Markets

Thống kê thị trường đồng hồ năm 2018: Những ngày bất định

Với mức tăng trưởng gấp đôi tại Watches & Wonders Miami cùng những gì đang chờ đón phiên bản tiếp nối của triển lãm đồng hồ Geneva và Basel năm 2020, việc nhìn lại diễn biến thị trường đồng hồ năm 2018 quả là một điều thú vị.

May 03, 2019 | By Hai Yen Ho

2018 có thể được xem như một năm với nhiều thay đổi đáng kể trong thị trường đồng hồ. Baselworld dần mất đi khách hàng, mà đỉnh điểm là việc tập đoàn Swatch tuyên bố rời cuộc chơi làm dấy lên mối nghi ngại về sự trường tồn của tổ chức đã hiện diện từ năm 1917. Đối với nhiều thương hiệu, năm vừa qua là điển hình của những tác động còn sót lại từ thời kỳ đen tối trong lịch sử đồng hồ hiện đại, giai đoạn từ 2015 đến 2017 khi sự tăng ảo của chi tiêu dẫn đến việc nhiều thương hiệu mới và thiết kế táo bạo phát triển mạnh mẽ. Mặc cho công nghệ số bùng nổ, kiểu quảng bá truyền thống với những mẫu đồng hồ kim loại vẫn là công cụ hiệu quả để báo chí hay các nhà bán lẻ kích cầu.

Sau 11 năm kể từ khi một nhóm thương hiệu nhỏ tách khỏi Baselworld để thành lập SIHH ở Geneva và mở triển lãm riêng, có vẻ như sự phát triển bùng nổ của kinh tế toàn cầu đang buộc hai cuộc triển lãm này một lần nữa phải kết hợp với nhau; tuy điều này khiến nhiều tên tuổi lớn hay nhà bán lẻ cảm thấy không khỏi lúng túng (bản thân Biver không tán đồng) vì đòi hỏi nhiều nguồn lực để tham dự suốt 10 ngày liên tiếp (kể cả cuối tuần). Dẫu vậy, bất kể những biểu hiện u ám, năm vừa qua vẫn cho thấy nhiều số liệu thị trường đồng hồ đầy khả quan.

“Ông lớn” của ngành công nghiệp

Mặc dù doanh số toàn cầu đã suy yếu (mà Bắc Mỹ là ngoại lệ duy nhất) trong quý 4 năm 2018, tập đoàn Swatch vẫn công bố những con số tích cực nhờ tăng trưởng trong phân khúc Đồng hồ và Trang sức. Mức tăng trưởng của tập đoàn đạt 15,2%, trong khi doanh thu đạt 1.154 triệu CHF, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận là 13,6%. Thu nhập ròng lên tới 867 triệu CHF, tương đương 10,2% doanh thu thuần với mức tăng trưởng doanh số mạnh nhất đến từ dòng xa xỉ phẩm của các thương hiệu tên tuổi như Blancpain, Omega và Longines, dù có nhiều đơn đặt hàng bị trả về. Nguyên nhân đến từ trở ngại ở chuỗi cung ứng của Habillage. Tuy đây là công ty tiên phong về mô hình chuỗi cung ứng hàng dọc, tập đoàn hầu như vẫn không phát huy được ưu điểm của Habillage trong nửa cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, Swatch group còn đạt mức phát triển cao từ phân khúc tầm thấp và tầm trung, đặc biệt nhờ tốc độ tăng trưởng kỷ lục của châu Á và chiếm lĩnh thị phần ở Nhật Bản trong cả mảng bán sỉ, chuỗi bán lẻ và thương mại điện tử. Bức tranh đối lập còn được khắc họa qua việc Anh và Thụy Sĩ tăng doanh số bán hàng, song các thị trường đồng hồ còn lại khắp châu Âu cho thấy một quang cảnh hỗn loạn khi Pháp công bố kết quả sụt giảm vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, Compagnie Financière Richemont SA, hay còn được biết đến với cái tên thông dụng là “tập đoàn Richemont”, lại tận dụng môi trường lãi suất thấp để tăng nợ dài hạn nhằm tập trung cho sự phát triển của công ty, huy động vốn 4 tỷ euro trong đợt phát hành trái phiếu vào tháng 3 năm 2018. Thực tế này một lần nữa củng cố sự vững vàng tài chính cũng như cơ hội tăng trưởng dài hạn của tập đoàn.

