The Talks

WOW’s Talks: Trò chuyện cùng ông Olivier Segura – Tổng giám đốc điều hành của L’ÉCOLE Asia Pacific – L’ÉCOLE  School of Jewelry Arts

Vừa qua, World of Watches Vietnam đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Olivier Segura - Tổng giám đốc điều hành của L’ÉCOLE Asia Pacific - L’ÉCOLE  School of Jewelry Arts. Đây là một cuộc gặp thú vị, để chúng tôi khai mở thêm rất nhiều khía cạnh đặc biệt của lĩnh vực đá quý và trang sức.

Aug 19, 2024 | By Lương Tôn Bình

Ông Olivier Segura được đào tạo tại Pháp và sở hữu hai bằng Thạc sĩ về Sinh học và Địa chất, cũng như Marketing và Truyền thông. Bên cạnh các bằng Thạc sĩ, ông còn là một chuyên gia đá quý được chứng nhận bởi Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) và Đại học Nantes (DUG). Ông đã đào sâu kiến thức về thị trường và khai thác đá quý thông qua kinh nghiệm thực tế rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là Thái Lan và Myanmar.

Từ năm 2011 đến năm 2018, ông giữ vị trí Giám đốc của French Gemological Laboratory – tổ chức nghiên cứu về đá quý đầu tiên trên thế giới được thành lập vào năm 1929. Trước đây là thành viên Hội đồng Khoa học của L’ÉCOLE Asia Pacific – L’ÉCOLE School of Jewelry Arts, ông Olivier gia nhập L’ÉCOLE vào năm 2018 với tư cách là Giám đốc Khoa học, hỗ trợ giám sát chính sách giáo dục của Trường và sự phù hợp của tài liệu giảng dạy.

Năm 2022, ông đồng giám tuyển triển lãm “Vàng và Kho báu, 3000 năm trang sức Trung Quốc” được tổ chức tại Paris. Với sự tận tâm với ngành công nghiệp, ông Olivier đã tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế, như đại diện Pháp cho CIBJO và Phó Chủ tịch Ủy ban Ngọc trai CIBJO; Thành viên ủy ban truyền thông RJC; và đại diện Pháp cho tiêu chuẩn trang sức ISO. Ông cũng từng là Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Pháp (AFG).

Kẹp trang sức ra mắt năm 1937 với chất liệu gồm bạch kim, ruby và kim cương. Thiết kế quạt đôi thanh lịch, là biểu tượng của sự sang trọng vượt thời gian.

Với tư cách là Giám đốc Điều hành của L’ÉCOLE Asia Pacific – L’ÉCOLE  School of Jewelry Arts, ông sẽ tiếp tục sứ mệnh truyền bá văn hóa trang sức đến một đối tượng khán giả rộng lớn và đa dạng thông qua ba trụ cột: Savoir-Faire, Lịch sử Nghệ thuật Trang sức và Thế giới Đá quý. Với nền tảng học thuật và chuyên môn độc đáo, cũng như sự kết hợp các kỹ năng của mình, mỗi kỹ năng đều dẫn đến thành công ngày hôm nay, ông sở hữu những giá trị tuyệt vời để dẫn dắt đội ngũ tại Hong Kong và phát triển hào quang của L’ÉCOLE trên toàn Châu Á Thái Bình Dương.

Ông có những nhận định gì về xu những hướng mới trong lĩnh vực trang sức nghệ thuật?

Tôi không phải là người làm việc trong lĩnh vực thời trang, mà tôi là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu về đá quý. Nhưng nếu nói về đá quý từ góc nhìn của tôi, thì hiện tại nhu cầu về đá quý màu ngày càng phổ biến. Không chỉ có đá quý truyền thống, vì có thể hồng ngọc, ngọc bích, ngọc lục bảo và kim cương cũng đã được ứng dụng rất nhiều trong lịch sử. Nhưng bây giờ, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều loại ngọc màu cam, xanh lục, đá tourmaline hoặc đá spinel rất nhiều màu sắc, được chế tác thành trang sức, điều chưa từng xuất hiện cách đây 5 thập kỷ.

