Vintages

Rolex Daytona: Chiếc đồng hồ của người chiến thắng

Rolex Daytona là một trong những chiếc đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới, không chỉ bởi vì nó là vật bất ly thân của huyền thoại màn ảnh, tay đua và nhà từ thiện Paul Newman, mà còn bởi vì nó từng đồng hành với một tay đua nổi tiếng khác - Ngài Malcolm Campbell đến từ Anh quốc.

Apr 25, 2020 | By Hai Yen Ho

Giải đua xe đầu tiên trên thế giới được tổ chức tại bãi biển Daytona, Florida vào năm 1902. Các tay đua liên tiếp xác lập nhiều kỷ lục mới về tốc độ. Ngài Malcom Campbell của nước Anh là một trong những tay đua kiệt xuất đó.

Ngài Malcolm Campbell bên cạnh chiếc siêu xe “Bluebird” 2.500 mã lực.

Năm 1935, ông phá vỡ kỷ lục tốc độ trên mặt đất trong chiếc Bluebird 2.500 mã lực, trở thành tay đua đầu tiên phá vỡ kỷ lục tăng tốc 300 mph của xe hơi. Ngay sau chiến công này, Rolex đã tặng Ngài Campbell mẫu Ref. 2508, chiếc đồng hồ bấm giờ kép đầu tiên của hãng, có khả năng đo tốc độ trên một quãng đường nhất định. Khi các cuộc đua xe hơi ngày càng phổ biến, Rolex cũng điều chỉnh thiết kế bấm giờ sao cho phù hợp với trường đua.

Chiếc đồng hồ bấm giờ kép đầu tiên Rolex tặng cho Ngài Malcolm Campbell

Năm 1954, Rolex cho ra đời chiếc Ref. 6234, với bộ máy Valjoux 72, vỏ Oyster, ba mặt số phụ và thang đo tốc độ. Khoảng 500 chiếc như vậy đã được sản xuất với giá bán 200 USD vào đầu thập niên 60 và sau đó tạm ngưng vì không thành công. Tuy vậy, chiếc đồng hồ này vẫn đặt nền móng cho dòng Cosmograph Daytona về sau.

Năm 1962, ba năm sau khi Daytona International Speedway khai mạc, Rolex trở thành đơn vị đo thời gian chính thức của cuộc đua. Cùng năm, hãng cũng nâng cấp đồng hồ bấm giờ vỏ Oyster lên Ref. 6238. Nhưng phải đến năm 1963, với Ref. 6239, chiếc Rolex Daytona đầu tiên mới xuất hiện.

Daytona Ref. 6239

Ref. 6239 bao gồm nhiều đặc điểm nổi bật của Daytona ngày nay: thang đo tốc độ được chuyển sang viền bazel, ba mặt số phụ có màu tương phản, bộ máy thủ công Valjoux 72B. Tuy nhiên, lúc đó, đồng hồ không có dòng chữ “Daytona” trên mặt số mà chỉ là “Rolex Cosmograph”. Năm 1965, khi Rolex quyết định đặt tên, chữ “Daytona” cũng không xuất hiện, mà là “Le Mans”, theo tên của cuộc đua nổi tiếng của Pháp. Sau đó, để thu hút các khách hàng Mỹ, Rolex đổi tên theo giải đua xe hấp dẫn của nước này – Daytona 500. Từ đó, Rolex Daytona huyền thoại chính thức ra đời.

Rolex Ref. 6240

Năm 1965, Rolex chuyển hướng sang nút bấm bắt vít với sự ra mắt của Ref. 6240. Với thiết kế này, chiếc đồng hồ có khả năng chống nước tương đương các mẫu dùng vỏ Oyster và không có chức năng Chronograph. Những chiếc đồng hồ vỏ Oyster và không vỏ Oyster được sản xuất liên tục đến đầu những năm 1970, hãng mới ngừng sản xuất đồng hồ chống nước.

