Vintages

Tuyệt tác Rolex Daytona cực hiếm lập kỷ lục tại phiên đấu giá Sotheby’s – Hong Kong

Xuất hiện trong bộ vỏ bằng bạch kim quý giá và mặt số được chế tác từ đá quý Lapis Lazuli, chiếc Rolex Daytona quý hiếm đã lập kỷ lục trong một phiên đấu giá vừa diễn ra. Đồng thời, đây cũng là mẫu Rolex Daytona có bộ máy cơ tự động có mức giá cao nhất trong số các phiên bản Daytona được đấu giá.

Jul 17, 2020 | By Lương Tôn Bình

Theo Hodinkee, phiên bản Daytona vừa tạo tiếng vang trong phiên đấu giá Sotheby’s – Hong Kong có tên gọi chính xác là Rolex Cosmograph Daytona với vỏ được chế tác từ chất liệu bạch kim độc đáo và mặt số làm từ đá quý Lapis Lazuli. Với 2 yếu tố kể trên, không hổ danh khi tạo tác này đạt mức giá ấn tượng 3,27 triệu USD.

Với con số 3,27 triệu USD hay 25,37 triệu HKD, có thể nói rằng chiếc Rolex Cosmograph Daytona Ref. 16516 có giá trị ước tính cao gấp ba đến sáu lần so với giá trị ban đầu. Hơn nữa, phiên bản này còn lập kỷ lục thế giới về mức giá cho một chiếc Rolex Daytona tự động. Được biết, chiếc Daytona nắm giữ mức giá cao nhất cho tới thời điểm hiện tại thuộc về mẫu Daytona vận hành bởi bộ máy cơ lên dây cót thủ công của Paul Newman, được bán với giá 17,75 triệu USD tại phiên đấu giá Phillips diễn ra vào tháng 10 năm 2017.

Khác biệt với nhà đấu giá Phillips, các chuyên gia Sotheby không chỉ xem trọng yếu tố khan hiếm, hoặc chất liệu cấu thành một chiếc đồng hồ để thẩm định giá trị, mà họ còn rất coi trọng câu chuyện lịch sử mà chiếc đồng hồ chứa đựng. Theo tìm hiểu từ giới sưu tầm, phiên bản Rolex Cosmograph Daytona Ref. 16516 xuất hiện trong phiên đấu giá Sotheby được sản xuất vào năm 1999 – thời điểm cuối giai đoạn Rolex sử dụng bộ máy cơ tự động Zenith El Primero ở dòng Daytona (Rolex bắt đầu sử dụng bộ máy của Zenith vào năm 1988 và được thay thế bằng bộ máy bấm giờ tự động do chính Rolex chế tạo vào năm 2000).

Chưa đầy hai năm trước, vào tháng 10 năm 2018, Sotheby đã bán đấu giá một chiếc Daytona bạch kim tương tự với giá 6,84 triệu HKD tức 872.100 USD. Tuy nhiên đó là phiên bản sở hữu mặt số khảm xà cừ đen, cả hai đều có cùng số tham chiếu là 16516 và chỉ được ra mắt giới hạn trong năm 1999. Ngoài ra, còn một yếu tố nhận biết khác là dòng chữ “XII 1998” được khắc ở nắp lưng.

Để nói về sự quý giá và độ hiếm có của chiếc Cosmograph Daytona bạch kim này, các chuyên gia tại Sotheby đã nhận định: “Trong khi Rolex thường chỉ sản xuất các mẫu Daytona tự động bằng chất liệu thép không gỉ, vàng 18K, vàng trắng hoặc S&G, thì ngày hôm nay, chúng ta đã có dịp gặp gỡ một vị chủ nhân may mắn khi anh ta được sở hữu một tuyệt tác Rolex Daytona với bộ vỏ bạch kim ra đời năm 1999. Thậm chí từng có nguồn tin cho rằng chiếc đồng hồ cực hiếm này từng thuộc về Patrick Heiniger – CEO của Rolex”.

Tôn Bình 

 
Back to top