Vintages

Vị vua không ngai: Những di sản của Patek Philippe

Vào tháng 11 năm 2019, có hai chiếc đồng hồ Patek Philippe cực hiếm xuất hiện trên sàn đấu giá của Christie’s, với sức nặng được thể hiện trong cả giá trị lịch sử, ngôn ngữ thiết kế và bộ máy tinh vi vượt trội so với mọi bộ máy khác cùng thời.

Jan 03, 2021 | By Hai Yen Ho

Nét thanh lịch khiêm nhường của Patek Philippe đã nói lên mọi điều về vị thế ngạo nghễ mà thương hiệu chiếm giữ: rất khó có một thương hiệu nào không sử dụng những dáng vẻ kỳ quặc, kích cỡ quá khổ hay chi tiết dị biệt mà lại khiến người khác ấn tượng về vị thế và gia sản của người đeo như Patek Philippe.

Thương hiệu chính là đại diện cho những gì tốt nhất trong giới chế tác đồng hồ: kỹ thuật thủ công, di sản lâu đời và tính thẩm mỹ vượt thời gian. Có một sự thật ai mà cũng biết là kể từ năm 1839, chỉ có chưa đầy một triệu chiếc Patek Philippe được sản xuất – còn ít hơn con số mà nhiều nhà sản xuất tạo ra trong một năm. Việc chế tác đồng hồ của Patek Philippe được chú trọng đến từng chi tiết nhỏ đến mức mất tới chín tháng thời để tạo nên chiếc đồng hồ đơn giản nhất, và hơn hai năm để tạo nên các phiên bản phức tạp. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhu cầu mua đồng hồ Patek Philippe ngày càng tăng trong khi số lượng sản xuất của hãng luôn giới hạn.

Theo ông Sabine Kegel, người đứng đầu bộ phận đồng hồ của Christie’s Geneva, “Thiết kế, tính thẩm mỹ và nghệ thuật thủ công được cân bằng trong chiếc Patek Philippe là có một không hai. Nhà sản xuất sử dụng các kỹ thuật chế tác vỏ truyền thống có từ những năm 1800, chỉ được gìn giữ qua một số nghệ nhân hiếm hoi thời hiện đại. Để tạo nên mỗi chiếc vỏ ấy đòi hỏi cách thức được truyền lại từ nhiều thế hệ kế tục, cũng như chính chiếc đồng hồ đó vậy. Và đó chính là cách mà mỗi chiếc đồng hồ nên được tạo ra. Đó là vẻ đẹp của Patek Philippe.”

T năm 1839, ch có chưa đy mt triu chiếc Patek Philippe được sn xut – còn ít hơn con s mà nhiu nhà sn xut to ra trong mt năm.

No. 97’589

Trong thế giới đồng hồ, có lẽ không có nhà sưu tầm nào quan trọng và có sức ảnh hưởng bằng Henry Graves Jr. của thế kỷ 20. Ông là vị khách hàng tuyệt vời nhất của Patek Philippe, người được hãng ưu ái tạo nên những chiếc đồng hồ vô song chỉ có một trên đời.

Một trong số đó là chiếc có bộ máy mang số hiệu No. 97’589. Không giống như hầu hết đồng hồ PP khác của Henry Graves được chuyển đến cho ông từ cửa hàng Tiffany & Co. tại New York, chiếc này được đích thân ông đến lấy tại trụ sở của Patek tại Geneva năm 1928. Hơn thế nữa, mẫu đồng hồ còn có kích thước lớn hơn so với các mẫu khác cùng thời, là chiếc đồng hồ Patek điểm chuông đầu tiên của Henry Graves, và là chiếc duy nhất được làm riêng cho ông bằng vàng vàng.

Thêm vào giá trị lịch sử của chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị này chính là việc nó là một trong những chiếc đồng hồ đeo tay điểm chuông đầu tiên của PP, trong số chưa đầy 20 chiếc đồng hồ điểm chuông thời điểm ấy. Trong số này, chỉ có ba chiếc duy nhất là có dáng vỏ tonneau, chiếc hiện tại và phiên bản bằng platinum năm 1929 hiện được trưng bày trong bảo tàng PP tại Geneva là được làm cho Henry Graves Jr. Chiếc thứ ba được cho là thuộc về một nhiếp ảnh gia.

Đồng hồ sở hữu bộ máy nằm ở đỉnh cao chế tác đầu thế kỷ 20, thể hiện dấu ấn của những bộ máy tuyệt hảo nhất đến từ xưởng chế tác Patek, như các cạnh được đánh bóng trên mỗi cầu nối, hay bộ thoát được làm thủ công với cân bằng lưỡng kim. Nghệ thuật điểm chuông trong đồng hồ cũng được nâng lên đẳng cấp mới theo yêu cầu của ông Graves, mà âm thanh thoát ra chỉ có thể được mô tả bằng hai từ “thần thánh”.

