The Talks

WOW’S Talks: Gặp gỡ nhà sưu tầm Linh Võ và cơ duyên đến với thú chơi đồng hồ

Đến với thú chơi đồng một cách tình cờ từ chiếc đồng hồ mà bố tặng khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Giờ đây, bằng niềm đam mê của mình, anh Linh Võ không chỉ được biết đến là một nhà sưu tầm đồng hồ chuyên nghiệp mà anh còn được nhiều người ngưỡng mộ về sự uyên bác khi nói về thú chơi này.

Jul 12, 2021 | By Lương Tôn Bình

Đầu tiên, xin phép hỏi anh rằng: Điều gì đã dẫn dắt anh đến với thú chơi đồng hồ?

Khi còn bé, mình đã ấn tượng bởi những mẫu đồng hồ điện tử có khả năng chống nước cùng nhiều chức năng, tiện ích của Casio. Nhưng bản thân mình lại không đeo đồng hồ trong suốt một thời gian dài vì nghĩ điều đó sẽ khiến bản thân trông… “già” đi.

Sau khi đỗ đại học và vào Sài Gòn học tập, mình được ba mua tặng một chiếc đồng hồ hiệu Kenneth Cole. Sự quan tâm của mình đối với đồng hồ bắt đầu từ lúc đó, và càng trở nên nghiêm túc hơn khi mình bị thu hút bởi những chiếc đồng hồ trên cổ tay các sao bóng đá, cũng như điệp viên James Bond trong series phim 007. Từ sở thích chơi điện tử, mình dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm xem các ngôi sao thể thao, Hollywood, diễn viên đeo gì trên cổ tay rồi nghiên cứu, cảm nhận vẻ đẹp của chúng.

Ban đầu mình không thật sự ấn tượng bởi các thiết kế của Patek Philippe, hoặc Audemars Piguet cùng Rolex vì cảm thấy quá đắt đỏ (đến mức không tưởng) và trông có vẻ không phù hợp với phong cách của mình. Cụ thể, lúc bấy giờ mình chưa “cảm” được nét đẹp của Nautilus và Royal Oak, trong khi Calatrava lại có phần không phù hợp với tuổi tác, riêng những mẫu Grand Complication có lẽ chỉ phù hợp để ngắm (cười).

Ban đầu, mình thậm chí còn có “ác cảm” với Rolex vì họ nạm khá nhiều kim cương trên sản phẩm, đồng thời thiết kế có phần phô trương, trong khi đó mình lại chưa tìm hiểu đến các mẫu đồng hồ thép của hãng. Ngoài ra mình lại thường tìm hiểu về Vacheron Constantin, Jaeger-LeCoultre, Hublot, A.Lange & Sohne, Richard Mille, Franck Muller và một số thương hiệu đồng hồ độc lập như Speake Marin, F.P. Journe, De Bethune hay Kari Voutilainen…

Lúc đó mình thật sự rất “đau khổ” vì những vật phẩm yêu thích lại vượt quá khả năng tài chính của một cậu sinh viên, nên đã từng nghĩ rằng “một ngày nào đó mua được một chiếc Omega Planet Ocean thôi đã là siêu lắm rồi”. Nhưng điều đó vẫn không ngăn mình liệt kê hẳn một wishlist “trên trời” mà đến nay vẫn còn dang dở.

Mẫu đồng hồ đầu tiên mà anh sở hữu là mẫu nào? Tại sao anh lại quyết định chọn chiếc đồng hồ đó làm bạn đồng hành của mình?

Mình sẽ nói về chiếc đầu tiên trong bộ sưu tập hiện tại, hành trình đến với mẫu đồng hồ này rất bất ngờ, đồng thời khởi đầu cho chuỗi series “mỗi đồng hồ một câu chuyện”. Chiếc đồng hồ đầu tiên trong bộ sưu tập của mình là Audemars Piguet Royal Oak Ref. 15202 mà mọi người hay gọi là Jumbo (hoặc Ultra thin) mà mình mua vào tháng 4/2016. Ban đầu mình đề nghị dealer là sẽ lấy chiếc Royal Oak Ref. 15400 41mm với mặt số màu xanh. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần, họ chỉ tìm được mỗi mẫu Ref. 15202.

