Tìm hiểu về khủng hoảng thạch anh: “Cơn ác mộng” của ngành đồng hồ Thụy Sĩ
Năm 1969, chiếc đồng hồ thạch anh đầu tiên được ra đời, đánh dấu cột mốc mới cho giới đồng hồ kỹ thuật số. Tác động của nó lớn đến mức cả nửa thế kỷ sau, cỗ máy đơn giản khiêm nhường này vẫn làm chấn động cả giới chế tác đồng hồ.
Vào đầu thế kỷ 20 và cho đến sau Thế chiến thứ hai, 95% đồng hồ cơ được bán trên toàn thế giới đều đến từ Thụy Sĩ. Với khả năng dẫn đầu về kỹ thuật và thủ công, Thuỵ Sĩ gần như không hề có đối thủ trong lĩnh vực này. Hầu hết việc sản xuất đều được thực hiện trong các doanh nghiệp nhỏ do nhà nước kiểm soát, với những công đoạn được thực hiện thủ công hay dưới sự hỗ trợ của máy móc giản đơn. Ngay cả khi đó, đồng hồ Thụy Sĩ đã đồng nghĩa với sự hoàn hảo, khéo léo và chất lượng. Tổng số người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho ngành công nghiệp đồng hồ lúc này lên đến 90.000. Tuy nhiên, câu chuyện độc quyền của đồng hồ Thuỵ Sĩ không phải lúc nào cũng tươi đẹp như thế.
Trong những năm 1970 và 1980, Thụy Sĩ hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng mang tên “thạch anh” (quartz) đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ và gần như đưa nó trở về con số không. Trong vòng 13 năm, cuộc khủng hoảng đã tước đi công việc của hai phần ba nhân viên trong ngành, khiến toàn bộ số nhân viên còn lại sống trong nỗi sợ hãi. Nhưng chính xác thì cuộc khủng hoảng thạch anh là gì và làm thế nào Thụy Sĩ đã tự cứu mình khỏi sự sụp đổ của ngành công nghiệp giá trị nhất đất nước?
Sự ra đời của đồng hồ quartz đầu tiên, đồng hồ Thuỵ Sĩ bị đe dọa!
Công nghệ luôn có những tác động thần kỳ làm đảo lộn hiện trạng. Chúng ta hãy nhớ đến việc đèn điện đã thay đổi thế giới như thế nào. Cứ sau mỗi phát minh như thế, cách chúng ta nhìn nhận về thế giới lại hoàn toàn khác biệt .Đây chính xác là những gì đã xảy ra với ngành công nghiệp đồng hồ trong cuộc cách mạng thạch anh bắt đầu vào năm 1969.
Vào ngày 25 tháng 12 năm đó, nhà chế tác đồng hồ Nhật Bản là Seiko đã phát minh ra chiếc đồng hồ đeo tay thạch anh đầu tiên được gọi là Seiko Quartz-Astron 35SQ. Trái ngược với những gì chúng ta thường biết về đồng hồ quartz ngày nay (được sản xuất hàng loạt với giá rẻ), chiếc đồng hồ thạch anh đầu tiên có giá 450.000 JPY. Theo một số nguồn tin, con số này tương đương với giá của một chiếc xe cỡ trung hồi đó.
Làm thế nào mà nó phát triển thành đồng hồ thạch anh rẻ tiền mà chúng ta biết ngày nay? Trong suốt những năm 1970, Seiko tiếp tục phát triển công nghệ thạch anh, thậm chí tăng gấp đôi trên màn hình tinh thể lỏng (LCD) của các mẫu đồng hồ. Năm 1973, họ là người đầu tiên sản xuất màn hình LCD sáu chữ số, và hai năm sau đó, Seiko là thương hiệu hàng đầu cung cấp đồng hồ kỹ thuật số đa chức năng, về cơ bản tạo ra thị trường hoàn toàn mới cho đồng hồ chú trọng vào chức năng gắn liền với bộ máy thạch anh.
Báo cáo năm 1985 của Trường Kinh doanh Harvard về Seiko lưu ý rằng vào năm 1975, Seiko đã đầu tư vào các nhà máy để chế tạo các mạch, pin và màn hình LCD tích hợp. Họ đã đào tạo lại nhân viên để làm việc với công nghệ mới mẻ này. Seiko cũng tăng đầu tư vào robot và thiết bị để sản xuất tự động, cho ra số lượng lớn thành phẩm.
Vậy chính xác thì người Thụy Sĩ ở đâu khi tất cả những điều này diễn ra? Vào cùng năm Seiko ra mắt Astron, 20 nhà chế tác khác từ Thụy Sĩ đã cùng nhau phát triển và công bố bộ máy thạch anh Beta-21. Rõ ràng, khoảng 6.000 bộ máy thạch anh này đã được tạo ra và sử dụng trong các đồng hồ như Omega Electroquartz, IWC Da Vinci và Patek Philippe Ref. 3587. Nhưng ngay cả với điều này, người Thụy Sĩ vẫn tỏ ra rất ngại ngần với công nghệ thạch anh.
Vào thời điểm đó, đồng hồ cơ của họ đang thống trị thị trường thế giới, và nghệ thuật chế tạo đồng hồ truyền thống được xem là bản sắc dân tộc. Do đó, khi thế giới chứng kiến cuộc cách mạng thạch anh, người Thụy Sĩ lại trải qua cuộc khủng hoảng thạch anh đầy khốc liệt.
