Khám phá quy trình sản xuất đồng hồ từ Rolex (P1)
Cấp tiến, tiên phong là chưa đủ để nói về Rolex. Truyền thống lại càng là bề nổi của một tảng băng chìm. Để hiểu về thương hiệu đồng hồ được yêu thích nhất thế giới, cần thực sự tìm hiểu quy trình sản xuất của chính công ty này.
Không khó để ấn tượng, thậm chí là ngưỡng mộ Rolex. Tầm vóc thương hiệu; sức mạnh của cái tên Rolex; các thành tựu được ghi nhận qua giải thưởng; sản phẩm siêu ấn tượng; sự tự hào của những người tạo ra các cỗ máy đếm giờ và cả những con người đã lựa chọn cỗ máy đếm giờ đó làm bạn đồng hành… Rolex là một đế chế, một quốc gia hoàn toàn riêng biệt. André Heiniger, CEO của thương hiệu từ 1962-1992, từng chia sẻ: “Rolex không phải một công ty đồng hồ. Chúng tôi là một công ty xa xỉ phẩm.” Có lẽ đây chính là ý tưởng dẫn dắt Rolex đạt đến tầm vóc của ngày hôm nay: 4 nhà máy cùng hơn 6,000 nhân viên trên toàn cầu.
Plan-Les-Ouates: Định hình thời gian
Là nhà máy lớn nhất trong các nhà máy của Rolex, Plan-les-Ouates cách Acacias khoảng 20 phút lái xe, bao gồm 6 chái nhà, mỗi chái dài 65m, rộng 30m và cao 30m. Đây là nơi sản xuất vỏ đồng hồ và dây đeo kim loại. Ngoài ra, Plan-les-Ouates cũng là nơi đúc khuôn vàng và nghiên cứu những chất liệu kim loại mới, cũng như chế tác và đánh bóng các chi tiết. Nhà máy chính là nơi sản xuất ra một trong những sáng tạo nổi bật nhất của Rolex: gờ lắp mặt kính Cerachrom.
Sau khi chính thức đi vào hoạt động năm 2005, nhà máy bắt đầu công việc dập và hoàn thiện các chi tiết bên ngoài như vỏ máy, núm vặn, gờ lắp mặt kính và dây đeo. Để tạo ra các chi tiết này, Rolex làm việc với rất nhiều loại chất liệu khác nhau, trong đó chủ yếu là thép có độ bền cao 940L, các loại vàng khác nhau và platinum 950. Trong khi đảm bảo lượng hàng thép và platinum bên ngoài, Rolex sử dụng các phôi vàng được đúc tại chính Plan-les-Ouates. Đây chính là điều giúp Rolex tạo ra chiếc đồng hồ Everose kinh điển năm 2008.
Những chất liệu quý hiếm như vàng 24k, đồng, bạc, platinum và palladium ban đầu sẽ được nghiên cứu để tìm ra từng đặc tính ưu việt, sau đó kết hợp các đặc tính với nhau. Tiếp đến, chất liệu này sẽ được nung luyện lại ở 1,0000C để đảm bảo cấu trúc phân tử của hợp chất mới. Sau khi nguội, hợp chất mới sẽ được gửi vào kho để chờ chế tác ra những mẫu đồng hồ Everose.
Mỗi chiếc đồng hồ Rolex gồm rất nhiều chi tiết như vỏ, vòng bezel và núm vặn. Tất cả khi được kết hợp lại sẽ lên tới khoảng 10-20 chi tiết, đòi hỏi 150 công đoạn để thực hiện. Các chi tiết vỏ máy ban đầu được thực hiện theo cách dập lên các tấm kim loại, sau đó được tinh chỉnh bằng máy, đánh bóng và hoàn thiện. Trong khi đó, dây đeo kim loại gồm tới hơn 110 chi tiết, đòi hỏi hơn 900 công đoạn thực hiện – tất nhiên, bao gồm cả đánh bóng và lắp ráp thủ công.
Mỗi chi tiết hoàn thiện sẽ được phân loại trong các khay được đánh mã số. Những khay này sau đó sẽ được đưa vào kho trữ nằm dưới lòng đất ở trung tâm toà nhà với không gian lên tới 12,000m2 cùng tổng cộng 60.000 ngăn chứa. Hệ thống đường ray dài 1.5km như hệ thống mạch máu trong cơ thể đưa các xe chở hàng tới các xưởng chế tác cá nhân trong 8 phút. Có thể thấy trong 4 nhà máy, hệ thống công nghệ cao này là một trong những lý do chính lý giải hiệu suất cao của Rolex. Các chi tiết và chất liệu thô cũng như các sản phẩm hoàn thiện được di chuyển giữa các xưởng với nhau với tỷ lệ mất mát tối thiểu, và thời gian trễ gần như con số không.
