Vintages

Trước Omega Speedmaster, phi hành gia NASA từng đeo đồng hồ gì?

Cùng World of Watches Vietnam điểm lại những chiếc đồng hồ mà các phi hành gia NASA từng đeo lên vũ trụ trước khi Speedmaster trở thành tiêu chuẩn cho mọi nhiệm vụ không gian có người lái.

Jul 26, 2019 | By Hai Yen Ho

Nhiệm vụ không gian có người lái ngày 1/6/1965

James H. Ragan, Kỹ sư Dự án và Quản lý Chương trình của NASA đã nghỉ hưu và Petros Protopapas, Giám đốc Di sản Omega Quốc tế từng ghi lại trong cuốn Moonwatch Only rằng trong các nhiệm vụ Gemini, Cơ quan đã nhận thấy việc cần phải “thử nghiệm, lựa chọn và xác nhận” một loạt thiết bị tiêu chuẩn cho các phi hành gia sử dụng. Một trong các thiết bị trong danh sách ban đầu chính là yêu cầu do các phi hành gia đưa ra, một chiếc đồng hồ để sử dụng trong quá trình huấn luyện và bay.

Chỉ huy phi hành đoàn Deke Slayton nhận nhiệm vụ tìm kiếm chiếc đồng hồ này bằng cách phát hành một bản ghi nội bộ liệt kê sự cần thiết của đồng hồ bấm giờ chính xác và bền bỉ sẽ được các phi hành đoàn của Gemini và Apollo sử dụng. Bản ghi sau đó được đưa đến tay của James Ragan. Nhiệm vụ của ông là gửi yêu cầu cho một loạt nhà chế tác đồng hồ do Deke Slayton ấn định trước đó.

James H. Ragan đưa Speedmaster vào thử nghiệm (Ảnh: NASA)

Tài liệu xác nhận Speedmaster 105.003 thuộc chương trình Gemini của NASA (Ảnh: Omega)

Ngay sau đó, ba thương hiệu đã đáp ứng yêu cầu trên và gửi đến NASA các mẫu đồng hồ để thử nghiệm. Đó chính là Longines-Wittnauer 235T, đồng hồ bấm giờ Rolex 6238 và cuối cùng là Omega Speedmaster có mã số 105.003. Điều gây tò mò ở đây là chiếc Speedmaster dùng bộ máy Lemania 2310 riêng của Omega, trong khi đồng hồ Rolex và Longines sử dụng các phiên bản Valjoux 72 của thương hiệu.

Phần còn lại, như chúng ta biết trong lịch sử, Speedmaster 105.003 đã sống sót qua các cuộc thử nghiệm mà NASA dành cho chiếc đồng hồ trước khi được xác nhận là “đủ điều kiện cho tất cả các nhiệm vụ không gian có người lái” vào ngày 1/6/1965.

Lý do NASA phải thực hiện bài kiểm tra khắc nghiệt như vậy là vì trước đó, các phi hành gia đều đeo đồng hồ cá nhân trong nhiệm vụ mà mọi thiết bị khác đều được các kỹ sư máy bay kiểm tra và xác minh, nhằm đảm bảo an toàn và thành công tuyệt đối. Và câu chuyện của chúng ta đến nay đã bắt đầu: đâu là những chiếc đồng hồ được mang ra khỏi Trái đất kể từ khi NASA khởi xướng nhiệm vụ Mercury (1959-1963)?

Friendship 7 (ngày 20/2/1962) – TAG Heuer

John H. Glenn, Jr. được xem là phi hành gia đầu tiên của NASA đeo đồng hồ lên vũ trụ trên tàu Friendship 7 vào ngày 20/2/1962. Glenn đã đeo đồng hồ bấm giờ TAG Heuer có mã số 2915A với dây đeo co dãn.

John Glenn trên chiếc Friendship 7

Điều đáng lưu ý là Glenn chính là phi hành gia đầu tiên của NASA đã hoàn thành ba vòng quanh quỹ đạo Trái đất trong chuyến bay kéo dài tổng cộng 4 giờ, 55 phút và 23 giây, trước khi Friendship 7 văng xuống Bắc Đại Tây Dương.

TAG Heuer ref. 2915A

Aurora 7 (24/5/1962) – Breitling

Nhân vật tiếp theo trong danh sách là M. Scott Carpenter trong nhiệm vụ Aurora 7 vào ngày 25/5/1962. Ông đeo trên tay chiếc đồng hồ rất phù hợp với vị trí ngoài không gian là Breitling Navitimer Cosmonaute, về cơ bản là một chiếc Navitimer với mặt số điểm 24 giờ có chức năng bấm giờ.

Câu chuyện kể rằng Carpenter đã tiếp cận Breitling vào năm 1961, yêu cầu họ làm cho ông chiếc đồng hồ với thang đo 24 giờ vì mẫu có thang đo 12 trong tình trạng không biết ngày và đêm sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Và chiếc Navitimer Cosmonaute đặc biệt ấy đã được chuyển đến tay Carpenter chỉ ba ngày trước nhiệm vụ Aurora 7.

Tờ quảng cáo về Breiting Cosmonaute

Sigma 7 (3/10/1962) – Omega

Vào ngày 3/10/1962, Walter Marty Schirra Jr. chính thức bước vào nhiệm vụ Sigma 7. Đây cũng là nơi đầu tiên Omega hiện diện trong không gian. Trong chuyến bay, Schirra đã đeo chiếc Speedmaster CK2998-4. Nhiệm vụ Sigma 7 đã hoàn thành 6 vòng hoàn chỉnh quanh quỹ đạo trái đất trong 9 giờ 13 phút và 15 giây bay.

