Omega vươn đến tầm cao mới với phiên bản Speedmaster Chrono Chime
Không hài lòng với thành công đang có, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ, Omega đã dấn thân vào một cuộc chơi mới, gian truân hơn với Speedmaster Chrono Chime - chiếc đồng hồ điểm chuông phức tạp đầu tiên của thương hiệu.
Speedmaster Chrono Chime ra mắt nhân kỷ niệm hai sự kiện đáng nhớ trong lịch sử thương hiệu Omega, đầu tiên là kỷ niệm sự ra đời của chiếc đồng hồ điểm chuông đầu tiên vào năm 1892 và tưởng nhớ đến chiếc đồng hồ bỏ túi Omega trở thành thiết bị đo thời gian chính thức của Thế vận hội Olympic 1932 tổ chức tại Los Angeles. Xuất hiện tại Olympic trong tư cách Nhà cung cấp Thiết bị đo thời gian chính thức không đơn thuần chỉ là một vinh hạnh, khi độ chính xác của thương hiệu được ca ngợi, mà còn thúc đẩy sự đổi mới không ngừng trong lĩnh vực đo đếm thời gian chuyên nghiệp. Do đó, việc Omega kết nối sự kiện Olympic với một sáng tạo sở hữu bộ máy cơ phức tạp cao thật sự chứa đựng ý nghĩa rất lớn lao.
Speedmaster Chrono Chime hiện diện trong bộ vỏ vàng Sedna 18k 45mm lấy cảm hứng từ thiết kế vỏ của dòng Speedmaster thế hệ thứ 2 có tên CK 2998, với lớp kính sapphire dạng vòm bao bọc lấy mặt số khảm men Grand Feu tinh xảo, mang hiệu ứng trông như một bầu trời đêm đầy sao. Mặt số này cũng góp phần làm nổi bật các kim, cọc số, logo thương hiệu và hai mặt số phụ bằng vàng Sedna 18k được hoàn thiện tỉ mỉ. Vòng bezel tích hợp thang đo Tachymetre cũng có lối trang trí tương đối đồng điệu với tổng thể mặt số.
Tuy nhiên, yếu tố thu hút các tay chơi nhất ở chiếc đồng hồ này chính là phần khoét rỗng ở hướng 8 – 10 giờ trên mặt số, để lộ hai chiếc búa và cồng bằng vàng Sedna 18k của cơ cấu điểm chuông theo phút. Theo tìm hiểu, Omega đã điều chỉnh rất công phu để cơ cấu này có thể phát ra âm thanh thánh thót, đủ nhịp trầm bỗng vui tai mỗi khi chủ nhân kích hoạt chức năng điểm chuông bằng nút bấm bố trí tinh tế ở hướng 8 giờ trên cạnh vỏ.
Không dừng lại ở chức năng điểm chuông, mà Speedmaster Chrono Chime còn sở hữu cơ chế bấm giờ kép, kích hoạt qua nút bấm ở hướng 2 giờ trên cạnh vỏ – điều mà một chiếc Speedmaster tiêu chuẩn không được trang bị. Để làm được điều này, Omega đã phối hợp cùng Blancpain để nghiên cứu – chế tạo bộ máy cơ Master Chronometer Co-Axial Calibre 1932 có mức năng lượng dự trữ 60 giờ, tích hợp cơ cấu bảo vệ đặc biệt, cùng hai tính năng minute repeater và split-second chronograph.
Đặc biệt, đây còn là một bộ máy tần số cao khi dao động ở tần số 5Hz nhằm hiển thị 1/10 giây như chiếc đồng hồ bấm giờ bỏ túi từng được sử dụng trong Thế vận hội Olympic 1932. Master Chronometer Co-Axial Calibre 1932 đánh dấu bộ máy phức tạp đầu tiên Omega từng sản xuất.