Vì vậy, đó chính là cơ hội cho nhà thiết kế, cho những nhà sản xuất kim hoàn, những người sáng tạo, cho các nhà thiết kế trẻ muốn sử dụng nhiều màu sắc hơn. Đó là điều chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều trong ngành trang sức hiện tại.

L’ÉCOLE Châu Á Thái Bình Dương hướng tới mục tiêu gì trong việc truyền bá & giáo dục nghệ thuật trang sức?

Mục tiêu của chúng tôi là vén màn những bí mật trong thế giới trang sức. Rất khó để bước vào thế giới này. Thật vậy, sẽ rất khó để hiểu, nhìn và khám phá thế giới này nếu bạn không xuất thân từ một gia đình có truyền thống về trang sức hay kinh doanh đá quý.

Vì vậy, điều chúng tôi muốn không phải là đào tạo nên các chuyên gia, hay biến ai đó trở thành một chuyên gia, mà là ươm mầm những hạt giống tâm hồn dành tình yêu cho ngành trang sức, nơi khám phá, nơi gặp gỡ các chuyên gia, nơi ta có thể đọc về trang sức, tìm thông tin về những triển lãm trang sức. Và đây thực sự là điều chúng tôi muốn làm cho công chúng, cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, cho tất cả mọi người, không hề có bất kỳ một sự phân biệt nào, như chỉ dành cho chuyên gia hay nhà nghiên cứu. Đây thực sự là một nơi chưa từng tồn tại trước đây, nơi để khám phá về trang sức.

Càng khám phá về các bước tạo ra một món trang sức, bạn càng bị mê hoặc. Bởi vì ít có ai biết các nghệ nhân phải làm thế nào để tạo ra một món trang sức? Có bao nhiêu người biết việc chọn đúng loại đá là phức tạp ra sao? Có bao nhiêu người hiểu rõ lịch sử của các thiết kế trong từng thời kỳ khác nhau để có được thiết kế chủ đạo mà một nhà kim hoàn sử dụng ngày nay? Chỉ có một vài người. Vì vậy, bạn không thể trở thành chuyên gia chỉ trong vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tuần, vài năm. Khi mọi người càng hiểu biết nhiều hơn về những món trang sức này, cùng tất cả bí mật và câu chuyện đằng sau những viên đá quý, thì họ sẽ đánh giá thương hiệu cao hơn.

Đây thực sự là điều chúng tôi muốn làm vì chúng tôi đang phát triển một số chương trình nghiên cứu. Ví dụ: chúng tôi hỗ trợ học bổng tại các trường đại học dành cho nhà thiết kế. Vì vậy, điều chúng tôi mong muốn là thúc đẩy nhiều người tham gia vào lĩnh vực này hơn. Đây là niềm đam mê của chúng tôi. Bởi vì chúng tôi yêu và muốn chia sẻ lĩnh vực này.

Ông có gợi ý hay lời khuyên nào dành cho những người đam mê nghệ thuật trang sức?

Gợi ý đầu tiên của tôi là hãy đến thăm viện bảo tàng, ngắm nhìn các mẫu vật, để mở mang tầm mắt về thế giới trang sức. Vì chúng ta đang ở trong một lĩnh vực mà việc tiếp cận những tác phẩm là tương đối khó. Tiếp đến, lời khuyên của tôi là hãy đọc nhiều sách hơn, tham quan triển lãm nhiều hơn, nhằm xây dựng vốn kiến thức – văn hóa trang sức của riêng bạn. Tất nhiên, L’Ecole là một cánh cửa để bước vào thế giới này. Nhưng còn rất nhiều, rất nhiều cách khác nữa. Tựu chung, tất cả đều liên quan đến giáo dục, tôi cho là như vậy.

L’ÉCOLE Châu Á Thái Bình Dương có kế hoạch hợp tác nào với các nhà thiết kế trang sức, thương hiệu hoặc tổ chức nghệ thuật khác không?

