Markets

Lời bào chữa dành cho Rolex: Vì sao hàng hóa luôn khan hiếm?

Là người chơi đồng hồ và cũng là "fan" hâm mộ Rolex, tôi luôn cảm thấy khó hiểu trước tình trạng các quầy kệ trống trơn trong đại lý phân phối 3 năm trở lại đây. Câu chuyện chỉ phần nào sáng tỏ khi tôi có dịp tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của hãng trong đợt công tác tại Singapore. 

Nov 15, 2019 | By Hai Yen Ho

Là hãng đồng hồ thương mại hàng đầu trên thế giới, Rolex từ lâu tạo dựng được lượng người hâm mộ đông đảo (trong đó có tôi). Thường xuyên chia sẻ và trao đổi các phiên bản độc đáo do hãng sản xuất, chúng tôi còn có thú vui săn lùng những mẫu có thiết kế biểu tượng của thương hiệu. Thế nhưng, câu chuyện đã phần nào thay đổi trong vài năm gần đây, khi các đại lý phân phối Rolex trên thế giới dần trở nên “trống rỗng” một cách bất hợp lý. Điều này khiến cho không chỉ tôi mà còn nhiều người chơi đồng hồ khác cảm thấy rất bức bối.

Nguyên nhân nằm ở đâu? Trong vài câu chuyện phiếm, chúng tôi thường đùa rằng có chăng Rolex đang thực hiện chính sách giảm sản lượng để tạo sự khan hiếm và tăng giá bán? Tuy nhiên, nhận định của tôi đã phần nào thay đổi khi tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu.

Trên thực tế, Rolex là một hãng đồng hồ thuộc Quỹ từ thiện tư nhân Hans Wilsdorf. Ngoài việc trả lương cho nhân viên, các chi phí sản xuất, vận hành, quảng cáo, lợi nhuận được dùng vào mục đích từ thiện dựa trên các nguyên lý là một tổ chức Phi lợi nhuận (NGO).

Điều này cho phép Rolex tự chủ và không bị chi phối về tài chính từ cổ đông. Vì vậy, thông tin Rolex giảm sản lượng là không chính xác. Sản lượng Rolex hàng năm có ngưỡng giới hạn cho phép họ tập trung cho khâu QC (kiểm tra chất lượng sp) kỹ lưỡng, để sản phẩm có thể chạy liên tục trong cả thập kỉ mà không cần bảo dưỡng.

Mỗi năm, Rolex sản xuất ra khá nhiều đồng hồ. Không ai ngoài Rolex (hoặc tổ chức Wilsdorf) biết con số chính xác, nhưng theo ước tính của các đơn vị truyền thông, con số này là từ 800.000 đến 950.000 chiếc mỗi năm. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng sản lượng đồng hồ không cố định mà có thể dao động tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế.

Hiện tại, đại diện hãng cho biết Rolex vẫn đang cố gắng tăng sản lượng đồng đều chứ không tập trung vào mẫu đang bán chạy để gia tăng lợi nhuận. Đây được xem là giải pháp sản xuất có tính bền vững dài hạn cho thương hiệu, tương tự như chiến lược của một số hãng danh tiếng khác.

Chính vì thế, nguyên lý bán hàng của Rolex là đại lý (AD) sẽ cố gắng hết sức để sản phẩm đến tay người tiêu dùng – những người sẽ thật sự đeo chiếc đồng hồ mà họ yêu thích trên tay, chứ không phải các dealer tìm cách đầu cơ đồng hồ để đẩy giá (ngày nay, không khó gì tìm được những hình ảnh 50 con Hulk xếp lớp tại một số dealer lớn tại Hong Kong hoặc một nơi nào đó!). Tình trạng đầu cơ ấy cũng từng được WOW Vietnam đề cập đến trước đây.

Chính vì thế, chúng tôi cũng cho rằng Rolex chỉ cung cấp số lượng đồng hồ rất hạn chế cho các đại lý như một cách để chống lại thị trường xám. Trong những năm gần đây, Rolex đã gửi thư cho đại lý về cách ngăn chặn việc bán ra cho các nhà đầu cơ và dealer thuộc thị trường xám này. Việc làm cạn kiệt thị trường xám bằng cách hạn chế số lượng đồng hồ tất nhiên tất nhiên là giải pháp hữu hiệu, nhưng điều này có thể khiến nhiều người chơi cảm thấy bất mãn. Nếu bước vào một cửa hàng hoặc đại lý Rolex và hỏi GMT-Master, Submariner hoặc Daytona, 110% khách hàng sẽ nhận được câu trả lời “không” ngay lập tức. Song đó cũng chính là điều khiến các mẫu đồng hồ này trở nên đáng khao khát hơn.

Là hãng sản xuất đồng hồ lâu đời có tên tuổi, Rolex hiểu rõ hơn ai hết việc tăng giá sản phẩm, giảm số lượng sản xuất, có thể làm người chơi trên khắp thế giới nổi giận. Thật không dễ dàng để người chơi thật sự phải trả “tiền chênh” quá nhiều cho những mẫu đồng hồ thể thao bằng thép mà họ yêu thích. Còn bạn, bạn nghĩ gì về quan điểm này?

Thực hiện : Jason Dang 

 
Back to top