The Talks

WOW’s Talks – Trò chuyện đầu năm: Gặp gỡ Thierry Stern – Chủ tịch thương hiệu Patek Philippe

Loài người bắt đầu bước chân vào chế tác những chiếc đồng hồ cơ khí từ 500 năm trước đây. Với tuổi đời 180 năm, Patek Philippe chính là thương hiệu đã viết nên một phần ba lịch sử ấy.

Jan 30, 2023 | By Lương Tôn Bình

Trong suốt 180 năm qua, đã có nhiều thương hiệu xuất hiện rồi biến mất. Song, kể từ khi thành lập vào năm 1839, Patek Philippe vẫn giữ vững vị trí là một trong những thương hiệu đồng hồ danh giá nhất Thế giới. Sự danh giá ấy đến từ không gì hơn ngoài di sản đã được thương hiệu nắm giữ và truyền đời. 

Cửa hàng Patek Philippe đầu tiên ở Việt Nam được khai trương vào năm 2019. Ba năm sau, cửa hàng thứ hai được chính thức khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông có thể cho chúng tôi biết thêm góc nhìn của ông về thị trường Việt Nam không, và kế hoạch tiếp theo của thương hiệu tại đây là gì? 

Thật lòng mà nói, khi mới bắt đầu tôi không biết rõ về thị trường Việt Nam. Lúc mở cửa hàng đầu tiên, tôi cảm thấy khá ấn tượng với thẩm mỹ và kiến thức của những khách hàng tại đây. Họ mua sản phẩm Patek Philippe vì biết rõ về lịch sử thương hiệu, và rất hứng thú tìm hiểu cách thức chúng tôi làm ra những tạo vật đẹp đẽ này. Có vẻ như ở đây, mọi người đều tận hưởng và tôn trọng thế giới bên trong mỗi chiếc đồng hồ. Chuyện đó không đơn giản. Dường như mọi người ở đây đều rất giỏi việc chế tạo ra nhiều thứ, nên họ trân trọng và hiểu được độ khó khi tạo ra một chiếc đồng hồ là như thế nào. Chúng tôi rất hạnh phúc khi nhận ra điều ấy. 

Cửa hàng này không phải chỉ dành cho khách du lịch. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian làm việc với Tam Sơn (đơn vị phân phối Patek Philippe tại Việt Nam – PV) để có thể phục vụ cho người bản địa. Chúng tôi sớm nhận ra là một cửa hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu, nhưng phải chờ lâu hơn vì nguồn cung hạn chế, chúng tôi không thể nào cung ứng đủ số lượng đồng hồ cho những người ao ước sở hữu. Đó là lý do mà chúng tôi mất đến vài năm mới có thể mở ra cửa hàng thứ hai.

Bước tiến này hợp lý thôi vì thị trường ở Việt Nam khá lớn, và khách hàng cũng thấy vui hơn khi biết là họ không cần phải bay đi nơi khác để mua được sản phẩm mà họ muốn. Việc ở đây, ngay tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh này, theo tôi là một bước tiến rất thông minh. 

Giờ chúng tôi có tổng cộng hai cửa hàng, tôi không nghĩ là mình thật sự cần tăng số lượng lên nữa, hai là đủ, và điều chúng tôi cần làm là cung cấp sản phẩm, kiến thức về kỹ thuật chế tác. Ví dụ như sự kiện ngày hôm qua chẳng hạn (tiệc khai trương cửa hàng – PV), tôi rất ngạc nhiên với số lượng và các mẫu đồng hồ Patek Philippe mà mọi người đeo khi đến tham dự sự kiện. Vì vậy, thách thức của chúng tôi hiện tại là không chỉ cung cấp sản phẩm, mà phải là những sản phẩm thật sự thú vị để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Tôi dám nói là thị trường nơi đây đã sẵn sàng, có thể chưa phải là quá chín muồi nhưng gần như là ở mức tiệm cận. 

Ở đây, mọi người có thể dễ dàng bán ra một chiếc đồng hồ điểm chuông cho ai đó hiểu được nó, không chỉ như một vật phẩm đẹp đẽ khi đeo lên tay, mà còn là thứ gì đó chứa đựng được vẻ đẹp mà khách hàng thẩm thấu. Kiến thức chính là nằm ở đó, và tôi mong là nó sẽ gia tăng nhiều hơn nữa ở các khách hàng của chúng tôi.

Liệu tôi có gặp khó khăn trong tương lai gần khi không cung ứng đủ sản phẩm để bán không? Chắc chắn là có rồi, việc này xảy ra ở mọi nơi, đó là điều hiển nhiên khi chúng tôi hoàn toàn chế tác thủ công các sản phẩm của mình và việc đó tốn rất nhiều thời gian, nhưng tôi nghĩ mọi người ở đây đều hiểu được chuyện đó. 

