Features

Giá trị đồng hồ bạn đang đeo liệu có xứng với giá tiền?

Cùng chất liệu vỏ, cùng độ phức tạp của thiết kế, nhưng giá cả đồng hồ lại hoàn toàn khác biệt. Vậy đâu là lý do?

Jan 30, 2023 | By Lương Tôn Bình

Đã gần một thập kỷ trôi qua kể từ thời điểm các cỗ máy thời gian có thiết kế siêu phức tạp và giá cao ngất ngưởng ra đời, nhưng xu hướng ấy đã thay đổi gần đây. Ngày nay, thị trường quan tâm nhiều đến giá trị hàng hóa, và tất cả thương hiệu đang chú trọng đem đến cho khách hàng đồng hồ “giá trị cao”. Giá trị được đánh giá thông qua hai yếu tố: giá cả và những lựa chọn tương đương. Khái niệm giá cả rất dễ hiểu, mẫu đồng hồ có giá rẻ hơn 15% là sự lựa chọn tốt hơn. Còn lựa chọn tương đương lại đề cập đến những mẫu đồng hồ có sẵn trên thị trường mà khách hàng có thể chọn.

Có thể lấy ví dụ là chiếc đồng hồ điểm chuông từ Thụy Sĩ có giá lên tới 30,000 USD. Mức giá này có thể quá đắt đỏ với hầu hết mọi người, nhưng giá trị mang lại cao hơn hẳn so với những mẫu đồng hồ cùng loại trên thị trường. Đơn giản mà nói, giá trị của một chiếc đồng hồ không thể được đánh giá đơn lẻ, mà phải đem so sánh với các mẫu đồng hồ tương đương trên thị trường.

Câu chuyện dài nhiều tập chỉ thực sự bắt đầu vào 10 năm trước đây, khi Jaeger-LeCoultre giới thiệu mẫu Master Tourbillon bằng thép với giá 50,000 Franc Thụy Sĩ. Tuyệt tác này đã gây ra cơn bão trong thị trường đồng hồ, vì bộ máy này chưa bao giờ từng có giá phải chăng trong lịch sử chế tác. Có thể nói rằng, ngày nay chúng ta vẫn còn cảm nhận được ảnh hưởng của nó. Trong khi đó, năm 2017, Ulysse Nardin cho ra đời mẫu Marine Tourbillon cũng làm từ vỏ thép, có mức giá tuyệt vời 22,800 Franc Thụy Sĩ. Mẫu đồng hồ thể thao cũng có mặt số tráng men Grand Feu, bộ thoát bằng silicium và thời gian bảo hành trong 5 năm. Những giá trị của nó thật khó để đem ra bàn luận, vì hầu như không có đối thủ nào trong cùng phân khúc.

Đó cũng là lý do vì sao World of Watches chưa từng bàn luận về giá trị so sánh của các mẫu đồng hồ, vì giá bán là yếu tố cơ bản nhất mà người mua quan tâm. Nếu quý bạn đọc đang trong quá trình tìm kiếm đồng hồ cơ bấm giờ hay đồng hồ tourbillon, bài viết này sẽ cung cấp thông tin tham khảo cần thiết về những mẫu có sẵn trên thị trường, dựa trên nguyên tắc khá đơn giản: xem xét các mẫu đồng hồ có bộ máy hay đặc tính kỹ thuật tương đương, sau đó tập trung đến các yếu tố có thể làm thay đổi giá thành (chẳng hạn như vật liệu).

Lẽ tất nhiên là sẽ có những yếu tố không thể kiểm soát, vì đó là đặc điểm tất yếu tạo nên sự khác biệt. Những chiếc đồng hồ tuy có cùng bộ máy nhưng bên trong vẫn có thể khác nhau, như mức độ hoàn thiện, độ phức tạp của chi tiết hay độ tự động trong quá trình sản xuất. Tất cả yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất cùng sự khác biệt trong giá bán sỉ và bán lẻ. Đó là chưa kể đến các yếu tố vô hình như độ mạnh thương hiệu, một trong những lý do các công ty có thể bán cùng loại sản phẩm với giá thành rất cao, mà không quan tâm rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến số lượng bán ra. Hay nói cách khác, đây không phải là cách so sánh tương đương đơn giản giữa các loại đồng hồ với nhau.

