Markets

Đồng hồ xách tay: Mối đe dọa của các thương hiệu đồng hồ xa xỉ

Một chiếc Patek Philippe hay Vacheron Constantin với giá giảm 20% - 30% so với giá chính thống, hay một chiếc Hublot có giá chưa đến 10.000 USD dù vẫn nằm ngoài tầm với của hầu hết mọi người, nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều của những món hàng như thế báo hiệu tình hình phức tạp mà các thương hiệu đồng hồ đang đối mặt.

Sep 20, 2021 | By Lương Tôn Bình

Trong bối cảnh doanh thu giảm sút, nhiều chiếc đồng hồ thuộc hàng tồn kho đã luồn lách từ các nhà phân phối được ủy quyền đến tay các trang mạng bán lẻ trực tuyến, hay các cửa hiệu kinh doanh hàng xách tay, không thuế với giá chiết khấu khiến người ta giật mình.

Các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ chính thống không thích “thị trường xám” vì mức chiết khấu cao đang hủy hoại danh tiếng mà họ tốn bao nhiêu công sức, thời gian và tâm huyết để gầy dựng, đồng thời khiến họ khó bán hàng ở giá niêm yết hơn.

“Trong thế giới xa xỉ phẩm, một khi uy tín, giấc mơ và giá trị bị phá vỡ, đồng nghĩa niềm tin của bạn cũng sẽ bị lấy mất. Tôi muốn nói rằng, đó chính là cái chết yểu đã được báo trước của ngành hàng xa xỉ”, ông Jean-Claude Biver chia sẻ khi mô tả thị trường xám là “căn bệnh ung thư của ngành đồng hồ” đang cần điều trị.

Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc không còn sôi động như trước đang buộc các thương hiệu phải lặng lẽ bắt tay với các nhà buôn ở thị trường xám, thường là để nâng cao doanh thu nhưng chủ yếu là để củng cố tầm ảnh hưởng đối với những người bán lại phi chính thức.

“Đồng hồ ở thị trường xám có từ rất nhiều nguồn: các đại lý bán lẻ được ủy quyền muốn bán tháo những sản phẩm tồn kho, các nhà phân phối hoặc thậm chí là chính các thương hiệu muốn giảm giá chính thức nhưng không thể. Tuy nhiên, nếu những chiếc đồng hồ này không phải là những mẫu mới nhất, thì người mua nên cẩn thận khi bị trà trộn hàng giả hay kém chất lượng thì việc trả lại hay kiện tụng sẽ làm phức tạp hóa mọi vấn đề”, một nhà quản lý giấu tên trong ngành đồng hồ cho biết.

Quảng cáo miễn phí

Dù đại diện của các thương hiệu đồng hồ cao cấp lớn, như Swatch Group hay Richemont, từ chối nói về chiến lược của mình đối với việc cạnh tranh vào thị trường xám, nhưng một số nhà sản xuất có thể tìm thấy lợi ích ở thị trường này.

Ông Darryl Randall – người sáng lập và chủ sở hữu của trang mua bán đồng hồ trực tuyến đặt tại Mỹ cho biết: “Với mỗi chiếc đồng hồ mà chúng tôi bán được, nhà sản xuất sẽ thu được phần lợi nhuận rất lớn từ việc quảng bá của cộng đồng bán hàng online qua các kênh social media, và rồi số lượt tìm kiếm thông tin và hình ảnh trên các công cụ tìm kiếm, các bài viết về thương hiệu trên các trang mạng xã hội, các dòng tweet và hashtag đều tăng vọt và miễn phí, tất nhiên các hãng phải công nhận tác động tốt của việc quảng cáo miễn phí này”.

Vàng thau lẫn lộn

Trong những giai đoạn thuận lợi, ngành đồng hồ có thể lãi 20% doanh thu, còn giới bán lẻ kiếm được con số ấn tượng lên tới 45%. Nhưng trong những giai đoạn kinh doanh sa sút, nhà sản xuất không cho phép đơn vị phân phối chính thức cắt giá quá nhiều vì sợ rằng chiết khấu cao sẽ làm hỏng thương hiệu của họ – một chính sách có thể buộc nhiều đơn vị bán lẻ phải tuồn hàng ra thị trường xám.