Walter M. Schirra Jr. bước vào tàu vũ trụ Sigma 7, 1962 (Ảnh: NASA)

Kỷ niệm 50 năm cột mốc trọng đại này, Omega đã cho ra mắt chiếc Moonwatch Chronograph 311.32.40.30.01.001 39.7mm tại triển lãm Baselworld năm 2012.

Faith 7 (15/5/1963) – Omega và Bulova

Nhiệm vụ Mercury thứ 7 và cũng là cuối cùng mang tên Faith 7 (ngày 15/5/1963) với phi hành gia L. Gordon Cooper. Nằm gọn trên tay ông, một lần nữa chính là chiếc Speedmaster CK2998-4 thuộc sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, đó không phải là chiếc đồng hồ duy nhất mà ông đeo. Cooper còn có thêm chiếc Bulova Accutron trên tàu, mẫu đồng hồ được thương hiệu gắn thêm biệt danh “Phi hành gia” (Astronaut) sau khi tất cả các phi công thử nghiệm của USAF & NASA đều đeo chiếc này vào năm 1961.

Gordon Cooper sau khi tàu vũ trụ Faith 7 Mercury văng xuống về mặt Trái đất ngày 16/6/1963 (Ảnh: NASA)

Nhìn nhận lại, việc chuẩn bị sẵn hai chiếc đồng hồ là không hề thừa thãi. Cooper Lau là chuyến bay dài nhất trong nhiệm vụ Mercury với 22 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Tuy nhiên, ở vòng thứ 19, tàu vũ trụ đột nhiên cho thấy vài dấu hiệu đáng lo ngại khi đèn 0,05g bật sáng để báo lỗi. Tiếp theo, trong vòng thứ 20, tàu bị mất tất cả chỉ số về áp suất. Tại vòng thứ 21, một sự cố ngắn mạch đã khiến hệ thống điều khiển và ổn định tự động ngắt.

Bulova Accutron Astronaut

Với sự giúp đỡ từ mặt đất và quá trình dài rèn luyện, Cooper đã tự tay điều khiển tàu vũ trụ trở lại hoạt động bình thường. Để làm được điều đó, anh tự vẽ các đường lên cửa sổ để giúp định hướng nhờ chòm sao, cũng như dùng đồng hồ đeo tay để đo thời gian thủ công khi Faith 7 chuyển hướng. Điều rắc rối là Cooper không bao giờ nói chính xác chiếc nào trong hai chiếc đồng hồ mà ông đã sử dụng cho tình huống cấp bách ấy.

Nhiệm vụ Gemini và chiếc Speedmaster đạt chuẩn

Tiếp đến là từ các nhiệm vụ Gemini, với chuyến bay có người lái đầu tiên là Gemini 3 (23/3/1965) do John Young cầm lái cùng phi công chỉ huy, Virgil “Gus” Grissom. Chuyến bay này diễn ra ngay trước khi Speedmaster 105.003 được công nhận là “đạt chuẩn cho tất cả nhiệm vụ không gian có người lái” vào ngày 1/6/1965. Trong nhiệm vụ lần này, cả Grissom và Young đều đeo chiếc 105.003, bên cạnh Bulova Accutron Astronaut.

Virgil “Gus” Grissom và John W. Young trong nhiệm vụ Gemini III ngày 23/3/1965 (Ảnh: NASA)

Đồng hồ “phi NASA” đầu tiên trong không gian

Để kết lại câu chuyện về mẫu đồng hồ mà các phi hành gia tiên phong của NASA đã đưa lên vũ trụ trước khi Speedmaster được xác nhận đạt chuẩn, chúng ta điều lưu ý rằng các phi hành gia của NASA không phải là người đầu tiên đưa đồng hồ lên vũ trụ. Trên thực tế, chiếc đồng hồ đầu tiên được đưa lên không gian không phải nhờ con người.

Đó chính là ngày 9/3/1961, khi người Nga phóng chiếc Sputnik-4 với người nộm mang tên Ivan Ivanovich, một số con chuột, chuột bạch và một con chó tên là Chernushka (“Mực” theo tiếng Nga). Trong đó, Chernushka đã đeo chiếc đồng hồ từ Nhà máy Đồng hồ Petrodvorets có tên là Pobeda (nghĩa là “Chiến thắng” trong tiếng Nga) – điều không hề được định sẵn trong kế hoạch.

Không giống như Laika bất hạnh (sinh vật sống đầu tiên đi quanh quỹ đạo của Trái đất), Chernushka đã trở về lành lặn. Tuy nhiên, sau đó, bằng việc xác định bản khắc trên nắp lưng đồng hồ mà người ta đã phát hiện ra rằng vật thể trái phép này đã được nhà nghiên cứu y học hàng không vũ trụ Liên Xô, Tiến sĩ Abraham Genin bí mật gắn vào Chernushka. Không cần phải nói, Tiến sĩ Genin đã bị khiển trách nặng nề sau ý định vô tổ chức ấy.

Bộ đồ phi hành gia cho Chernushka do cơ quan vũ trụ Liên Xô chế tạo (Ảnh: Zvezda Research, Development and Production Enterprise)

Năm 1989, Viện Smithsonian đã phỏng vấn Tiến sĩ Genin để kể lại câu chuyện về Pobeda (trên thực tế là chiếc đồng hồ đầu tiên trong không gian) và Chernushka, trong khi cầm chiếc đồng hồ ấy trên tay.

Tiếp đến, chiếc đồng hồ đầu tiên được con người đưa vào vũ trụ (12/4/1961) là Sturmanskie (“Nhà hàng hải” trong tiếng Nga) do Nhà máy Đồng hồ Moscow chế tạo, khi được nằm trên tay Yuri Alekseyevich Gagarin, người đầu tiên đi vào không gian và bay quanh quỹ đạo Trái đất.

Tham khảo từ The Moonwatch Universe

 
Back to top