The Talks

WOW’s Talks: Gặp gỡ “ông vua Seiko” và cuộc chơi không hồi kết

Được thành lập từ cuối tháng 11 năm 2016, Seiko Mod Vietnam là hội nhóm đồng hồ có tuổi đời còn khá trẻ hoạt động trên Facebook. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nhóm có hoạt động tích cực nhất với 30.000 thành viên, lượng tương tác và sự quan tâm đối với mỗi bài đăng cũng nhiều hơn hẳn so với các nhóm chơi đồng hồ khác.

Oct 31, 2020 | By Lương Tôn Bình

Với các thành viên hoạt động tại Seiko Mod, có lẽ không ai không biết đến anh T., người được mệnh danh là “ông vua Seiko” với bộ sưu tập đồng hồ lặn đồ sộ lên đến 80 chiếc.

Trong buổi chuyện trò cùng WOW Vietnam tại quán cafe quen thuộc ở Hà Nội, anh T. không ngại ngần mang đến cả “gia tài” đồ sộ là những vali chứa đầy ắp đồng hồ, trong đó có những chiếc vẫn được anh theo đuổi sưu tầm cho trọn bộ và nâng niu như báu vật nho nhỏ.

Cuộc chơi đồng hồ đến với anh T. trong một dịp tình cờ, khi anh sang Thụy Sĩ vào năm 2004 và mua một chiếc đồng hồ quả quít kiểu cổ điển của Jack Lemano, một xưởng sản xuất đồng hồ gia đình của Thụy Sĩ. Gọi là cơ duyên vì vào thời điểm đó, anh vẫn chưa có nhiều khái niệm về đồng hồ, mà chỉ vô tình bắt gặp một cửa hàng sắp đóng cửa và treo bảng bán nửa giá. Mua rồi, anh lại loay hoay chụp lại và chia sẻ với mọi người cùng chơi.

Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ thật sự bắt đầu khi anh mua về chiếc Seiko đầu tiên, Seiko Presage Cocktail được sản xuất giới hạn với 3.500 chiếc. Tiếp đến, những chiếc đồng hồ lặn Seiko khác về tay anh như một lẽ tự nhiên, từ bộ ba Marine Master cho đến Turtle và Tuna, Samurai. Với khao khát sở hữu trọn bộ, anh bắt đầu hoàn thiện dần bộ sưu tập đồng hồ lặn Seiko kể từ đó.

Anh kể, ngày trước, phong trào chơi Seiko tại Việt Nam rất hạn chế, thường mọi người chơi Seiko vì rẻ và tính ứng dụng cao. Đối với những người chơi Seiko, hình thức thường được họ chọn lựa là Seiko Mode (viết tắt của modification – điều chỉnh). Theo đó, họ sẽ mua đồng hồ và công cụ cũng như các bộ phận khác đi kèm, sau đó tự điều chỉnh lại theo ý muốn. So với các hãng đồng hồ khác, đồng hồ Seiko dễ được ưa chuộng hơn cho thú vui “độ chế” này, vì vừa có giá cả phải chăng, mẫu mã lại đa dạng.

Cuộc chơi đồng hồ của anh càng có chiều hướng tăng cao khi anh gặp được một người bán đáng tin cậy tại Nhật, người mà anh mô tả là “nên là người chơi hơn là mình”. Người này lập hẳn cho anh các bảng tổng hợp về những mẫu đồng hồ của Seiko, kể cả những phiên bản giới hạn hay chỉ dành cho vài thị trường nhất định. Theo dõi bảng thống kê ấy, anh có thể xác định rõ hơn về những điểm khuyết bên trong bộ sưu tập, và tìm cách lấp đầy nếu có thể.

Người chơi Seiko tại Việt Nam có nhiều, những người sưu tầm cũng không thiếu, nhưng điểm độc đáo của anh T. chính là việc anh chưa từng bán đi bất cứ chiếc nào trong bộ sưu tập của mình, dù là để đổi lấy một chiếc khác yêu thích hơn. “Chỉ trừ một lần bạn tôi đến nhà yêu cầu bán, không bán thì không về,” anh hài hước kể lại.

Tình yêu vô điều kiện

Lý giải về tình yêu bất tận đối với hãng đồng hồ của xứ mặt trời mọc, anh T. cho biết điểm mấu chốt chính là về chất lượng. Cũng giống như những sản phẩm Nhật Bản đã trở thành biểu tượng như Honda, Toyota, độ bền chính là thứ mà anh T. đánh giá cao nhất khi nói về đồng hồ Seiko. “Đồng hồ Seiko đi kèm hộp giấy chán không thể tả, phụ kiện đi kèm tệ, nhưng chất lượng lúc nào cũng đi đầu. Trong cả bộ sưu tập của tôi, đến nay, tôi chỉ đem sửa đúng một chiếc, những chiếc còn lại thậm chí chưa được tra lại dầu hay bảo dưỡng nhưng vẫn hoạt động tốt,” anh chia sẻ.

Bên cạnh đó còn là độ đa dạng. Nếu chỉ tính riêng đồng hồ lặn, tổng số lượng các mẫu đồng hồ lặn của ba hãng nổi tiếng nhất là Rolex, Omega và Longines đều không bằng số lượng đồng hồ trong một bộ của Seiko, như Turtle, Samurai, Monster, Tuna, Baby Tuna, Marine Master, Shogun, và còn rất nhiều nữa. Chính vì thế, việc sưu tầm đồng hồ lặn Seiko không chỉ là thú chơi, mà sâu xa hơn, đó là việc được thỏa mãn khát khao chinh phục cố hữu của nam giới, khi mục tiêu càng lớn, mong muốn để đạt được mục đích càng tăng.