Lượng đồng hồ Thụy Sỹ xuất khẩu giảm 8% trong hai tháng đầu năm nay, sau khi sụt giảm 10% trong năm ngoái. Một doanh nhân kinh doanh đồng hồ online cho biết: “Mỗi thương hiệu có một cách khác nhau để ngăn sản phẩm của mình lọt ra ngoài thị trường xám. Hai thương hiệu khó tìm nguồn nhất là Patek Philippe và Richard Mille, do họ kiểm soát sản xuất rất chặt chẽ; hay Audemars Piguet – một thương hiệu độc lập khác, chỉ phân phối một số mẫu nhất định thông qua các boutique riêng. Một nhà buôn đồng hồ giấu tên cũng cho biết thương hiệu Jaeger-LeCoultre và Vacheron Constantin của Richemont và thương hiệu Breguet của Swatch Group rất khó tìm nguồn vì các chính sách phân phối được quy định rất chặt chẽ.

Ông Danny Luhmann, một đối tác bán lẻ chính thức của Mỹ cho những thương hiệu lớn nhất của Thụy Sỹ, nhưng cũng bán đồng hồ đã qua sở hữu trên mạng cho biết: “Có rất nhiều mẫu đồng hồ từ thị trường xám len lỏi từ bên ngoài vào Mỹ. Rất nhiều sản phẩm từng được đưa vào Hong Kong giờ cũng thâm nhập vào Mỹ do sức mua của Mỹ ngày càng tăng và ở Châu Á đang trên đà giảm xuống”.

Ông còn cho biết thêm rằng thi thoảng các thương hiệu hay nhà phân phối giao cho ông những mẫu để bán giảm giá sâu hơn hay dưới dạng hàng đã qua sử dụng vì họ không thể trực tiếp làm điều đó tại cửa hàng, tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong việc hỗ trợ lẫn nhau cho ngành kinh doanh đang phát đạt của mình.

Hàng chiết khấu từ Zurich

Thị trường xám không chỉ xuất hiện ở Mỹ mà nó còn lan tràn ra những quốc gia Châu  u khác như Đức, Pháp và cả Thụy Sỹ. Có cung thì ắt có cầu. Khi một nhà sưu tầm hay người chơi đồng hồ thông thường mong muốn tìm kiếm những mẫu đồng hồ đặc biệt hay mẫu mà mình ưa thích mà giá niêm yết ở cửa hiệu phân phối chính hãng lại quá cao, họ thường tham khảo giá trên mạng, qua người quen giới thiệu và thế là họ tiếp cận được với “nguồn hàng xám” với giá rẻ hơn nhiều.

Sẽ không còn gì đáng bàn cãi nếu những mẫu đồng hồ đó được bảo hành chính hãng, được chăm sóc và đăng ký online số seri và tên chủ nhân, nhưng nếu đó là mẫu đồng hồ giả thì sự việc trở nên phức tạp. Do đó, khi mua đồng hồ từ nguồn hàng xám, lòng tin với người bán hàng phải là tuyệt đối vì giá trị không phải đến từ chiếc đồng hồ mà bạn mua. Không có số liệu thống kê về thị trường xám và rất ít đại lý sẵn sàng giải thích về sự vận hành của hệ thống này vì nó khá nhạy cảm.

Không như hàng giả, đồng hồ thị trường xám là hàng chính hãng và hợp pháp, do chủ sở hữu hợp pháp bán ra, nhưng chúng thường không đi kèm với thẻ bảo hành của nhà sản xuất, vì các thương hiệu từ chối bảo dưỡng cho những chiếc đồng hồ không được bày bán thông qua mạng lưới chính thức của họ. Do đó cho dù giá rẻ đến mức nào, nếu đó là một chiếc đồng hồ mà bạn muốn mua để “đầu tư”, nó sẽ không có giá trị khi bạn muốn bán lại chúng hoặc nếu muốn bán lại, bạn chỉ có thể bán online như đúng kênh mua mà bạn đã mua từ ban đầu.

Theo Tatler Asia

 
Back to top