WOW’s Lab: Tìm hiểu về chức năng “Starting time indicator” trên mẫu đồng hồ Longines Pilot Majetek
Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giúp giải đáp thắc mắc của độc giả về chức năng "Starting time indicator" trên mẫu đồng hồ Longines Pilot Majetek và cách phòng ngừa - xử lý đồng hồ cơ không may bị nhiễm từ.
Chào World of Watches Vietnam, vừa qua Longines có giới thiệu mẫu đồng hồ Pilot Majetek mới, thông qua bài viết trên website tôi biết rằng phiên bản này được trang bị tính năng đếm giờ “Starting time indicator” vận hành qua một cơ cấu bánh răng đã được cấp bằng sáng chế độc quyền bởi Longines, điều này khiến tôi rất tò mò. Mong WOW có thể nói chi tiết về chức năng này. Xin cảm ơn.
Duy Trần (Nhiếp ảnh gia)
Chào Duy Trần, không riêng bạn mà WOW Vietnam cũng khá thích tính năng “Starting time indicator” trên Longines Pilot Majetek. Mặc dù Longines chỉ giới thiệu rằng cơ cấu bánh răng mới đã được cấp bằng sáng chế là yếu tố then chốt của chức năng “Starting time indicator”, nhưng thật chất họ đã làm nhiều hơn thế để vận hành chức năng này.
Đầu tiên, phải nói đến kết cấu bộ vỏ rất phức tạp của chiếc đồng hồ này khi được cấu thành từ 7 thành phần riêng biệt, gồm mặt kính sapphire chống lóa, vành bezel xoay khía rãnh, lớp vỏ ngoài, đĩa mặt số, rìa xoay tích hợp vạch đánh dấu thời gian, tấm biển kỷ niệm ghi số “1935”, khung vỏ trong (có nhiệm vụ bảo vệ – cố định bộ máy, cùng cơ cấu bánh răng) và nắp lưng thép. Mối liên kết giữa các chi tiết đều có ron chống thấm nước, mặt kính sapphire cũng được cố định chặt nhằm duy trì khả năng kháng nước ở độ sâu 100m.
Trong đó, vành bezel xoay khía rãnh cùng phần rìa xoay tích hợp vạch đánh dấu thời gian trong mặt số chính là yếu tố đóng vai trò chính cho chức năng “Starting time indicator”. Do hình thành từ hai thành phần riêng biệt, nên Longines đã sáng chế ra một cơ cấu bánh răng đặc biệt – hệ truyền động gián tiếp, gồm hai bánh răng có kích cỡ chênh lệch nhau đôi chút nối liền với nhau trên một trục ngang đặt trên rãnh khuyết nhỏ, rộng khoảng vài milimet của khung vỏ trong. Chi tiết trục ngang này cũng được gắn ron cao su rồi bôi trơn bằng dầu chuyên dụng nhằm hạn chế ma sát, đồng thời đảm bảo độ nhẹ nhàng mỗi khi xoay vành bezel.
Để sử dụng chức năng “Starting time indicator”, chủ nhân chỉ cần xoay vành bezel đến khi vạch đánh dấu di chuyển đến vị trí của kim phút. Khá giống với việc đo thời gian bằng vòng bezel xoay có khắc thang đo thời gian trên đồng hồ lặn. Lúc này các răng cưa bên dưới vành bezel sẽ tác động lên phần bánh răng lớn của cơ cấu làm xoay trục nối, phần bánh răng có kích cỡ nhỏ hơn của cơ cấu sẽ tiếp tục truyền động đến rìa xoay tích hợp vạch đánh dấu thời gian cũng nhờ thiết kế răng cưa ẩn bên dưới. Từ đó làm nên chuyển động ăn khớp và liền mạch. Thú vị hơn, cụm bánh răng truyền động gián tiếp này có được nhà sản xuất che giấu khéo léo sau tấm biển kỷ niệm ghi số “1935” ở cạnh trái vỏ đồng hồ.
Chào World of Watches Vietnam, là một người chơi đồng hồ tôi rất quan tâm đến việc bảo quản tốt chiếc đồng hồ cơ của tôi. Bỏ qua vấn đề vào nước hay rơi vỡ, va đập, tôi và các bạn có cùng đam mê đều chú ý đến việc giữ cho đồng hồ không bị nhiễm từ – kẻ thủ lớn tiếp theo của đồng hồ cơ vì ảnh hưởng tới tính chính xác.
