Khám phá xưởng chế tác đồng hồ Girard-Perregaux: Nơi kết nối thời gian
Mặc dù đã có nhiều cải tiến về công nghệ, một trong các tên tuổi lâu đời nhất trong ngành chế tạo đồng hồ là Girard-Perregaux vẫn giữ gìn mọi thứ theo cách thức xưa cũ.
Girard-Perregaux tọa lạc tại La Chaux-de-Fonds, nơi được xem là thánh địa của ngành chế tạo đồng hồ từng được UNESCO công nhận vì giá trị đặc biệt. Vì vậy, không ngạc nhiên khi mọi thứ ở đây được sản xuất khác với bất kỳ nhà máy chế tạo đồng hồ hiện đại hóa nào khác. Xưởng sản xuất Girard-Perregaux nằm trong tòa nhà trước đây thuộc sở hữu của Tavannes Watch Co. (một thương hiệu khác có bề dày lịch sử bắt nguồn từ Henri Sandoz), có phong cách thuần cổ điển đại diện cho Art Noveau, hình thức nghệ thuật cũng được sản sinh từ vùng đất này.
Người đàn ông đã gắn bó với thương hiệu từ năm 1986 là Willy Schweizer dẫn dắt chúng tôi tham quan tòa nhà lộng lẫy được xây dựng đầu thế kỷ 20, sau đó được mua lại ngay trước thế kỷ 21. Ở đây, giữa những bức tranh sơn dầu được phục chế, cửa sổ kính màu, cột đá cẩm thạch và gạch khảm mà Schweizer mô tả là “gợi nhắc đến kiểu nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ” thay vì một cơ sở sản xuất đồng hồ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc chiều sâu tinh thần của di sản này, thành tựu và niềm tự hào của giới chế tác đồng hồ.
Xuyên suốt 220 năm, Girard-Perregaux đã theo đuổi các giới hạn về kỹ thuật và thẩm mỹ của đồng hồ. Điều cần lưu ý là vào năm 1791, các nhà sản xuất đồng hồ giai đoạn tiền công nghiệp chỉ xem các bộ máy là chi tiết kỹ thuật để đếm thời gian. Ẩn đằng sau vỏ kim loại quý và mặt số tráng men, chính Constant Girard-Perregaux là người đã nhìn thấy tiềm năng của việc nâng tầm kết cấu của những chi tiết máy phức tạp để biến chúng thành một tác phẩm độc đáo, biến cầu nối trở thành một mô típ mỹ thuật, mà sau này đã trở thành hình mẫu cho nhiều thương hiệu khác.
Thật vậy, những yếu tố kỹ thuật từng bị che giấu đột nhiên trở thành điều để thưởng ngoạn. Trong suốt chiều dài lịch sử của thương hiệu, Girard-Perregaux đã liên tục duy trì chuyên môn này khi đưa đồng làm cốt lõi đổi mới, với minh chứng là 100 bằng sáng chế và 200 chiếc đồng hồ có tính năng phức tạp được ra đời mỗi năm (số lượng sản xuất hàng năm dao động từ 3000 đến 4000 chiếc). Từ tourbillon đến điểm chuông, những cỗ máy thời gian được sản xuất và căn chỉnh không phải tính theo giờ mà là tuần và tháng; chính tại đây, cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu.
Phòng thí nghiệm đồng hồ
Hành trình đeo đuổi việc chế tác đồng hồ bấm giờ hoặc những bộ máy chính xác khởi đầu từ giữa thế kỷ 19, và Constant Girard-Perregaux đã sớm dành sự quan tâm đặc biệt đến mô hình tourbillon. Tuy không phải là phát minh của thương hiệu, sức hấp dẫn vượt trội của bộ máy tourbillon đã thôi thúc ông tập trung nghiên cứu vào cấu trúc bên trong và chi tiết các thành phần cấu tạo.
Từ giữa những năm 1850 trở đi, ông bắt đầu tập trung chế tạo chiếc đồng hồ được trang bị bộ điều chỉnh tourbillon với ba cầu nối song song. Được trưng bày tại Triển lãm Toàn cầu (Universal Exhibition) ở Paris năm 1867, chiếc đồng hồ mang về chiếc huy chương đầu tiên cho nhà sản xuất Girard-Perregaux.
