Art Deco: Từ kiến trúc đến đồng hồ
Là phong cách thiết kế thịnh hành từ những năm 1920. Đến nay, trường phái Art Deco vẫn còn sức ảnh hưởng nhất định lên thị trường sản phẩm xa xỉ, đặc biệt là đồng hồ.
Nhìn chung, phong cách Art Deco thường được nhận biết với các hình thức pha trộn các dạng thức hình học và không khí cổ điển cùng sắc vàng lộng lẫy. Ảnh hưởng của phong cách Art Deco có thể dễ dàng được nhận thấy trên các đại lộ của thành phố New York, ngập tràn từ sảnh chờ, lối đi cho đến các tòa nhà chọc trời.
Trong thiết kế đồng hồ, thuật ngữ này thường được áp dụng cho cách thiết kế mặt số táo bạo với các chữ số lớn và màu sắc lộng lẫy. Khi được sử dụng đúng lúc, Art Deco có thể mang lại giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ rất cao, nhưng nếu không, ý nghĩa này sẽ hoàn toàn tan biến. Dưới đây là một số phiên bản đồng hồ đã áp dụng nhuần nhuyễn tinh hoa trong nghệ thuật Art Deco, để tạo ra những phiên bản đầy hấp dẫn.
Rolex Oyster những năm 1920
Vào những năm 1920, Rolex đã phát hành Oyster, mẫu đồng hồ đầu tiên có vỏ, núm vặn và nắp lưng chống nước được cấp bằng sáng chế mà Rolex vẫn duy trì tên gọi đến ngày nay. Các phiên bản Oyster đầu tiên mang dáng dấp đặc biệt với vỏ hình lục giác hoặc cushion cùng mặt số rõ ràng. Hầu hết đồng hồ Oyster lúc này đều đi kèm với vỏ kim loại quý bằng vàng hoặc bạc. Là hình ảnh đích thực của đồng hồ cổ điển, đây chính là một yếu tố không nhỏ góp phần vào thành công rực rỡ của Rolex, sau khi được hàng loạt quý ông ưa chuộng vào cuối những năm 1920.
Cartier Santos – Vintage
Vào những năm 1900, nhà sáng lập thương hiệu Cartier là Louis Cartier đã tạo nên chiếc đồng hồ đặc biệt để người bạn thân là phi công Alberto Santos-Dumont đeo trong những chuyến bay đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, Santos được xem là chiếc đồng hồ đầu tiên được sản xuất hàng loạt, với thiết kế dành riêng cho cổ tay. Đến nay, Santos de Cartier vẫn được tiếp tục sản xuất với hàng loạt biến thể, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét thanh lịch nguyên bản với vỏ vuông thanh lịch, khung viền có đường cong mềm mại và mặt số chữ La Mã cổ điển.
Patek Philippe Tonneau năm 1922
Trong lịch sử, nhà sản xuất đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ Patek Philippe từng “chơi đùa” cùng thiết kế nhiều hơn so với thời điểm hiện tại. Trong nhiều năm, thương hiệu nổi tiếng đã thử nghiệm nhiều kiểu dáng khác nhau, mà một số trong đó vẫn được các thương hiệu sử dụng lại ngày nay. Tác phẩm bên trên được tạo hình trong dáng thùng tonneau bằng vàng 18k đậm chất Art Deco, đi kèm các chữ số Ả rập điển hình của phong cách thiết kế đồng hồ trong những năm 1920.
Gruen những năm 1920
Thông thường, đồng hồ hình chữ nhật được gọi chung là dáng “Tank” – một thiết kế phổ biến của Cartier. Đi theo phong cách Tank, chiếc đồng hồ Gruen là mang đến hình ảnh thiết kế góc cạnh kiểu art deco rất đặc trưng, với nét nhấn nhá vào các chỉ số và kim giờ nổi bật. Kim và mục chỉ giờ đều được phủ lớp dạ quang để giúp người dùng theo dõi trong bóng tối, một tính năng hiện đại được áp dụng cho rất nhiều mẫu đồng hồ ngày nay.
