News

Rolex đồng hành cùng James Cameron trên hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo

Trong vai trò là một nhà làm phim, nhà thám hiểm và một Rolex Testimonee, James Cameron đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh. Nhưng ngay cả trước khi bước vào sân chơi lớn, ông đã sở hữu một động lực vô song, sức sáng tạo không giới hạn và khả năng tận dụng mọi tình huống.

Nov 20, 2020 | By Lương Tôn Bình

“Cậu có tiềm năng vô hạn” – đó là lời chia sẻ của giáo viên trung học Ian McKenzie dành cho James Cameron khi ông chỉ là một thiếu niên.

Trong vai trò là một nhà làm phim, một nhà thám hiểm và là một Rolex Testimonee, James Cameron đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh. Tiêu biểu nhất là bộ phim bom tấn Titanic với thành tích 11 giải Oscar, điều chưa từng có một tác phẩm điện ảnh nào làm được, và Avatar hiện đang giữ kỷ lục là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Nhưng ngay cả trước khi bước vào sân chơi lớn, Cameron đã sở hữu cho mình một động lực vô song, sự sáng tạo không giới hạn và khả năng tận dụng tốt mọi tình huống. Đó là những điều mà McKenzie nhìn nhận được ở đạo diễn Avatar.

Rolex Master of Cinema James Cameron và sứ mệnh phát triển tiềm năng không giới hạn

“Khi bạn 14 tuổi và ai đó nói với bạn rằng bạn sở hữu một tiềm năng vô hạn, đó là một điều thực sự rất thú vị”, Cameron chia sẻ khi ông hồi tưởng lại khoảng thời gian theo học tại trường trung học Stamford Collegiate ở Niagara Falls. Và cho đến hiện tại, lời động viên đó vẫn khắc sâu vào tâm trí ông. “Câu nói ấy có một ý nghĩa gì đó rất đặc biệt, góp phần khiến mỗi cá nhân tin tưởng nhiều hơn vào chính bản thân họ”.

Thật vậy, sau khi nghe những chia sẻ chân thành từ giáo viên của mình, Cameron đã tự nghĩ: “Tốt hơn là tôi nên bận rộn hơn nữa”. Được biết, trước đây trường trung học Stamford Collegiate chưa bao giờ có một chương trình nghệ thuật sân khấu. Nhưng nhờ sự động viên của McKenzie, Cameron và một vài người bạn cùng trường đã ở lại sau buổi học để dàn dựng một sân khấu dành riêng cho những màn diễn kịch. Nói cách khác, những gì mà McKenzie đã làm cho Cameron chính là tiền đề để ông tạo nên tác phẩm điện ảnh The Terminator nổi tiếng.

James Cameron đeo chiếc Rolex đầu tiên của anh ấy trên phim trường The Terminator khi anh ấy hướng dẫn Linda Hamilton

Người truyền lửa

Mặc dù McKenzie đã qua đời vào năm 1989 trước khi Cameron đạt được ​​những thành tựu vĩ đại nhất trong sự nghiệp, nhưng ông thực sự sẽ rất tự hào khi biết được suy nghĩ của Cameron dành cho ông và tầm ảnh hưởng của ông đối với vị đạo diễn lừng danh.

“Bạn không thể ép buộc bất cứ ai. Do đó, điều đầu tiên ta cần là họ phải muốn nghe những gì bạn chia sẻ. Cách tốt nhất là tạo cho họ một môi trường phù hợp để họ nhận ra được tiềm năng của mình, và nếu họ muốn bạn giúp đỡ, họ sẽ yêu cầu”, Cameron chia sẻ khi nói về phương pháp truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của người giáo viên yêu quý.

Trong một cuộc phỏng vấn cùng tờ Buffalo News vào năm 1997, Camera đã nói: “Tôi gần như có thể hoạch định cho mình một một con đường bằng phẳng để đến với những gì tôi đang làm lúc này từ mọi thứ tôi đã thực hiện khi còn ngồi ở ghế nhà trường”.

Sự nghiệp của Cameron thể hiện rõ rệt qua niềm đam mê của ông là làm phim, khám phá đại dương và công nghệ, thậm chí nỗ lực bảo vệ sự sống và môi trường đại dương cũng đan xen trong phần lớn công việc sáng tạo của ông.

Ông đã viết kịch bản, sản xuất và kiêm đạo diễn chính cho bộ phim The Abyss. Bất chấp những thành công mà Cameron đạt được gần đây, The Abyss vẫn là danh hiệu nổi bật nhất của ông khi đây là bộ phim quy tụ các nhà làm phim tài ba nhất, kỹ thuật viên kỳ cựu nhất cùng những thợ lặn chuyên nghiệp nhất để cùng làm nên điều mà giới chuyên môn thường gọi là “bộ phim khó thực hiện nhất lịch sử”.

Tham vọng của Cameron cao đến mức ông từng tuyên bố rằng nếu không làm được điều mà bộ phim 2001: A Space Odyssey đã đặt tiền đề cho các bộ phim khoa học viễn tưởng và không gian, anh sẽ từ chối kể câu chuyện về thế giới dưới mặt nước – The Abyss của mình.

Không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo hơn về sự nhạy cảm trong lối dẫn dắt của Cameron và sự mê hoặc của thế giới dưới mặt nước hơn The Abyss.

Nếu McKenzie góp phần định hình tương lai và tiềm năng của Cameron, thì người được mệnh danh là “The Pope of Pop Cinema” – Roger Corman đã giúp ông hiểu được thế nào là đạo đức nghề nghiệp của một nhà làm phim.

