Features

Omega Speedmaster “Silver Snoopy”: Linh vật may mắn trong lịch sử ngành hàng không

Omega là cái tên đứng sau phiên bản Speedmaster nổi tiếng, chiếc đồng hồ bấm giây chuyên nghiệp được sử dụng từ việc đo đếm thành tích thể thao trong những kỳ Olympic cho đến các chuyến bay có người lái vào không gian của NASA.

Nov 02, 2020 | By Lương Tôn Bình

Chú chó Snoopy được xem như linh vật mang lại may mắn cho các phi hành gia NASA

Thế nhưng, người Mỹ mới là nhân tố khiến những chiếc đồng hồ tưởng như khô khan này trở nên đầy lãng mạn, vui tươi tràn đầy năng lượng tích cực, qua hình ảnh chú chó beagle bay bổng trong Snoopy Award.

Theo văn hóa Hoa Kỳ, mỗi đội ngũ hoặc tổ chức đều có một linh vật đem lại may mắn riêng. Và với NASA, họ đã chọn Snoopy – chú chó giống Beagle đáng yêu trong bộ truyện tranh nổi tiếng “Peanuts” làm linh vật cho nhiệm vụ Apollo vào năm 1968, sau đó là kỷ niệm chương dành cho nhân viên và nhà thầu có đóng góp xuất sắc trong nhiệm vụ. Chính tay Charlie M. Schulz, tác giả của “Peanuts” và cũng là “cha đẻ” của Snoopy, đã thiết kế cho NASA hình ảnh chú chó bay bổng trên vũ trụ trong bộ quần áo kháng áp.

Tháng 5 năm 1969, chuyến bay Apollo 10 được phóng lên mặt trăng nhằm chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo – Apollo 11 làm nhiệm vụ đổ bộ lên bề mặt mặt trăng. Đây là một cách chơi chữ rất thú vị, khi tàu Apollo 10 có nhiệm vụ “Snoop around” (tức tìm kiếm) vị trí hạ cánh của tàu Apollo 11. Cũng vì lý do đó, phi hành đoàn của Apollo 10 còn có biệt danh là “Snoopy”, và module điều khiển được đặt tên là Charlie Brown (nhân vật chính trong bộ truyện Peanuts và cũng là bạn thân của Snoopy).

“Cứu tinh” lịch sử

Phi hành gia Jim Lovell trong chuẩn bị cho nhiệm vụ Apollo 13

Vào năm 1970, NASA thực hiện sứ mệnh khám phá Mặt trăng lần thứ 3 trên phi thuyền Apollo 13 với sự góp mặt của hai phi hành gia Jack Swigert và Fred Haise, do James Lovell dẫn đầu. Đồng hành cùng họ là Omega Speedmaster Professional – chiếc đồng hồ chính thức của các phi hành gia Hoa Kỳ lúc bấy giờ và là một phần của bộ thiết bị NASA tiêu chuẩn từ năm 1965.

Theo chia sẻ từ người trong cuộc, một chiếc đồng hồ cơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thám hiểm không gian. James Ragan, kỹ sư của NASA, người thử nghiệm Omega Speedmaster vào năm 1964 đã nói: “Chiếc đồng hồ cần phải được chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp phi hành đoàn xảy ra vấn đề”. Và trong nhiệm vụ Apollo 13, Omega Speedmaster Professional đã đóng vai trò như một “vị cứu tinh” thật sự.

Đó là vào ngày 11 tháng 4 năm 1970, chỉ hai ngày sau khi Apollo 13 cất cánh, khi một bình oxy bị rò rỉ đã gây ra vụ nổ trong khoang phi hành đoàn. Vì thiếu hụt oxy, các phi hành gia buộc phải chuyển sang khoang đổ bộ Mặt trăng để bảo tồn năng lượng nhằm quay về Trái đất. Bằng việc phát lệnh quay về Houston, nhiệm vụ đã được thay đổi từ “hạ cánh trên Mặt trăng” thành “đưa phi hành đoàn trở về an toàn”.

Phi hành gia Jim Lovell trong nhiệm vụ trên Apollo 13

Nhằm tiết kiệm năng lượng và oxy, phi hành đoàn phải tắt tất cả những thiết bị không cần thiết và cả bộ đếm giờ kỹ thuật số. Lúc này, chỉ huy Jame Lovell điều khiển tàu vũ trụ trong khi phi hành gia Swigert quan sát thời gian thông qua chiếc đồng hồ Omega của mình.

Đây dường như là 14 giây dài nhất trong cuộc đời của phi hành đoàn, và cuối cùng, trước sự nhẹ nhõm của rất nhiều người đang quan sát chuyến bay trên toàn thế giới, Apollo 13 đã hạ cánh an toàn ở Nam Thái Bình Dương sau đúng 5 ngày, 22 giờ, 54 phút và 41 giây.

Sau chuyến bay Apollo 13 nổi tiếng, Omega đã được NASA trao tặng giải thưởng “Silver Snoopy Award” là một chiếc ghim cài áo bằng bạc mang hình ảnh nhân vật hoạt hình Snoopy trong bộ trang phục phi hành gia. Đây là giải thưởng đặc biệt nhằm vinh danh những cá nhân hoặc tập thể đã đóng góp cho sự an toàn của chuyến bay và thành công trong nhiệm vụ.

Giấy chứng nhận những cá nhân và tập thể đã đóng góp cho nhiệm vụ đặt chân lên mặt trăng đầu tiên của Hoa Kỳ

Từ đó đến nay, giới mộ điệu vẫn không ngừng tán thưởng những chiếc đồng hồ Speedmaster huyền thoại từng theo chân các phi hành gia người Mỹ là Buzz Aldrin và Neil Armstrong thực hiện sứ mệnh chinh phục không gian.