Bấm giờ kép

Đồng hồ cơ bấm giờ kép có thể được xem là kiểu phức tạp nhất trong các loại đồng hồ bấm giờ. Cỗ máy thời gian này sở hữu cơ cấu đặc biệt để có thể đếm giờ cùng lúc hai sự kiện khác nhau. Khi bộ máy bấm giờ hoạt động, việc kích hoạt nút bấm lần một sẽ làm ngưng hoạt động một kim, trong khi kim còn lại tiếp tục chạy tách biệt. Nếu bấm thêm lần nữa, kim đầu tiên sẽ bật lên đúng nhịp kim còn lại và hai kim chuyển động lại cùng lúc.

Thoạt nhìn trông có vẻ đơn giản với một kim và nút bấm thêm, song ẩn sâu bên trong là cả bộ máy siêu phức tạp. Nói đúng ra, bộ máy bấm giờ kép cũng phức tạp không kém bộ máy của đồng hồ điểm chuông, và tất cả những người am hiểu về đồng hồ đều biết điều này. Những cái tên như Parmigiani Fleurier vẫn xem rằng việc tự sản xuất được bộ máy đồng hồ bấm giờ kép là bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển của thương hiệu.

Nói một cách dễ hiểu, đồng hồ bấm giờ kép truyền thống là cỗ máy cực kỳ khó sản xuất, đòi hỏi các nghệ nhân bỏ ra công sức vô cùng lớn trong việc tạo hình các chi tiết, đánh bóng trước khi sắp xếp, bôi trơn và tinh chỉnh để có độ hở hay khít vừa đủ. Một cú bấm nút sẽ kích hoạt chuỗi chuyển động khác nhau, đòi hỏi chúng phải hoạt động thật trơn tru với nhau, và việc thêm một kim lại khiến sự khó khăn bị nhân lên gấp bội.

Một cách khác có giá phải chăng hơn là điều chỉnh lại chiếc đồng hồ bấm giờ đơn giản như trường hợp của mẫu Parmmigiani Fleurier Tonda Chronor Anniversaire màu vàng hồng. Bộ máy Valjoux 7750 là một ứng cử viên sáng giá vì giá cả hợp lý. Đây là bộ máy chuẩn cho cả mẫu được giới thiệu ở đây, tuy mỗi loại có loại sự tinh chỉnh đôi chút.

Cả phiên bản kỷ niệm 910 của Sinn và Superfast Chrono Split Second của Chopard đều sử dụng bộ máy từ xưởng La Joux-Perret, trong khi mẫu IWC Pilot’s Watch double Chronograph phiên bản “Antoine de Saint Exupéry” lại sử dụng bộ máy tự sản xuất dựa trên thiết kế của Richard Habring. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến giá thành của chúng; mẫu đồng hồ của IWC đắt hơn rất nhiều so với hai mẫu còn lại.

Một phép so sánh khập khiễng hơn là bộ đôi đồng hồ bấm giờ kép được Parmigiani Fleurier và Patek Philippe sản xuất toàn bộ. Ngay cả khi đã tính chi phí nguyên liệu, giá thành của các mẫu đồng hồ này vẫn cao ngất ngưỡng vì quy trình chế tác rất kỳ công từ kim loại quý hiếm.

Tourbillon

Tourbillon là thiết bị luôn xoay tròn để tạo sự cân bằng cho bộ máy, thường với chu kỳ 1 phút. Bộ phận này có tác dụng loại bỏ tác động của trọng lực để nâng độ chính xác cho đồng hồ. Cho đến nay, cơ chế này vẫn được xem như hoàn hảo, tuy rằng vẫn được các thương hiệu không ngừng cải tiến. Điều này cũng dễ hiểu, vì không gì thu hút hơn hình ảnh chiếc lồng quay tinh xảo bên trong mẫu đồng hồ nhỏ bé.

