Nhà sưu tầm Bảo Phan: Đồng hồ vintage là “di sản” chứ không phải “tài sản”
Chào đón chúng tôi tại căn hộ ấm áp với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc sư/nhà sưu tầm Bảo Phan lần lượt mở ra 2 chiếc hộp gỗ một cách đầy nâng niu như tạo phẩm quý giá nhất. Trong đó chứa đầy những cỗ máy thời gian xưa cũ.
Giữa vô vàn thể loại đồng hồ, vì sao anh lại hướng đến dòng đồng hồ vintage?
Tôi vốn làm về nghệ thuật, từ khi còn nhỏ đã thích những gì mang nét đẹp cổ điển. Đối với tôi, những món đồ cổ điển luôn mang vẻ đẹp vượt thời gian, không hề bị suy suyển dù là 10 hay 20 năm sau. Không chỉ riêng đồng hồ, mà hầu như những thứ tôi sở hữu đều như thế.
Từ khi nào anh mới bắt đầu sưu tầm đồng hồ vintage và đâu là thương hiệu mà anh yêu thích nhất?
Chiếc đồng hồ đầu tiên tôi mua là Omega Seamaster khi còn học bên Mỹ. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu thương hiệu Omega, như lịch sử thương hiệu, các dòng tiêu biểu và ý nghĩa của chúng. So với những thương hiệu đồng hồ khác, Omega có thể không sánh bằng, nhưng lại có câu chuyện rất hấp dẫn, gắn liền với khoa học, kỹ thuật và cả nghệ thuật.
Tôi thích ý nghĩa của đồng hồ chứ không chỉ đơn thuần là thương hiệu. Chính vì thế, khi sưu tầm, tôi không chỉ tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng mà thu thập từ nhiều thương hiệu khác nhau, trong số đó có nhiều chiếc rất rẻ, nhưng lại có ý nghĩa lịch sử rõ nét.
Khi tìm đến một chiếc đồng hồ vintage nào đó, đâu là yếu tố khiến anh chú ý đầu tiên?
Yếu tố đầu tiên mà tôi muốn tìm hiểu là giai đoạn ra đời và ảnh hưởng của nó đến dòng đồng hồ, như đồng hồ bấm giờ hay phi công thời chiến tranh luôn có điểm khác biệt so với các giai đoạn khác. Trước khi đến với chiếc đồng hồ nào đó, tôi tìm hiểu câu chuyện, và bị cuốn hút bởi chính câu chuyện ấy.
Đồng hồ có thể bị thời gian bào mòn, nhưng cũng chính thời gian mới làm nên giá trị cho chiếc đồng hồ đó.
Theo anh, đâu là yếu tố tạo nên giá trị của một chiếc đồng hồ vintage?
Đó chính là cỗ máy do những người nghệ sĩ tạo ra. Đằng sau mỗi chiếc đồng hồ vintage là cả câu chuyện của người thiết kế và chế tạo cỗ máy. Cỗ máy ấy có thể chạy sai một vài giây, nhưng nếu đã là lịch sử, nó mãi có giá trị.
Đồng hồ vintage có thể trông cũ, nát, nhưng lại toát lên vẻ gì đó rất sang. Đó chính là giá trị của thời gian. Chính vì thế, đồng hồ có thể bị thời gian bào mòn, nhưng cũng chính thời gian mới làm nên giá trị cho chiếc đồng hồ đó. Chúng ta có thể có đủ tiền để mua đồng hồ mới, nhưng việc tìm kiếm dấu vết của thời gian thì không dễ chút nào.
Chúng ta có thể có đủ tiền để mua đồng hồ mới, nhưng việc tìm kiếm dấu vết của thời gian thì không dễ chút nào.
Anh sưu tầm đồng hồ đơn thuần vì sở thích hay còn là cơ hội để đầu tư?
Tôi sưu tầm đồng hồ đơn thuần như thú vui của mình thôi, chứ không có ý định đầu tư. Chính vì thế nên tôi ít khi bán đi đồng hồ của mình. Bộ sưu tập của tôi có khá nhiều thương hiệu, và điều đó nói lên một phần lịch sử giới chế tác. Như Seiko chẳng hạn. Seiko có thể được xem như mảnh ghép rất quan trọng trong lịch sử đồng hồ, là điểm cân bằng giữa “người khổng lồ” Thụy Sĩ và đồng hồ Nhật Bản. Seiko không hề đắt tiền, nhưng khiến thế giới đồng hồ trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Vậy đối với anh, đồng hồ quartz có đáng để sưu tầm?
Tôi vẫn có một chiếc đồng hồ quartz trong bộ sưu tập của mình. Tùy vào quan điểm của mỗi người mà đồng hồ quartz có giá trị hay không. Thực tế thì đồng hồ quartz chính là điều đã thay đổi cả thế giới đồng hồ, với độ chính xác cao, khả năng sản xuất hàng loạt cùng giá cả hợp lý. Sau khi đồng hồ quartz ra đời, một số thương hiệu Thụy Sĩ đã chuyển sang sản xuất đồng hồ quartz để có thể sinh tồn. Nên dù nói như thế nào đi nữa, đồng hồ quartz vẫn có giá trị lịch sử nhất định, thể hiện một giai đoạn quan trọng trong thế giới đồng hồ.
Gần đây, giới chơi đồng hồ vintage đang chứng kiến “cơn sốt đồng hồ Rolex cổ”, mà ví dụ điển hình là chiếc Rolex Daytona Paul Newman được bán đấu giá với con số 17,8 triệu USD. Anh có nhận định gì về những hiện tượng này?
Ở các nước phát triển, việc sưu tầm đồng hồ hay tác phẩm nghệ thuật không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Đa số họ sưu tầm vì giá trị lịch sử, như chiếc đồng hồ ấy đã từng thuộc về ai, trải qua những cột mốc trọng đại nào. Đó có thể là điều may mắn của một chiếc đồng hồ, khi gắn liền với những sự kiện hay con người thú vị, như Rolex Daytona Paul Newman là ví dụ điển hình.
Theo tôi, đồng hồ vintage là “di sản” chứ không phải “tài sản”. Sở hữu nó cũng đồng nghĩa với việc sở hữu cả di sản. Mà những gì được xem như di sản thì không thuộc về cá nhân, nó thuộc về nhân loại. Có thể không bao giờ có được cái thứ hai.
Theo tôi, đồng hồ vintage là “di sản” chứ không phải “tài sản”. Sở hữu nó cũng đồng nghĩa với việc sở hữu cả di sản.
Ngày càng nhiều chiếc đồng hồ ra đời. Với sự phát triển của truyền thông xã hội và công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận một chiếc đồng hồ quý hiếm cũng không còn khó khăn như trước. Vậy theo anh, việc sưu tầm đồng hồ có còn hấp dẫn?
Đúng là khi đạt được điều gì đó quá dễ dàng, ta sẽ cảm thấy bớt thú vị. Trước đây, khi tìm mua một chiếc đồng hồ vintage, tôi phải đến tận cửa hàng để kiểm tra tình trạng, lên dây, lắp ráp, nghe thử chuyển động… Tất cả những điều này tạo nên cái thú cho người chơi. Thế nên, đời sống hiện đại tuy mang đến thuận lợi, nhưng cũng khiến cuộc chơi bớt thú vị đi đôi phần. Cá nhân tôi vẫn thích săn lùng những mẫu đồng hồ hiếm và khó kiếm hơn một chút, vì có thế, khi sở hữu tôi mới cảm thấy có giá trị.