Features

Glashutte: Cái nôi của ngành chế tác đồng hồ Đức

Vào ngày 7 tháng 12 năm 1845, một người đàn ông có tên Ferdinand Adolph Lange đã khai sinh ra xưởng chế tác đồng hồ của mình ở thị trấn Glashutte, chính thức đặt nền móng cho truyền thống sản xuất đồng hồ xa xỉ tại bang Saxony.

Jun 14, 2022 | By Lương Tôn Bình

Thụy Sĩ từ lâu đã được biết đến là cái nôi của ngành chế tác đồng hồ xa xỉ nổi tiếng thế giới, nhưng ngôi làng nhỏ Glashutte ở vùng Saxony, miền đông nước Đức, cũng là nơi khai sinh nên những tuyệt phẩm thời gian hoàn mỹ, không hề kém cạnh bất kỳ thương hiệu Thụy Sĩ nào.

Có lẽ, câu chuyện về ngành công nghiệp đồng hồ nước Đức có thể tóm gọn trong một từ duy nhất: Glashutte. Nhưng nếu là fan đồng hồ Đức, chắc chắn các bạn sẽ biết rằng, ngoài Glashutte ra, quốc gia này vẫn còn nhiều làng nghề đồng hồ nổi tiếng bởi các thương hiệu độc lập khác, tiêu biểu như Sinn và Junghans. Nhưng tại Glashutte, tinh thần chế tác và lịch sử đồng hồ cao cấp của Đức được thể hiện mạnh mẽ nhất, đến mức tên gọi của ngôi làng này được nhiều người xem như một thương hiệu lâu đời. Thậm chí, những tay chơi đồng hồ sành sỏi còn ngầm đồng ý rằng Glashutte cũng gần giống như một thương hiệu riêng của người Đức, với dòng chữ Glashutte danh giá in lên mặt số đồng hồ theo cách đầy tự hào.

Vùng đất ấy đã khai sinh nên khá nhiều thương hiệu đồng hồ danh tiếng, như A. Lange & Sohne, Nomos, Glashutte Original, hay Moritz Grossmann v.v… thế nhưng chỉ A. Lange & Sohne và Glashutte Original là như hai thương hiệu ở ngôi làng ấy được nhắc đến nhiều hơn cả, mặc dù biên niên sử đã gọi tên không ít nhà chế tác khác từng chọn ngôi làng này làm điểm dừng chân. Ngay ngày hôm nay, chỉ cần đi bộ quanh xưởng sản xuất của hai tên tuổi trên, chúng ta sẽ không khó bắt gặp bảng hiệu của Nomos, Moritz Grossmann, Muhle-Glashutte hay Tutima, và cả chi nhánh của nhà bán lẻ Wempe.

Vậy, tại sao thủ phủ đồng hồ Đức lại là một ngôi làng nhỏ yên bình ở ngoại ô Dresden? Đã có rất nhiều câu trả lời·được ghi chép tỉ mỉ. Một lần nữa, chúng ta phải nhắc lại tiếng tăm của vùng Glashutte được tạo dựng từ những tác phẩm trên cả tuyệt vời của hai tên tuổi lâu đời là A. Lange & Sohne và Glashutte Original, bên cạnh đó còn là Union Glashutte hiện thuộc sự sở hữu của Swatch Group.

Glashutte tọa lạc tại giữa thủ phủ vùng Saxony, Dresden và Cộng hòa Séc. Nơi đây không hề gần Thụy Sĩ như thủ phủ ngành đồng hồ Pháp – Franche-Comte. Nếu đặt lên bàn cân so sánh, ngôi làng Glashutte nổi tiếng hơn cả Vallée de Joux, nơi đặt đại bản doanh của nhiều ông lớn trong ngành đồng hồ, như Audemars Piguet, Blancpain, Jaeger-LeCoultre. Đến thế kỷ XVIII, ngoại trừ Guild – nhà chế tác đồng hồ thành lập năm 1668 tại Dresden, vùng Saxony gần như không có bất kỳ liên hệ nào với truyền thống sản xuất đồng hồ, chính sự ảm đạm ấy đã khiến nghệ nhân Johann Heinrich Seyffert đưa ra những quyết định táo bạo.