Nếu không xét đến khía cạnh thú vị khi ngắm nhìn, bộ máy tourbillon chính là công cụ để thể hiện tay nghề của người thợ đồng hồ. Công bằng mà nói, để tạo nên một bộ tourbillon bằng phương pháp thủ công không đơn giản. Bộ khung phải thật nhẹ để không chiếm nhiều năng lượng của dây cót chính, và phải thật trơn tru để không tạo nên bất kỳ lực ma sát nào. Nếu biết được một bộ tourbillon thường có khối lượng nhỏ hơn 1 gram, chúng ta sẽ hiểu được sự thử thách cực độ trong chế tác, chưa kể đến việc gia công từng chi tiết nhỏ bên trong.

Dù đã nhắc đến 2 chữ “thủ công”, nhưng ngày nay máy móc CNC hay công nghệ tương tự đã có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong việc tạo ra tourbillon, một trong những biểu tượng của đồng hồ cao cấp, với số lượng nhiều hay nói theo cách khác là sản xuất là đại trà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tạo nên sự khác biệt.

Các hãng sản xuất đã tạo ra nhiều phiên bản tourbillon khác nhau như tourbillon nhiều trục quay, ghép lồng quay trong một lồng quay khác. Hay bộ máy tourbillon cũng có thể xoay quanh quỹ đạo trên mặt số đồng hồ, hay thậm chí có nhiều bộ tourbillon được kết nối với nhau để loại trừ hầu hết sai số.

Với những thương hiệu chọn cách tiếp cận cổ điển, bộ máy tourbillon lại được định vị theo nhiều cách khác nhau, từ độ dày của máy (từ đó ảnh hưởng chiều cao của vỏ), hay chất lượng của khâu hoàn thiện từng chi tiết. Ba ví dụ sau đây khá giống nhau ở vẻ bề ngoài, mỗi mẫu đều có thiết kế đơn giản với 2 kim và bộ tourbillon cầu truyền thống bên trong vỏ mỏng bằng vàng hồng. Tuy nhiên giá trị lại rất khác nhau, và cũng không thể giải thích sự khác nhau đó bằng vật liệu hay chi phí chế tác. Trong đó, phải kể đến Audemars Piguet Royal Oak Extra-Thin Tourbillon với dây vàng hoàn toàn, hay A.Lange & Söhne 1815 Tourbillon được làm thủ công.

Nhưng mẫu Carrera Heuer 02T đến từ TAG Heuer có lẽ phải được chú ý nhất, vì đã thay đổi hoàn toàn quan niệm hay định giá về bộ tourbillon. Bằng việc thay đổi và đơn giản hóa quy trình sản xuất, TAG Heuer có thể giảm tối đa chi phí để tạo nên bộ máy Heuer 02T và ra mắt chiếc đồng hồ bấm giờ tourbillon vỏ titanium đạt chuẩn COSC chỉ với giá 21,800 USD. Mẫu titanium màu vàng hồng có giá cao gấp đôi, nhưng cũng chỉ bằng khoảng 30% so với mẫu đồng hồ tương tự có giá gần nhất là Classique Complications 3357 của Brequet.

Mức dự trữ năng lượng

Sẽ là nói giảm nói tránh khi cho rằng việc so sánh giá đồng hồ nằm trong hạng mục này có thể gây bất ngờ. Mỗi cỗ máy thời gian được nhắc đến ở đây có thể là mẫu đồng hồ vàng đỏ lên dây cót bằng tay có bộ máy tự sản xuất và khả năng dự trữ năng lượng trong 8 ngày, nhưng từng thương hiệu với vị thế khác nhau lại mang đến mức giá rất chênh lệch.

Người mua có thể trông chờ ở sự linh hoạt về giá, nhưng cách đối chiếu này cho thấy thực tế lại không được như vậy. Đây cũng chính là điều khiến hạng mục này trở nên đặc biệt hơn so với các tiêu chí khác được đưa ra trong bài viết.