Tất nhiên, sẽ là thiếu sót nếu đề cập tới nhà máy Plan-les-Ouates mà không đề cập tới những sản phẩm từ sứ. Được giới thiệu vào năm 2005 trong mẫu GMT-Master II Ref. 116718LN, vành sứ Rolex Cerachrom này đã tạo ra cú hích cho các nhà sưu tập khi sở hữu màu đỏ – xanh Pepsi ấn tượng. Khi Rolex giới thiệu GMT-Master II Ref. 116710BLNR với gờ lắp mặt kính Cerachrom màu xanh – đen, hiển nhiên gờ lắp mặt kính Cerachrom màu đỏ – xanh không còn là mốt thời thượng nữa. Rõ ràng, mẫu Ref 116710BLRO đã ra đời, và bây giờ mọi người đều muốn biết Rolex đã làm như thế nào.
Việc sản xuất gờ lắp mặt kính Cerachrom được bắt đầu với bột sứ ceramic nhuộm (zirconium oxide) có thêm chất kết dính rồi đổ khuôn để tạo hình. Thông thường kích thước sẽ lớn hơn khoảng 25%. Việc thu nhỏ sẽ xuất hiện trong quá trình nung luyện sau đó. Tại thời điểm này, các gờ lắp mặt kính rất giòn, dễ vỡ nên cần được thực hiện cẩn thận. Bước kế tiếp, chất kết dính sẽ bị loại bỏ khi các chi tiết gờ lắp mặt kính này được nung tại 7000C. Quá trình này thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày, nhiệt độ cũng được tăng dần để tránh tạo ra vết nứt nhỏ hoặc những biến dạng bong bóng. Tiếp theo, các chi tiết lại được nung kết nhằm gia tăng độ đặc, cứng. Khi kích thước của những gờ lắp mặt kính thu nhỏ lại, màu sắc chi tiết cũng đậm lên.
Rolex sản xuất gờ lắp mặt kính Cerachrom màu đỏ – xanh từ chất liệu alumina thuần khiết thay vì zirconium oxide. Đây là loại chất liệu cứng hơn và có thể tôi luyện ở nhiệt độ cao hơn khi thực hiện nung kết. Nhìn chung, để sản xuất các chi tiết gờ lắp mặt kính 2 màu, điều quan trọng là xác định màu chủ đạo. Trong trường hợp của Ref. 116710BLNR chính là màu đen – xanh. Nhưng trong trường hợp của Ref. 116710BLR0 lại là màu xanh – đỏ. Quy trình này bắt đầu với những chi tiết và màu yếu hơn (màu đỏ) cho tới trước quá trình nung kết khi màu chính (xanh) được đưa vào. Khi được nung kết, màu xanh dương sẽ dần làm mất màu đỏ phía dưới và cuối cùng là 1/2 màu đó sẽ chuyển thành xanh dương.
Kế tiếp, toàn bộ chi tiết, ngoại trừ các rãnh, sẽ được đánh bóng nhờ các thiết bị bọc kim cương và được tráng một lớp PVD với 2 micron vàng và platinum. Cuối cùng, kim loại quý hiếm sẽ bị loại khỏi bề mặt của chi tiết, nhưng vẫn được giữ lại trong gờ rãnh.
Khả năng làm chủ kỹ thuật trong các công đoạn này là điều bảo chứng cho sự quan tâm tới chất lượng và khả năng vận hành của Rolex. Con đường theo đuổi sự hoàn hảo được tiếp nối tại các nhà máy khác, nơi những máy móc tối tân kết hợp cùng truyền thống thủ công.
Bienne: Quả “tim” cho đồng hồ Rolex
Vừa được cải tổ lại vào năm 2012, Bienne hiển nhiên là nhà máy “thần thánh” nhất của Rolex bởi việc tạo nên toàn bộ cỗ máy trong đồng hồ (cho dù đó là máy của chiếc Daytona Calibre 4130 hay Submariner Calibre 3135 cổ điển). Vị trí cách xa 3 nhà máy còn lại của Rolex ở Geneva hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn ngẫu hứng. Dưới thời của Hans Wilsdorf, Rolex mua rất nhiều máy từ nhà sản xuất Aegler SA ở Bienne, sau đó công ty của Wilsdorf mua lại Aegler vào năm 1930. Toà nhà ban đầu vẫn ở đó với biểu tượng của Rolex trên đỉnh, nhưng những cỗ máy lại đến từ nơi khác, một toà nhà khác với công nghệ hiện đại hơn.
Với tổng diện tích lên tới khoảng 92,000m², nhà máy này thực sự ấn tượng. Tại đây, khoảng 200 đến 400 chi tiết trong những cỗ máy phức tạp nhất được dập, tiện, hoàn thiện, kiểm tra chất lượng và lắp ghép. Đừng quên rằng mọi cỗ máy của Rolex đều được chứng nhận chronometer, được viện kiểm định chất lượng COSC (Swiss Official Chronometer Testing Institute) kiểm định trong 15 ngày đêm trước khi được gửi tới Acacias, nơi chúng sẽ được lắp vào vỏ đồng hồ.
