Asian Watch Collectors: Paradai Theerathada (Thái Lan) – Giá của thời gian
Tôi bước vào cuộc trò chuyện với đôi chút băn khoăn, do chưa từng có cơ hội trao đổi với Paradai Theerathada (Thái Lan) trước đó, vì buổi gặp gỡ này do nhân viên của anh sắp xếp.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch DTAC lại tạo bầu không khí thân thiện cho cả cuộc gặp gỡ. Khi tôi thắc mắc chiếc đồng hồ cổ có mặt số màu xám điểm cam trên tay anh liệu có chức năng tính giờ thể thao chuyên biệt, anh hóm hỉnh trả lời: “Không, đây không phải là chiếc Omega mà anh đang nghĩ đâu. Đó là Enicar, do được vợ mua tặng nên tôi phải đeo thôi.’’ Ngay sau đó, cả một kho tàng được mở ra khi anh bắt đầu giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ, một gia tài đồ sộ sau hơn một thập kỉ sưu tầm.
Paradai Theerathada chọn cho mình phong cách cổ điển ngay từ đầu. Anh nói: “Không phải cứ có tiền là mua được đồng hồ cổ đâu. Để tìm ra được chiếc vẫn còn hoạt động tốt đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn, đồng thời phải biết cách nhận định giá trị lịch sử. Ví dụ như trước đây, nhiều hãng đồng hồ đua nhau để được chứng nhận là chiếc đồng hồ cơ lên dây cót tự động đầu tiên trên thế giới. Nhà Heuer nỗ lực bắt tay hợp tác với Hamilton và Breitling; rồi Zenith, Seiko cũng thế. Sưu tầm được mẫu đồng hồ đánh dấu cột mốc nào đó của lịch sử là điều rất thú vị.”
Khi mọi người đổ xô tìm về dòng đồng hồ lặn cổ, thì Paradai đã sưu tầm chúng từ lâu. Mẫu Blancpain Fifty Fathoms là đồng hồ đạt chuẩn của Hải quân Pháp. Vòng tròn phía dưới của mặt số có thể thay đổi màu để chỉ thị độ ẩm và tăng giảm áp suất. Hay mẫu Seiko Ref 6159-7001 đến từ vùng viễn Đông là chiếc đồng hồ lặn Seiko hi-beat đầu tiên, được xem như báu vật với các tín đồ Seiko.
“Đừng chạy theo phong trào. Đồng hồ có giá trị lịch sử khác nhau cũng sẽ có giá cả khác nhau…”
Paradai Theerathada
“Bulova Accutron thường là chiếc bị giảm giá nhiều nhất, nhưng lúc bấy giờ tôi lại nhìn nhận nó từ góc độ ý tưởng. Công nghệ fork trong chiếc đồng hồ này xuất hiện từ trước khi bộ máy pin ra đời. Nhờ đó, nó có độ chính xác cao đến mức trở thành chiếc đồng hồ duy nhất được sử dụng trong không lực Hoa Kỳ. Cho đến thời điểm này, Accutrons vẫn còn nằm lại Biển Yên Bình kể từ chuyến du hành không gian đưa nhà phi hành gia đầu tiên của NASA lên mặt trăng năm 1969.”
Một vài mẫu trong tay Paradai Theerathada sở hữu thiết kế vỏ đặc trưng của những năm 70, như các mẫu Breitling với nút chronograph ở phía trên thay vì phía bên hông, hay chiếc Hamilton Frontainebleau với phần vỏ đậm chất avant-garde. Bên cạnh đó, cũng có nhiều mẫu sở hữu phần mặt số rực rỡ như chiếc Dugena do Heuer sản xuất, với mặt số có màu xanh nước biển và cam rất đặc trưng cho phong cách ngày ấy.
Khi được hỏi liệu anh có bận tâm khi nhiều người không hiểu được giá trị từ đồng hồ của anh, Paradai trả lời: “Tôi không thấy phiền lòng nếu mọi người không biết về chúng. Tôi không mua đồng hồ vì đầu tư hay là cho ai khác thưởng thức. Tôi chỉ đầu tư cho cái đẹp, cho giá trị lịch sử, và những gì mà tôi cho là tốt. Rất hiếm khi tôi nhận được một lời bàn luận nào về đồng hồ của tôi khi còn ở Thái Lan. Nhưng khi đi du lịch nước ngoài, chúng thực sự thu hút những người am tường về đồng hồ. Ví dụ như hầu hết người Thái đều không biết mẫu Nautilus and Royal Oak. Đôi khi còn có người nhận xét về chiếc đồng hồ Rolex, chứ còn chiếc Seiko này (Ref. 61599-7010) gần như không được ai chú ý. Tôi thường xuyên đeo nó chỉ vì yêu nó thôi, chứ không ai quan tâm đến nó đâu.”
Paradai Theerathada đeo đồng hồ luân phiên tùy cảm xúc. Nếu cần phải ăn mặc trịnh trọng để ra ngoài, anh chọn mẫu đồng hồ thanh mảnh. Còn nếu như không bị gò bó, anh chọn mẫu Seiko nói trên, hay chiếc Tudor Submariner với kim hình bông tuyết màu vàng.
“Tôi vốn thuộc tuýp người kiên nhẫn. Tôi thường đợi cho đến khi có được chiếc đồng hồ ở trong tình trạng tốt. Tôi không sưu tầm những chiếc quá bóng bẩy, cầu kỳ. Tôi cũng không hướng tới đồng hồ kiểu Franskenstein giống nhiều người hay mua từng bộ phận như máy, mặt số hay kim rồi ráp lại với nhau. Không phải gu của tôi. Tôi thích đồng hồ càng nguyên bản càng tốt.”
Người tôi đang phỏng vấn dường như rất hài lòng khi sở hữu hầu hết những gì anh muốn có. Giờ đây, anh chỉ việc từ tốn chọn thêm vài mẫu khác. Chiếc có giá thấp nhất mà anh đang tìm kiếm là Doxa Sub 300T với mặt số màu cam và dây kim loại dạng lưới, hay mẫu Heuer Bundeswehr với logo “3H” của Tritrium. Đối với đồ xa xỉ, Paradai Theerathada cũng sẽ không ngần ngại nếu được sở hữu thêm chiếc Rolex Daytona Paul Newman, song anh vẫn chưa thể xác định được mức chi tiêu cho nó, mà muốn dành tiền mua các món thú vị khác hơn.
Lời khuyên của anh dành cho những người muốn chơi đồng hồ cổ chính là: “đừng chạy theo phong trào. Đồng hồ có giá trị lịch sử khác nhau cũng sẽ có giá cả khác nhau. Ví dụ như chiếc Seiko Ref 6139 này là một trong những chiếc đồng hồ cơ tự động đầu tiên trên thế giới. Nó không đắt lắm đâu, chỉ khoảng 18.000 Baht thôi. Hãy mua chiếc đồng hồ nào mà bạn thích.”