Biết rằng Ref. 15202 là chiếc đồng hồ có nhiều câu chuyện và đáng sở hữu hơn, nhưng mình thật sự đắn đo bởi mức giá chênh lệch giữa hai mẫu là không nhỏ. Giờ nghĩ lại, Linh vẫn cảm thấy mình thật sự may mắn, vì Ref. 15400 41mm hơi to, trong khi Ref. 15202 có thiết kế rất đẹp cũng như không quá hiếm vào thời điểm đó, thậm chí không đắt như hiện tại, nên mình có vài ngày để suy nghĩ mà không bị vuột mất deal.

Cuối cùng, mình quyết định chọn Ref. 15202 vì chẳng muốn đợi chờ thêm nữa. Lần đầu tiên cầm chiếc Ref. 15202 trên tay, mình biết lựa chọn của mình là chính xác vì kích cỡ 39mm rất vừa tay, cùng dây đeo thép đẹp mê đắm lòng người. Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được hết sự tinh tế của thiết kế dây đeo này cho đến khi cầm trên tay. 

Vậy còn câu chuyện của những chiếc đồng hồ còn lại trong bộ sưu tập thì sao?

Chiếc tiếp theo là Rolex Oyster Perpetual Cosmograph Daytona 116500LN mặt số màu đen mình mua vào tháng 12/2016 đúng dịp Giáng sinh. Năm 2016 mình mới tìm hiểu các mẫu thép của Rolex, đây là thời điểm các mẫu đồng hồ thép của Rolex được bán với giá tương đối ổn định, cho đến khi Oyster Perpetual Cosmograph Daytona thế hệ mới tại Baselworld năm 2016. Lúc đó dealer trên thế giới ráo riết săn lùng Oyster Perpetual Cosmograph Daytona và đẩy giá lên rất cao. Cá nhân mình không phải là fan của Oyster Perpetual Cosmograph Daytona,cũng như chưa lên tay lần nào, thậm chí còn cảm thấy phần núm vặn, nút bấm chức năng đếm giờ khá “cồng kềnh”.

Mình có ghi danh vào waiting list của chiếcOyster Perpetual Cosmograph Daytona 116500LN trong một lần đi dạo ở Lotte Hà Nội với tâm lý “ghi xong để đấy, chắc gì đến lượt”. Nhưng vận may đã mỉm cười khi Rolex Lotte ưu ái cho mình quyền mua sớm. Ban đầu, mình dự định sẽ bán nó, nhưng đến khi đeo lên tay thì đã thật sự bị thuyết phục vì nó quá đẹp. Cho đến bây giờ, đây là chiếc đồng hồ mà mình đeo thường xuyên nhất.

Nautilus 5711/1A-010 được mình bổ sung vào bộ sưu tập trong năm 2017. Mình dành khá nhiều lời khen cho thiết kế dây đeo và màu sắc mặt số, mặc dù thiết kế dây đeo thép không góc cạnh như Royal Oak nhưng rất thanh lịch, mềm mại khi đeo lên cổ tay, mặt số màu xanh rất đặc biệt kèm hiệu ứng chuyển màu khi đặt dưới nguồn ánh sáng khác nhau.

Lúc bấy giờ, việc sở hữu một chiếc Nautilus không quá cực nhọc như hiện tại, một phần vì chưa quá khan hiếm, tiếp theo là vì phần lớn mọi người đều thích đeo bản dây da hơn (theo quan sát của mình).

Lúc ấy, mình đã yêu cầu cùng lúc 2 dealer hỗ trợ tìm chiếc Nautilus này, và điều làm mình đau đầu nhất chính là cả 2 dealer đều tìm được 2 mẫu Nautilus là Ref. 5711 và Ref. 5712. Còn nhớ, lúc đó Ref. 5712 có giá bán tốt hơn đáng kể so với Ref. 5711, sau khi đắn đo suy nghĩ, mình đã chọn chiếc Ref. 5711. Cho đến bây giờ, khi kể lại mình vẫn cảm thấy tiếc vì không tậu cả 2.          

