Features

“Cartier, Icon of style”: Lịch sử gắn liền với huyền thoại nhan sắc

Cartier mang đến cuộc triển lãm đặc biệt với những bộ sưu tập nữ trang biểu tượng từ thương hiệu, mang tên: "Cartier, Icon of Style".

Jan 04, 2019 | By Lương Tôn Bình

“Chúng tôi rất vinh dự được làm việc với bộ phận Di sản của thương hiệu tại Paris để đem đến “Cartier, Icon of Style” – cuộc triển lãm giới thiệu với công chúng vai trò của Cartier trong lịch sử đồ trang sức nghệ thuật, đồng thời vinh danh biểu tượng chú báo huyền thoại, điều đã làm mê hoặc hầu hết cá nhân thanh lịch bậc nhất thế kỷ XX”, ông Jérôme Metzger, Giám đốc Quản lý Khu vực của Cartier cho biết.

Để hiểu về bề dày của Cartier đối với sự phát triển của nghệ thuật trang sức, cũng như sự khởi đầu của những thiết kế biểu tượng từ thương hiệu, Cartier đưa tất cả vào trong bộ sưu tập những tạo phẩm đặc trưng. Điểm nối bật trong cuộc triển lãm “Cartier, Icon of Style” chính là việc tái hiện sự thay đổi hình tượng chú báo và mối liên hệ phong phú của biểu tượng này với các nhân vật nổi tiếng.

Jeanne Toussaint

Jeanne Toussaint (1887 – 1976) là mẫu người phụ nữ thanh lịch hiếm có, một tín đồ thời trang yêu chuộng haute couture. Bà đã được Louis Cartier – nhà sáng lập thương hiệu – chính thức mời về quản lý việc thực hiện những sản phẩm đồ da, phụ kiện và túi xách, điều đem lại thành công lớn cho Cartier lúc bấy giờ.

Tại Cartier, Jeanne Toussaint làm việc sát cánh cùng Louis Cartier và được đặt biệt danh “La Panthère”, ám chỉ đến tính cách tự do, mạnh mẽ và tình yêu của bà dành cho loài báo, cũng là biểu tượng của thương hiệu Cartier.

Nữ Công tước xứ Windsor

Nữ công tước xứ Windsor (1896 – 1986) là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với đồ trang sức đương đại trong thế kỷ XX. Mối tình giữa bà và Nhà vua Edward VIII đến nay vẫn là một trong những mối tình đặc biệt, lãng mạn và gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử. Trong quãng thời gian mặn nồng, bà được Nhà vua trao tặng nhiều vật phẩm trang sức có giá trị, như chiếc vòng cổ với cách phối màu độc đáo giữa lam ngọc và thạch anh tím đến từ Cartier.

Barbara Hutton

Hình ảnh Barbara Hutton cùng bộ trang sức và túi xách được trưng bày trong triển lãm.

Barbara Hutton (1912 – 1979) là cháu gái của nhà sáng lập Woolworth và là một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Trong hôn lễ với Hoàng tử Alexis Mdivani, người đầu tiên trong số sáu người chồng của bà, Barbara Hutton đã đeo chiếc vương miện được làm từ mai rùa đính kim cương do Cartier chế tạo.

Năm 1957, bà đặt riêng một chiếc trâm cài hình con hổ dựa trên hình ảnh Huân chương Lông cừu vàng. Tuy nhiên, thay cho phần lông cừu vàng truyền thống, chiếc trâm có hình con hổ được làm từ kim cương vàng với sọc mã não đen và mắt ngọc lục bảo. Đường cong đầy kịch tính của con vật cũng được lặp lại trong đôi hoa tai đồng bộ.

María Félix

María Feliz cùng món trang sức huyền thoại hình chú rắn.

Được mệnh danh là người phụ nữ sở hữu gương mặt đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh Mexico, María Félix (1914 – 2002) là một trong nhiều khách hàng nổi tiếng của Cartier trong thời kỳ hậu chiến. Bà sở hữu phong cách ăn mặc phóng khoáng kèm nhiều trang sức quý, với niềm đam mê đặc biệt dành cho trang sức tạo hình thú.

Một trong những giao dịch ngoạn mục nhất của bà với Cartier chính là chiếc vòng cổ Snake, được đặt hàng vào năm 1968. Và Cartier đã hoàn thành vai trò này nhiều hơn cả mong đợi, khi xuất xưởng món trang sức hình chú rắn với cơ thể chuyển động 3 chiều nhờ khớp nối, được phủ men đỏ, xanh lá cây và đen lên phần vảy bên dưới.

Nina Dyer

Một trong số những khách hàng nổi tiếng khác của Cartier chính là Nina Dyer (1930 – 1965), người mẫu xinh đẹp từng kết hôn với Nam tước von Thyssen-Bornemisza, và sau đó là Hoàng tử Sadruddin Aga Khan. Bà nổi tiếng với tình yêu dành cho động vật, mà đặc biệt là mèo. Trong số nhiều món quà xa hoa, bao gồm cả một hòn đảo Caribbean riêng, bà còn được Baron von Thyssen-Bornemisza tặng cho hai chú báo đen làm thú cưng.

Một trong những món quà đầu tiên bà nhận được từ người chồng thứ hai, Hoàng tử Sadruddin Aga Khan, vào năm 1958, là một chiếc trâm cài hình chú báo Panther với đầu và chân có khớp nối, được làm từ kim cương, ngọc bích và ngọc lục bảo. Trong cùng năm đó, ông cũng dành tặng cho bà chiếc vòng đeo tay hình báo có hai đầu cùng nhẫn đá đồng bộ vào năm 1959.

Vòng đeo tay hình chú báo hai đầu của Nina Dyer

Linda Lee Thomas

Sau khi ly hôn với người chồng giàu có Edward Thomas, Linda Lee Thomas (1883 – 1954) kết hôn với nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ, Cole Porter, vào năm 1919. Được xem là một trong những người phụ nữ đẹp nhất thế giới, bà Porter cũng là khách hàng thân thiết của Cartier.

Yêu chuộng phong cách Tutti Frutti từ Cartier, bà mua về chiếc vòng tay làm theo phong cách này vào năm 1925, và thêm một chiếc khác vào năm 1929. Năm 1935, bà tiếp tục đặt hàng mẫu trâm cài áo đôi Tutti Frutti. Điểm đặc biệt ở chiếc trâm cài đôi này chính là khả năng được dùng tách rời khi cần thiết.

BÀI: HẢI YẾN

 
Back to top