News

Siêu phẩm tourbillon 30 tỷ của Franck Muller chính thức xuất hiện tại Việt Nam

Chính thức có mặt tại Việt Nam vào ngày 4/10/2019 tại cửa hàng Franck Muller, Union Square, TP. Hồ Chí Minh, siêu phẩm Tourbillon Invisible Set Baguette Diamonds có mức giá niêm yết dao động từ 1,2 đến 2 triệu USD tùy phiên bản.

Oct 06, 2019 | By Hai Yen Ho

Từ những năm cuối thế kỉ 20, nghệ nhân thiên tài Franck Muller đã được coi là bậc thầy của cơ chế Tourbillon. Vốn là một trong những cơ chế đồng hồ phức tạp nhất, tourbillon đến nay vẫn được xem là thách thức lớn đối với các thương hiệu đồng hồ, ngay cả khi có sự hỗ trợ của máy móc và các phần mềm tính toán. Tuy vậy, Franck Muller làm được điều này một mình, bằng những tính toán thủ công khi ngành đồng hồ nhen nhóm hồi phục sau cuộc khủng hoảng thạch anh.

Những năm sau đó, ông liên tục trở thành người đầu tiên tạo ra tourbillon minute-repeater, tourbillon split-second chronograph, tourbillon chronograph tích hợp lịch vạn niên hay lồng tourbillon xoay quanh 3 trục.

Ngày nay, thế mạnh của Franck Muller không chỉ nằm duy nhất ở những cơ chế siêu phức tạp nữa, mà còn chinh phục thế giới thương mại bởi sự giao hòa ấn tượng giữa nghệ thuật kim hoàn, đá quý xa xỉ và kỹ thuật chế tác đồng hồ cao cấp. Mẫu Round Tourbillon Invisible Set Baguette Diamonds chính là minh chứng điển hình cho điều này khi mang trong mình những kỹ thuật tinh túy nhất của cả hai lĩnh vực.

Rất hiếm khi giới yêu đồng hồ được chứng kiến cỗ máy Tourbillon – cơ chế thuộc hàng tứ đại phức tạp trong thế giới đồng hồ được đưa lên một tầm cao mới với “invisible gem setting” – kỹ thuật nạm kim cương ẩn hoàn toàn hệ thống gong đỡ, tạo ra bề mặt mượt mà, nơi những viên kim cương baguette như có sự gắn kết vô hình.

Khác hoàn toàn với dáng kim cương tròn thông thường, kim cương Baguette với 14 cạnh giúp hấp thụ ánh sáng, tán xạ tốt hơn và phát huy tối đa tính cân xứng đồng thời phô diễn tuyệt đối kĩ nghệ sắp đặt của người nghệ nhân. Hơn nữa, quy trình tạo ra kim cương Baguette rất phức tạp, đòi hỏi cường độ cắt ngắn dài khác khau, chỉ có 3% kim cương trắng có thể cắt được thành dáng này vì vậy nó rất hiếm có và thuộc mức thang xa xỉ nhất trong thế giới kim hoàn. Chỉ riêng phần mặt đồng hồ đã được nạm tới 122 viên kim cương baguette cùng 21 viên kim cương baguette khác bao quanh miệng tourbillon (10.17 carats).

Những con số ấn tượng khác gồm 44 viên kim cương baguette trên viền bezel, 148 viên cho bộ vỏ đồng hồ và 338 viên baguette (27.28 carats) cho phần dây đeo, đưa siêu phẩm Tourbillon Invisible Set Baguette Diamonds của Franck Muller lọt vào danh sách những chiếc đồng hồ xa xỉ bậc nhất ngày nay với mức giá từ 1,2 đến 2 triệu USD tùy phiên bản.

Ảo thuật trên mặt số

Không chỉ nổi danh với việc kế thừa truyền thống chế tác đỉnh cao tourbillon, Franck Muller còn tạo dựng tên tuổi với những phát minh chưa từng có về cách thức hiển thị thời gian trên đồng hồ. Nổi bật trong số đó là Crazy Hours năm 2003. Ngay từ khi những thiết bị đo thời gian đầu tiên được phát minh, con người đã quen với khái niệm “chiều kim đồng hồ”, tức các kim đồng hồ được xoay từ trái qua phải theo thứ tự từ 1h tới 12h.

Tuy nhiên, Franck Muller lại phá vỡ quy tắc bất di bất dịch này qua cơ chế Crazy Hours, khiến cách người đeo tương tác với chiếc đồng hồ trở nên lạ lùng, độc nhất nhưng cũng gần gũi hơn. Thay vì mặt đồng hồ có các chữ số được xếp theo thứ tự lần lượt từ 1 đến 12, chúng lại được đảo lộn tưởng chừng như ngẫu nhiên, chẳng hạn: số 8 ở vị trí 12h, số 11 ở vị trí 3h… Bên cạnh đó, đồng hồ còn được lược giản đi kim giây, trên mặt số chỉ còn kim giờ và kim phút. Trong khi kim phút chạy bình thường theo chiều kim đồng hồ, kim giờ sẽ đứng yên ở 1 vị trí trong vòng 59 phút. Sau khi kim phút hoàn tất 1 giờ đồng hồ, kim giờ sẽ nhẩy tức thời tới vị trí giờ chuẩn xác.

Cơ chế Crazy Hours thực chất dựa trên một mô-đun cơ học được cấp bằng sáng chế của Franck Muller, dựa trên nền tảng cơ chế “Jumping Hour” – một trong những kĩ thuật nghệ nhân Franck Muller vô cùng am hiểu và thích thú. Cứ mỗi 60 phút, mô-đun này sẽ đưa kim giờ nhảy cách 5 vị trí trên mặt số, và nếu để ý, người đeo có thể nhận ra thứ tự tiếp theo của một số trên Crazy Hours đều được đặt cách 4 số. Tuy không phải là một cơ chế phức tạp, nhưng sự kì diệu nằm ở ý tưởng của chiếc đồng hồ này: một thứ như gắn liền với người đeo về mặt cảm xúc, một chiếc đồng hồ đem tới niềm vui, không gò bó bởi những quy tắc, có cái hồn rất riêng.

Bộ sưu tập Cintrée Curvex Crazy Hours Pastels Asia Exclusive được ra mắt dành riêng cho thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, là mẫu thiết kế tích hợp hai trong số những yếu tố nổi tiếng nhất của Franck Muller: lớp vỏ Cintrée Curvex và cơ chế Crazy Hours. Khác với những thiết kế đồng hồ dáng tonneau thông thường, lớp vỏ Cintrée Curvex trên phiên bản đặc biệt của Châu Á có độ cong nhẹ ở cả hai mặt, nạm tổng cộng 161 viên kim cương (2.81 carats) và có hai lựa chọn chất liệu vàng hồng hoặc thép không gỉ.

Có bốn phiên bản trang trí mặt số khác nhau gồm xanh dương, cam, tím và nâu begie, tất cả đều được phối theo tông màu pastel. Tất cả các phiên bản đều có sự hiện diện của kỹ thuật sơn thủ công đặc trưng của Franck Muller trên bộ số, dưới lớp nền họa tiết “guilloche” được dày công phủ không dưới 20 lớp sơn mài tạo độ phản quang lộng lẫy. Cintrée Curvex Crazy Hours Pastel Asia Exclusive được vận hành bởi bộ truyền động lên cót tự động, có khả năng dự trữ 42 giờ năng lượng, được cấu tạo bởi 186 chi tiết cùng 23 chân kính.


 
Back to top