Features

Vacheron Constantin và hành trình chinh phục Everest của Cory Richards

Đối với Cory Richards, thế giới luôn tràn ngập những khám phá chưa bao giờ nhàm chán. Đồng hành cùng anh trong chuyến thám hiểm đỉnh Everest vừa rồi là chiếc đồng hồ Vacheron Constantin Overseas Dual Time. 
Jul 06, 2019 | By Hai Yen Ho

Cory Richards trong hành trình chinh phục Everest lần thứ ba.

Kể từ ngày 29/5/1953, khi những người tiên phong Edmund Hillary và Sherpa Tensing Norgay lần đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, chỉ có chưa đầy một phần ba những nhà leo núi cự phách dám chấp nhận thử thách để chinh phục gã khổng lồ Himalaya. Và trong số đó, chỉ 2% từng thực hiện chuyến đi để đời này mà không cần tới sự trợ giúp về hô hấp. Nhà thám hiểm kiêm nhiếp ảnh gia người Mỹ Cory Richards là một trong số đó.

Chuyến thám hiểm Everest không dùng bình dưỡng khí của Cory Richards diễn ra vào năm 2016, 4 năm sau chuyến đi đầu tiên. Hai cuộc đặt chân lên “nóc nhà thế giới” mang lại cho anh thử thách hoàn toàn mới để đẩy xa toàn bộ giới hạn của bản thân: chinh phục đỉnh Everest từ sườn Đông Bắc phía Tây Tạng, cung đường được xem là khó nhất và nguy hiểm nhất.

Thông thường, những cuộc thám hiểm kiểu này đòi hỏi ít nhất 10 tháng chuẩn bị khắt khe về sức khỏe và tinh thần, mà đôi khi ngắt quãng để nhà thám hiểm có thời gian thích nghi với điều kiện khí hậu và chờ đợi những thời khắc thiên nhiên ủng hộ. Sự thay đổi áp suất đột ngột, tác động xấu từ môi trường cũng như những đợt sốt nhiệt khi chạm ngưỡng -40°C, đó là những rủi ro và thách thức mà bất kỳ nhà leo núi cũng như chiếc đồng hồ nào anh đeo cũng phải thích nghi.

Tuy nhiên, lần này, điều kiện thời tiết đã không ủng hộ Cory Richards. Giai đoạn khó khăn đỉnh điểm của Cory trong đợt leo núi lần này là 40 giờ kẹt bên ngoài trại chính, khiến Cory buộc phải quay lại cốt 7.600m. Sau khi liên tục thử sức trong điều kiện khắc nghiệt với tình trạng cơ thể kiệt quệ và thiếu ngủ, Cory buộc phải từ bỏ ý định leo đến đỉnh vì đợt thay đổi khí hậu lần thứ hai cũng không mấy thuận lợi.

Cam kết của hai bên

Có chung niềm đam mê, tinh thần rộng mở với những điều mới mẻ cùng khát khao đẩy lùi mọi giới hạn, Cory Richards và Vacheron Constantin quyết định đồng hành cùng nhau trên chặng đường chinh phục và khám phá những điều tuyệt đẹp của hành tinh. Anh đã gia nhập câu lạc bộ đặc biệt quy tụ những cá tính nổi trội do Vacheron Constantin chọn lựa qua chiến dịch truyền thông “One of not many” (tạm dịch: một trong số hữu hạn).

Nhà thám hiểm kiêm nhiếp ảnh gia Cory Richards

Thể hiện một vũ trụ độc đáo và khác biệt, chiến dịch này hợp tác với những nghệ sĩ tài ba, những người không ngừng tìm kiếm sự xuất sắc bằng lòng đam mê, kiến thức và kinh nghiệm dày dặn. Minh chứng cho vẻ đẹp bất tận của Trái đất và Thiên nhiên, những bức ảnh và video được ghi lại trên những triền núi bão tố của Everest trong hành trình leo lúi đầy quyết tâm của Cory Richards sẽ được triển lãm tại các cửa hàng Vacheron Constantin trên toàn thế giới.

Sự hợp tác đầy sáng tạo này giữa Nhà sản xuất đồng hồ danh tiếng và lâu đời nhất thế giới được đúc kết qua mẫu prototype Overseas Dual Time mà Cory Richards đã đeo trên cổ tay trong lần chinh phục Everest lần thứ ba.

Prototype Overseas Dual Time

Song hành cùng chuyến chinh phục Everest, Cory Richards yêu cầu chiếc đồng hồ cho phép anh nắm bắt được thời gian ở Nepal cũng như tại quê nhà ở Mỹ, và chiếc đồng hồ mà anh chọn là Overseas Dual Time. Nhằm vinh danh thử thách khó khăn lần này cũng như cuộc kiếm tìm sự xuất chúng không ngừng của Cory, Vacheron Constantin đã tạo ra một mẫu thử đặc biệt, đồng thời thiết kế con lắc dao động được điêu khắc thủ công dựa trên những tấm ảnh của anh về đỉnh Everest.

Mẫu prototype Overseas Dual Time

Bộ khung vỏ được đúc bằng titanium nhẹ và cứng cáp, kết hợp cùng tantalum – loại kim loại đặc biệt cứng – được gia cường bên dưới vòng đệm trong khi phần bảo vệ núm vặn được bọc bởi hai mấu bằng titanium. Dây đeo bằng vải kỹ thuật Ventile® nổi tiếng bởi độ dày, chắc và khả năng chống nước có màu xám xanh khâu chỉ màu cam. Đặc tính thể thao nổi trội của mẫu prototype này được thể hiện bằng mặt số xanh xám “sần”, được tô điểm bằng một số chi tiết màu cam, cùng với bộ máy áp dụng kỹ thuật xử lý NAC.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Vỏ ngoài: Titanium và tantalum 41mm
Bộ máy: Máy cơ tự động do Vacheron Constantin sản xuất; khoảng 60 giờ dự trữ năng lượng
Mặt số: Xám đậm được hoàn thiện hiệu ứng sần
Dây đeo: Vải kỹ thuật Ventile® xám đen cùng dây cao su


 
Back to top