Hiện nay, cộng đồng sưu tầm đồng hồ trên thế giới đang dần trẻ hóa, nhưng họ thật sự rất chú trọng vào giá trị cốt lõi của thương hiệu. Liệu đây có phải là thách thức dành cho một thương hiệu lâu đời và truyền thống như Patek Philippe?

Tôi nghĩ chúng tôi luôn luôn nên tự chuyển mình để phù hợp với các thế hệ mới. Từ cách đây rất lâu, chúng tôi đã học được là không thể để mình già đi cùng với những vị khách hàng cũ. Việc truyền tải thông tin đến lượng khách hàng mới luôn là mục tiêu của tôi. Như tôi vẫn thường nói, đó cũng là tương lai của con tôi, một khi nó được chuyển giao quyền nắm giữ thương hiệu. Cơ hội mà chúng tôi có thể tiếp cận dễ dàng được với những lượng khách hàng trẻ hơn chính là nhờ truyền thông, Internet, Instagram.

Trong quá khứ, không có những chuyện này. Đồng hồ cao cấp chỉ dành cho giới tinh hoa, những người có cơ hội nhận được những cuốn sách từ thương hiệu về kỹ nghệ chế tác, hay ghé thăm xưởng sản xuất. Nhưng giờ đây, thế giới đã trở nên nhỏ hơn, bạn có thể di chuyển dễ dàng hơn, bạn có thể tiếp cận những điều mới mẻ ở bất cứ nơi đâu. Thế nên tôi thấy có rất nhiều người trẻ đào sâu vào tìm hiểu Patek Philippe. 

Chúng tôi chỉ cần cẩn trọng hơn thôi, liệu họ đến với chúng tôi vì vẻ bề ngoài, vì vị thế xã hội, hay họ chỉ đơn thuần là những con người yêu đồng hồ? Tôi có thể nói là đôi khi với thế hệ mới, điều khá nguy hiểm là họ sẽ không chỉ đeo một chiếc đồng hồ, mà là nhiều chiếc cùng lúc. Thực ra điều này cũng tốt thôi, nhưng chúng tôi không hy vọng họ sẽ bán đi chiếc đồng hồ của mình sau vài tuần mua được, kiếm lời, rồi lại mua cái khác. Điều này khá nguy hiểm. Vậy mục tiêu cho tất cả chúng tôi chính là giúp thế hệ mới sau này tìm hiểu kỹ hơn về thương hiệu. 

Tôi không thích lắm chuyện một ai đó bắt đầu cuộc chơi của mình với chiếc đồng hồ cực kỳ đắt đỏ. Việc thẩm thấu kiến thức cần có thời gian, chứ không phải câu chuyện bạn cầm tiền tới cửa hàng và đòi hỏi thứ tốt nhất họ có. Vì thế, với thế hệ mới, chúng tôi vô cùng chào đón vì họ cũng là thế lực thách thức chúng tôi nữa. Nhưng cũng không nên quên đi thế hệ cha chú của họ. Patek Philippe không phải là thương hiệu đồng hồ thời trang, nó phải trường tồn qua năm tháng. 

Ông vốn rất nổi tiếng với sự can thiệp sâu vào quy trình chế tác đồng hồ, đặc biệt là việc kiểm định tiếng chuông của từng chiếc đồng hồ điểm chuông mỗi khi được xuất xưởng. Vì vậy, tôi muốn hỏi là với khối lượng công việc của một chủ tịch thương hiệu, làm thế nào ông có thể sắp xếp làm hết tất cả những điều đó?

Rất đơn giản thôi, tôi chỉ cần chạy từ phòng này sang phòng khác (cười). Tôi đùa đấy, bạn nói đúng, chuyện đó không dễ dàng chút nào, nhưng tôi quen rồi. Ví dụ, công việc này tốn của tôi khoảng 5 đến 10 phút mỗi ngày, nhưng đó là bổn phận của tôi, tôi cần là người có cái nhìn bao quát, tôi đứng giữa Patek Philippe với những con người ở vị thế rất cao trong xã hội. Đó chính là điều chủ chốt. Và để là người có cái nhìn bao quát, tôi phải “chạy” từ phòng này sang phòng khác, từ phòng thẩm định đồng hồ điểm chuông, cho đến phòng sản xuất, phòng IT, phòng thương mại v.v… Bạn chỉ có thể làm điều đó nếu bạn có nguồn nhân lực thật sự vững chắc. 

