Điểm lại 6 kỷ lục đấu giá đồng hồ năm 2018
Không nằm ngoài dự kiến, Rolex và Patek Philippe tiếp tục là hai cái tên áp đảo mọi phiên giao dịch đồng hồ, để xác lập kỷ lục đấu giá năm vừa qua.
Đối với một ngành công nghiệp luôn trân trọng di sản và những gì để lại từ quá khứ, sàn đấu giá luôn là một cảnh quan hấp dẫn với mọi sự thay đổi nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên. Kỷ lục mới được xác lập hàng năm, nhờ vào nhu cầu cao của những vật phẩm duy nhất được tìm thấy trong các bộ sưu tập cũ. Có thể không có chiếc đồng hồ nào làm lu mờ Henry Graves Supercomplication của Patek Philippe từ năm 2014 hoặc chiếc Rolex Daytona Ref. 6239 thuộc sở hữu riêng của Paul Newman từ năm 2017, năm vừa qua vẫn ghi nhận một vài mẫu đồng hồ nổi bật.
Rolex Daytona Ref.6265 Unicorn
Các nhà sưu tầm đương nhiên muốn sở hữu những gì người khác không thể có, và một chiếc Rolex Daytona bằng vàng trắng cổ điển tuy đơn giản nhưng quý hiếm cũng đủ tạo nên cơn chấn động. Khi Hodinkee cho biết rằng vẫn còn một chiếc tồn tại vào năm 2013, cả thế giới đồng hồ gần như được hâm nóng. Sự hiếm có của nó đã được công ty đấu giá Phillips lý giải như sau: “trong nhiều năm, người ta thường chấp nhận rằng Rolex chỉ sản xuất các mẫu Cosmograph lên dây cót tay bằng thép không gỉ hoặc vàng, và không bao giờ bằng bạch kim, vàng hồng hoặc vàng trắng”. Nhưng hoá ra, một khách hàng đã cố gắng thuyết phục thương hiệu thực hiện mẫu vật đặc biệt này, và phần còn lại đã được lịch sử quyết định.
Lịch sử ấy đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 5 năm 2018, với mức giá 5,937,500 franc Thụy Sĩ tại buổi đấu giá Daytona Ultimatum của Phillips. Chiếc Rolex Daytona Ref.6265 Unicorn hiện đang là chiếc Rolex đắt thứ hai từng được bán tại một cuộc đấu giá đồng hồ. Nhưng điều quan trọng nhất tạo nên giá trị cho mẫu đồng hồ này chính là toàn bộ doanh thu đều được quyên góp cho tổ chức từ thiện Children Action.
Patek Philippe Ref. 2499 Perpetual Calendar Chronograph Asprey
Danh hiệu chiếc đồng hồ Patek Philippe được đấu giá cao nhất năm qua thuộc về Patek Philippe Ref. 2499 Perpetual Calendar Chronograph Asprey, với con số 3,915,000 franc Thụy Sĩ tại buổi đấu giá Đồng hồ quan trọng (Important Watches) gần đây của Sotheby’s tại Geneva. Chiếc đồng hồ, một vật phẩm độc nhất, được sản xuất bởi nhà chế tác Thụy Sĩ danh giá vào năm 1952 và được bán ra vào năm 1956. Ref. 2499 Asprey lần đầu tiên được đưa ra đấu giá vào năm 2006, và từ đó nằm trong một bộ sưu tập cá nhân. Nét độc đáo của tác phẩm nằm ở mặt số có dấu ấn của cả Patek Philippe và Asprey.
Patek Philippe Ref. 2499 (lần thứ 2)
Vật phẩm tiếp theo nằm trong danh sách lại là một chiếc Ref. 2499 khác, nhưng lần này lại mang dấu ấn của nhà phân phối Venezuela – Serpico y Laina – được thành lập ở Caracas. Điều khiến chiếc Ref. 2499 trở nên đặc biệt (để có đến ba mẫu góp mặt trong danh sách này) là thực tế rằng qua bốn series khác nhau trong suốt quãng thời gian 35 năm, chỉ có 349 mẫu được hoàn thiện. Theo đó, ước tính chỉ có 10 chiếc đồng hồ được xuất xưởng mỗi một năm.