Tại Dresden, có một bảo tàng mang tên Mathematisch-Physikalischer Salon ngụ bên trong cung điện Zwinger. Nơi đây ghi lại chi tiết lịch sử phát triển của cung điện, cũng như bằng cách nào nó trở thành trung tâm cho những nhà thiên văn học. Như bạn đã biết, các nhà thiên văn học yêu cầu rất khắt khe về những công cụ đo đạc, trong đó có cả công cụ đo đếm thời gian. Vào thời kỳ đầu, họ sử dụng những thiết bị nhập từ Anh quốc, nhưng Seyffert cho rằng người Đức hoàn toàn có thể chế tạo những thiết bị chuyên dụng đó.

Johann Heinrich Seyffert chính là người thầy dẫn dắt Johann Christian Friedrich Gutkaes, và Gutkaes chính là người chỉ dạy kỹ nghệ chế tác đồng hồ cho Ferdinand Adolph Lange – người sáng lập thương hiệu A. Lange & Sohne. Những nghệ nhân đồng hồ huyền thoại này đã ứng dụng kiến thức của mình để cho ra đời chiếc đồng hồ Funf Minuten Uhr hiện diện tại giữa sân khấu trong nhà hát Opera Dresden. Cơ chế nhảy số của tuyệt tác ấy vẫn ảnh hưởng tới ngôn ngữ thiết kế của A. Lange & Sohne trong hiện tại. Và cũng nhờ những dự án như thế này, mà ban đầu các hãng đồng hồ tại Glashutte đã in dòng chữ Dresden lên mặt số hoặc nắp lưng thay vì tên ngôi làng như ngày nay. Ngoài ra, vẫn còn một lý do nữa, chính là vì Adolph Lange là một người con của thành phố Dresden.

Ferdinand có lẽ là cái tên đánh dấu sự trở lại của những thương hiệu đồng hồ có trụ sở tại Glashutte. Không như những bảo tàng đồng hồ khác ở Thụy Sĩ, bảo tàng đồng hồ ở Glashutte là sự tập hợp đa dạng các thương hiệu Đức khác nhau. Khá giống Vallée de Joux, Glashutte nghiễm nhiên trở thành thủ phủ đồng hồ Đức cũng vì nguyên nhân kinh tế. Ở Vallée de Joux, những nghệ nhân chế tác đồng hồ từng là nông dân, nhưng khi mùa đông đến họ không thể tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, họ kiếm sống qua mùa đông khắc nghiệt bằng cách lắp ráp đồng hồ, hoặc sản xuất linh kiện đồng hồ theo đơn đặt hàng của Anh quốc, Pháp hay Đức vì giá thành thấp. Dần dần, Vallée de Joux cùng Neuchatel trở thành cái nôi khai sinh ngành đồng hồ Thụy Sĩ.

Tương tự, ngôi làng nhỏ ở vùng núi Ore này từng tự hào với những mỏ quặng, nhưng rồi đến thế kỷ 19, khi lượng tài nguyên bắt đầu cạn kiệt, kinh tế cũng trở nên khó khăn. Để giúp đỡ người dân vùng Muglitz, Ferdinand Adolph Lange đã phối hợp cùng nhà chức trách thời đó bắt đầu khuyến khích các thợ mỏ dần chuyển sang nghề làm đồng hồ. Phương hướng phát triển này được học hỏi khi đến Thụy Sĩ. Ferdinand Adolph Lange cùng học trò của mình, bên cạnh Moritz Grossmann, Julius Assmann và Adolf Schneider bắt đầu sản xuất những chiếc đồng hồ quả quýt mang thương hiệu Dresden.

