5 cách hữu hiệu để phát hiện một chiếc đồng hồ giả
Nếu đang có ý định sắm một chiếc đồng hồ mới, đừng bỏ qua những mẹo nhỏ từ chuyên gia dưới đây để bảo vệ túi tiền và cổ tay của bạn.
Từ lâu, đồng hồ giả đã được xem là mánh lới làm ăn rất béo bở. Theo ước tính, thị trường dành cho loại sản phẩm đặc biệt này có giá trị lên đến 1 tỷ USD một năm, chiếm 1/12 tổng số doanh thu của cả ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Một số báo cáo cho thấy có đến 30% lượng tìm kiếm đồng hồ là dành cho đồng hồ giả. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều hàng giả đang được bày bán ngoài kia để đưa những người vô ý vào tròng.
Giờ đây, việc phát hiện ra điều này ngày càng khó khăn hơn. Cách đây vài thập kỷ, những chiếc đồng hồ “Bolex” được bán ngoài sân bay có thể dễ dàng bị phát hiện. Nhưng hiện tại, với sự phát triển “chuyên môn” không ngừng nghỉ, những người chuyên làm giả đồng hồ đã có thể tạo nên các cỗ máy thời gian gần như không thể phân biệt được với hàng thật.
Thị trường dành cho đồng hồ giả có giá trị lên đến 1 tỷ USD một năm, chiếm 1/12 tổng số doanh thu của cả ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.
Trong một số trường hợp, những chiếc đồng hồ giả còn được chú trọng đến từng chi tiết hoàn thiện thủ công. Các cạnh bỏ được đánh bóng và chải satin trau chuốt; những bộ máy cơ chất lượng (thường là ETA) được điều chỉnh để trông giống như bản gốc; lớp phủ dạ quang được dát cẩn thận trên chữ số, thậm chí cả số serial và chữ in cỡ nhỏ cũng được khắc bằng tay với kỹ năng thực thụ. Với một chiếc đồng hồ giả như vậy, bạn cần phải có nhiều thứ hơn là chỉ một chiếc kính lúp để nhận biết được sự khác biệt.
Những thứ này là gì? Để đảm bảo số tiền bạn bỏ ra cho chiếc đồng hồ đắt đỏ không rơi vào hư không, hãy học theo những bài học dưới đây từ các chuyên gia đồng hồ hàng đầu của Anh quốc, và biết cách phân loại chiếc Frédérique Constants thứ thiệt khỏi đống đồng hồ giả chắp nối.
Tìm đúng địa điểm
Nếu bạn thấy chiếc Rolex Daytona Paul Newman được xếp lớp trên tấm vải bạt, thì 110% đây là một chiếc đồng hồ giả. Tuy nhiên, việc được bài trí sang trọng sau lớp kính cửa hàng cũng không có nghĩa đó là chiếc đồng hồ thật. Chỉ trừ khi bạn đến đúng cửa hàng được ủy quyền từ thương hiệu, bạn mới có thể đoan chắc rằng những gì nhận được là những điều cửa hàng đã cam kết.
Để thêm phần chắc chắn, hãy hỏi các nhân viên hay đại diện của hàng về giấy phép kinh doanh, và kiểm tra kỹ trên trang web chính thức của thương hiệu đồng hồ để làm rõ thông tin. Đôi khi, việc chi thêm một ít cho đồng hồ được bán tại cửa hàng chính hãng cũng là điều cần thiết, nếu so với khả năng bấp bênh khi mua trên eBay hoặc cửa hàng xách tay.
Nhờ vậy, bạn sẽ không chỉ có thể đảm bảo rằng đó là đồng hồ thật, mà còn được hưởng dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng hay đổi trả nếu như gặp vấn đề.
Đừng trông chờ giảm giá
Đồng hồ thường được xem là những vật phẩm đầu tư thông minh vì có giá trị ổn định. Vì vậy, hãy cảnh giác với những người bán tỏ vẻ như không biết gì về giá trị tiềm năng của một chiếc Rolex.
“Nếu mọi việc quá suông sẻ đến mức phi thực tế, thì nó đúng là phi thực tế đấy,” Tim Pavy, một nhà bán lẻ từng làm việc với The Watch Gallery cho biết. “Nếu bạn thấy mình đang tiết kiệm được hơn 25% giá trị thị trường hiện tại của một mẫu tương đương, thì khả năng cao đó không phải là hàng chính hãng.”