Chiếc Patek Philippe Ref 2499 Perpetual Chron Chronograph Serpico y Laina Caracas đặc biệt này được xướng tên tại sàn đấu giá Đồng hồ hiếm (Rare Watches) của Christie, với giá trị lên đến 3,252,500 franc Thụy Sĩ.
Rolex Daytona Ref. 6240
Tiền thân của chiếc Daytona Ref. 6265 (series Paul Newman), Ref. 6240 chính là mẫu đồng hồ bấm giờ dùng nút bấm đầu tiên, với tỉ lệ mặt số độc đáo khi các mặt số phụ gần như chạm vào vạch bên ngoài, như Phillips đã khẳng định: “bất kỳ chiếc Cosmograph nào sở hữu các mặt số phụ quá khổ như thế này ngày nay đều được gọi là ‘Big Eye’”. Điều mà các nhà sưu tầm tinh mắt cũng có thể nhận thấy, đó là thực tế rằng mặt số không có dòng chữ “Cosmograph” hay “Daytona” nào.
Bởi vì sự độc đáo vốn có và lịch sử lâu đời khi xuất hiện trước cả những chiếc Paul Newman, mẫu Daytona Ref. 6240 đặc biệt này đã được chốt giá với 3,012,500 franc Thụy Sĩ trong cuộc đấu giá Daytona Ultimatum hồi tháng 5.
Patek Philippe Ref. 2499 (lần thứ 3)
Một lần nữa, chiếc Patek Philippe Ref. 2499 lại xuất hiện trong danh sách, và lần này là mang dấu ấn của nhà kim hoàn và bán lẻ nước Mỹ Tiffany & Co. Được bán với giá 2,950,762 franc Thụy Sĩ tại Hong Kong, đây hiện là chiếc đồng hồ đắt nhất được bán đấu giá tại châu Á. Theo Sotheby’s, đơn vị tổ chức đấu giá chiếc đồng hồ, tuyệt tác này có khả năng là chiếc duy nhất thuộc loại này, khi chỉ có sáu chiếc trong dòng sản phẩm được làm bằng vàng hồng.
Trong khi chiếc Ref. 2499 mang dấu ấn Asprey được sản xuất vào năm 1952 và bán ra năm 1956, mẫu Tiffany & Co này ra đời lâu đời hơn 20 năm tuổi, được sản xuất vào năm 1971 và bán ra năm 1972. Như đã đề cập trước đó, Ref. 2499 chỉ được sản xuất trong thời gian giới hạn từ 1950 đến 1986, khiến series trước có giá trị cao hơn vì được sản xuất ít hơn.
Patek Philippe Sky Moon Tourbillon Ref. 6002G
Xuất hiện trên sàn đấu giá Đồng hồ quan trọng của Poly Auction tại Hong Kong, Patek Philippe Sky Moon Tourbillon Ref. 6002G chính là mẫu vật phức tạp, tinh tế nhất trong danh sách. Tác phẩm này được Patek Philippe phát hành vào năm 2014 với hàng loạt tính năng phức tạp được phô diễn đẹp đẽ trên cả 2 mặt số. Trong đó có một tourbillon, một cơ chế điểm chuông với 2 chuông, một đồng hồ lịch vạn niên, một sky chart vùng Bắc bán cầu, cũng như hiển thị lịch tuần trăng. Bên cạnh đó, mặt số đồng hồ còn được phủ men cloisonné và champlevé để đạt hiệu ứng tráng lệ.
Mặc dù chắc chắn sở hữu nhiều tính năng phức tạp hơn mọi chiếc đồng hồ khác, nhưng trên thực tế, Sky Moon Tourbillon lại không đạt được mức đấu giá quá cao với 2,695,207 franc Thụy Sĩ. Bốn năm trước đó, mẫu đồng hồ đã được bán với mức giá cao tương đối cùng phiên bản giới hạn chỉ có 5 chiếc. Với sự đánh giá cao dành cho đồng hồ Patek Philippe trong nhiều năm qua, chúng ta có thể hình dung rằng trong 40 năm tới, Sky Moon Tourbillon có thể nhận được mức đấu giá cao hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.