Features

Vì sao kim đồng hồ lại thường có màu xanh?

Chúng ta có thể đã nhiều lần nhìn thấy chiếc đồng hồ với kim xanh, thậm chí có thể đang sở hữu một (vài) chiếc như thế. Giữa muôn vàn màu sắc khác, vì sao kim đồng hồ màu xanh lại phổ biến đến vậy?

Mar 11, 2024 | By Hai Yen Ho

Một thông tin phổ biến về hiện tượng này chính là việc “hóa xanh” kim đồng hồ sẽ giúp chúng có độ chống ăn mòn nhất định. Thông thường, việc làm xanh là giai đoạn cuối cùng của quá trình làm cứng hay xử lý nhiệt độ. Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là vì thẩm mỹ. Việc đưa kim xanh lên đồng hồ thường mang nhiều ý nghĩa trang trí và chứng minh tay nghề trước bất cứ ý nghĩa chức năng nào khác. Trong lịch sử, kim xanh đã được nhiều bậc thầy đồng hồ tuyệt vời nhất thế giới ưu ái như Abraham-Louis Breguet hay John Arnold, và đến nay, chúng vẫn được nhiều thương hiệu lớn sử dụng.

Để tạo nên kim đồng hồ xanh đúng chuẩn, các nghệ nhân phải nung thép trong lửa đến một mức độ nhất định. Vì bề mặt màu xanh chỉ đơn giản là một lớp oxit mỏng do nhiệt gây ra phản ứng hóa học trên bề mặt thép, nên thách thức trong việc tạo ra các phần thép màu xanh đồng nhất hoàn hảo không chỉ nằm ở quá trình thực hiện mà còn là giai đoạn chuẩn bị tỉ mỉ và làm sạch các thành phần trước đó. Quá trình này đòi hỏi sự khéo léo và chính xác đến tuyệt đối, vì nếu kim bị nung trong thời gian quá lâu, chất thép thay vì chuyển màu xanh sẽ đổi thành màu nâu hay màu đồng và phải bị loại bỏ.

Theo Hiệp hội các Nhà sưu tập Đồng hồ Quốc gia Hoa Kỳ, việc nung nóng thép có thể tạo ra đến gần hai chục màu khác nhau. Thách thức với việc tạo ra thép màu xanh là giữ quyền kiểm soát và kéo thép ra khỏi lò nung trước khi quá muộn. Với các bộ phận nhỏ như kim đồng hồ, các kỹ thuật viên sẽ thường làm nóng chúng bằng các miếng kim loại khác để kiểm soát nhiệt và ngăn không cho nó tăng nhiệt quá nhanh. Vì khó khăn như vậy tỷ lệ thất bại của công đoạn này rất cao, lên đến 75%. Quá trình này không thể được thay thế bởi máy móc bởi vì chúng không có đôi mắt lão luyện đầy kinh nghiệm để có thể quan sát hiện tượng đó. Đó là lý do tại sao các thương hiệu đồng hồ cần đến kinh nghiệm của các nghệ nhân đích thực để làm được kim xanh.

Tuy nhiên, cũng vì cái mác “kim xanh” này mà nhiều thương hiệu “không cao cấp” thay thế việc nung thép bằng các chất hóa học để kim và ốc vít có màu xanh tương đồng. Tất nhiên, chất lượng kim xanh này không thể nào so sánh được với kim xanh nung nhiệt. Với uy tín và bề dày lịch sử, hầu hết các thương hiệu hàng đầu trong ngành chế tạo đồng hồ đều sử dụng thép nung xanh đích thực cho phần kim của họ. Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể:

Roger W. Smith

Roger Smith thường nung từng bộ phận thép một và phương sai màu này sẽ được tôn vinh như đỉnh cao của trình độ sản xuất thủ công.

Nhà sản xuất đồng hồ độc lập Roger W. Smith thường nung các bộ phận thép từng chiếc một, tạo nên sự khác biệt giữa bộ phận này với bộ phận khác – đưa nghệ thuật thủ công truyền thống lên đến mức đỉnh điểm.

Breguet  

Breguet La Tradition nổi bật với kim Breguet và các ốc vít màu xanh trên bộ máy.

Breguet có thể được xem như là từ đồng nghĩa với “kim xanh”. Hầu như mọi chiếc đồng hồ Breguet đều đi kèm với kim kiểu Breguet (hay pomme) thép màu xanh như hàng trăm năm trước. Một tác phẩm tiêu biểu trong số này là La Tradition, hình thức hiện đại của chiếc đồng hồ bỏ túi Breguet lịch sử có các ốc vít nổi bật trên bộ máy lộ cơ.

Patek Philippe  

Trong khi Patek Philippe không quá nổi tiếng với việc dùng ốc vít màu xanh, thương hiệu này lại thường dùng kim xanh, và thú vị hơn nữa là dây tóc hợp kim thép xanh cho các mẫu đồng hồ phức tạp.

Girard-Perregaux

Girard-Perregaux 1966

GP cũng thường xuyên sử dụng các thành phần thép xanh để tạo nên điểm nhấn. Ví dụ tiêu biểu là chiếc Three Golden Bridges Tourbillon biểu tượng, hay các phiên bản cổ điển hơn như 1966.

De Bethune

De Bethune tiến một bước xa hơn bằng cách tạo nên lớp hoàn thiện màu xanh đặc trưng của thương hiệu.

Và với sự ra đời của kim loại và hợp kim mới trong chế tạo đồng hồ vài thập kỷ qua, một số thương hiệu đã vượt ra ngoài khuôn khổ làm xanh thép. Điển hình là De Bethune khi tiến một bước xa hơn bằng cách “nhuộm xanh” titan với kỹ thuật tương tự. De Bethune làm điều đó không chỉ cho các bộ phận chuyển động, mà còn cả mặt số và vỏ, biến lớp hoàn thiện màu xanh trở thành dấu hiệu đặc trưng của thương hiệu.


 
Back to top