Bên trong phòng thí nghiệm đồng hồ Laboratoire Horloger là bộ phận thử nghiệm các nguyên mẫu. Trong toàn bộ giai đoạn phát triển sản phẩm, phòng thí nghiệm hoạt động song song với phòng Nghiên cứu & Phát triển để kiểm định thực tế từng giai đoạn. Thông thường, nhân viên sẽ làm việc với mẫu, bộ phận trong bộ máy và cuối cùng là một bộ gồm 20 bộ máy nguyên mẫu được đặt tên là “series zero” – vì rõ ràng, những bộ máy này không bao giờ được bán và được thử nghiệm vô cùng khắt khe từ góc độ kỹ thuật và người dùng.
Điều này có nghĩa là tất cả mọi thứ từ sự rung động của bánh thoát đến các lực tác động do thao tác lặp đi lặp lại của nút vặn đều được thử nghiệm, hoạt động và theo dõi liên tục. Tuy vậy, Schweizer nhanh chóng giải thích rằng mỗi trạm thử nghiệm này không phải dùng để kiểm tra lỗi, mà liên tục thử nghiệm để xác định các đặc điểm vận hành và nhận định xem có lỗi nào trong hoạt động có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành chung của bộ máy khi đến tay người sử dụng hay không.
“Vật liệu và máy móc có thể mua được nhưng kỹ năng thì không.”
– Willy Schweizer,
Nhà nghiên cứu lịch sử thương hiệu Girard-Perregaux
Tầng trên của tòa nhà là bộ phận R&D. Ở đây, mọi thứ từ các bộ máy calibre cơ bản đến những cải tiến công nghệ tiên tiến nhất, chưa từng thấy trước đây như bánh thoát lực không đổi 2013 đều được thử nghiệm với mô phỏng ba chiều bằng các phần mềm như Autodesk Inventor, phần mềm CAD 3D được thiết kế để phát triển sản phẩm. Tại đây, cấu trúc và chức năng vận hành của bộ máy đều có thể được thử nghiệm trong các điều kiện mô phỏng.
Việc phát triển bộ máy mới đòi hỏi sự hợp tác của cả hai bộ phận. Bộ phận Phát triển sản phẩm sẽ xác định kích thước, loại đồng hồ, bộ máy vần có, và bộ phận R&D sẽ tìm ra giải pháp. Thông thường, phải mất đến 4 năm để phát triển một bộ máy cơ bản từ ý tưởng đến thiết kế tất cả các bộ phận và tạo mẫu.
Ngày xưa, điều này cực kỳ tốn công sức vì không có máy tính để xem xét hàng triệu giải pháp khác nhau, vì vậy việc nghiên cứu gần giống như thử nghiệm và xét lỗi liên tục cho đến khi dừng lại ở một giải pháp khả thi (mà thường không phải là giải pháp lý tưởng) – giờ đây, nhờ công nghệ máy tính, GirardPerreguax có thể tìm ra giải những pháp tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, Schweizer cho rằng người ta không thể chỉ làm việc trên máy tính, mà thông thường, các nguyên mẫu trong đời thực còn cho thấy những thách thức chưa từng được xem xét, bởi phần mềm chỉ đơn giản là giả định các điều kiện tối ưu. Tuy nhiên, với việc thiết kế bằng phần mềm, các nhân viên trong bộ phận đều có thể hài lòng khi không cần phải dùng đến bút chì và giấy để vẽ mô hình 3D mà những bậc tiền bối từng sử dụng.
Linh hồn và sự phức tạp vô biên
Từ bộ máy đến vỏ, Girard-Perregaux là một nhà sản xuất tổng hợp quy tụ nhiều nghệ nhân lành nghề: thợ đồng hồ, kỹ sư, nghệ nhân trang trí bộ máy, thợ đánh bóng và các kỹ năng cần thiết khác dưới chung một mái nhà, mỗi người đều sở hữu các tay nghề và cấp độ thủ công tốt nhất dựa trên bí quyết chế tạo đồng hồ truyền thống.
Từ các bộ máy calibre đơn giản đến các biến thể phức tạp và cao cấp, quy trình đều giống nhau – các khung cho bộ máy được lắp ráp trước tiên để đảm bảo rằng tất cả các thành phần khớp với nhau trước. Sau đó, khi cơ chế hoạt động, bộ máy sẽ được tháo rời, làm sạch và sau đó lắp lại.
Tại bộ phận haute horlogerie, những công đoạn phức tạp như điều chỉnh âm thanh của bộ điểm chuông sẽ được thực hiện, vì tiếng chuông thường không bao giờ chuẩn vào lần đầu tiên. Nơi đây, chuông đĩa có thể được rút ngắn, kéo dài hoặc đơn giản là điều chỉnh một chút để tiếng chuông trở nên sắc nét hơn.
