Art Deco: 6 chiếc đồng hồ tuyệt đẹp sẽ đưa bạn trở về thời của Đại gia Gatsby
Từ đồng hồ tầm trung như Tissot, Bulova đến những phiên bản cao cấp như Cartier và Vacheron Constantin, dưới đây là 6 chiếc đồng hồ đậm chất Art Deco bạn không thể bỏ qua.
Art Deco, trường phái thẩm mỹ đặc trưng của những năm 20 thế kỷ trước, dường như bị lạm dụng trong những năm gần đây. Cái tên Art Deco gần như được gán cho bất cứ thứ gì được kết hợp giữa các dạng thức hình học và âm hưởng cổ điển. Tuy điều này làm vơi đi phần nào sức hấp dẫn vốn có của Art Deco, song vẫn không thể phủ nhận rằng Art Deco có sự hiện diện đáng kể trong thế giới nghệ thuật, thiết kế và kiến trúc, đặc biệt là tại thành phố New York.
Trong thiết kế đồng hồ, thuật ngữ này thường được dùng để gọi cách bố trí mặt số không điển hình với các chữ số lớn và hình dáng góc cạnh. Khi được sử dụng một cách chính xác, nó có thể mang lại giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho cổ tay, nhưng nếu không, mọi ý nghĩa đều sẽ tan biến. Trong danh sách do Watchtime tổng hợp dưới đây, chúng tôi sẽ kể tên một số phiên bản đồng hồ gần đã sử dụng cách tiếp cận Art Deco để mang đến ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ.
Tissot
Tissot Heritage Petite Seconde xuất hiện lần đầu tại Baselworld 2018 và nhanh chóng trở thành “ngôi sao” giữa các phiên bản đồng hồ tầm trung của Swatch. Lớp chải hoàn thiện trên mặt số, sự kết hợp của các chữ số in Ả Rập lớn, logo Tissot cổ điển và các vấu sắc nét độc đáo đều thu hút ánh nhìn của người xem.
Tương thích với thẩm mỹ Art Deco chính là thiết kế chống từ được kế thừa từ thế hệ đồng hồ trong những năm 30 và 49. Vào thời điểm đó, Tissot là một trong những thương hiệu đầu tiên đưa tính năng chống từ tính ra thị trường, với những chiếc đồng hồ có cấu hình mặt số sạch, vỏ thép, kim mỏng, bộ máy chất lượng và tầm giá dễ chịu. Trong chiếc Tissot Heritage Petite Seconde này là bộ máy ETA 6498-1 lên dây cót tay. Cuối cùng, mức giá 995 USD cũng hoàn toàn phù hợp với định vị thương hiệu, vốn là điều khiến Tissot trở nên nổi tiếng.
Panerai
Như các tín đồ Panerai đã biết, thương hiệu đình đám ngày nay từng có một khởi đầu khiêm tốn trong cửa hàng bán lẻ đồng hồ ở Florence, do gia đình Panerai thành lập vào năm 1860. Để tìm nguồn cảm hứng cho phiên bản mới nhất của Radiomir 1940 3 Days Acciaio 47mm, công ty trở lại những ngày đầu thời kỳ lịch sử ấy, trong đó Orologerie Suizzera (tiền thân của Officine Panerai hiện đại) đã xuất hiện không chỉ với phiên bản đồng hồ đeo tay mà còn là đồng hồ bỏ túi, đồng hồ để bàn và đồng hồ quả lắc. Đó chính là ý tưởng sống động hình thành nên mặt số Art Deco của hai chiếc đồng hồ được phát hành vào mùa thu năm ngoái.
Mặt số của đồng hồ quả lắc được hiển thị ở tầng một cửa hàng Florentine của Panerai trên quảng trường San Francisco được tái tạo thành hai phiên bản mặt số khác nhau, cả trong vỏ 47mm được làm bằng thép không gỉ màu ngà được đánh bóng (Ref. PAM00791) và màu đen (Ref. PAM00790). Cả hai mặt số kiểu retro đều đáng chú ý với mặt số giờ lớn kiểu Art Deco, vạch chia phút kiểu đường ray và vòng phụ bên trong, kim giờ và kim phút hình mũi nhọn được sử dụng lần đầu tiên trên đồng hồ đeo tay Panerai. Giá cho cả hai phiên bản này là 9.200 USD.
Jaeger-LeCoultre
Reverso là chiếc đồng hồ có ý nghĩa lịch sử và được công nhận nhất của Jaeger-LeCoultre. Thiết kế vỏ Art Deco của nó được phản ánh qua một trong những thành tựu kiến trúc lớn nhất thời kỳ đó: Tòa nhà Chrysler William Van Alen ở Manhattan. Đồng hồ và tòa nhà chọc trời có chung các dạng hình học và lý tưởng hiện đại – điều đã khiến Art Deco trở nên nổi tiếng, ví dụ như các đường nhô ra theo chiều ngang của vỏ Reverso trông rất giống với mái vòm được trang trí công phu và ngọn tháp của Tòa nhà Chrysler.