Tính đến nay, tôi đã làm việc trong ngành này được 60 năm, tôi hiểu sản phẩm, tôi hiểu con người, tôi hiểu tất cả các cửa hàng, và họ đã giúp ích cho những điều này rất nhiều. Họ là những người đã cho phép tôi ở đây ngày hôm nay, vì tôi biết ở Geneva đang có rất nhiều người giỏi chăm lo cho thương hiệu. Patek Philippe không chỉ sáng tạo ra những chiếc đồng hồ mới đẹp đẽ, nó còn là việc có đúng người, đúng vị trí, và có những con người giống bạn, những người tin tưởng vào thương hiệu. 

Thật lòng mà nói, hầu hết trong số họ còn đến từ ngành công nghiệp đồng hồ, hay những tập đoàn khác như LVMH, Richemont, Swatch… họ biết, họ thấy sự khác biệt, tôi nghĩ đó cũng là điều quan trọng đối với họ, bởi vì khi làm việc với Patek Philippe, họ biết chiến lược mà chúng tôi đã chọn sẽ kéo dài, nó không phải là thứ sẽ thay đổi mỗi năm, họ biết điều họ có thể cống hiến sẽ hiệu quả và họ không cần phải thay đổi mỗi năm.

Đây cũng là điều mà tôi cho là một trong những yếu tố thành công của Patek Philippe: DNA và chiến lược thương hiệu luôn không đổi, và đối với những người chuyên nghiệp, đó đúng là một mơ ước. Họ có ngân sách, tầm nhìn, và những người tin tưởng ở họ. Đó chính là lý do tôi có thể đi bất cứ nơi đâu, thậm chí có cả ngày cuối tuần (cười).

Trong rất nhiều bài phỏng vấn trước đây, tôi có thể thấy ông có một niềm đam mê mãnh liệt với những chiếc đồng hồ điểm chuông. Vậy ông có thể chia sẻ với chúng tôi lý do vì sao không?

Tôi thích đồng hồ điểm chuông vì hai lý do. Thứ nhất, tôi có dịp sở hữu một chiếc là quà tặng từ khi còn rất trẻ. Thứ hai, tôi đã quan sát, chính mình kiểm định chúng, và rất sợ hãi là mình sẽ không bao giờ có khả năng làm thế. Lúc ấy, cha tôi nhận về những chiếc đồng hồ điểm chuông, kiểm định chúng đã đủ tốt hay chưa, âm thanh quá cao hay quá thấp…, còn tôi không thấy sự khác biệt nào cả. Cha tôi nói, một ngày nào đó tôi cũng sẽ làm được như thế thôi, chỉ cần thực hành thật nhiều, tôi gần như không thể tin được. 

Và cuối cùng thì ngày ấy cũng đến, khi cha tôi nói “được rồi, con đến đây nghe đồng hồ điểm chuông với cha, giờ là lúc con phải học rồi”. Tôi rất sửng sốt, nhưng đến nay, tôi đã có đủ khả năng kiểm định một chiếc đồng hồ điểm chuông trong vòng chưa tới một phút, và bạn tin được không, tôi lại giỏi chuyện đó, bởi vì cha tôi đã đúng: cầm trên tay thật nhiều chiếc đồng hồ điểm chuông, nghe thật nhiều, và bạn sẽ có kinh nghiệm. Đó là lý do giờ đây tôi rất hạnh phúc, tôi luôn nhớ khoảnh khắc hoảng sợ ấy, tôi không biết mình nên viết nhận xét gì vào báo cáo. Giờ thì tôi biết chính xác vấn đề nằm ở đâu, và tôi có thể chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời với những nghệ nhân đồng hồ tinh xảo nhất.

Cứ mỗi lần kiểm định đồng hồ điểm chuông, các nghệ nhân sẽ ở đó. Có thể mất đến hàng trăm giờ để họ tạo nên âm thanh và chỉ tốn của tôi tầm một phút để đồng ý hoặc không. Thật khó khăn để nói “không” với một người nghệ nhân nào đó, nhất là khi họ đã dành ra cả trăm giờ đồng hồ làm việc để tạo ra nó, nhưng đó là cách họ có thể cải thiện. Đây chính là thứ tôi thích ở đồng hồ điểm chuông, bên cạnh thanh âm của nó: âm thanh thì luôn tuyệt vời rồi, tôi rất thích nghe, nhưng tôi còn thích hơn chuyện được trò chuyện với những người nghệ nhân. Những tiếng chuông không bao giờ giống nhau, họ phải chấp nhận điều đó, và xử lý nó. Đó chính là cuộc sống.

Bài: Hồ Hải Yến

 
Back to top