Những chi phí vô hình khi sở hữu chiếc đồng hồ đắt đỏ
“3 năm trước, tôi dành 5.000 USD để mua chiếc đồng hồ này, và bây giờ phải chi thêm 500 USD cho chi phí bảo dưỡng.” Đó là câu chuyện “không của riêng ai”, nói lên rất nhiều điều về những chi phí vô hình khi sở hữu chiếc đồng hồ cao cấp.
Thế nhưng, con số kia có thể còn cao hơn thế nữa, tùy thuộc vào chiếc đồng hồ mà bạn đang sử dụng. Việc bảo dưỡng hay sửa chữa một chiếc đồng hồ cơ, dù chỉ là mẫu đơn giản không có nhiều chức năng, chính là các chi phí vô hình mà người chủ sở hữu cần hình dung mỗi khi mở hầu bao tậu về một chiếc đồng hồ cao cấp mới.
Bởi vì có mức giá đắt đỏ hơn mọi người thường nghĩ, nên chi phí dịch vụ trong đồng hồ thường khiến nhiều người không hài lòng, và nghĩ về nó như một loại thuế vô lý nào đó. Lúc này, vô hình trung người chơi bị đặt vào một tình huống nan giải: “Nếu tôi không sử dụng dịch vụ, đồng hồ sẽ ngừng chạy – và chi phí mua đồng hồ sẽ trở về không. Điều đó thậm chí còn tốn kém hơn nhiều so với việc bảo dưỡng nữa.”
Tuy nhiên, trên thực tế, đây là điều hoàn toàn hợp lý. Sở hữu một chiếc đồng hồ cao cấp cũng như bạn đang lái xe hơi hạng sang vậy. Bạn phải trả tiền cho việc sửa đèn phanh, vì nếu không làm vậy, bạn có thể bị bắt. Bạn cũng cần thường xuyên thay lốp xe, nếu không muốn chơi trò mạo hiểm với tính mạng của mình.
Nhưng đồng hồ cao cấp cũng có điểm khác biệt với xe hơi. Một chiếc đồng hồ chắc chắn sẽ không có khả năng cứu sống bạn. Không có bất cứ điều gì bắt buộc bạn phải trả chi phí dịch vụ cho đồng hồ nếu như muốn đảm bảo tính mạng cả. Và bạn chắc chắn cũng có chiếc điện thoại để làm vật thay thế nếu muốn theo dõi giờ.
Đây chính là điều khiến việc sở hữu đồng hồ giờ đây giống với nuôi một con thú cưng hơn. Bạn cần có trách nhiệm. Chúng đòi hỏi điều gì đó từ bạn – và chúng cũng trả lại cho bạn những gì bạn xứng đáng được hưởng.
“Bạn sẽ không bao giờ thật sự sở hữu một chiếc Patek Philippe,” lời quảng bá nổi tiếng suốt 20 năm qua của thương hiệu danh giá này dường như đã nâng sự sở hữu đồng hồ lên một cấp nào đó rất lãng mạn, nhưng vấn đề vẫn nằm ở vế thứ hai: “bạn gìn giữ nó cho kế hệ kế tục”. Đây không hẳn là lời quảng cáo suông. Nếu được chăm sóc đúng cách, đồng hồ sẽ là thứ khiến con cháu sau này nhớ đến bạn. Có rất nhiều trường hợp con cháu vẫn đeo chiếc đồng hồ Rolex của ông mình, dù ông đã qua đời cách đây 20 năm.
Để có quan điểm đúng đắn về chi phí bảo dưỡng đồng hồ cao cấp, chúng ta cần hiểu được cách thức hoạt động của chiếc đồng hồ cơ. Bên trong một chiếc đồng hồ – dù đó là một chiếc Hamilton Smith trị giá 400 USD hay Roger Smith trị giá 100.000 USD – là bộ thoát, một thiết bị điều chỉnh cách thức chuyển động cơ học sử dụng năng lượng.