Năm nay, Jaeger-LeCoultre tiếp tục phát hành chiếc Reverso Tribute Small Seconds mới, kế thừa di sản của những chiếc đồng hồ Reverso đầu tiên xuất hiện vào năm 1931 trên cổ tay của người chơi polo. Model này được làm bằng thép không gỉ và có mặt số màu đỏ burgundy hấp dẫn, đi kèm với dây đeo bằng da tương đồng từ Casa Fagliano. Đồng hồ có giá 7.900 USD.
Bulova
Tại triển lãm Baselworld 2019, Bulova đã có một động thái bất ngờ khi tung ra bộ sưu tập có số lượng giới hạn mô phỏng các di sản thành phố New York của thương hiệu. Bộ sưu tập Joseph Bulova mới có 16 chiếc đồng hồ trong nhiều kiểu vỏ khác nhau như tank, tonneau và tròn, được lấy ý tưởng từ các phiên bản đặc sắc nhất của thương hiệu từ những năm 1920 đến những năm 1940 như Commodore, Banker và Breton.
Hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Citizen Nhật Bản, người chơi hoàn toàn có thể trông đợi sự xuất hiện của những bộ máy Miyota tự động nổi tiếng trong các phiên bản này. Tuy nhiên, Bulova lại chọn đi theo con đường Thụy Sĩ bằng cách sử dụng bộ máy Sellita SW200 có thể được chiêm ngưỡng qua nắp lưng. Mỗi trong số 16 phiên bản đồng hồ mới được sản xuất với 350 chiếc giới hạn, giá cả dao động từ 995 đến 1.495 USD.
Cartier
Trong khi nhiều thiết kế đồng hồ mang tính biểu tượng của Cartier như Tank và Santos đều mang đậm chất Art Deco và xứng đáng góp mặt trong danh sách này, thì sự hồi sinh của một phiên bản đầu thế kỷ 20 khác – chiếc 1906 Tonneau – trong dòng Privé mới lại rất đáng chú ý. Cartier Privé khởi đầu với hai phiên bản hai kim, bên cạnh phiên bản giờ kép lộ cơ. Gợi nhắc lại nguyên bản năm 1906 – được làm bằng bạch kim chứ không phải vàng thông thường và có các đường cong ôm sát cổ tay và ốc vít vis armurier (hoặc phong cách “gunsmith”) để vặn chặt các vấu – vỏ của Privé được đóng khung đôi, với một hình thuôn dài, cong được thiết kế để uốn theo đường viền của cổ tay.
Khung viền của mô hình Tonneau hai kim được hình thành từ một khối duy nhất bằng vàng hồng hoặc bạch kim, mà Cartier tự hào là “không hề nhô ra hoặc phá vỡ bề mặt”. Núm vặn được đính cabochon theo phong cách Cartier cổ điển. Mặt số – màu sâm-panh trên đồng hồ bằng vàng hồng hay mạ bạc trên phiên bản bạch kim – có các chữ số La Mã rhodium được mạ bóng và các vạch chia phút theo phong cách cổ điển.
Cả hai phiên bản của Tonneau đều có dây đeo bằng da cá sấu, màu xám với bạch kim, màu nâu với vàng hồng và được trang bị bộ máy Caliber 1917 mới, cỗ máy lên dây cót tay với 38 giờ dự trữ năng lượng. Đồng hồ bạch kim được sản xuất giới hạn với 100 chiếc và có giá 26.200 USD. Mẫu vàng hồng có giá 22.400 USD.
Vacheron Constantin
Vào năm 2017, Vacheron Constantin mang đến phiên bản cỡ trung của bộ sưu tập rất được ưa chuộng là Historiques 1921 American. Lần đầu tiên được bổ sung vào dòng sản phẩm đương đại vào năm 2008, bộ sưu tập đã trở thành một trong những thiết kế phổ biến nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội và trực tuyến. Chiếc đồng hồ nguyên bản mà Historiques 1921 American lấy cảm hứng được phát hành vào năm 1921 và được sản xuất với số lượng hạn chế dành cho các tay lái motor người Mỹ, với mặt số quay 45 độ để dễ nhìn hơn khi lái xe.
Từ năm 1921 đến 1931, chỉ có 12 chiếc đồng hồ như vậy được sản xuất. Phiên bản mới nhất của đồng hồ (Ref. 1100S / 000R-B430) với kích thước 36,5 mm vẫn giữ lại các đặc trưng thiết kế cổ điển như phiên bản 40 mm trước đó, đồng thời phát triển thêm những điểm nhấn sang trọng hiện đại của Vacheron Constantin ngày nay. Với các vấu thẳng, núm vặn bên góc trên của vỏ, chiếc đồng hồ có đường viền nổi bật trên vỏ vàng hồng hình cushion.
Mặt đồng hồ bằng kim loại nổi bật được đặt nghiêng về bên phải cho người đeo tay trái, sử dụng vạch phút dạng đường ray màu đen, in chữ số Ả Rập “Breguet” và logo vàng tinh tế của thương hiệu tại vị trí 12 giờ. Ở mốc 3 giờ là mặt số phụ chỉ giây hình tròn nổi bật, trong khi hai kim kiểu pomme màu đen quét qua toàn bộ mặt số. Bên trong là bộ máy Calibre 4400 AS được chứng nhận Geneva Seal, có mức dự trữ năng lượng lên đến 65 giờ. Giá của chiếc đồng hồ là 28.600 USD.