Mong WOW Vietnam có thể chia sẻ một vài cách bảo vệ đồng hồ tránh bị nhiễm từ và khử từ hiệu quả. Xin cảm ơn.
Anh Tuấn (Chuyên viên kỹ thuật)
Nhiễm từ là hiện tượng rất dễ gặp phải ở đồng hồ đeo tay, cả đồng hồ cơ lẫn máy quartz. Nhưng so với đồng hồ quartz, đồng hồ cơ dễ bị nhiễm từ hơn do hầu hết bộ máy được làm bằng thép, kim loại có từ tính nên rất dễ bị nhiễm từ khi thường xuyên đặt tại nơi có mức từ trường lớn, hoặc tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ, điện tử như tivi, loa, lò vi sóng, máy vi tính, điện thoại di động, radio, máy photocopy, tia X-Quang… Vì vậy, hãy hạn chế để đồng hồ cơ tiếp xúc gần và lâu với các thiết bị điện tử nói trên để không bị nhiễm từ.
Khi nghe điện thoại, cả điện thoại bàn lẫn di động, nên nghe máy bằng tay không đeo đồng hồ. Hoặc khi đi qua máy quét ở khu vực sân bay, hãy thử kiểm tra sau đó xem đồng hồ có vô tình bị nhiễm từ hay không. Những người thường xuyên làm việc tại những nơi có nhiều bước sóng từ trường như bệnh viện, tiệm sửa chữa thiết bị điện tử… nên hạn chế đeo đồng hồ khi làm việc, hay chọn mua đồng hồ có khả năng kháng từ trên 1000 GAUSS, hoặc nên khử từ cho đồng hồ mỗi năm để đảm bảo tính chính xác và tính ổn định.
Song song đó, để kiểm tra đồng hồ có bị nhiễm từ hay không, bạn có thể sử dụng một chiếc la bàn để thử nghiệm bằng cách đưa la bàn sát vào đồng hồ, nếu kim la bàn dao động, chứng tỏ cỗ máy đã bị nhiễm từ. Mức độ dao động của kim la bàn càng lớn, đồng hồ nhiễm từ càng nặng. Có một cách khác là đo mức sai số, vì tùy thuộc vào từng thương hiệu và bộ máy mà đồng hồ sẽ có sai số khác nhau. Thông thường, đồng hồ cơ có sai số khoảng ±5 – 15 giây/ngày. Nếu đồng hồ của bạn bỗng chạy nhanh hoặc chậm hơn bình thường quá nhiều, cũng có khả năng đã bị nhiễm từ.
Khi đồng hồ bị nhiễm từ, hãy xử lý bằng các cách sau:
Cách 1: Cầm đồng hồ trên tay rồi di chuyển qua lại chậm rãi nhiều lần cạnh một vòng sắt nhỏ không bị nhiễm từ, sau vài phút đồng hồ sẽ dần giảm từ tính.
Cách 2: Tận dụng chiếc quạt điện:
Bước 1: Tháo phần roto quạt (bộ phận quay lắp với cánh quạt).
Bước 2: Đưa đồng hồ vào lồng stato (bộ phận lõi thép, chứa cuộn dây bọc xung quanh).
Bước 3: Thực hiện thao tác cắm – rút điện vài lần, mỗi lần trong khoảng 1-2 phút rồi lấy đồng hồ ra. Cách này tỏ ra khá hiệu quả.
Trong trường hợp các phương pháp trên vẫn không thể khử từ triệt để, hãy lập tức đưa đồng hồ đến trung tâm bảo dưỡng chính hãng, hoặc một cửa tiệm sửa chữa đồng hồ có tay nghề cao, đáng tin cậy.
Tại đây, các chuyên gia sẽ sử dụng máy Timegrapher để đo độ đạc chính xác của đồng hồ, và thông qua thông số ấy họ sẽ xác định đồng hồ có bị nhiễm từ hay không. Khi chắc chắn đồng hồ đã bị nhiễm từ, thợ đồng hồ sẽ đưa đồng hồ vào một thiết bị khử từ chuyên dụng để xử lý đến khi từ tính trong đồng hồ được khử hết.