Đồng hồ cổ cho quý ông hiện đại: Hamilton Ventura
Hầu hết những người chơi đồng hồ cứng cựa đều thích đồng hồ cơ, và điều này cũng đúng với hội đam mê đồng hồ cổ. Nhưng Hamilton Ventura lại là một trong những trường hợp ngoại lệ.
Sẽ không sai khi nói rằng Hamilton Ventura còn được ham muốn hơn nhờ vào bộ máy quartz. Chiếc đồng hồ đậm chất viễn tưởng này được phát triển để minh chứng cho độ chính xác cực cao, và không có nguồn năng lượng nào tốt hơn là thạch anh để vận hành bên trong cỗ máy này.
Được phát hành vào năm 1957, chiếc Ventura nguyên thuỷ đã nhanh chóng trở thành một trong những chiếc đồng hồ được vận hành bằng điện đầu tiên trên thế giới. Đó là chiếc đồng hồ đi trước mẫu Accutron của Bulova từ năm 1960, và cỗ máy thay-đổi-cuộc-chơi Seiko Astron, tác nhân tạo nên cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh trong cả ngành công nghiệp vào năm 1969.
Với sự đổi mới công nghệ và thiết kế khác thường, Hamilton Ventura đã trở thành chiếc đồng hồ được nhiều người nổi tiếng lựa chọn, mà nổi bật nhất là Elvis Presley trong phần lớn sự nghiệp. Ngày nay, tác phẩm tiếp tục nhận được sự chú ý khi góp phần trong loạt phim Men in Black, và được làm sống lại trong chiến lược marketing nhấn mạnh vào đặc tính vị lai, cũng như nó đã từng cách đây 60 năm.
Bộ sưu tập hiện đại của Ventura bao gồm nhiều thiết kế và bộ máy khác nhau, bao gồm cả máy quartz và máy cơ, nhưng trọng tâm vẫn là ba mẫu thể hiện rõ nét thiết kế gốc của đồng hồ để tạo ấn tượng với đối tượng khách hàng hiện đại. Mỗi chiếc đồng hồ sử dụng vỏ thép hình tam giác 31mm, với kiểu dáng bất đối xứng riêng biệt, hình dáng vấu đặc trưng – mà đáng chú ý nhất là trên phiên bản màu vàng – theo kiểu vòng đeo tay flex cổ điển.
Trên mặt số màu đen hoặc trắng của đồng hồ là các dấu chấm chỉ thời gian kéo dọc theo viền bezel hình tam giác, với dấu chấm đôi tại vị trí 12 giờ. Tại trung tâm mặt số là các đường gấp khúc thể hiện dấu ấn của điện năng trong lịch sử thương hiệu, nằm bên dưới kim giờ và kim phút kiểu dauphine thu nhỏ và kim giây được nhấn nhá hình mũi tên, mà ở phiên bản vàng còn được điểm tô với màu đỏ.
Bên trong mỗi chiếc Ventura màu vàng là bộ máy thạch anh Calibre F03.101, cỗ máy do ETA sản xuất. Hamilton đã định giá phiên bản này ở mức 895 USD, trong khi mẫu bằng thép có cùng bộ máy trong được bán trên thị trường với giá 875 USD.
Ba thiết kế đậm chất tân cổ điển này chính là sự tái hiện rõ nét các phiên bản năm 1950 từng chễm chệ trên tay của Elvis. Từ dáng vỏ hình tam giác độc đáo đến các vấu không đối xứng và dấu chấm chỉ cột mốc thời gian cùng đường sóng điện ngay trung tâm mặt số, phiên bản Ventura hiện đại lãnh trọng trách lớn lao khi tái hiện di sản của chiếc đồng hồ điện đầu tiên trên thế giới.
Điều thú vị là không có mẫu nào trong số những mẫu này thực sự sử dụng cấu hình dây đeo và kiểu dáng ban đầu của Ventura 1957, mà thay vào đó là phần vỏ màu vàng, mặt số đen và dây đeo da màu đen – vàng để làm tăng thêm sự thú vị của chiếc đồng hồ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì màu đen và vàng không chỉ là một trong những lựa chọn màu ít phổ biến nhất hiện nay, mà về cơ bản nó không tồn tại trong thiết kế dây đeo bằng kim loại.
Điều quan trọng cần được lưu ý là Hamilton Ventura ban đầu chỉ được sản xuất trong khoảng bảy năm, trước khi nhu cầu dành cho kiểu đồng hồ rock-and-roll độc đáo dần hạ nhiệt, dẫn đến việc bị ngừng sản xuất sau đó. Đó cũng là điểm chung của những mẫu đồng hồ mang thiết kế tân cổ điển: rất nhiều trong số chúng không thật sự được ưa chuộng trong thời điểm mà chúng được ra mắt, và nếu nhận được sự hưởng ứng tích cực, thì ánh hào quang cũng không kéo dài lâu. Giờ đây, tiếp nối nỗi niềm hoài cổ đang được ngày càng nhiều thương hiệu hướng đến, chúng ta đã có thể xem xét lại một số cỗ máy thời gian mà về cơ bản, chính là các biểu tượng phong cách, trong nhận thức muộn màng.
Theo cách này, Ventura giống như một nghệ sĩ không được đánh giá cao khi họ vẫn còn sống, nhưng lại được tung hô khi qua đời. Mẫu đồng hồ đã có được sự công nhận xứng đáng, nhưng chỉ sau quãng thời gian rất dài.