Chi tiết máy được sản xuất và xử lý bằng máy tự động theo cách thức tương tự như sản xuất vỏ và dây đeo. Nhờ việc tự sản xuất nên những cỗ máy này, bộ máy của Rolex hoàn toàn độc đáo và khác biệt so với toàn bộ nền công nghiêp đồng hồ. Sau khi các chi tiết được cắt hoặc tạo hình bằng phương pháp dập đột, chúng sẽ được làm sạch và luyện tại 200ºC. Sự chuyên nghiệp của Rolex đảm bảo mỗi chi tiết được hoàn thiện chỉ sau 45 giây. Mặc dù vậy, vẫn có những chi tiết đặc biệt như trong bộ máy Calibre 4130 cần tới khoảng 1 phút để hoàn thiện. Vận hành 24/7, những cỗ máy này có độ chính xác siêu việt đến mức sai số chỉ ở mức +/-2 micron và bao gồm khoảng 300-500 chi tiết kỹ thuật.
Các chi tiết khác như roto quay, bộ hồi, cò 7 đều được sản xuất tại đây. Rolex sử dụng đồng berryllium để làm ra quả văng với 3 lựa chọn khác nhau là 10mm cho máy đồng hồ nam, 8mm cho máy đồng hồ nữ và 9mm cho máy Calibre 4130.
Kể từ năm 2000, Rolex đã sản xuất thành công quả văng riêng với tên gọi Parachrom, được dễ dàng nhận diện bởi màu xanh đặc trưng, một lần nữa đảm bảo vị thế công ty sản xuất đồng hồ độc lập của Rolex. Để sản xuất quả văng Parachrom, điều quan trọng đầu tiên là sản xuất ra một hợp kim đặc biệt. Rolex sẽ nung chảy 2 thang niobium với một thanh zirconium trong không gian chân không tại 2,500ºC, với phương pháp được giữ kín. Sự thuần khiết của chất liệu là điều quan trọng nhất bởi ở cấp độ hoá học này, thậm chí một vẩy bụi nhỏ nhất cũng có thể gây ra những lỗi lầm đáng tiếc. Sau khi nung luyện thành công và làm mát, hợp kim sẽ trải qua rất nhiều lần nung luyện cho tới khi đạt được kích thước tiêu chuẩn là 0.05×0.15.
Quá trình tiếp theo liên quan đến con người và tay nghề của nghệ nhân. Để tạo hình cho quả văng, các nghệ nhân sẽ cuộn các sợi tóc có chiều dài khoảng 20m vào trong một thiết bị (mỗi thiết bị có thể cuộn được 3 sợi tóc). Sau khi đã cuộn xong, thiết bị được đem vào luyện nhiệt trong không gian chân không ở mức nhiệt mà các sợi tóc này được định hình hình dáng cố định. Sau đó, các sợi tóc được đưa ra khỏi thiết bị và tách thành các chi tiết khác nhau.
Parachrom hoàn toàn không có màu xanh dương tự nhiên, mà chỉ co thể đạt được qua quá trình môi hoá anot. Theo Rolex, bên cạnh lý do mỹ thuật, mục đích của quá trình môi hoá này là nhằm bảo vệ sợi tóc khỏi độ ẩm.
Khi sợi tóc được hoàn thiện, chúng cần được lắp vào cùng các chi tiết khác – rất phức tạp và thủ công đòi hỏi chỉ những người thợ lâu năm và lành nghề mới có thể thực hiện. Tuy nhiên, việc gắn sợi tóc với quả văng còn phức tạp hơn, đòi hỏi phải được thực hiện bởi những người thợ lành nghề nhất bởi sai số trong công đoạn này phải bằng 0.
Kể từ năm 2014, Rolex đã phát triển và giới thiệu một kỹ thuật hoàn toàn mới trong ngành công nghiệp đồng hồ: những sợi tóc Syloxi. Được làm từ chất liệu silicon, chi tiết này là kết quả của rất nhiều năm nghiên cứu và được đăng ký bản quyền. Điều này cho phép hãng tận dụng ưu điểm của chất liệu để loại bỏ các nhược điểm mà những sợi tóc cũ thường mắc phải.
Hiện tại, phòng thí nghiệm của hãng vẫn được bảo vệ tuyệt đối khỏi thế giới bên ngoài, nhưng những sáng tạo của hãng như sợi tóc Parachrom, cái hồi Paramagnetic và các đệm chống sốc Paraflex là bằng chứng cho thấy Rolex đang dẫn đầu cuộc chơi. Và đó chính là con đường mà mỗi thành viên, mỗi nhà máy, mỗi cá nhân hoạt động trong Rolex đang cùng tham gia. Họ đang cùng nhau xây dựng một con đường: con đường phát triển của Rolex.
(Còn tiếp phần 2)