Trên thực tế, sẽ rất khó bắt gặp một chiếc đồng hồ từ một thương hiệu nổi tiếng được bán giảm giá – các cỗ máy thời gian từ Rolex và Omega đáng giá từng xu một, và những người mua chúng đều biết rõ điều này. Vì vậy, hãy thực tế hơn khi nói đến khả năng mua được đồng hồ giảm giá.
Cầm tận tay đồng hồ
Một bức ảnh nói lên rất nhiều điều, và hầu hết những điều ấy đều là giả dối. Nếu mua đồng hồ qua đấu giá online hoặc một trang web cũ, thì theo anh Pavy, “việc thiếu vài chi tiết trong bức ảnh có thể là dấu hiệu cho thấy người bán có điều gì đó để che giấu.”
Hãy cảnh giác nếu hình ảnh bị mờ hoặc không được chụp ở mọi góc độ. “Hình ảnh đồng hồ mà thiếu hộp hoặc giấy tờ của hãng cũng có thể cho thấy sự thiếu hợp pháp. Về cơ bản, bạn cần nắm được từng chi tiết nhỏ, đặc biệt là các chi tiết lỗi hay thiếu hoàn thiện trong đồng hồ, cùng lời mô tả chi tiết về thời điểm nó được mua, tần suất sử dụng, độ hao mòn, cùng với các nhược điểm tiềm ẩn khác (vết trầy, xước hay dấu hiệu sửa chữa).”
Nếu có thể đến mua trực tiếp, hãy đến một đại lý bán lẻ trực tuyến được ủy quyền phân phối như The Watch Gallery, Mr Porter hay Watches of Switzerland, cả ba đều có nhiều mẫu đồng hồ thuộc các thương hiệu hàng đầu trên thế giới.
Xem xét trọng lượng và kỹ thuật hoàn thiện
Để tiết kiệm chi phí, những người làm đồng hồ giả thường tìm đến các vật liệu rẻ tiền, dẫn dến việc đồng hồ giả thường có trọng lượng thấp hơn so với đồng hồ thật. Chính vì thế, nếu có cảm giác chiếc đồng hồ hơi “nhẹ” quá so với mức hình dung, bạn cũng cần xem lại.
Bên cạnh đó, theo ông Lloyd Amsdon, nhà đồng sáng lập của Watchfinder, “một trong những phần khó nhất trong việc chế tạo chiếc đồng hồ chính hãng là hoàn thiện thủ công, một quá trình không thể được sao chép bằng máy. Một chiếc đồng hồ giả mạo thường tạo nên cảm giác sắc nét ở các cạnh, một dấu hiệu cho thấy chúng chưa được xử lý đúng cách.”
Những món hàng giả được làm tinh vi có thể bắt chước kết cấu chải satin trên bề mặt thép không gỉ, nhưng nếu nhìn gần, chúng ta vẫn có thể phát hiện điểm bất thường. Vì thế, hãy trang bị cho mình chiếc kính lúp có độ phóng đại cao để xem xét đồng hồ từ nhiều góc độ.
Soi kỹ mặt số
Hãy lấy kính lúp soi thật kỹ mặt số, cố gắng tìm bất kỳ chữ cái nào bị dùng sai hay các chi tiết nhầm lẫn. Đồng hồ xa xỉ được bán dựa trên sự hoàn hảo, nên nếu phần logo trên chiếc Audemars Piguet của bạn không khớp, thì đó là hàng giả chứ không phải hàng lỗi.
Cũng theo ông Amsdon, “việc in thông số lên mặt số là điều rất khó làm đối với những người chuyên chế đồng hồ giả, vì phông chữ thường là độc quyền của thương hiệu. Điều đó có nghĩa là một món đồ giả mạo sẽ thiếu sự nhất quán.” Vì thế, trước khi quyết định rút hầu bao, hãy tìm kiếm hình ảnh mặt số chuẩn trên các trang web của thương hiệu và so sánh từng chi tiết.
Bên cạnh đó, các chi tiết chạm khắc cũng là dấu hiệu để nhận biết đồng hồ thật hay không. Hãy ghé mắt lại gần và kiểm tra tính nhất quán cũng như độ mượt mà của các đường chạm khắc – kết cấu chữ khắc cần đồng đều hoàn hảo và không có tì vết. Với chiếc đồng hồ giả, vết khắc chữ hoặc số thường để lại những dấu răng cưa hay vài chi tiết thô, sần. Vì vậy, hãy lưu ý điều này để không bị mắc bẫy.