Với nguồn gốc, tình trạng và vị thế lịch sử đặc biệt, chiếc đồng hồ có một không hai này chính là một kiệt tác có thể làm lu mờ mọi kiệt tác khác trong bất cứ bộ sưu tập của nhà sưu tầm nào. Và nó có được chốt với giá 4.575.000 CHF.

Đồng hồ Patek Philippe có số hiệu bộ máy No. 97’589, số hiệu vỏ No. 605’759, bộ máy được sản xuất năm 1895, vỏ được sản xuất năm 1927, bán ra vào ngày 16/6/1928. Ảnh: Christie’s

Ref. 2523

Cũng trên sàn đấu giá tháng 11 của Christie’s, một chiếc đồng hồ Patek Philippe khác mang số hiệu Ref. 2523 đã được bán với giá gần 9 triệu USD, để trở thành chiếc đồng hồ đeo tay đắt nhất từng được bán đấu giá tại châu Á.

“Trong thế giới đồng hồ, 1953 Patek Philippe giờ thế giới tráng men xanh được xem là huyền thoại, và được xem như chạm đến ngưỡng hoàn hảo,” ông Alexandre Bigler, Trưởng bộ phận đồng hồ Christie’s khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết. “Xét cả chức năng và hình thức, chiếc đồng hồ này đều rất tuyệt vời.”

Ý tưởng về đồng hồ thế giới bắt nguồn từ năm 1884, khi Sir Sandford Fleming – người đàn ông đã thuyết phục thế giới chấp nhận một hệ thống tiêu chuẩn gồm 24 múi giờ tại Hội nghị Kinh tuyến Quốc tế ở Washington DC. Nhưng đến tận đầu những năm 1930, nhà chế tác đồng hồ huyền thoại Louis Cartier mới thu nhỏ được hệ thống này để đặt lên mặt số của chiếc đồng hồ đeo tay.

Nhà chế tác đồng hồ huyền thoại Louis Cottier, người đã thu nhỏ cơ chế hiển thị thời gian vào chiếc đồng hồ đeo tay, và Gobbi, nhà bán lẻ đồng hồ tại Milan nơi chiếc Ref. 2523 được bán ra vào tháng 4 năm 1957

“Patek Philippe là một trong những công ty đầu tiên đưa phát minh của Cartier vào đồng hồ, cho phép người đeo nhận biết thời gian ở 40 thành phố khác nhau trên thế giới,” Bigler giải thích.

Chiếc Ref. 2523 lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1953, trong một thập kỷ được các chuyên gia Christie’s mô tả là ‘Thời đại hoàng kim của thiết kế, chế tác thủ công và tiến bộ công nghệ. Chiếc đồng hồ này được cho là một trong bảy đồng hồ đeo tay thế giới hai núm vặn có số tham chiếu 2523 chế tác từ vàng hồng.

Khác với các địa điểm trên đồng hồ thế giới ngày nay, 2523 thể hiện các múi giờ kỳ lạ tại Klondike, Azores, Quần đảo Marshall, Réunion, Mauritius và Madeira. Càng đặc biệt hơn khi trên vòng thành phố, Bombay thay thế cho Mumbai, Sài Gòn thay cho Thành phố Hồ Chí Minh và Peiping được thay cho Bắc Kinh. Đồng hồ thậm chí còn thể hiện giờ Singapore trên cùng múi giờ với Sài Gòn, vào thời điểm 30 năm trước khi giờ chuẩn Singapore được xác lập.

Những chiếc 2523 được phát hành với nhiều cách trang trí trung tâm của mặt số khác nhau, từ vàng, đĩa tráng men cloisonné với họa tiết bản đồ, trong đó có hai chiếc có bản đồ châu Âu, năm chiếc có có bản đồ Bắc Mỹ và một chiếc có bản đồ Nam Mỹ. Ít được biết đến nhất trong số này chính là chiếc có gắn đĩa men xanh, mà chỉ có bốn chiếc xuất hiện trên thị trường suốt 30 năm qua. “Khi dùng kính lúp để soi chiếu rõ hơn, màu danh dường như hóa vô tận,” ông Bigler cảm thán.

Chữ ký của nhà bán lẻ Gobbi Milan trên mặt số đồng hồ

Chiếc 2523 xuất hiện trên sàn đấu giá Christie’s tại Hồng Kông (Trung Quốc) là một trong hai chiếc duy nhất bằng vàng hồng với men xanh ở trung tâm mặt số được cho là vẫn còn tồn tại, và là phiên bản duy nhất được biết đến sở hữu cả hai chữ ký của cả Patek Philippe và Gobbi, nhà bán lẻ Patek Philippe ở Milan. Đồng hồ được chốt với mức giá gần 9 triệu USD.

Chỉ có một trong 7 chiếc đồng hồ giờ thế giới hai núm vặn Ref. 2523 làm bằng vàng hồng. Cỗ máy Patek Philippe 66 năm tuổi này được chốt với mức giá 9 triệu USD tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào ngày 23/11/2019. Ảnh: Christie’s


 
Back to top