Sau khi thành lập xưởng sản xuất vào năm 1845, Ferdinand Adolph Lange đã tự đặt ra cho mình một thách thức lớn trong việc tạo ra những chiếc đồng hồ chất lượng và đáng tin cậy nhất. Các nghiên cứu – thí nghiệm của ông đã dẫn đến sự ra đời của bằng sáng chế Đĩa ba phần tư vào năm 1875, cùng nhiều phát minh quan trọng khác. Lúc bấy giờ, những bộ máy cơ thông thường có thiết kế ổ trục với bánh răng đặt dưới các cầu và chốt riêng biệt, khiến việc lắp ráp diễn ra khá phức tạp. Do đó, Ferdinand Adolph Lange đã phát triển một phiến chính cho phép lắp đặt tất cả trục bánh răng, cố định vị trí của các vòng bi riêng lẻ, từ đó giúp tối ưu thời gian hoàn thành bộ máy, đồng thời gia tăng độ bền, cũng như sự tin cậy cho đồng hồ.

Vào năm 1851, Ferdinand Adolph Lange mang chiếc đồng hồ của ông đến Đại Hội Chợ ở Anh, đánh dấu sự ra mắt của đồng hồ xứ Glashutte trên thị trường quốc tế. Đến đầu thế kỷ 20, đã có hơn 100 xưởng chế tác đồng hồ tọa lạc tại Glashutte. Những nhà cung cấp linh kiện và hệ thống doanh nghiệp phụ trợ bắt đầu chuyển tới vùng Muglitz để hoạt động. Đó cũng là khi cái nôi của ngành đồng hồ Đức hình thành. Đến thế kỷ XX, đồng hồ xứ Glashutte đã tìm được cho mình một thị trường rộng lớn, tới mức một số công ty không tên tuổi của Thụy Sĩ đã “mượn tạm” thương hiệu này để sản xuất đồng hồ quả quýt System Glashutte.

Khi Thế chiến thứ II kết thúc, Glashutte trở thành vùng lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức, và ngành công nghiệp đồng hồ tại đây bị đình trệ, tất cả các công ty và xưởng chế tác làm việc dưới một thương hiệu chung: Glashütte Uhrenbetrieb (GUB) cùng mục tiêu sản xuất đồng hồ giá rẻ với quy mô và số lượng lớn. Nhờ quyết định này mà Glashutte vẫn được duy trì mặc dù không phát triển vững mạnh, cũng như những nghệ nhân dần mất đi niềm đam mê dành cho những cỗ máy tinh xảo cạnh tranh với người Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nếu không có chính sách của GUB, có lẽ đồng hồ Glashutte sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, bức tường Berlin sụp đổ cũng là lúc người dân Glashutte đối mặt với thử thách mới. Giờ đây, khu làng chỉ còn lại khoảng dưới 100 nghệ nhân đồng hồ, nhưng “tinh thần người Đức” đã trở thành động lực cho họ vượt lên. Thời kỳ đương đại của Glashutte bắt đầu khi Walter Lange – hậu duệ của Ferdinand Adolph Lange, truyền nhân đời thứ 4 của đế chế đồng hồ Lange cùng vị giám đốc nổi tiếng Gunter Blumlein nhờ tới sự trợ giúp của vài đối tác như IWC và Jaeger-LeCoultre để mở lại công ty sản xuất đồng hồ. Đến năm 1994, những công ty mới bắt đầu xuất hiện, những tên gọi cũ đã quay trở lại, như Glashutte Original, Muhle Glashutte và phải kể đến cả Nomos.

Trên những chiếc đồng hồ được sản xuất tại ngôi làng này, luôn có dòng chữ Glashutte I/SA hoặc /SA. Vì sao lại là I/SA? Vì ở Đức có tới 33 thị trấn và ngôi làng trùng tên Glashutte. Theo đó, I/SA là viết tắt của “In Saxony”, định danh đúng địa điểm cái nôi của ngành công nghiệp đồng hồ Đức. Đã qua lâu rồi thời đồng hồ sản xuất công nghiệp, chẳng có sự chăm chút tỉ mỉ của các nghệ nhân, và chính chúng ta – những người yêu mến đồng hồ chỉ biết đến một tên gọi Glashutte duy nhất, nơi tạo ra những cỗ máy tinh tế, đáng tin cậy theo cách cổ điển. Tất cả có lẽ đều nhờ công lao của dòng tộc Lange. Những cá nhân tài ba đã khai sinh nên danh tiếng của ngành đồng hồ Đức trong lòng giới mộ điệu trên toàn cầu.

Ashok Soman

 
Back to top