Theo Walter Volpers, giám đốc phát triển sản phẩm tại IWC, việc phát triển nền tảng bộ máy mới đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về tấm khung cơ bản nhằm thích ứng với mức năng lượng mà bộ máy cung ứng. Mục tiêu trước nhất là năng lượng ấy phải đủ để duy trì hoạt động của bộ máy. Xa hơn nữa là mô men xoắn từ tấm khung cơ bản không biến đổi quá nhiều ở các mức lên dây cót khác nhau nhằm không làm ảnh hưởng đến tính đồng nhất.

Điều này lý giải vì sao một bộ máy không thể chỉ đơn giản được lắp khung cơ bản mạnh hơn để tăng mức năng lượng dự trữ, và vì sao bộ máy chỉ có khả năng hoạt động trong giới hạn nào đó. Chúng ta có thể lấy bộ máy từ chiếc L888.2 của Longines, vốn có nền tảng từ ETA 2892-A2, để cải thiện mức dự trữ năng lượng từ 42 giờ lên 65 giờ – một sự cách biệt khá đáng kể – nhưng điều này còn lâu mới được xem là mức năng lượng dự trữ lớn.

Vì lẽ đó, việc đạt mức dự trữ năng lượng lớn đòi hỏi phải phát triển bộ máy ngay từ đầu. Bộ máy 59210 do IWC sản xuất chính là một ví dụ như thế. Nó có khả năng tự sử dụng cót đơn để trữ đủ năng lượng vận hành bộ máy trong 9 ngày, mặc dù bộ máy có thể tự động dừng lại sau 8 ngày nếu tính đồng nhất bị ảnh hưởng. Trái lại, Hublot và Panerai lại chọn cách sử dụng 2 hộp cót, với tần số cân bằng 21.600vph, nhằm giảm thiểu mức năng lượng hao mòn từ các thành phần cân bằng và bộ thoát. Trường hợp cuối cùng là chiếc Clifton 8-day Power Reserve của Baume & Mercier với bộ máy 59210 calibre từ IWC, một điều rất hiển nhiên vì cả hai công ty đều thuộc tập đoàn Richemont.

Khi xét đến chi phí R&D đắt đỏ khi tự sản xuất bộ máy, rõ ràng có sự khác biệt về giá giữa chiếc Clifton 8-Day Power Reserve và Portofino Hand-Wound Eight Days, mà vị thế thương hiệu cũng có vai trò quyết định. Tuy nhiên, cả hai lại có giá tương đương nhau, có lẽ một phần đến từ việc sản xuất với số lượng rất giới hạn. Cũng khá thú vị nếu tính đến những khác biệt nhỏ trong giá cả của 4 mẫu đồng hồ này – theo tỷ lệ phần trăm chứ không phải toàn bộ.

Lịch vạn niên

Lịch vạn niên mang đến cho người dùng chức năng mà một chiếc đồng hồ với lịch tháng bình thường không làm được: đó là khả năng thay đổi độ dài của tháng (kể cả tháng 2 và những tháng đủ hay thừa ngày) để hiện thị chính xác. Thay vì phải chỉnh tay ngày mỗi tháng, chủ nhân của chiếc đồng hồ lịch vạn niên không cần làm điều đó, mà đồng hồ sẽ tiếp tục chạy ít nhất là đến năm 2100. Để làm được như thế cần đến một hệ thống máy móc với các bánh răng được kết nối phức tạp, rất tinh vi. Tuy nhiên, kỹ thuật chế tạo này đang dần phổ biến hơn trong những năm gần đây.

Nếu tiếp cận theo hướng đơn giản hóa, lịch vạn niên có thể được xem như chiếc máy tính cơ học giúp giải bài toán chênh lệch độ dài của các tháng, đặc biệt ở tháng 2. Bên trên đồng hồ lịch vạn niên là một nút bấm rời để điều chỉnh, hay tinh tế hơn là tất cả thay đổi sẽ thông qua nút vặn chính. Hầu hết chức năng lịch vạn niên đều được chế tạo như một phần bộ máy chính, thay vì một tổ hợp riêng rẽ, và đó cũng chính là giải pháp tốt nhất.