Được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong bán lẻ và tăng trưởng gấp đôi ở châu Á – Thái Bình Dương (nhờ sức mạnh đặc biệt ở Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Ma Cao), doanh số của tập đoàn Richemont năm qua cũng tăng 3% theo tỷ giá thực tế. 59% trong số đó được thúc đẩy nhờ các thương hiệu trang sức như Cartier. Với sự trở lại đầy thành công, dòng “Panthère” được xem là thế hệ tiếp nối cho một trong những sáng tạo mang tính biểu tượng nhất đến từ thương hiệu này.

Longines thành công rực rỡ với các mẫu VHP, và có mặt khắp nơi trong khuôn khổ Thế vận hội của Khối thịnh vượng chung. Trong mắt những người chơi sành sỏi, Longines là thương hiệu có giá cả vừa phải, mà điển hình là chiếc Master Collection Annual Calendar trên tay diễn viên Simon Baker.

Tuy nhiên, điều bất ngờ lại ẩn chứa trong tiểu tiết. Những thương hiệu hàng đầu của tập đoàn như A. Lange & Sohne và Jaeger LeCoultre, chiếm đến 25% doanh số năm 2018, lại có mức doanh thu bị giảm còn 2.714 triệu euro so với 2.879 triệu euro năm 2017. Trong khi đó, mảng đồng hồ trang sức lại khởi sắc mạnh mẽ với doanh thu 6.447 triệu euro so với con số 5.927 triệu euro của cùng kỳ năm ngoái.

Tổng kết kết quả kinh doanh hàng năm là bản tóm tắt ngắn gọn sau báo cáo cuối cùng của Richemont vào tháng 9, ghi nhận sự giảm mạnh doanh thu trong tháng 9 và trái ngược với doanh số tăng 10% trong quý 2 của năm. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, bong bóng nợ đầu cơ của Trung Quốc là những mối đe dọa tiềm tàng cho công ty do sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đồng hồ này, tính cả Hong Kong và Ma Cao.

Xét quy mô toàn ngành, cơ quan thương mại của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ mới đây ra tuyên bố rằng xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã lên mức 21,2 tỷ CHF trong năm, tăng 6,3% so với năm 2017. Các nhà phân tích dự báo doanh số đồng hồ xa xỉ sẽ giảm trong nửa đầu năm 2019. Theo nguồn tin nội bộ, Swatch Group kêu gọi đóng băng 20% quảng cáo vì dự đoán tăng trưởng chậm hơn trong năm. Sau một năm tăng trưởng bền vững và suy thoái vào tháng 12, xuất khẩu ngành đồng hồ vẫn ổn định vào tháng 1 năm 2019, giữ ở mức 1,6 tỷ CHF, cao hơn 0,2% so với tháng 1 năm 2018. Tuy vậy, tác động của kết quả bất lợi từ tháng 12 năm ngoái dự kiến tiếp tục ảnh hưởng đến con số xuất khẩu của ngành đồng hồ trong nửa đầu năm 2019.

Dù sao đi nữa, có một sự thật không thể chối cãi rằng kim loại quý vẫn luôn được ưa chuộng. Đồng hồ làm từ kim loại quý là loại duy nhất có giá trị gia tăng trong thống kê xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này bị bù trừ bởi mức giảm ở các nhóm vật liệu khác. Số lượng xuất khẩu ra nước ngoài bị giảm mạnh ở các mẫu đồng hồ thép. Đồng hồ từ các loại vật liệu và kim loại khác có giá dưới 500 CHF (giá xuất khẩu) bị giảm đáng kể cả về khối lượng và giá trị. Ở mức độ thấp hơn, những đồng hồ thuộc phân khúc tầm trung trong phạm vi giá 500 – 3.000 CHF tương tự giảm 4,8% vào tháng 1 năm 2018. Độ ổn định xuất khẩu có được nhờ xu hướng tăng tích cực của những mẫu đồng hồ có giá hơn 3.000 CHF, mặc dù tổng số đồng hồ xuất khẩu đã giảm.

Triển lãm sẽ đi về đâu?

Watches & Wonders Miami, được Fondation Haute Horlogerie và Miami Design District Associates phối hợp tổ chức, là sự kiện tập hợp nhiều thương hiệu đồng hồ cao cấp trên thế giới. Sự kiện kéo dài trong 3 ngày trùng với thời điểm Ngày Tổng thống Hoa Kỳ, thu hút gần 28.000 lượt khách tham quan đến Miami Design District – một con số đáng kinh ngạc khi tăng đến 40% so với năm 2017. Đây là bằng chứng cho thấy mô hình này hiệu quả hơn việc tổ chức các triển lãm liên tiếp trong 2 tuần, đòi hỏi các nhà báo hay khách hàng bán lẻ phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để tham gia.

