Tudor Ranger: Tuyệt phẩm mạnh mẽ, tôn vinh tinh thần Born to Dare
Để đánh dấu cột mốc kỷ niệm 70 năm Hành trình khai phá Bắc Greenland, Anh quốc, Tudor đã ra mắt sáng tạo mới mang tên Ranger - một chiếc đồng hồ tôn vinh tinh thần của cuộc phiêu lưu táo bạo này, với kích cỡ chỉ 39mm.
Tên gọi Ranger xuất hiện từ rất lâu trước khi diễn ra Hành trình khai phá Bắc Greenland. Mặc dù đồng hồ Tudor được các thành viên của đoàn thám hiểm sử dụng từ năm 1952 đến năm 1954 không khắc dòng chữ này trên mặt số, nhưng các mẫu Ranger ra mắt sau đó đã duy trì khái niệm về một chiếc đồng hồ thám hiểm Tudor trong thời gian này. Ý niệm về một công cụ đo đếm thời gian bền bỉ, thiết thực với mức giá phải chăng.
Dòng đồng hồ Tudor Ranger ra đời vào năm 1929, tức chỉ ba năm sau khi đăng ký nhãn hiệu “The Tudor”. Vào thời điểm đó, tên gọi này không được dùng để xác định một mẫu đồng hồ cụ thể, mà nhằm nâng cao yếu tố mạo hiểm cho một số sáng tạo đặc biệt trong danh mục sản phẩm của Tudor. Phong cách thẩm mỹ của mẫu Ranger hiện đại, như các kim mang thiết kế ấn tượng cùng bộ số Ả Rập cỡ lớn phủ dạ quang ở các con số 3 (đối với các mẫu không có cửa sổ ngày), 6, 9 và 12 giờ cũng chưa từng xuất hiện cho đến thập niên 1960.
Trong suốt lịch sử của mình, Tudor Ranger đã tồn tại dưới nhiều biến thể khác nhau, bao gồm có hoặc loại bỏ cửa sổ ngày, bộ máy tự động hoặc bộ máy lên dây thủ công và ban đầu còn có cả logo hoa hồng Tudor cổ điển trên mặt số, sau đó được thay thế bằng logo tấm khiên. Ngay từ năm 1973, một phiên bản Ranger có tên gọi “Ranger II” đã ra mắt cùng dây đeo tích hợp.
Là một phần trong bộ sưu tập Tudor, thế hệ Ranger mới tiếp tục lưu giữ truyền thống của dòng đồng hồ thám hiểm danh tiếng của thương hiệu, khởi nguồn từ những chiếc Oyster Prince từng được các thành viên của đoàn Khai phá Bắc Greenland sử dụng. Để tương xứng với di sản về chức năng này, bộ vỏ 39mm và dây đeo của Ranger được đánh bóng mờ, nhằm tạo nên diện mạo nhám tổng thể, theo tinh thần thuần túy nhất của một chiếc “đồng hồ chuyên dụng”. Tuy nhiên, một số chi tiết được đánh bóng để làm nổi bật các đường nét, bao gồm cạnh trong của vành bezel.
Nếu chú ý quan sát mặt số, bạn sẽ nhận thấy một chi tiết chịu ảnh hưởng từ lịch sử, đó là các cọc số phủ dạ quang màu be tương phản với mặt số đen nhám, nhưng lại khéo phù hợp với tông màu của logo Tudor và dòng chữ khắc. Các kim mũi tên có góc bo tròn, cùng đầu kim giây hình thang có chóp sơn đỏ burgundy là đặc trưng cho nét thẩm mỹ của Ranger.
Mạnh mẽ, bền bỉ và đáng tin cậy, Tudor Ranger vận hành với trái tim là bộ máy cơ tự động MT5402 do chính Tudor sản xuất, đã đạt chứng nhận Master Chronometer với mức năng lượng dự trữ 70 giờ.
Độ chính xác và ổn định của bộ máy này còn được tăng cường nhờ mạch dao động cân bằng quán tính được duy trì bởi một cầu nối được cố định ở hai điểm kết hợp cùng lò xo cân bằng silicon. Hoàn thiện cho vẻ ngoài phong trần và nam tính của đồng hồ là dây đeo bằng da màu đen lót cao su, dây vải dệt Jacquard – một trong những đặc trưng của Tudor từ năm 2010, hoặc dây đeo bằng thép đánh bóng tích hợp khóa cài “T-fit” với chức năng điều chỉnh nhanh mà không cần dụng cụ hỗ trợ.
Vào ngày 8 tháng 7 năm 1952, Hành trình khai phá Bắc Greenland, Anh quốc đã rời Deptford, một khu vực bên bờ sông Thames ở London để bắt đầu sứ mệnh nghiên cứu những phiến băng tại Greenland kéo dài hai năm. Đồng hành cùng các nhà khoa học và thủy thủ tiến vào hành trình là Oyster Prince – chiếc đồng hồ tự động chống nước đầu tiên của Tudor.
Bên cạnh những khảo sát chuyên sâu về băng hà và địa chấn, Tudor cũng đề nghị các chuyên gia thu thập dữ liệu về hiệu suất của 30 chiếc Oyster Prince trong nhiều điều kiện khắc nghiệt. Và ngày nay, thế hệ Ranger mới nhất chính là sự tôn vinh tinh thần mạo hiểm của những nhà tiên phong khám phá vùng cực này, đồng thời là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ chế tác đồng hồ hiện đại và nét thẩm mỹ lịch sử với mức giá phải chăng.