Trong một cuộc phỏng vấn với Academy of Achievement vào năm 1999, James Cameron nói rằng: “không có công việc nào đơn thuần chỉ là công việc”. Được biết, trong những ngày đầu tiên bước chân vào con đường điện ảnh, Cameron đã khởi đầu trong tư cách là Trợ lý cá nhân, sau đó là Người xây dựng phim trường và cuối cùng là dành thời gian đứng sau máy quay với tư cách là đạo diễn đơn vị thứ 2.

Như tìm thấy được sự tương đồng giữa hành trình thành công của bản thân và lịch sử đầy thăng trầm của Rolex, ông đã chọn cho mình một tạo tác đến từ thương hiệu này làm bạn đồng hành trên con đường chinh phục những chân trời mới.

Nếu Cameron luôn tìm kiếm sự hoàn hảo trong từng tác phẩm điện ảnh, thì Rolex lại luôn không ngừng theo đuổi độ chính xác tối đa cho những cỗ máy đo thời gian. Điều này đã khiến nhà chế tác đồng hồ Thụy Sĩ này trở thành thương hiệu đầu tiên  trên thế giới nhận được Chứng chỉ Chronometric Precision vào năm 1910.

Đó là tầm nhìn độc đáo của Cameron, một triết lý về sự tương đồng trong tinh thần vĩnh cửu của Rolex, dựa trên niềm tin cơ bản vào tiềm năng vô hạn của con người, cũng như sự cải tiến liên tục, luôn thúc đẩy ranh giới và một tầm nhìn vĩ mô.

Sự quan tâm của ông dành cho mối liên hệ đặc biệt này ngày càng tăng đối khi các dự án khám phá và bảo tồn đại dương đưa ông đến với nơi con tàu Titanic đang yên nghỉ. Năm 1995, Cameron đã thực hiện 12 lần lặn xuống xác tàu Titanic để chuẩn bị cho tác phẩm điện ảnh của mình, phát triển các thiết bị quay phim, ánh sáng và robot chưa từng sử dụng trong điều kiện áp suất cực lớn của vực sâu.

Đặc biệt, dự án Titanic đã thúc đẩy Cameron lặn sâu hơn nữa, đỉnh điểm là vào ngày 26 tháng 3 năm 2012, ông đã thực hiện chuyến lặn một mình cùng thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp DEEPSEA CHALLENGER xuống khe vực Mariana – nơi được mệnh danh là điểm tận cùng của trái đất ở độ sâu lên đến 10.908m, đồng hành cùng ông là chiếc Rolex Deepsea Challenge được gắn trên cánh tay thao tác thủy lực của tàu lặn.

Một thế giới của sự tưởng tượng và một thế giới được hiện thực hóa

Có lẽ đó là một động thái hết sức đặc biệt đối với Cameron, chiếc Rolex của ông luôn là biểu tượng cho đạo đức nghề nghiệp và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ của ông. Sau khi đồng hành cùng ông trong vô số cuộc thám hiểm trong vòng 20 năm qua, chiếc Rolex Submariner đầu tiên của Cameron đã tìm thấy ngôi nhà mới của mình trong khu rừng rậm nhiệt đới Amazon, biểu trưng cho lời cảm ơn đến tù trưởng Ropni của tộc người Kayapo, một bộ tộc có nền văn hóa mà anh ấy đã nghiên cứu để thực hiện bộ phim Avatar .

Hôm nay, sự lựa chọn của Cameron là một chiếc Rolex Deepsea Oyster Perpetual khá nổi bật với với mặt số màu xanh lam, và Cameron gọi đó là “người bạn đồng hành thân cận”, mặt khác đó còn là lời nhắc nhở rằng “bất kể tôi đang ở đâu – đang làm gì, về một khoảnh khắc rất đặc biệt trong cuộc đời tôi, khi nhóm các nhà phát triển của tôi đã chế tạo và vận hành tàu lặn DEEPSEA CHALLENGER, cũng như hoàn thành ước mơ của chúng tôi là lặn xuống nơi sâu nhất trên hành tinh – Challenger Deep.”

“Chiếc đồng hồ này sẽ kết nối tôi với di sản của những nhà thám hiểm khác, những người đã mang những chiếc Rolex của họ đến những nơi xa xôi nhất nhất trên Trái đất, bao gồm cả người bạn Don Walsh của tôi, người đã mang một chiếc Rolex xuống Challenger Deep vào năm 1960. ”

Avatar có thể là một thế giới tưởng tượng, nhưng khi Cameron hội ngộ cùng những cá nhân tài năng nhất trên thế giới, đó là khi anh ấy nhìn thấy thế giới được hiện thực hóa, đó được xem là ngọn đuốc sáng tạo được truyền lại và bạn đã mang một thứ gì đó vĩnh cửu đến với thế giới.

Cameron nói: “Bạn đã cầm ngọn đuốc đó trong tay trong giây lát. Tại một thời điểm nhất định, bạn phải truyền lại ngọn đuốc đó cho một người kế tục, và nếu ai đó bùng nổ với những ý tưởng, với niềm đam mê và những điều cần nói có liên quan đến thế hệ của mình, họ sẽ cầm lấy ngọn đuốc đó và nhanh chóng chạy đến đích.”

Bài: Jonathan Ho – Chuyển ngữ: Tôn Bình

 
Back to top