The Talks

WOW’s Talks: Nhà sưu tầm Hồng Chấn Thành – Khi cảm xúc trở thành cầu nối

Trong những cuộc đàm đạo về đồng hồ, câu chuyện được đưa ra nhiều nhất thường xoay quanh những giá trị lịch sử, sự phức tạp của bộ máy hay tinh vi trong nghệ thuật thủ công. Nhưng câu chuyện của người chơi Hồng Chấn Thành lại đi theo một chiều hướng khác: chiều hướng của cảm xúc.

Mar 24, 2021 | By Lương Tôn Bình

Tình yêu đồng hồ đến với anh từ khi nào?

Từ khi còn nhỏ, Thành đã mê đồng hồ một cách tuyệt đối, nhưng Thành chỉ thật sự dám bộc lộ đam mê này trong vòng một năm rưỡi trở lại đây. Những chiếc mà Thành mua bây giờ là những chiếc mà Thành đã nhắm đến từ 3, 4 năm trước. Tuy không mua theo phong trào, nhưng khi đam mê đã trỗi dậy, Thành mới mua nhiều chiếc đồng hồ cùng một lúc.

Hiện tại, anh đang sở hữu đồng hồ từ những thương hiệu nào?

Nhiều nhất phải kể đến là Patek Philippe, sau đó là Richard Mille, Audemars Piguet. Thành cũng có mua Rolex, Cartier, và gần đây nhất là A. Lange & Sohne.

Yếu tố nào khiến anh quyết định mua một chiếc đồng hồ nào đó?

Nhìn chung, Thành thường chọn mua những thiết kế biểu tượng của các thương hiệu lớn, lâu đời, với những điểm đặc trưng đã tạo nên tên tuổi.

Tuy nhiên, không giống với mọi người khi đề cao yếu tố kỹ thuật hay thiết kế, Thành lại tập trung vào cảm xúc của bản thân với chiếc đồng hồ đó hơn. Trong thời đại Internet, nếu muốn có thông tin về lịch sử thương hiệu hay chi tiết đồng hồ, chỉ cần lên trang web là nắm được. Nhưng rất ít trang web nào chia sẻ về cảm giác của việc đeo chiếc đồng hồ đó lên tay. Vì vậy, Thành thường đến tận nơi có bán chiếc đồng hồ yêu thích, đeo lên để cảm nhận và trải nghiệm.

Thành vẫn thường nói rằng không ai cho mình kinh nghiệm bằng trải nghiệm. Với mọi chiếc đồng hồ, Thành đều muốn có được sự trải nghiệm như thế. Đối với Thành, cuộc đời viên mãn và hạnh phúc nhất là khi mình làm ra được và trải nghiệm được. Phải trải nghiệm thì mới có kinh nghiệm. Có kinh nghiệm thì mới nhận định được đúng hay sai.

Thế còn đồng hồ độc lập thì sao?

Nói về đồng hồ độc lập, Thành chỉ nghĩ về hai chữ: “tuyệt phẩm”. Nhưng tính thanh khoản của đồng hồ độc lập quá thấp, và quá kén người chơi. Mọi người có thể hỏi Thành tại sao lại không mua đồng hồ độc lập, vì giá những chiếc đồng hồ mà Thành mua cũng ngang như thế rồi. Đúng là như vậy. Nhưng cộng đồng đồng hồ độc lập không đủ lớn, nên việc tương tác giao lưu với những người chơi khác sẽ mất đi phần nào thú vị. Thứ hai là tính thanh khoản thấp nên Thành có cảm giác là nó khá phiêu lưu.

Nhắc đến tính thanh khoản, phải chăng anh xem đồng hồ như một khoản đầu tư?

Đối với Thành, đồng hồ là một khoản đầu tư rất lớn về mặt tinh thần trong cuộc sống. Thành mua những món đồng hồ giá trị cao vì nghĩ nó là tài sản, nhưng dù là tài sản cũng nên được sàng lọc. Thành mua những chiếc nào là tài sản an toàn. Nên đối với Thành, đồng hồ là tài sản, nếu mua có chọn lọc ngay từ ban đầu. Còn nếu mua không đúng, nó sẽ thành tiêu sản lúc nào không hay.