Tại sao lại cần tiếng chuông nhỏ? Schweizer giải thích rằng điều này sẽ khiến tai dễ chịu hơn. Thông thường, các nhà sản xuất khác cũng có một quy trình xem xét bộ điểm chuông. Nhưng ở đây, quy trình này được thực hiện theo lối truyền thống với phương pháp xưa cũ đầy lãng mạn, mà mỗi nghệ nhân chịu trách nhiệm cho các bộ máy mình chế tạo và chất lượng của chuông chỉ đơn giản được tinh chỉnh bằng tai.
Với Girard-Perregaux, mỗi sự bộ máy cao cấp được sinh ra đều đạt chuẩn “atelier”, trong đó mỗi nghệ nhân sản xuất đồng hồ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. Họ tạo ra những chiếc đồng hồ chất lượng cao từ khâu lắp ráp cho đến phần cuối cùng, và trong nhiều trường hợp là cả khâu hậu mãi dịch vụ. “Vì sao vậy?”, tôi hỏi. Schweizer giải thích rõ ràng rằng các bộ máy loại này chỉ được điều chỉnh tốt nhất bởi những bàn tay tạo ra chúng, vì mỗi nghệ nhân sẽ có những cảm nhận sâu sắc vì họ đã dành nhiều ngày hay thậm chí hàng tháng trên một chiếc đồng hồ. Họ thuộc nằm lòng các chi tiết và yếu tố của từng thành phần một.
Đương nhiên, khoảng 200 bộ máy phức tạp kia sẽ rời khỏi nhà sản xuất mỗi năm, và nhiều khả năng sẽ về với người chủ sở, để một lúc nào đó trong vòng đời của chúng, những người thợ đồng hồ đã chế tạo ra chúng sẽ có thể không còn nữa. Được hỏi về điều này, Schweizer cho biết rằng trong thực tế có những nghệ nhân tạo ra những chiếc đồng xuất sắc, nhưng không may là họ đã qua đời hoặc tìm việc làm ở nơi khác.
“Vật liệu và máy móc có thể được mua nhưng kỹ năng thì không”, Schweizer trả lời, “Girard-Perregaux đầu tư vào việc đào tạo những người học việc mới. Tuy nhiên, các thợ làm đồng hồ có độ phức tạp cao phải có tài năng thiên bẩm trước khi họ có thể được chọn để đào tạo. Cơ bản, cần đến 4 năm để trở thành một thợ sửa đồng hồ ở mức trung bình, và sau đó nếu được nhận định là có tài năng thiên bẩm, họ cần thêm 4 năm nữa để đứng vào hàng ngũ những nghệ nhân hàng đầu.”
Hệ quả tất yếu khác không thể bỏ qua của dòng chảy thời gian nằm ở sự phát triển liên tục của máy móc và vật liệu. Từ các dụng cụ cầm tay ban đầu và máy khí nén chạy bằng hơi nước nguyên thủy đến các thiết bị kết nối Wi-Fi tiên tiến nhất hiện nay, mỗi thiết bị đều có thể tạo ra một đĩa chính hoàn chỉnh chỉ trong vòng tám phút. Đối với bộ máy calibre đơn giản, các nhà sản xuất đồng hồ có thâm niên ít hơn lắp ráp các bộ máy trên các dây chuyền sản xuất hiện đại nhất. Chúng tự động lắp ghép các chi tiết theo đúng trật tự vận hành tương ứng, và toàn bộ quá trình được giám sát trực quan qua màn hình điện tử tích hợp.
Tuy nhiên, mỗi bước trong cuộc hành trình ấy vẫn có sự hiện diện của bàn tay con người. Vì vậy, từng mức độ chuyên môn lại có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thời gian nghỉ ngơi rất khác nhau – những nghệ nhân có nhiệm vụ trang trí hay hoàn thiện được yêu cầu phải nghỉ ít nhất mười lăm phút vào buổi sáng và vào buổi chiều muộn, bên cạnh giờ nghỉ trưa kéo dài hơn thông thường. Đây là điều quan trọng để các nghệ nhân làm công việc thủ công chuyên sâu có được sự thư giãn cần thiết nhằm giảm thiểu lỗi và tình trạng kiệt sức. Cách tiếp cận tổng hòa và gia tăng giá trị này tạo ra một sản phẩm đích thực giàu bản sắc, chứ không đơn giản chỉ là một tập hợp các chi tiết máy, vì sự kết hợp giữa tay nghề bậc thầy và đam mê sẽ cho ra đời những sáng tạo tuyệt vời bậc nhất.