A. Lange & Söhne: Những tỉ lệ hoàn hảo
Đồng hồ A. Lange & Söhne luôn sở hữu một vẻ đẹp khó cưỡng. Và Giám đốc phát triển sản phẩm Anthony De Haas cuối cùng đã tiết lộ bí mật đằng sau vẻ đẹp ấy.
Chưa đầy 30 năm kể từ lần tái xuất hào nhoáng, cái tên A. Lange & Söhne tuy vẫn còn khá trẻ nhưng đã tạo nên đẳng cấp thẩm mỹ riêng, thuộc số ít thương hiệu có thể được nhận biết chỉ bằng thiết kế mặt đồng hồ. Đâu mới là hình ảnh biểu tượng của A. Lange & Söhne? Đó chính là Lange 1, mẫu đồng hồ đánh dấu sự hồi sinh thương hiệu bằng mặt số độc đáo không lẫn với bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác.
Trong cuộc trò chuyện tại triển lãm Palexpo ở Geneva, Giám đốc phát triển sản phẩm Anthony De Haas thừa nhận rằng Lange 1 là một trong những mẫu đồng hồ hiếm hoi mà chức năng phải tuân theo phom dáng. Đầu tiên, mặt số được thiết kế bởi Günter Blümlein và Reinhard Meis, sau đó xưởng Saxony mới tạo nên bộ máy sao cho phù hợp với mặt số này.
Người đàn ông Hà Lan tầm 50 tuổi khá tỉ mỉ, khác hẳn với vẻ ngoài bình dị. Nhận thức rõ giá trị của Lange trong mắt dân chơi đồng hồ sành sỏi chỉ nằm ở bộ máy được trang trí cầu kỳ, ông vẫn sẵn sàng tạo nên sự khác biệt ngoài những yếu tố đã trở nên quen thuộc như dĩa bạc ba phần tư của Đức, bọc chân kính bằng vàng, con ốc màu xanh biển và cầu nối được chạm khắc thủ công.
Về ngôn ngữ thiết kế, De Haas chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những thiết kế chưa bao giờ được công bố của bậc thầy Blümlein. “Blümlein, Klaus (Kurt), và Meis là những người đã xác lập chuẩn mực thiết kế với tinh thần cổ điển nhưng vẫn hiện đại. Từ quan điểm đó, mỗi mẫu đồng hồ Lange đều được tạo nên với sự chăm chút đến từng chi tiết nhỏ,” Haas nói. “Sự sành điệu và đẳng cấp phải được phô bày tối đa để tôn lên vẻ đẹp của thiết kế cửa sổ ngày nổi bật, thứ đã trở thành biểu tượng của chúng tôi”.
Chuẩn mực trong thiết kế
Thực sự mà nói, những chuẩn mực thiết kế ấy đã định hình mọi thứ, từ mẫu Saxonia Outsize Date, Saxonia Moon Phase cho đến 1815 Chronograph. “Mọi thứ được thiết kế cân đối một cách hoàn hảo về hình học cho từng vị trí cụ thể”, ông nói. Bắt đầu từ mẫu đồng hồ chronograph có lẽ là ấn tượng nhất thế giới, hai mặt số phụ ở mẫu Datograph thường được ngợi ca về thiết kế và cách sắp xếp tinh tế, cũng ít ai cưỡng được nét quyến rũ không thể chối cãi này.
Điều đó có nguồn gốc từ năm 1783, khi Sir Joshua Reynolds nghiệm ra chân lý: “Hai vật thể, cùng độ sáng, không bao giờ nên xuất hiện trong cùng một bức tranh – một cái phải Mẫu Saxonia Outsize Date với bộ máy tự động calibre L086.8 dự trữ năng lượng 72 giờ là trọng tâm, cái còn lại phải bổ trợ cả về màu sắc và kích thước. Những kích thước không đều và biến đổi sắc độ sẽ gây chú ý cho người thưởng thức. Trong khi đó, nếu các phần có kích thước tương đồng sẽ tạo cảm giác mông lung và không xác định được điểm chính phụ”.
“Để tạo điểm nhấn và chiều sâu cho tác phẩm, sẽ có những mảng sáng tối khác nhau. Chúng dường như vừa bổ trợ vừa tương phản với nhau.” Sir Joshua Reynolds, họa sĩ người Anh, 1783
Với tâm niệm đó, John Thomas Smith – nhà điêu khắc, sưu tầm cổ vật, đồng thời là thủ thư của British Prints – đã đúc kết lại mọi thứ vào “Quy tắc một phần ba”, sau này được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế đồ họa, quay phim, hội họa và chụp ảnh. Những gì bạn thấy ở mẫu Datograph ngày nay hay của năm 1815 đều kết tinh từ quy tắc vàng này. “Rất nhiều người nghĩ rằng hai mặt số phụ là để cân bằng cho cửa sổ ngày với kích thước lớn, nhưng thật ra là để tạo sự cân đối về mặt hình học như một tác phẩm hội họa”, Haas giải thích.