Galle Watch và hành trình 15 năm nâng tầm định vị thương hiệu
Nhập khẩu và phân phối hơn 24 thương hiệu đồng hồ với phân khúc đa dạng như Century, Frederique Constant, Candino hay Orient và Seiko, Galle Watch từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của tín đồ đồng hồ.
WOW Vietnam đã có dịp ngồi lại cùng Giám đốc Bùi Tuấn Minh để tìm hiểu về công việc kinh doanh thú vị của Galle Watch.
Galle Watch vừa kỷ niệm 15 năm thành lập. Ông có thể nói gì về dấu son này?
Trong suốt 15 năm qua, mặc dù nền kinh tế cả trong lẫn ngoài nước có nhiều biến động, Galle Watch vẫn tăng trưởng đều đặn. Tháng 10 vừa qua, Galle Watch khai trương cửa hàng thứ 34. Và nếu như không có gì thay đổi, ngày 24/12 chúng tôi sẽ tiếp tục khai trương cửa hàng thứ 35. Có thể nói Galle Watch đã may mắn sở hữu các phiên bản đặc biệt ngay trong các thời điểm khủng hoảng tài chính, như phiên bản 1000 năm Thăng Long năm 2010, hay Hoàng Sa – Trường Sa năm 2014. Chính điều đó đã đẩy mạnh tên tuổi của thương hiệu, và tạo dựng cơ hội để duy trì tăng trưởng.
Thực tế này đã đáp ứng được kỳ vọng của ông chưa, thưa ông?
Thực ra là chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của tôi. Trong hai năm vừa qua, thị trường đồng hồ ở Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng đồng hồ và tình trạng bán hàng xách tay. Điều này khiến cho doanh thu của một vài cửa hàng không đạt hiệu quả, buộc lòng chúng tôi phải quyết định đóng cửa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động đóng cửa những cửa hàng không đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn Galle Watch đang nâng định vị thương hiệu.
Hiện tại doanh thu của Galle Watch chủ yếu đến từ cửa hàng hay bán hàng trực tuyến, thưa ông?
Hiện nay, doanh thu của Galle Watch phần lớn là từ hệ thống cửa hàng. Vì với những sản phẩm cao cấp, khách hàng vẫn muốn trực tiếp đến xem và trải nghiệm tại cửa hàng. Chúng tôi đang tiến hành kế hoạch đầu tư, phát triển thêm các cửa hàng đạt chuẩn nhằm cạnh tranh tốt hơn. Cửa hàng thứ 34 là ví dụ điển hình cho sự nâng tầm này. Cửa hàng này có mặt bằng gần 200m2 gồm hai tầng, tầng dưới được dùng để trưng bày các thương hiệu đồng hồ như Constant, Certina, Ernest Borel hay Seiko, tầng trên là trung tâm dịch vụ, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Song song đó, Galle Watch cũng đang đẩy mạnh các chiến lược truyền thông, đầu tư hơn cho mảng bán online để những khách hàng ở xa dễ dàng tiếp cận với thông tin sản phẩm.
Lợi thế của Galle Watch so với các cửa hàng trực tuyến hay xách tay là gì?
Chúng tôi trực tiếp nhập khẩu và phân phối sản phẩm, nên có sự đa dạng hơn trong mẫu mã và mức giá, trong khi những cửa hàng xách tay chủ yếu đưa hàng giảm giá từ các thương hiệu lớn về.
Bên cạnh đó, dịch vụ chăm sóc hậu mãi của chúng tôi cũng rất tốt. Galle Watch có chế độ bảo hành từ 3 đến 5 năm và dịch vụ bảo hành chính hãng, đảm bảo tay nghề và chuyên môn người thợ cũng như các linh kiện được thay thế bên trong.
Chỉ cần chi thêm một số tiền nhỏ mà có được sự hài lòng và yên tâm hơn so với các cửa hàng xách tay, tôi nghĩ khách hàng sẽ chọn Galle Watch.
Trải qua 15 năm với rất nhiều thăng trầm, điều gì khiến ông vẫn bám trụ cùng Galle Watch đến thời điểm hiện tại?
Tôi có may mắn được đến nhiều quốc gia trên thế giới. Khi đến những nơi có thị trường đồng hồ phát triển, tôi mới nhận thấy sự nhỏ bé của thị trường đồng hồ ở Việt Nam. Sự hiện diện của các thương hiệu lớn tại nước ta cũng chưa nhiều. Ví dụ cách đây 10 năm, ở Bangkok đã có đến 6 cửa hàng bán Patek Philippe, nhưng Patek Philippe chỉ vừa mới được đưa vào thị trường Việt Nam gần đây.
Vậy điều gì thúc đẩy tôi cố gắng suốt 15 năm qua? Chính là vì tôi nhận ra tiềm năng của thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều. Việt Nam có đến 90 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng lên, nhu cầu mua sắm đồ thời trang và phụ kiện cũng từ đó lớn dần.