Một năm sau đó, trong khi đang công tác tại Sài Gòn thì mình bất ngờ nhận được cuộc gọi của Rolex Tràng Tiền rằng họ vừa nhập về một chiếc Oyster Perpetual Cosmograph Daytona 116500LN mặt số màu trắng. Phía cửa hàng đã ưu tiên cho mình suất mua đầu tiên kèm điều kiện phải giao dịch trong ngày. Khổ nỗi mình đang đi công tác, không thể về ngay nên đã nhờ một người bạn đến đặt cọc.

Hai ngày sau mình quay về Hà Nội hoàn tất giao dịch rồi mang chiếc Oyster Perpetual Cosmograph Daytona này đến giao lưu cùng các anh em của hội đồng hồ Vietnam Wristshot. Đôi lúc, mình tự thấy bản thân khá điên rồ khi mua hai chiếc đồng hồ chỉ khác nhau về màu sắc mặt số. Sau này khi lập gia đình, mình và vợ vẫn thường đeo cặp đồng hồ này.

Chiếc đồng hồ mới nhất mà mình bổ sung vào bộ sưu tập là Santos De Cartier W2SA0016 bằng thép với viền bezel bằng vàng 18k. Mình đã mua chiếc đồng hồ này cùng mẫu Cartier Galbee nhân kỷ niệm 1 năm ngày cưới để đeo cùng vợ. Mình rất ấn tượng vì Cartier là một thương hiệu trang sức nổi danh với tài nghệ chế tác đồng hồ đáng ngưỡng mộ, các thiết kế của Santos, Tank, và Pasha đều rất tuyệt vời. Có lẽ vì bước vào độ tuổi trung niên nên mình bắt đầu thích đeo đồng hồ vàng, đặc biệt là các thiết kế từ vàng 18k của Cartier và Rolex.

Các thương hiệu đồng hồ mà anh yêu thích? Anh thích nhất mẫu đồng hồ nào trong bộ sưu tập của mình?

Mình thích nhiều thương hiệu lắm, từ Patek Philippe, Audemars Piguet, Jaeger Lecoultre, A.Lange & Sohne, cho đến Rolex, Omega, Cartier, Tag Heuer đều có những mẫu mà mình rất thích. Những dòng đồng hồ danh tiếng nhất của các thương hiệu này, như Nautilus, Calatrava, Royal Oak, Overseas, Reverso, Datograph, Lange 1, Oyster Perpetual Day-date, Oyster Perpetual Datejust, Oyster Perpetual Cosmograph Daytona, Oyster Perpetual Explorer, Speedmaster, Monaco… đều thật sự rất cuốn hút và nếu có đủ khả năng tài chính, mình sẽ cố gắng bổ sung tất cả vào bộ sưu tập cá nhân.

Mình có một quy tắc riêng, chính là “nếu mẫu nào không phù hợp phong cách, đeo không hợp cổ tay, mình sẽ ngừng tìm hiểu dù rằng nó có đẹp đến đâu”, Overseas, Submariner, Yacht Master là ví dụ điển hình.

Audemars Piguet Royal Oak cũng là mẫu đồng hồ mình thích nhất, vì là sản phẩm đầu tiên mình mua khi xác định chơi đồng hồ một cách nghiêm túc. Vì vậy nó đem lại nhiều cảm xúc mỗi lần đeo lên cổ tay. Về thiết kế, Royal Oak là một cuộc cách mạng trong thế giới đồng hồ thể thao sang trọng bằng thép với bộ vỏ và dây đeo có tính nhận diện cao, bộ máy cơ được hoàn thiện tinh xảo. Có thể thấy rằng, tại Việt Nam số người đeo Nautilus nhiều hơn Royal Oak – đây cũng là một điểm cộng vì mình không muốn quá giống với số đông.

Trong vai trò của một nhà sưu tầm đồng hồ, điều gì khiến anh quan tâm nhất và chú trọng nhất ở một chiếc đồng hồ?