Đồng hồ bấm giờ Minerva
Tiện ích của cơ chế bấm giờ trong đồng hồ đeo tay đã thúc đẩy sự phát triển của đồng hồ đeo tay bấm giờ ngay sau khi xuất hiện. Trong số những cái tên nổi bật, không thể không kể đến hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ Minerva. Công ty đã được mua lại cách đây vài năm, và hiện đang tồn tại dưới sự bảo trợ của Montblanc. Chiếc Minerva phiên bản của những năm 1920 này có cơ chế bấm giờ một nút bấm được đưa vào núm vặn, và mặt số màu đen đi cùng các kim, mục chỉ giờ được trang trí theo kiểu art deco.
Jaeger-LeCoultre Reverso Ultra Thin Duoface Blue
Khác với các mẫu đồng hồ kể trên, phiên bản màu xanh của Reverso Ultra-Thin là mẫu mới xuất hiện năm 2013, nhưng là sự tái hiện một trong những màu gốc được sử dụng trên bộ sưu tập đồng hồ Reverso. Được chính thức ra mắt thị trường vào năm 1931, nhưng dòng đồng hồ Reverso rất có thể đã được phát triển từ lâu trong những năm 1920. Mẫu đồng hồ vinh dự góp mặt trong danh sách vì Reverso là một trong những chiếc đồng hồ biểu tượng với phong cách Art Deco đặc trưng vẫn còn được sản xuất cho đến ngày hôm nay. Sở hữu nét đẹp vượt thời đầy nam tính, hai mặt số của Reverso cung cấp hai múi giờ khác nhau, với hình tượng lộng lẫy của phong cách thiết kế từ thập niên 20.
Longines Evidenza
Longines, một trong những nhà sản xuất đồng hồ cơ Thuỵ Sĩ có giá thành tương đối phải chăng hơn, thường đưa nguồn cảm hứng retro vào thiết kế. Nhiều mẫu trong số đó sẽ hoàn toàn phù hợp khi đưa vào bối cảnh của những năm 1920. Tiêu biểu trong số đó là bộ sưu tập đồng hồ có dáng vỏ thùng tonneau mang tên Evidenza, với vẻ ngoài đậm chất 1920 với mặt số đơn giản nhưng được trang trí cầu kỳ đậm chất nghệ.
Vacheron Constantin Historiques American 1921
Khi tạo nên chiếc Historiques American hiện đại, Vacheron Constantin đã tái hiện lại cỗ máy thời gian họ từng sản xuất năm 1921 dành cho khách hàng Mỹ. Trong lịch sử, Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng góp phần tạo dựng nên thành công của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ. Dáng vỏ theo phong cách cushion của Historiques American được làm lệch sang một bên vì bản gốc đã được thiết kế theo kiểu đồng hồ được dùng khi lái xe, giúp người dùng dễ theo dõi giờ giấc khi cả hai tay đều nằm trên vô lăng. Vỏ bằng vàng hồng 18k có độ rộng 40mm, bên trong chứa bộ máy lên dây cót tay do Vacheron Constantin sản xuất.
Bulova
Tại Baselworld 2019, Bulova đã có một động thái bất ngờ khi tung ra một bộ sưu tập hoàn toàn mới với đầy đủ các mẫu có phiên bản giới hạn, mô phỏng di sản từ thành phố New York của thương hiệu. Bộ sưu tập Joseph Bulova mới bao gồm 16 chiếc đồng hồ trong nhiều kiểu vỏ khác nhau như chữ nhật, tròn và dáng thùng tonneau, gợi nhắc đến những thiết kế đáng nhớ của thương hiệu từ những năm 1920 đến những năm 1940 như Commodore, Banker và Breton.
Hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Citizen, Nhật Bản, Bulova hoàn toàn có thể đưa bộ máy Miyota tự động vào trong thiết kế vỏ, nhưng trên thực tế, thương hiệu đã chọn đi theo con đường Thụy Sĩ bằng cách sử dụng bộ máy Sellita SW200 có thể được chiêm ngưỡng qua nắp lưng đồng hồ.