Trong thời gian này, Rolex vẫn đặt hàng sản xuất các thành phần như bộ máy và mặt số từ các công ty bên ngoài. Công ty Singer là một trong những đối tác đã tạo nên mặt số “kỳ lạ” của Daytona, với mốc giờ hình vuông trên mặt số phụ, kèm một dấu thập chính giữa. Mẫu này không được khách hàng ưa chuộng và Rolex đã phải vật lộn một thời gian dài trước khi ngưng sản xuất.

Paul Newman khiến cho chiếc đồng hồ với mặt số “kỳ lạ” trở thành cơn sốt.

Sau đó, Paul Newman xuất hiện với một chiếc đồng hồ mặt số “kỳ lạ” như vậy trên tay, cùng một câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn đằng sau đó, đã khiến cho chiếc đồng hồ hẩm hiu một thời nhanh chóng quay trở lại thị trường với mức giá tăng chóng mặt. Các nhà sưu tập người Ý thậm chí còn gọi đây là chiếc đồng hồ Rolex Daytona “Paul Newman”, mở đầu cho dòng đồng hồ “Paul Newman” về sau.

Ngày nay, “Paul Newman” vẫn được săn đón rất nhiều trên thị trường, riêng Rolex Daytona “Paul Newman” từng đạt ngưỡng kỷ lục trong đấu giá với mức 17,8 triệu USD, trở thành chiếc đồng hồ đắt giá nhất năm 2017.

Chiếc đồng hồ Rolex Daytona “Paul Newman” lập kỷ lục với mức đấu giá 17,8 triệu USD.

Câu chuyện về Daytona vẫn chưa dừng lại ở bộ máy thủ công. Năm 1988, đồng hồ cơ gặp khủng hoảng trầm trọng do “Cách mạng đồng hồ Quartz”. Rolex quyết định nâng cấp Daytona với bộ máy tự động El Primero từ Zenith. Daytona Ref. 16520 mở màn cho dòng đồng hồ Daytona hiện lại, với bộ vỏ 40mm, đồng hồ bấm giờ tương phản và mặt số bằng tinh thể sapphire. Chúng được tái sản xuất liên tục trong giai đoạn từ 1988 đến 2000.

Năm 2000, Rolex ra mắt dòng Daytona thứ ba sử dụng bộ máy in-house Caliber 4130 và có số sê-ri sáu chữ số. Bộ máy này đã được chứng nhận và tiếp tục được sử dụng trong những chiếc Daytona ngày nay. Caliber 4130 có thời lượng cót 72 giờ và bộ giảm xóc Kif. Mặt số phụ được cấu hình lại, đổi mặt số chỉ giây từ vị trí 9 giờ về 6 giờ, mặt số Chronograph chỉ phút và giờ được đặt cao hơn trung tâm một chút. Với mẫu đồng hồ này, Daytona sẵn sàng bước vào kỷ nguyên thứ 21.

Rolex Daytona tham chiếu 116500LN có dây thép, viền gốm đen.

Năm 2016, tham chiếu 116500LN ra đời với khung viền bằng gốm nổi bật và là chiếc đồng hồ Daytona cập nhật nhất của Rolex, với phiên bản phổ biến là đồng hồ dây thép.

Có thể ngày nay, người đeo đồng hồ hiện đại không còn sử dụng chức năng bấm giờ như những tay đua của thập niên 1930, nhưng nhờ họ mà Daytona đã tạo được danh tiếng và trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, với danh sách chờ kéo dài đến vài năm. 

Rolex là chiếc đồng hồ dành cho người thắng cuộc.

Năm 1991, Rolex trở thành nhà tài trợ chính cho giải đua Daytona 24 Giờ. Kể từ đó, mỗi người chiến thắng sẽ được nhận một chiếc Daytona phiên bản thép, với dòng chữ “24 Hour Winner” khắc trên vỏ. Vượt bao năm tháng, Rolex vẫn kiên trì bện chặt sợi dây kết nối của một hãng đồng hồ với những chiếc ô tô thể thao, trong khi Rolex Daytona trở thành biểu tượng cho những người chiến thắng.

Stephanie Nguyen 

 
Back to top