Có rất nhiều yếu tố quyết định một chiếc đồng hồ đẹp, xứng đáng để sở hữu, từ lịch sử thương hiệu, định vị phân khúc của dòng đồng hồ đó, câu chuyện tạo cảm hứng, thiết kế vỏ và dây đeo, vẻ đẹp của máy, độ bền bỉ, chế độ bảo hành, gu thẩm mỹ của từng người v.v… 

Yếu tố đầu tiên khi mình lựa chọn đồng hồ chính là phải xác định xem đó có phải là dòng iconic của thương hiệu không, bởi lẽ bạn không thể mua hết đồng hồ của một hãng, cũng có trường hợp mặc dù hãng có tên tuổi nhưng có những mẫu không hề ấn tượng. Sau đó mình sẽ cần thời gian nghiên cứu, cảm nhận, thẩm thấu thiết kế của nó, xem nó có phù hợp với phong cách và tuổi tác hay không.

Mình đặt ra luật chơi cho bản thân là “chỉ mua vào chứ không bán ra”, nên đồng hồ không chỉ phù hợp cho mình lúc trẻ mà vẫn còn phù hợp sau nhiều chục năm nữa. Lúc này nếu máy móc bền bỉ và chế độ bảo hành tốt sẽ là yếu tố quan trọng quyết định mình có mua hay không. Khả năng lên giá là một điểm cộng nhưng không phải yếu tố quyết định.

Không thể phủ nhận rằng gu thẩm mỹ của mỗi người sẽ thay đổi theo thời gian, trước đây mình không cảm nhận được sự đặc sắc của Calatrava nhưng giờ lại thấy dòng đồng hồ rất hấp dẫn. Vì vậy, để có một chiếc đồng hồ phù hợp, giữ nó qua nhiều năm, vẫn còn muốn đeo mà không bán ra là một điều không dễ. Do đó, mình thích mua đồng hồ vào những dịp quan trọng, có một câu chuyện đi kèm chứ không phải có tiền thì mua. Đối với mình đồng hồ vừa có chức năng chỉ giờ, vừa là một người kể chuyện.

Trong tương lai, anh sẽ bổ sung những mẫu đồng hồ nào vào bộ sưu tập?

Wishlist thì có nhiều nhưng chắc chắn mình sẽ không thể sở hữu hết được, cho nên việc lựa chọn chiếc nào để đưa vào bộ sưu tập là điều rất khó khăn. Mình sẽ ưu tiên dòng Tank của Cartier vì mình có nhiều đồng hồ thép thể thao rồi. Bên cạnh đó, vợ mình cũng là một người yêu thích đồng hồ, nên Cartier có rất nhiều mẫu để chọn mua theo cặp. Đến một thời điểm phù hợp khi tuổi tác chững chạc hơn, điều kiện tài chính vững vàng hơn, mình sẽ nghĩ đến Day-date và Datejust của Rolex, dĩ nhiên là các mẫu lắp vỏ vàng 18k.

Là một người đam mê sưu tầm đồng hồ, anh có thể đưa ra lời khuyên nào cho những người mới bắt đầu thú chơi này?     

Để có được bộ sưu tập như ngày hôm nay tất cả đều xuất phát từ đam mê. Có đam mê thì bạn sẽ nghiên cứu, tìm tòi, biết mình thích gì và có những lựa chọn phù hợp. Không ai chơi đồng hồ một mình cả, cộng đồng chơi đồng hồ ở Việt Nam ngày càng lớn, là cơ hội để bạn trau dồi hơn nữa kiến thức, được trải nghiệm nhiều mẫu đồng hồ chứ không chỉ xem trên internet hay tạp chí.

Có đam mê thì dù bạn sở hữu đồng hồ đắt tiền hay đồng hồ bình dân, bạn đều cảm thấy rung động mỗi lần đeo nó trên tay, ngắm nhìn nó một cách say đắm, rồi cảm nhận vẻ đẹp từ những chi tiết nhỏ nhất. Đó là cảm xúc mà người không có đam mê không có được khi đeo một chiếc đồng hồ, cho dù nó có đắt tiền đến đâu.


 
Back to top