Jaeger-LeCoultre: Bậc thầy âm thanh tài ba trong làng đồng hồ Thụy Sĩ
Đối với Jaeger-LeCoultre, dòng đồng hồ điểm chuông luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Và trong hơn 150 năm qua, các tạo vật hào sảng này đã góp mặt trong danh mục sản phẩm biểu tượng của thương hiệu và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến các thiết kế hiện tại.
Kể từ khi khai sinh cơ cấu điểm chuông theo phút đầu tiên vào năm 1870, xưởng chế tác của Jaeger-LeCoultre đã tiếp tục phát triển hơn 200 bộ máy đồng hồ điểm chuông, đến mức các nghệ nhân tại đây dễ dàng nắm vững nguyên lý hoạt động và cách thức tạo nên tiếng chuông trong trẻo nhất trên các bộ máy từ giản đơn đến phức tạp, có thể kể đến như cơ cấu điểm chuông Grande Sonnerie và Westminster.
Đặc biệt, trong suốt khoảng thời gian ấy, Jaeger-LeCoultre đã không ngừng đưa ra những phát kiến mới nhằm cải thiện độ chính xác của bộ máy, cũng như nâng cao chất lượng âm thanh phát ra từ cơ cấu điểm chuông. Động thái này dẫn đến việc ngày càng nhiều bằng sáng chế và vô số đổi mới xuất hiện trong ngành đồng hồ điểm chuông. Cho đến giữa thế kỷ 20, thương hiệu tự hào trở thành nhà cung cấp bộ máy điểm chuông cho nhiều tên tuổi nổi tiếng trong ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ.
Từ hộp nhạc đến đồng hồ bỏ túi
Trước khi Antoine LeCoultre dấn thân vào ngành chế tác đồng hồ, gia đình của ông đã từng phát minh ra một bộ gõ mới dành cho các loại hộp nhạc cơ học. Được cắt từ một phiến kim loại và có hình thù như một chiếc lược (tiếng Pháp là Peigne), sáng kiến này đã góp phần cải thiện chất lượng âm thanh của các hộp nhạc đến mức đáng kinh ngạc. Kể từ đó, các biến thể của cơ cấu trên đã trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các chủng loại hộp nhạc hiện tại.
Khi tham khảo một loạt các tạo phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập Heritage của Jaeger-LeCoultre, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy một chiếc đồng hồ khá ấn tượng ra đời năm 1820 với cơ cấu LeCoultre “Peigne” ẩn trong bộ vỏ dạng mai rùa được trang trí tinh xảo.
Sau khi được thành lập vào năm 1833, LeCoultre Atelier nhanh chóng đạt được danh tiếng về cả tính sáng tạo và chất lượng. Thương hiệu đã nổi lên như một hiện tượng nhờ những bộ máy cơ siêu phức tạp, tích hợp lịch thường niên, chức năng chronograph và cơ chế chỉnh giờ vào những năm 1860.
Cho đến khoảng năm 1880, một thập kỷ sau khi bộ máy điểm chuông theo phút đầu tiên của thương hiệu ra đời, Jaeger-LeCoultre đã tiếp tục tạo nên tiếng vang khi trình làng bộ máy Calibre 19/20 RMS, một bộ máy điểm chuông gồm bộ ba búa gõ độc đáo, thay vì hai búa và cồng như thông thường. Nhờ có thêm chiếc búa thứ ba mà bộ máy này tự hào tạo nên một giai điệu thánh thót với tiếng chuông ba nốt rất vui tai.
Năm 1895, Jaeger-LeCoultre tiếp tục phát minh và đăng ký cấp bằng sáng chế cho bộ điều khiển Silent Strike-governor, còn gọi là bộ điều chỉnh tĩnh. Sự xuất hiện của cơ cấu này đã chấm dứt vòng đời của cơ chế âm báo nền của bộ điều chỉnh truyền thống, vì có khả năng tạo ra tiếng chuông rõ ràng hơn. Các phiên bản khác nhau của phát kiến này đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp trong dòng đồng hồ điểm chuông. Tiêu biểu nhất trong số đó là chiếc đồng hồ bỏ túi năm 1914, vận hành với trái tim là bộ máy cơ Calibre 19 IMCCV tích hợp chức năng chronograph một nút bấm và điểm chuông theo phút vô cùng tuyệt vời.
Dòng đồng hồ Memovox
Vào đầu thế kỷ 20, Jaeger-LeCoultre là một trong số ít những nhà chế tác có khả năng tích hợp 3 chức năng cực phức tạp trên cùng một bộ máy cơ. Nổi bật nhất là tạo tác 1910 Minute Repeater Triple Complication – chiếc đồng hồ trang bị bộ máy cơ LeCoultre Calibre 19 / 20IMCSQ tích hợp cơ cấu điểm chuông theo phút, chronograph và lịch vạn niên trong một chiếc vỏ kiểu thợ săn cổ điển.
Để mang đến góc độ thẩm mỹ xứng đáng với sự phức tạp về mặt kỹ thuật, các phương pháp trang trí thủ công đã được ứng dụng trên những mẫu đồng hồ phức tạp hơn. Để minh chứng cho điều này, hãy cùng nhìn lại chiếc đồng hồ bỏ túi kiểu Lépine năm 1928 cùng bộ máy LeCoultre Calibre 17JSMCCRVQ kết hợp tính năng điểm chuông theo phút với cơ cấu lịch vạn niên và chức năng bấm giờ thể thao.
