Features

Chiêm ngưỡng M.A.D Gallery: Bảo tàng “điên rồ” của Max Busser từ MB&F

M.A.D. là viết tắt của Mechanical Art Devices - Thiết bị cơ khí nghệ thuật, đồng thời cũng là tên đạo diễn Mel Gibson đã đặt cho nhân vật trong bộ phim Mad Max. Có một mối liên hệ không nhỏ giữa cái tên này với thành phẩm mới nhất từ MB&F - Thunderdome – cũng như tên của công ty và người sáng lập nên bảo tàng, Max Büsser.

Mar 13, 2020 | By Lương Tôn Bình

Điểm chung điên rồ nằm ở đâu? Chỉ có thể là theo hướng tích cực. Với MB&F, cái “điên” trong triết lý sáng tạo đã không còn xa lạ. Đó là lối biểu hiện khác biệt, hoàn toàn độc đáo của những chiếc đồng hồ cơ từ hình dáng tàu vũ trụ cho đến khả năng di chuyển như sứa hoặc nhện – thú vị, hay đôi khi đáng sợ, nhưng luôn luôn hấp dẫn và không bao giờ nằm ở mức “bình thường”. Mặc cho nỗ lực của thương hiệu trong việc tạo nên những cỗ máy “giải trí” đáng ngạc nhiên, mức độ hoàn thiện và thủ công vượt chuẩn horological đã nâng đẳng cấp của họ lên tầm nghệ thuật.

Bảo tàng M.A.D cũng có thể được mô tả tương tự. Phòng trưng bày chứng đựng những thứ “có thể di chuyển được” hoặc minh họa bộ máy trong theo cách vượt xa mức bình thường. Động năng trong bộ sưu tập cho thấy tình yêu của Büsser dành cho các cỗ máy cùng với sự khéo léo tuyệt đối để khiến chúng có thể hoạt động. Và vâng, hẳn nhiên là có một độ “điên” nhất định.

Lấy ví dụ về nghệ thuật cơ khí của nghệ sĩ Thụy Sĩ Fabian Oefner, hiện sống tại thành phố New York chẳng hạn. Series ảnh “Disintergrating” về những chiếc xe biểu tượng của anh được dàn dựng như thể chúng đang vỡ ra thành từng mảnh. Để làm được điều đó là cả một quá trình rất dài. Đầu tiên, anh phác thảo trên giấy về vị trí của từng mảnh riêng lẻ. Sau đó, anh tách từng chiếc xe mẫu thành từng mảnh, bao gồm hơn 1.000 thành phần từ vỏ thân đến ốc vít, và mỗi bức ảnh chụp lại một thành phần rơi ra. Bức ảnh hoàn chỉnh cuối cùng được tạo nên bằng cách sắp hơn 2.000 hình lẻ lại với nhau nhờ kỹ thuật Photoshop. Việc tạo nên bức ảnh trông như được chụp trong tích tắc có thể mất đến hai tháng để hoàn thiện.

Dự án mới nhất của anh liên quan đến việc tách rời một chiếc xe thực sự, một chiếc Lamborghini Miura Super Veloce năm 1972. Cơ hội đến khi chiếc xe được khôi phục, và chủ nhân của nó, đồng thời cũng là người bạn của Oefner, đã mời anh lắp đặt máy ảnh trong xưởng và chụp lại các bộ phận khi chúng được gỡ bỏ. Phải mất đến hai năm và bức ảnh cuối cùng được tạo ra từ hơn 2.500 bức ảnh khác nhau.

Trong khi đó, cũng từ góc nhìn “bùng nổ” thành phần tương tự, nghệ sĩ Quentin Carnaille lại dùng các bộ máy trong đồng hồ để kể câu chuyện của mình, và phương tiện của anh là điêu khắc chứ không phải nhiếp ảnh. Carnaille từng tạo ra một cặp khuy măng sét làm quà tặng cho cha mình bằng cách sử dụng các thành phần từ hai bộ máy đồng hồ cơ từ những năm 1930.

Sau đó, anh chuyển sang các tác phẩm điêu khắc quy mô lớn hơn. Chẳng hạn, Apesanteur (Không trọng lực), là một tác phẩm điêu khắc hình đĩa bay lên giống như ngôi sao hoặc hành tinh. Nó được làm từ hàng ngàn bộ máy đồng hồ cơ và linh kiện đồng hồ mà Carnaille có được từ các thợ đồng hồ và người buôn đồ cổ. Khả năng bay lơ lửng và xoay vòng của nó đến từ cục nam châm cực mạnh được đặt trong đế gỗ.

Một tác phẩm khác của Carnaille, Infini, bao gồm 16 tác phẩm điêu khắc thành phần đồng hồ nhỏ hơn, cũng được điều khiển bởi nam châm, trôi nổi bên trong một chiếc hộp có khung phức tạp.

Cách tiếp cận với cơ học của Frank Buchwald lại đến từ sự kết hợp giữa ánh sáng và điêu khắc. Büsser cho biết các sáng tạo Machine Lights “chính là điển hình của sự xuất sắc trong nghệ thuật cơ khí – nền tảng của Bảo tàng M.A.D.”. Sau khi học thiết kế tại Đại học Nghệ thuật ở Berlin, Buchwald đã làm việc với tư cách họa sĩ tự do và họa sĩ minh họa khoa học viễn tưởng cho đến năm 1993, khi anh chú ý đến việc thiết kế và sản xuất đồ nội thất bằng kim loại, dần dần chuyển sang đèn kim loại.

Machine Lights Type 12 của Frank Buchwald

Nixie Machine II của Frank Buchwald

Nixie Machine II, một trong những tác phẩm mới nhất của anh, đã tái sử dụng các ống Nixie của thập niên 1950, còn được gọi là màn hình cực âm lạnh, để làm sáng “thời gian”. “Frank tạo nên những cỗ máy mang đến ánh sáng,” Busser nói. “Những sáng tạo của anh đã vượt qua mục đích thực tế, để thực sự đảm nhận vị thế của tác phẩm nghệ thuật.”

Với những tác phẩm trưng bày đặc sắc này, Bảo tàng M.A.D chính là điểm đến rất thú vị dành cho những người yêu cơ khí tại thị trấn cổ nằm tại Geneva, giờ đây đã được mở rộng sang Dubai, Đài Bắc và Hồng Kông. Để biết thêm thông tin về các tác phẩm nghệ thuật tại M.A.D., hãy truy cập trang web madgallery.net.

A Blog to Watch

 
Back to top preload imagepreload image