Dây chuyền trang sức ra mắt năm 1936, dáng vẻ cổ điển, kết hợp tinh tế giữa bạch kim, ruby và kim cương, mang đến vẻ đẹp quý phái và thanh lịch.

Có, chúng tôi đã mở trụ sở chính tại Hong Kong vào năm 2019, kế đến là Thượng Hải vào năm 2023. Và từ Hong Kong, sứ mệnh của tôi bây giờ là phát triển sự hiện diện của L’Ecole trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tất nhiên, việc mở rộng sẽ thông qua các khóa học, qua triển lãm, cũng như qua nghiên cứu, bởi vì tôi sẽ phát triển thêm một số chủ đề, hay nghiên cứu từ góc độ địa phương. Trước đây chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu về các chủ đề từ Pháp, từ Châu Âu, nhưng bây giờ tôi sẽ thảo luận cùng một số trường đại học, một số nhà nghiên cứu để làm việc về chủ đề rộng hơn và tài trợ từ phía L’Ecole. Vì tôi nghĩ đây sẽ là một kho tàng kiến thức về trang sức rất thú vị. Trang sức có một sự phát triển và lịch sử đa dạng ở các quốc gia khác nhau và trên toàn khu vực. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần mang kiến thức này đến với mọi người ở Đông Nam Á cũng như các châu lục khác.

Chúng tôi có một dự án mới về sách, dự án triển lãm, dự án khóa học mới. Ví dụ như một khóa học mới về ruby, một loại đá quý có vị trí rất quan trọng trong tâm thức của người Châu Á.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của giáo dục trong việc bảo tồn và phát triển ngành nghệ thuật này?

Kẹp “Nœud à rayure” ra mắt năm 1988 với chất liệu gồm vàng kim, ruby và kim cương từ bộ sưu tập của Van Cleef & Arpels.

Tôi nghĩ rằng mấu chốt của ngành này chính là cần thu hút thêm sự quan tâm của nhiều người. Tôi không biết rõ về tình hình tại của các quốc gia khác, nhưng dựa trên quan điểm là một người Pháp, tôi nhận thấy rằng không nhiều người biết đến lĩnh vực này. Đúng vậy, không phát triển tốt lắm.

Và chúng ta cần mang lại nhiều kiến thức hơn, nhiều sự giáo dục hơn trong mỗi bước đi. Ý tôi là, từ sinh viên trở thành thợ kim hoàn, từ khách hàng mua trang sức, từ nhà nghiên cứu đến làm việc trong ngành trang sức, bởi vì trang sức là một loại hình nghệ thuật. Nhưng đáng tiếc, các trường đại học lại không coi đây là một nghệ thuật. Và chúng ta cần làm gì đó để nhiều trường đại học nghiên cứu và công nhận chủ đề này.

Chúng ta cần nhiều nhà nghiên cứu hơn vì đó thực sự là một phần của nhân loại. Nếu quay trở lại thời kỳ sơ khai của loài người, khoảng 7.000 hay 10.000 năm trước, điều đầu tiên con người làm là thu nhặt những viên sỏi rồi làm thành một vài chiếc vòng cổ. Bởi vì một số viên sỏi, cornelian, onyx có hình thù và màu sắc rất đẹp, hoặc ngọc trai mà họ tìm thấy lúc tìm kiếm thực phẩm. Ban đầu họ dùng chúng để trang trí, lâu dần họ đã sử dụng chúng để khẳng định địa vị xã hội, vì khi có ngọc trai bạn sẽ trở nên đặc biệt hơn. Vì vậy, trang sức đã thực sự quan trọng để tạo nên một xã hội, tạo nên tính thẩm mỹ trước cả khi thời trang, dệt may xuất hiện, hay thậm chí là trước cả hội họa ngay từ thuở bình minh của loài người. Vì vậy, tôi nghĩ đá quý cũng như trang sức thực sự là một phần của nhân loại.

Bài TÔN BÌNH
Chuyển ngữ VINCENT PHẠM

 
Back to top