Chính phong cách chế tác dạng lộ cơ hòa cùng nghệ thuật tráng men và chạm khắc tinh xảo đã tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp ngay trên mặt số. Không chỉ vậy, Lépine còn gợi nhắc đến một định dạng máy cơ đồng hồ từng được phát triển vào những năm 1760 bởi nghệ nhân đồng hồ người Pháp Jean-Antoine Lépine, nhằm giúp cho đồng hồ mỏng hơn.
Vào giữa thế kỷ 20, khi nhu cầu về những chiếc đồng hồ trang bị chức năng thiết thực tăng cao, Jaeger-LeCoultre đã phát triển dòng đồng hồ báo thức đầu tiên dựa trên cơ chế điểm chương theo phút danh tiếng của mình. Có tên gọi Memovox (tiếng Latin có nghĩa là “giọng nói của ký ức”), chiếc đồng hồ báo thức độc đáo này được trang bị bộ máy cơ với cụm búa gõ cỡ lớn, kèm tốc độ đánh nhanh để tạo ra một hồi chuông đơn sắc, gần giống với tiếng vo ve hơn là âm thanh của đồng hồ điểm chuông.
Năm 1950, Maison giới thiệu bộ máy cơ Calibre 489 trong chiếc đồng hồ Memovox đầu tiên. Một chiếc đồng hồ mang phong cách chế tác cổ điển, thể hiện qua một con trỏ hình tam giác di chuyển trên đĩa trung tâm của mặt số để biểu thị thời gian báo thức, cùng hai núm vặn – một để lên dây cót và cài đặt thời gian, núm vặn còn lại đảm nhận nhiệm vụ cài giờ báo thức.
Sau khi tạo ra bộ máy cơ tự động đầu tiên vào năm 1946, một thập kỷ sau xưởng chế tác của Jaeger-LeCoultre tiếp tục giới thiệu bộ máy báo thức tự động đầu tiên mang tên Calibre 815.
Tiếp theo, vào năm 1958, Jaeger-LeCoultre lại ra mắt bộ máy Memovox Calibre 814 với hai biến thể mới. Đối với các doanh nhân thường xuyên di chuyển, Memovox International đã mang đến cho họ chức năng theo dõi giờ thế giới thông qua một đĩa xoay khắc tên 24 thành phố tiêu biểu ở trung tâm mặt số. Bên cạnh đó, phiên bản Memovox Parking được thiết kế để hỗ trợ các bác tài tránh bị phạt vì vượt quá thời gian trả trước trên đồng hồ đỗ xe bằng cách phát ra âm báo vo ve khi hết thời gian quy định.
Trong năm 1959, nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của hoạt động lặn giải trí và nhu cầu tương ứng về đồng hồ chuyên dụng, Jaeger-LeCoultre đã giới thiệu mẫu đồng hồ lặn tích hợp chức năng báo thức đầu tiên trên thế giới – chiếc Memovox Deep Sea (Cal. 815). Để nâng cao sự an toàn cho chủ nhân khi tham gia các chuyến lặn, âm thanh báo động kèm theo cơ chế rung theo nhịp sẽ được khởi động nhằm nhắc nhở người đeo về thời gian lặn cho phép đã kết thúc.
Ra mắt vào năm 1963 và được làm mới vào năm 1968 bằng việc bổ sung cơ chế hiển thị ngày (Cal. 825), Memovox Polaris đã nâng tầm khả năng lặn sâu của một chiếc đồng hồ báo thức nhờ vòng bezel xoay tích hợp thang đo thời gian, mang đến cho các thợ lặn sự thuận tiện tối đa khi theo dõi thời gian lặn, bên cạnh cơ cấu khuếch đại âm thanh cảnh báo khi ngập nước và khả năng chống nước ở độ sâu lên đến 200m.
Được giới thiệu vào năm 1970, Memovox Speedbeat là một tạo tác cực ấn tượng hoạt động với bộ máy Calibre 916 – bộ máy cơ tự động đầu tiên của Jaeger-LeCoultre có tần suất dao động mới ở mức 28.800 Vph, giúp đồng hồ hoạt động ổn định hơn và chính xác hơn.
Xuất hiện vào năm 1994, mẫu Master Réveil tự hào sở hữu bộ máy Calibre 918 với cơ chế báo thức mới gồm một cụm búa gõ vào gồng thay vì đánh trực tiếp vào vỏ. Kết quả là âm thanh đặc biệt như “tiếng chuông trường học” đặc trưng của Memovox cho đến ngày nay. Master Réveil cũng là mẫu Memovox đầu tiên trải qua 1.000 giờ thử nghiệm khắt khe, đồng thời được công nhận là một trong những quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ nghiêm ngặt nhất trong ngành sản xuất đồng hồ.
Với những thành tựu tuyệt vời trong lĩnh vực đồng hồ điểm chuông, Jaeger-LeCoultre tự hào sở hữu cho mình nền tảng kiến thức sâu rộng và tiếp tục được mở rộng cho đến ngày nay. Sự phát triển không ngừng của thương hiệu với dòng đồng hồ điểm chuông đã phản ánh lòng tôn trọng sâu sắc đối với người sáng lập thương hiệu.