Năm 1983, cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm. Từ con số 1.600 nhà sản xuất đồng hồ vào năm 1970, ngành chế tác đồng hồ Thuỵ Sĩ chỉ còn 600 nhà sản xuất. Tập đoàn các ngân hàng Thụy Sĩ đã phải hợp tác để bảo lãnh cho SSIH (gồm Tissot, Omega, v.v.) và ASUAG (Certina, Hamilton, Longines, v.v.), hai công ty sản xuất đồng hồ lớn nhất tại Thụy Sĩ lúc bấy giờ. Sau đó, doanh nhân (và người sáng lập Swatch Group trong tương lai) Nicolas G. Hayek (1928 – 2010) đã đưa ra kế hoạch sáp nhập toàn bộ dưới một công ty cổ phần có tên SMH (Societe de Microelectronique et d’Horlogerie).
Điều này cho phép tất cả thương hiệu thuộc SMH hợp nhất sản xuất bộ máy ETA, lúc này cũng đang hoạt động dưới trướng của công ty. Trong khi đó, các thương hiệu trước đây phải thực hiện bộ máy, giờ đây có thể tập trung vào thiết kế, tiếp thị và bán hàng.
Việc sử dụng bộ máy ETA cho phép thiết kế đồng hồ có thể loại bỏ việc sử dụng tấm đế và thay vào đó gắn tất cả bộ phận trực tiếp lên nắp lưng. Điều này cùng với thực tế rằng toàn bộ chiếc đồng hồ được làm từ plastic và bộ máy thạch anh sẽ khiến chi phí được giảm mạnh. Mẫu đồng hồ bằng nhựa nhỏ nhắn tiện lợi này được gọi là Swatch. Việc một thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ cạnh tranh ở mức thấp của thị trường đã khiến Swatch thành công ngay lập tức.
Đến những năm 1990, thành công vang dội của Swatch đã mang lại lợi nhuận cho SMH. Đến năm 1998, Hayek đổi tên thành SMH tập đoàn Swatch. Trớ trêu thay, khi Swatch được ra mắt, các chuyên gia ngành công nghiệp Thụy Sĩ từng cam đoan rằng đó là sự sụp đổ của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Nhưng nếu không có chiếc đồng hồ thạch anh bằng nhựa này, ai biết được ngành công nghiệp này sẽ trông như thế nào ngày nay.
Đọc thêm: Nhà sưu tầm đồng hồ Swatch Lâm Dạ Vũ
Bước chuyển mình trong thời đại kỹ thuật số
Nửa thế kỷ đã trôi qua sau cuộc khủng hoảng thạch anh làm chấn động cả ngành đồng hồ Thụy Sĩ, giờ đây, chúng ta đang tiến đến một hình thức đồng hồ khác. Khi nhiều khía cạnh trong cuộc sống đều bước sang lĩnh vực kỹ thuật số, việc trải nghiệm đồng hồ chuyển hướng theo mô hình này cũng chỉ là vấn đề thời gian.
Cách đầu tiên và rõ ràng nhất mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đã phá vỡ ngành công nghiệp là thông qua thương mại điện tử. Mặc cho khởi đầu chậm chạp, các nhà bán lẻ lớn ở Singapore như Cortina Watch và Sincere Watch hiện có những bước nhảy bật mạnh mẽ, trong khi ở mức độ toàn cầu, giác cả người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra để mua đồng hồ trực tuyến đã vượt quá mọi trí tưởng tượng phong phú nhất.
Thứ hai, nguồn thông tin dồi dào về đồng hồ đã mở rộng theo cấp số nhân. Nếu như trước đây, chúng ta phải lùng sục mọi hiệu sách và thư viện để tìm một bản sao của cuốn sách hay tạp chí đồng hồ hiếm, thì giờ đây, một cú click chuột tên Google sẽ mang đến nhiều thông tin hơn là bạn mong đợi. Các ấn phẩm đồng hồ trực tuyến có tầm ảnh hưởng như Hodinkee (vừa kỷ niệm 10 năm thành lập) đạt khoảng hai triệu lượt xem hàng tháng. Đó là chưa kể hàng triệu trang web đồng hồ khác vẫn hoạt động mỗi ngày.
Các nguồn lực như thế này không chỉ phục vụ như một nguồn thông tin, mà còn xây dựng cộng đồng những người đam mê đồng hồ. Thông qua cộng đồng trực tuyến ấy, các ấn phẩm có thể làm việc với các thương hiệu đồng hồ khác nhau để cung cấp các phiên bản giới hạn, độc đáo từ những thương hiệu nổi tiếng. Đến nay, Hodinkee đã có nhiều màn hợp tác thú vị Seiko, TAG Heuer, Omega, IWC và nhiều thương hiệu khác. Nhưng có lẽ điều thú vị nhất từ trước đến nay là cuộc hợp tác với Vacheron Constantin, trong đó có 36 chiếc đồng hồ có giá 45.000 mỗi chiếc, được bán trong vòng chưa đầy 30 phút.
Bên cạnh đó còn có Instagram, nhân tố hoàn toàn thú vị khi nói đến đồng hồ. Những tài khoản như (@pbandwatches, @atommoore, @bexsonn, v.v.) không chỉ thường xuyên đăng tải những hình ảnh đặc sắc về đồng hồ, mà còn cung cấp góc nhìn hấp dẫn về văn hóa đồng hồ hiện đại và thói quen sưu tầm của người chơi. Bước vào thời đại mới, các thương hiệu danh giá lâu đời cũng đang nghiêm túc sử dụng nền tảng mạng xã hội để truyền đi thông điệp về thương hiệu của họ (hãy xem Patek Philippe đang làm gì với tài khoản @patekphilippe trên Instagram).
Sau cuộc khủng hoảng thạch anh, có vẻ như nền công nghiệp đồng hồ đang bước vào một cuộc cách mạng mới, song có lẽ rằng giờ đây, họ đã nhanh chóng thích ứng với thời đại hơn, để phát triển song song truyền thống chế tác hàng trăm năm và công nghệ thời đại 4.0.