Nếu bỏ qua tính phức tạp, giá thành một chiếc đồng hồ lịch vạn niên còn chịu tác động bởi nguồn gốc xuất xứ mô đun này, điển hình là 4 ví dụ sau. Vacheron Constatin Patrimony Perpetual Calendar và Breguet Classique 5327 đều có mô đun được sản xuất nội bộ cao cấp, tuy nhiên các yếu tố khác cũng đẩy giá thành lên cao như họa tiết guilloché trên mặt Classique 5327.

Ngược lại, chiếc Heritage Spirit Perpetual Calendar của Montblanc lại dùng mô đun của một bên thứ ba nên giá thành thấp và cạnh tranh hơn. Cần chú ý rằng mặt số phụ rất gần trung tâm mặt số chính, dành cho mô đun được thiết kế cho mẫu đồng hồ nhỏ hơn. Mẫu đồng hồ khác dùng mô đun sản xuất nội bộ có giá tốt trong dòng này là Slimline Perpetual Calendar của Frédérique Constant. Được định vị ở phân khúc dễ tiếp cận, chiếc đồng hồ được thương hiệu chủ động tối ưu hoá sản xuất để hạ giá thành.

Đồng hồ thế giới

Đúng như tên gọi, đồng hồ thế giới là cỗ máy có khả năng hiển thị thời gian ở các thành phố khác nhau. Điều này có được nhờ hai vòng trục đồng tâm ở rìa của mặt số: vòng hệ số chỉ 24 giờ, và vòng khác hiển thị tên thành phố. Khi muốn xem thời gian ở thành phố nào đó, chỉ cần xem giờ tại vị trí thành phố trên vòng 24 giờ.

Về mặt cơ học, giờ thế giới không phải là cơ cấu phức tạp. Thông thường, đó là một mô đun được tích hợp, sử dụng máy chính để chạy vòng giờ 24, và mỗi ngày sẽ quay đủ một vòng. Chuyển động này không làm thay đổi tính đồng bộ của cỗ máy thời gian, vì chỉ xảy ra một lần trong ngày. Có thể điều chỉnh kiểu đồng hồ này theo nhiều cách khác nhau như dùng nút ấn riêng hoặc chỉnh qua núm vặn trung tâm.

Có thể nói, thách thức lớn hơn của đồng hồ thế giới là hiển thị thông tin trên mặt số một cách hài hòa. Hiện tại thế giới có 42 múi giờ khác nhau, và 37 trong số đó là ở các thành phố lớn. Trong đó, một chiếc đồng hồ với chức năng giờ thế giới thường hiển thị ít nhất 24 múi giờ một cách trọn vẹn (tính từ múi giờ chuẩn Greenwich Mean Time – GMT). Để thể hiện tất cả thông tin này trên mặt số đồng hồ là một thử thách khá lớn, chưa kể đến tính mỹ thuật để chiếc đồng hồ có vẻ ngoài cuốn hút.

Sau đây là 4 ví dụ cho mẫu đồng hồ thế giới, khác biệt cả về thiết kế và tính năng. Điển hình cho độ tinh tế là mẫu có độ chính xác tuyệt đối như Girard-Perregaux 1966 WW.TC và mẫu hiển thị nhiều thông tin chi tiết như Jaeger-LeCoultre Geophysic Universal Time, hiển thị cả giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày ở một số thành phố nhất định.

Về góc độ kỹ thuật, các mẫu này chia sẻ nhiều điểm chung, khung giờ quốc tế được thiết kế nổi bật để dễ dàng sử dụng, các chức năng được điều chỉnh thông qua núm vặn trung tâm, và kim giờ có chức năng khởi động nhanh. Tuy nhiên, những khác biệt này lại không phải lý do dẫn đến 3 khung giá khác nhau. Heritage Spirit Orbis Terrarum của Montblanc có giá cả vừa phải nhờ việc dùng bộ máy Sellita. Trong khi chiếc Patek Philippe có mã số Ref. 5230r-001 lại cực kỳ đắt đỏ.

BÀI: JAMIE TAN | CHUYỂN NGỮ: VINCENT PHẠM

 
Back to top