Trong hầu hết các đồng hồ, bộ thoát giữ bánh xe cân bằng với mức độ dao động 8 lần một giây, hoặc 28.800 lần một giờ. Đó là những gì tạo nên tiếng tích tắc trong đồng hồ. Giả sử bạn đeo đồng hồ mỗi ngày và giữ cho nó được lên dây cót thường xuyên, thì một năm chúng “tích tắc” đến 250 triệu lần.
Việc chuyển động quá nhiều cuối cùng sẽ khiến các bộ phận hao mòn. Đó là lý do tại sao đồng hồ của bạn cần dùng đến dịch vụ. Trong dịch vụ bảo dưỡng, một thợ sửa đồng hồ sẽ lấy ra từng chi tiết nhỏ, làm sạch, thay thế chúng nếu cần thiết, lắp lại toàn bộ như chiếc đồng hồ mới.
Toàn bộ quá trình này đều đòi hỏi kỹ năng cao. Cộng thêm việc đánh bóng để loại bỏ vết trầy xước trên vỏ và dây đeo đồng hồ, bạn sẽ hiểu vì sao việc bảo dưỡng đồng hồ lại có chi phí vô hình cao đến vậy.
Điều không kém phần quan trọng chính là bạn cần hiểu đồng hồ cần được phục vụ khá thường xuyên. Thông thường, thời gian bạn cần chăm chút lại chiếc đồng hồ mới là từ 3 đến 5 năm, nhưng các thương hiệu lớn vẫn thường kín đáo thừa nhận rằng thời gian đưa đồng hồ đi bảo dưỡng là bất cứ khi nào nó có dấu hiệu hoạt động kém. Đừng bao giờ để vấn đề tồn tại quá lâu.
Nhưng dù có chính đáng đến đâu, thì vẫn không thoát khỏi thực tế rằng dịch vụ có chi phí đắt đỏ. Tin tốt là các thương hiệu đang bắt đầu đầu tư phát triển đồng hồ có thể hoạt động bền bỉ hơn và kéo dài quãng thời gian cần thực hiện dịch vụ. Những tiến bộ của Rolex, Omega và thậm chí Tissot đã làm được điều đó, và nhiều thương hiệu khác cũng cho thấy rất nhiều tín hiệu khả quan.
Những đổi mới gần đây của Rolex, bao gồm Calibre 3255 được ra mắt vào năm ngoái có hiệu quả cao hơn, chống sốc và chống từ tính hơn so với các bộ máy trước đây của công ty. Nhưng tại thời điểm đó, bộ máy chỉ xuất hiện trong phiên bản Rolex Day-Date 40, mẫu đồng hồ chỉ được làm từ kim loại quý (với mức giá tương xứng).
Một trong những điều quan trọng nhất về bộ máy này là Rolex mang đến thời hạn bảo hành 5 năm, đồng thời tuyên bố rằng thời gian giữa các lần bảo dưỡng có thể kéo dài tới 10 năm – điều chưa từng xảy ra trong thế giới đồng hồ cơ.
Rolex không hoàn toàn cô đơn trong công nghệ chế tạo đồng hồ. Bộ máy bên trong dòng mới của Omega Master Chronometer có một số bộ phận chuyển động yêu cầu bảo trì thấp, một số làm bằng silicon – công cụ chế tạo đồng hồ có độ ma sát thấp và do đó không cần bôi trơn. Những mẫu đồng hồ này còn đi kèm cam kết bảo hành 4 năm.
Tissot, nhà sản xuất bốn triệu đồng hồ mỗi năm, cũng vừa giới thiệu Ballade – mẫu đồng hồ thông dụng đã trở thành đồng hồ cơ đầu tiên có các bộ phận silicon được bán lẻ với giá dưới 1.250 USD. Tất cả đều cho thấy dấu hiệu rất tích cực.
Vì vậy, vâng, bạn không có cách nào thoát khỏi nó việc phục vụ một chiếc đồng hồ cơ với chi phí đắt đỏ. Nhưng đó là một hành động chi tiêu khôn ngoan cho giá trị lâu dài.