Highlight

SIHH 2019: Ấn tượng Phục Hưng từ Christophe Claret Angelico

Cách đây một thập kỷ, Christophe Claret bắt đầu sản xuất ra chiếc đồng hồ đầu tiên mang tên mình. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, thương hiệu vừa ra mắt chiếc Angelico, cỗ máy thời gian đưa kỹ thuật đồng hồ bấm giờ cũ vào thiết kế đương đại.

Jan 19, 2019 | By Hai Yen Ho

Christophe Claret Angelico được đặt theo tên một họa sĩ thời kỳ đầu Phục Hưng Fra Angelico, có nghĩa là “tu sĩ thiên thần – angelic friar”. Từ  dòng tranh Gothic ban đầu, ông tạo nên bước ngoặt khi chuyển sang phong cách Hy Lạp cổ điển, và vang danh khắp nước Ý lúc bấy giờ.

Từ nguồn cảm hứng của Fra Angelico, mẫu đồng hồ sở hữu thiết kế pha lẫn truyền thống chế tác đồng hồ bấm giờ xưa và kỹ thuật hiện đại. Angelico được trang bị bộ tourbillon với chu kỳ quay sáu phút, bộ thoát có chốt chặn (detend escapement – chỉ cung cấp một xung cho mỗi chu kỳ, nhằm hạn chế can thiệp vào bộ dao động), cũng như cơ chế cáp và bánh côn (fusee). Trên hết, cỗ máy thời gian này còn có khả năng nhảy giờ và hiển thị hai múi giờ theo kiểu kỹ thuật số.

Lồng tourbillon có đường kính ấn tượng lên đến 16mm, một kích thước cho thấy mức tiêu thụ năng lượng cực cao từ lò xo chính. Do đó, chiếc lồng được làm bằng titan, với cầu nối bằng nhôm để giảm thiểu khối lượng. Mức tiêu thụ năng lượng còn được giảm nhiều hơn nhờ chu kỳ quay 6 phút thay vì 1 phút của tourbillon thông thường.

Thường xuất hiện trong các mẫu đồng hồ bấm giờ hàng hải hay đồng hồ bỏ túi cao cấp như Girard-Perregaux Tourbillon trong thế kỷ 19, bộ thoát có chốt chặn rất dễ bị thúc đẩy tốc độ hay dừng hẳn lại mỗi khi bị va đập mạnh. Do đó, Christophe Claret đã cải tiến cấu trúc này để có thể sử dụng trong đồng hồ đeo tay, biến thương hiệu trở thành một trong số ít nhà chế tác có thể sản xuất đồng hồ đeo tay có bộ thoát kèm chốt chặn.

Với cấu trúc nội vi phức tạp này, hẳn nhiên Angelico là kiểu đồng hồ lớn: vỏ có đường kính 45,5mm và cao 17,45mm. Tuy nhiên, bên trong vỏ vẫn có rất ít không gian thừa, vì bản thân bộ máy đã có độ rộng lên đến 41,1mm và cao 14,2mm.

Một điểm đáng chú ý nữa trong chiếc Christophe Claret Angelico chính là cơ chế cáp và bánh côn. Được thiết kế để đảm bảo hoạt động của bộ máy với lực không đổi xuyên suốt quá trình dự trữ năng lượng, cơ chế cáp và bánh côn hoạt động theo nguyên lý lực đòn bẩy như chuỗi cáp và bánh côn truyền thống, nhưng chất liệu thép ở cáp đã được thay bằng Dyneema. Đây là loại sợi được dệt từ nhựa công nghệ cao cực kỳ chắc chắn – độ dài của cáp được sử dụng bên trong Angelico đủ để nâng khối lượng lên đến 10kg.

Bên trong trụ cót là hai lò xo chính được xếp chồng lên nhau, để đảm bảo mức dự trữ năng lượng 72 giờ.

Tính năng phức tạp cuối cùng bên trong Angelico là hiển thị thời gian. Hai múi giờ được hiển thị ở cạnh dưới của mặt số, được biểu thị bằng các chữ số bên trong các cửa sổ. Liền kề với mỗi màn hình hiển thị giờ là một cửa sổ nhỏ chỉ báo ngày và đêm. Phút được thể hiện ở phần rìa mặt số, với kim chỉ có đầu đính đá quý (ruby trên mẫu vàng đỏ và sapphire trên titan). Các đòn bẩy, bánh xe và lò xo cho việc nhảy giờ được hiển thị qua nắp lưng đồng hồ.

Christophe Claret Angelico phiên bản bằng titan

Angelico được ra mắt với hai phiên bản bằng vàng đỏ và titan, mỗi loại có số lượng giới hạn chỉ 10 chiếc.


 
Back to top