Với Seiko, chất lượng không phải lúc nào cũng đi kèm với giá cả. Một chiếc Seiko điển hình thường sở hữu mặt số được hoàn thiện tuyệt vời, bộ máy cơ học chất lượng cao, nhưng lại có giá cả rất phải chăng. Bản thân anh T. cũng thừa nhận, nếu nói về giá trị, Seiko không phải là đồng hồ để đầu tư, vì không có giá trị thặng dư trong tương lai như Rolex hay Patek Philippe.

Điều khiến tất thảy mọi người đầu tư vào Seiko là kỹ thuật: một chiếc đồng hồ Seiko chính là một di sản về mặt kĩ thuật. Trước khi tạo ra Grand Seiko, Seiko từng mang đến dòng đồng hồ cao cấp mang tên Credor (nghĩa là đỉnh cao xa xỉ theo tiếng Pháp). Một chiếc Credor được sản xuất từ năm 1999 đến nay vẫn có thể giữ nguyên vẻ ngoài lung linh và khả năng vận hành chính xác, không khác gì một chiếc đồng hồ mới.

Không chỉ Credor, mà hầu hết đồng hồ từ Seiko đều vậy, tức các sản phẩm dù sau 20 hay 30 năm sản xuất, vẫn còn mang đến cảm giác mới mẻ cho người chơi. Vẻ đẹp bên trong của Seiko tuyệt vời đến mức khiến anh T. “muốn đeo ngược nó lại để khoe được máy ra. Đó là bản chất của đồng hồ Seiko: giá trị kĩ thuật cao. Không một chiếc đồng hồ thông minh nào có thể mang lại cảm giác ấy.”

Bên cạnh đồng hồ, anh còn có thú chơi mà theo anh nhận là “Việt Nam chả có ai làm”, tức sưu tập dây đeo. Anh có cả một bộ sưu tập hoành tráng các mẫu dây và đồ da, phụ kiện đồng hồ. Đến mức, anh khẳng định rằng hầu như những người làm đồ da tốt tại Việt Nam, anh đều đã tìm đến và mua qua sản phẩm: từ dây da có giá vài trăm nghìn đến dây được đặt riêng bằng da hiếm hơn có giá đến hàng triệu, thậm chí có cả những mẫu dây đắt hơn chiếc đồng hồ.

Một sản phẩm khác mà anh hay đặt làm chính là hộp đựng dây đồng hồ và hộp đựng đồng hồ. Sau khi được anh chơi và lan tỏa thú vui, nhiều người cũng cảm thấy thú vị và bắt đầu chơi theo. Sưu tập dây đeo của đồng hồ bắt đầu trở thành mốt.

Trong giới, anh cũng nổi tiếng với việc là người hiếm hoi chơi đồng hồ theo màu, nhưng lại không bao giờ dừng lại ở một màu. Điều đặc biệt ở Seiko, theo anh T. nhận xét, là họ chưa bao giờ dừng lại ở vài ba màu nhất định trên một mẫu, và thường một mẫu có đến mười mấy, hai mươi chiếc giống nhau, tức việc sưu tầm đủ một bộ hay một dòng nào đó của Seiko là điều gần như vô vọng.

Và mong muốn cháy bỏng

Dành tình yêu lớn cho đồng hồ Seiko, anh T. chia sẻ rằng điều anh thực sự mong muốn chính là việc Seiko và Grand Seiko có cửa hàng phân phối chính thức tại Việt Nam. “Nếu như có boutique thì anh em sẽ sướng, sẽ thích hơn rất nhiều. Nếu không có boutique thì chịu, rất khó để anh em sở hữu những chiếc mới, đẹp vừa ra mắt. Đối với những chiếc mang tính sưu tầm cao, gần như mình không có cơ hội sở hữu, chỉ có thể nhờ người khác mua giúp.”

Đó cũng chính là lý do anh tích cực hoạt động trong các diễn đàn và hội nhóm đồng hồ Seiko. Thậm chí, anh còn đăng nhiều hình ảnh lên các diễn đàn quốc tế, với hy vọng rằng ngày nào đó sẽ có một ai từ hãng trông thấy và tìm cách mở đường cho thương hiệu Seiko đến Việt Nam. “Nhiều khi tôi không muốn gì đâu, chỉ là với các mẫu giới hạn, người chơi tại Việt Nam cũng có thể có cơ hội sở hữu ngang với những người chơi Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan. Thực sự là rất hy vọng, hy vọng lắm. Vì phong trào chơi Seiko vẫn chưa hoàn thiện. Nó chỉ mới bắt đầu nhen nhóm, chỉ là phong trào thôi.”

“Bản chất thương hiệu Seiko là như thế nên tôi vẫn muốn có thể nâng phong trào lên một chút. Nói như Thái Lan, hãng thậm chí còn tạo một dòng riêng để phục vụ cho thị trường nước này. Dân chơi đồng hồ tại Việt Nam cũng không hề kém cạnh, và tôi vẫn hy vọng là một ngày này đó chúng ta sẽ đủ tầm,” anh nói, như kết lại cuộc trò chuyện với WOW hôm ấy, một cuộc trò chuyện quá đỗi thú vị về thú chơi đồng hồ đã tồn tại ở Việt Nam trong rất nhiều năm qua.

 

Tham khảo thêm tại fanpage chính thức Seiko:

https://www.facebook.com/seikovietnam.company/

Hải Yến

 
Back to top