Thông thường, các thương hiệu như Bvlgari, Chopard, Dior, Hublot và TAG Heuer không tham gia triển lãm Salon International de la Haute Horlogerie Genève vào tháng 1, mà thay vào đó, họ tổ chức buổi “Geneva Days” tại khách sạn Kempinski và Ritz Carlton trong cùng thành phố. Tuy nhiên, với kiểu triển lãm như Watches & Wonders Miami, nhiều thương hiệu đã nhìn thấy tiềm năng trong việc tiếp cận giới tiêu dùng xa xỉ, những người có ảnh hưởng trong ngành cũng như phía truyền thông.

Watches & Wonders không chỉ là hội chợ đồng hồ thông thường, triển lãm quy mô này còn trưng bày các mẫu xe hiếm nhất và là một phần của Miami Concours. Trong khi đó, triển lãm Du thuyền Miami hàng năm tại One Herald Plaza còn điểm thêm nét thú vị cho sự kiện (đặc biệt nếu các thương hiệu đồng hồ tình cờ tung ra bộ sưu tập lấy cảm hứng từ du thuyền hay biển) với gần 500 du thuyền và siêu du thuyền được trưng bày, bao gồm cả chiếc “Kismet” dài gần 100m. Được xem là hướng đến người tiêu dùng hơn là một sự kiện thương mại, triển lãm Watches & Wonders đóng vai trò như một hình thức mới, tiếp thêm sinh lực và lan tỏa niềm đam mê đồng hồ vượt khỏi những giới hạn thông thường.

Watches & Wonders Miami có thể được xem là cuộc triển lãm dành cho người tiêu dùng hơn là hội chợ thương mại, nhưng sức hút đến từ các lĩnh vực liên quan như du thuyền và xe hơi cổ điển vẫn tạo nên sự cộng hưởng tốt.

Bí mật, dối trá và những con số

Phải thừa nhận rằng báo cáo tài chính do các tập đoàn và cơ quan đồng hồ như Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ phát hành rất quan trọng để có được cái nhìn bao quát về lượng xuất khẩu và bán lẻ. Nhưng cũng cần lưu ý là hầu như không có con số cụ thể nào cho biết có bao nhiêu đồng hồ đã đến tay người dùng. Từ hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đến số lần mua lại và thậm chí doanh thu trên thị trường chợ đen, mọi chi tiết kinh tế vi mô đều bị che giấu khiến việc tính toán chính xác là không thể. Tuy nhiên, nếu xem xét giá trị xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ năm 2018 là 21,2 tỷ CHF, tăng 6,3% so với năm 2017, chúng ta vẫn có thể lạc quan vì thị trường đã cho thấy xu hướng tăng trưởng “chuẩn mực mới”, tuy vẫn còn khiêm tốn.

Ngoài ra, sự phân hóa thị trường đồng hồ ở từng khu vực cũng được xem như một “tiêu chuẩn mới”. Châu Á chiếm 53% doanh thu đồng hồ Thụy Sĩ năm 2018 với phần lớn thị phần đến từ Trung Quốc. Giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất của Trung Quốc trong 3 thập kỷ (6,6%), cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Tổng thống Donald Trump và sự bế tắc công nghệ ở châu Âu xuất phát từ những cáo buộc gián điệp, việc Trung Quốc đang nỗ lực điều hành trên nhiều mặt trận có thể là sự đe dọa ngầm đến tình trạng phục hồi gần đây của ngành công nghiệp đồng hồ.

Thêm vào đó, Hong Kong cũng là trung tâm thương mại lớn cho toàn ngành công nghiệp, và bất kỳ suy thoái kinh tế nào ảnh hưởng đến đại lục chắc chắn cũng tràn đến lãnh thổ này. Trong khi đó ở châu Âu, một thỏa thuận Brexit không chắc chắn và tương lai không xác định của nền kinh tế Anh đều có khả năng gây nhiễu mà các báo cáo tài chính hiếm khi đề cập tới. Điều đó cho thấy sự không rõ ràng trong tâm lý của nhà đầu tư – họ không hy vọng rằng cổ phiếu của tập đoàn Swatch cũng giảm đi như Richemont, LVMH và Kering.

Và sau khi mọi thứ tạm lắng xuống, năm 2019 có thể là nền tảng để chúng ta tiếp tục xây dựng trên cơ sở nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi, để trông đợi những ngày lạc quan hơn phía trước.

BÀI: JONATHAN HO | CHUYỂN NGỮ: VINCENT PHẠM

 
Back to top