hưởng. Vậy chính xác thì cộng hưởng là gì, và vì sao nó lại đặc biệt đến thế?

Có thể nói một cách trực quan như thế này: bất cứ chuyển động nào cũng gây ra những rung động trong môi trường xung quanh. Khi một vật thể khác có tần số cộng hưởng tự nhiên trùng khớp với những rung động mà nó nhận được, nó sẽ hấp thụ năng lượng và bắt đầu rung với cùng tần số đó. Ví dụ như trường hợp một đoàn quân đi đều qua cầu treo làm chiếc cầu rung lên dữ dội và rơi xuống. Đó là khi tần số bước đi của đoàn quân tình cờ trùng với tần số dao động riêng của chiếc cầu.

Để các bộ dao động của bộ máy đồng hồ có thể đồng bộ hóa với nhau, chúng phải được điều chỉnh chặt chẽ. Đến đây, hãy tưởng tượng ra hình ảnh một đứa trẻ cố gắng bước theo nhịp bước của người lớn: nó không có khả năng đồng bộ hóa sau vài bước, vì cả hai quá khác biệt để có thể tạo nên cộng hưởng. Một cú sốc bên ngoài có thể làm chậm một trong số 2 vật đang cộng hưởng, và đồng thời làm tăng tốc độ của vật kia lên cùng mức độ như thế. Nhưng cả 2 sẽ cố gắng lấy lại sự cộng hưởng, trở lại cân bằng và giảm thiểu tác động của ảnh hưởng bên ngoài khi đạt được nhịp điệu chung.

Chính vì thế, sự cộng hưởng mang đến 3 ưu điểm lớn: 1) độ chính xác cao hơn; 2) tăng bảo tồn năng lượng; và 3) giảm các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Trong khi những lợi thế của cộng hưởng đã được biết đến trong nhiều thế kỷ qua, chỉ có một số ít nghệ nhân đồng hồ khai thác thành công hiện tượng ấy, trong đó có Christiaan Huygens, Antide Janvier, Abraham-Louis Breguet. Và giờ đây là Armin Strom.

Điều này làm tôi cảm thấy khá tò mò đấy. Chính xác thì ai trong Armin Strom đã tạo nên cơ chế cộng hưởng đặc biệt này?

Đó chính là Claude Greisler, cũng là nhà đồng sáng lập thương hiệu bên cạnh Serge Michel. Cả hai là bạn của nhau từ thời thơ ấu. Bản thân cha của Serge Michel là một nhà sưu tầm, và một trong những mẫu đồng hồ được ông rất yêu thích đến từ Armin Strom. Vào thời điểm Serge Michel đang học marketing, Claude Greisler lại từng bước tạo dựng tên tuổi như một nhà chế tác đồng hồ đầy tiềm năng, và ấp ủ trong lòng ước mơ được làm việc cho Armin Strom.

Sau khi người con trai duy nhất tỏ ý không muốn tiếp quản việc kinh doanh gia đình, Armin Strom đã liên hệ với gia đình Serge Michel. Đó chính là thời điểm ông nhận ra rằng đã đến lúc cùng người bạn thuở nhỏ viết tiếp giấc mơ còn dang dở về Armin Strom.

Đến nay, Claude Greisler đã có hơn 10 năm làm việc dưới cái tên thương hiệu. Vốn có niềm hứng thú đặc biệt với đồng hồ bỏ túi cổ, ông rất ngưỡng mộ cơ chế cộng hưởng từ tác phẩm của Abraham- Louis Breguet. Tuy nhiên, không muốn lặp lại bước đi của những nhà sáng tạo trước đó, Claude Greisler có tham vọng cao hơn là đặt cơ chế này vào đồng hồ đeo tay – thứ phức tạp, tinh vi hơn rất nhiều.

Để làm được điều đó, phải kể đến sự kết hợp của rất nhiều yếu tố trong vòng 3 năm liền: phát triển công nghệ, kết cấu, nghiên cứu cơ chế của cộng hưởng… Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm việc cùng CSES, Học viện Quốc gia về điện tử và kỹ thuật vi mô. Đây là một tổ chức do chính phủ điều hành, quy tụ những con người tài năng nhất trong ngành, được ví như MIT của Thụy Sĩ vậy.

Có phải đây là lần đầu tiên Armin Strom xuất hiện tại Việt Nam không, thưa ông?

Đúng thế. Trước đây, chúng tôi chưa từng có đại diện phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Vài năm trước, tôi quen biết vài người trong Miluxe, chỉ là mối quan hệ cá nhân thôi. Nhân sự kiện SIHH Hanoi 2019, tôi đưa các tạo phẩm của Armin Strom đến với các khách hàng cũng như giới truyền thông Việt Nam. Có thể nói, đây chính là bước đệm đầu tiên cho một mối cộng tác lâu dài trong tương lai.

Theo chúng tôi nhận biết, Việt Nam đang là thị trường rất phát triển. Điều đó được thể hiện qua con số trung tâm mua sắm và cửa hàng đang ngày một tăng trưởng. Khi đất nước ổn định và phát triển, thị trường cũng được mở rộng hơn. Vì thế, Việt Nam đang là đích đến tiếp theo của chúng tôi.


 
Back to top