Cuộc chơi chưa dừng lại

Omega Speedmaster Snoopy Eyes on the Stars 2003

Trong cộng đồng những người sưu tầm, Omega Speedmaster (hay còn được gọi tắt là Speedy) có rất nhiều cách chơi. Có người sưu tầm các mẫu vintage, có người sưu tầm các phiên bản giới hạn được phát hành theo các sứ mệnh không gian (mission). Có người chỉ sưu tầm các mẫu Speedy Tuesday.

Đối với tôi, chỉ cần sưu tầm Omega Speedmaster Snoopy là đủ. Với Omega Snoopy, bạn có một chiếc đồng hồ Speedmaster Professional chuyên nghiệp nhưng lại gắn với hình ảnh chú chó tinh nghịch hài hước, cả hai yếu tố tưởng chừng đối nghịch nhưng lại hiện hữu đồng thời trên cùng một chiếc đồng hồ.

Vào năm 2003, tức 33 năm sau sứ mệnh Apollo 13, Omega giới thiệu mẫu Omega Snoopy Award đầu tiên với huy hiệu Snoopy Award – Eyes on the Stars trên mặt số phụ đếm giây và huy hiệu lớn trên mặt đáy. Là phiên bản giới hạn nên Omega hạn chế số lượng ở con số 5.441 chiếc gắn với thời gian thực hiện chuyến bay là 142 giờ và 54 phút 41 giây. Số lượng 5,441 chiếc này lớn hơn bất kỳ bản giới hạn nào của Omega cho đến thời điểm hiện tại.

Cũng tại thời điểm phát hành, khi truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội còn gần như rất sơ khai, cộng đồng sưu tầm cũng chưa quá đông đảo, những chiếc Snoopy này được đón nhận khá dè dặt. Tuy nhiên sau 17 năm, những chiếc Snoopy đầu tiên này đã gần như vắng bóng trên các kênh giao dịch trực tuyến, hoặc nếu có thì giá bán cũng nằm trong top đầu so với những chiếc Omega Speedmaster Limited Edition khác.

Tất nhiên vì là bản giới hạn, người sưu tầm nên lưu ý sưu tầm đầy đủ cả bộ hộp sách thẻ chứng nhận với số LE và serial trùng khớp. Một số chiếc được giao dịch trên thị trường thứ cấp có thể là bản Omega Speedmaster tiêu chuẩn được thay mặt số và mặt đáy Snoopy.

Omega Speedmaster Apollo 13 Silver Snoopy Award Limited Edition 2015

Năm 2015, kỷ niệm 45 năm sứ mệnh Apollo 13, Omega tiếp tục giới thiệu bản Speedmaster Silver Snoopy Award khá khác biệt so với các bản LE khác. Mặt số trắng, bộ kim cọc số đen đi cùng vòng bezel tachymeter bằng gốm có dạ quang. Trên mặt số đếm giây là chú Snoopy chổng mông lên trời như tỏ ý không mấy hài lòng với phi vụ Apollo 13, kèm theo câu trích dẫn “Failure is not an option!” và dòng chữ “What could you do in 14 seconds?” chạy vòng trên mặt số.

Theo quan điểm của tôi, Omega có hơi tham lam khi đưa quá nhiều thông điệp và trích dẫn lên mặt số chronograph vốn đã rất rối rắm. Huy hiệu Snoopy Award bằng bạc được gắn trên nền men xanh đậm phủ kính rất đẹp ở mặt đáy sau. Với 1.970 chiếc được sản xuất giới hạn, ngay lập tức sau khi phát hành, Silver Snoopy đã được bán hết veo trong chỉ vài ngày.

Điều đáng tiếc là tôi đã bỏ lỡ cơ hội mua một chiếc từ boutique Omega với giá gốc vào khoảng 7.300 USD. Chỉ vài tháng sau khi phát hành, giá giao dịch đã vọt lên trên 12.000 USD. Tại thời điểm hiện tại, nghe đâu con số này đã lên tới trên 30.000 USD. Một món hời không tưởng!

Như đã đề cập ở trên, với tôi, việc sưu tầm Omega Speedy chỉ cần được giới hạn ở các bản Snoopy là đủ. Bạn có bản tiêu chuẩn hiện hữu cùng một chút tinh nghịch hài hước ở bản Snoopy 2003. Bạn có một bản Speedy hiện đại phá cách khác hoàn toàn ở Silver Snoopy 2015. Và nếu bạn đủ may mắn, hãy tìm cho mình một chiếc Apollo 13 Limited Edition năm 1995 với huy hiệu chuyến bay, mặt số tritium đi cùng bộ máy 861.

Omega Speedmaster Apollo 13 Limited Edition 1995

Chiếc Apollo 13 LE 1995 này sẽ mang lại một chút màu sắc vintage và làm bộ sưu tập trở nên hoàn hảo hơn rất nhiều. Tất nhiên, ngoài may mắn, bạn sẽ tốn kha khá tiền bạc và công sức tìm kiếm. Nhưng tin tôi đi, nó hoàn toàn xứng đáng đến từng xu!

P/s: Ngày 5/10/2020 vừa rồi, Omega đã giới thiệu chiếc Snoopy 50th Anniversary với rất nhiều điểm thú vị (WOW đã có bài giới thiệu về chiếc Snoopy mới nhất này). Giới sưu tầm Speedy lại một lần nữa xôn xao và chắc chắn nhiều người trong số họ đã đăng ký mua ngay cho mình một chiếc. Và tôi cũng vậy!

Đào Tuấn Anh

 
Back to top