Tuy vậy, Thành không cân nhắc nhiều đến yếu tố giữ giá, tăng giá hay xuống giá của đồng hồ khi mua. Sự đam mê chính là thứ thuyết phục Thành mua trước khi nói về giá. Thành sẵn sàng bỏ tiền ra mua Patek Philippe Nautilus về ở thời điểm giá lên đến đỉnh điểm, nhưng không phải vì nó tăng giá mà Thành mua. Sau này, nếu tình hình kinh doanh có xấu đi và Thành buộc phải bán đồng hồ, Thành vẫn không cho là mình đã mất mát quá nhiều, vì đó là tài sản mang giá trị tinh thần chứ không phải vật chất.

Anh có bao giờ bán đi đồng hồ vì lý do nào đó không?

Thành từng bán đi vài chiếc đồng hồ vì mất cảm xúc với chúng quá nhiều. Thành nghĩ, nếu là người chơi lâu, họ cũng sẽ bán những cái mà họ không còn cảm xúc nữa thôi, và họ nhường lại giá trị đó cho những người khác thích hợp hơn.

Trở lại với câu chuyện giá trị của đồng hồ. Đôi khi, chúng ta bị giá trị làm mờ mắt. Một chiếc đồng hồ có giá cao thường khiến mọi người nghĩ rằng nó đẹp và thể hiện đẳng cấp, nhưng thực tế nó không hẳn là thứ hợp với mình. Sau một thời gian trải nghiệm, Thành đã nhận ra được điều đó.

Việc bán đồng hồ đó, tất nhiên cũng không phải vì cân nhắc lợi nhuận, vì khi mua, Thành luôn giữ tinh thần là nếu muốn bán, mình sẽ lỗ.

Đâu là chiếc đồng hồ mà anh yêu thích nhất và nghĩ rằng sẽ không bao giờ bán?

Trong số những chiếc đồng hồ mua được từ trước đến nay, Patek Philippe Nautilus 5980 là chiếc Thành rất ưng ý từ hình dáng, cảm giác đeo lên tay, hay ấn tượng mà nó mang lại. Bên cạnh đó là 5270, chiếc đồng hồ mà sau khi mua được, Thành có cảm giác là không còn cần hay muốn đeo bất cứ chiếc đồng hồ nào khác. Ngoài ra còn có A. Lange & Sohne Zeitwerk, với cá tính rất độc lập và dễ dàng hòa hợp với cuộc sống cá nhân Thành.

Với anh, đồng hồ đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống?

Patek Philippe có một triết lý thương hiệu mà có lẽ là ai cũng biết: “Bạn không bao giờ sở hữu một chiếc đồng hồ Patek Philippe, mà giữ gìn nó cho thế hệ mai sau.” Triết lý sống của Thành cũng tương tự như thế. Thành may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có văn hoá vững chắc. Điều cha mẹ để lại cho Thành không phải thành công hay sự nghiệp, mà chính là nền tảng đạo đức. Chính vì thế, Thành muốn duy trì và phát triển nền tảng đạo đức đó cho con cháu sau này.

Trong cuộc sống của Thành, đồng hồ chủ yếu đóng vai trò tinh thần. Thành mua đồng hồ vì đam mê, để giữ nó cho thế hệ mai sau, và truyền lại năng lượng tích cực từ nó. Cứ mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, Thành lại nhìn xuống tay, và có điểm tựa vững chắc.

Đối với Thành, những chiếc đồng hồ này là tài sản quá lớn, nên Thành không biết thế hệ mai sau sẽ nhìn nhận chúng như thế nào. Thành chỉ muốn con mình biết rằng Thành đam mê đồng hồ, nhưng Thành cũng sẽ tìm cách để con hiểu về đồng hồ một cách khôn khéo hơn, chứ không phải mua để thể hiện đẳng cấp. Thành chỉ muốn truyền lại cho con nguồn năng lượng từ việc đeo nó trên tay, cũng giống như Thành vậy.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị này!

Bài: Hải Yến – Ảnh: Tùng Tin

 
Back to top