Highlight

Longines kiến tạo chuẩn mực mới với Ultra-Chron Diver

Như một lời tri ân đến lịch sử lẫy lừng của những chiếc đồng hồ tần số cao từng xuất hiện vào thập niên 1960, thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Longines đã quyết định hồi sinh nguyên mẫu Ultra-Chron Diver - tạo phẩm hướng tới sự chính xác cao hơn trong việc đo đếm thời gian với diện mạo hiện đại, đẹp mắt hơn.

Oct 17, 2022 | By Lương Tôn Bình

Giới mộ điệu luôn rất hứng thú với các tạo phẩm mang phong cách cổ điển được Longines hồi sinh từ các nguyên mẫu đồng hồ gắn liền với lịch sử và quá trình phát triển thương hiệu. Nhân vật chính của chúng ta – Longines Ultra-Chron Diver là một trong số đó, sự ra đời của mẫu đồng hồ lặn tần số cao này được xem là lời gợi nhắc hoàn hảo về cuộc cách mạng của thương hiệu Thụy Sĩ trong địa hạt máy cơ tần số cao bắt đầu từ năm 1968.

Cách gọi “đồng hồ tần số cao” hay “High-beat” là thuật ngữ chỉ những chiếc đồng hồ được trang bị bộ máy cơ có tần số dao động cao hơn 21.600 VPH, phổ biến là những bộ máy có tần số dao động ở mức 28.800 VPH hay 36.000 VPH. Sở dĩ cần chế tạo nên những bộ máy có tần số lớn như vậy là vì quan niệm rằng sẽ giúp “nâng cao độ chính xác và giảm thiểu sai số của đồng hồ”.

Tuy nhiên, để có thể tạo ra một bộ máy có tần số dao động cao như thế trong thập niên 1960 của thế kỷ trước là việc tương đối phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro và đòi hỏi chi phí cao khi phải kết hợp công nghệ tiên tiến. Do đó, chỉ những tên tuổi lớn với trình độ chế tác dạn dày nhất lúc bấy giờ mới dám dấn thân vào cuộc chơi này. Trong năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, Longines đã tham gia cuộc đua đồng hồ tần số cao với sáng tạo mang tên Ultra-Chron – một trong những chiếc đồng hồ có tần số dao động lên đến 36.000 VPH (5Hz) xuất hiện sớm nhất trên thị trường.

Chìa khóa đằng sau sức mạnh kỹ thuật của Longines chính là tăng số lượng răng trên bánh thoát từ 15 răng cơ bản lên mức 21 răng. Ngoài ra, trống cót cũng được làm to, dày hơn để có thể cung cấp đủ năng lượng cho bộ máy. Nếu so với các đối thủ lúc bấy giờ, cỗ máy Ultra-Chron được đánh giá là có tính ứng dụng hơn cả, nhờ khả năng trữ cót cao, đáng tin cậy và bền bỉ nhờ được bôi trơn bằng dung dịch Molybdenum bi-sulfide, giúp hạn chế tình trạng hao mòn thường xuất hiện ở các loại máy cơ này.

Trở lại với phiên bản Longines Ultra-Chron Diver 2022, chiếc đồng hồ này sở hữu bộ vỏ dáng cushion bằng thép không gỉ, có đường kính 43mm được đánh bóng, chải xước xen kẽ, tích hợp vòng bezel xoay khắc thang đo thời gian lặn rõ ràng. Bao bọc bởi chiếc vỏ chắc chắn này là mặt số màu đen dạng hạt sần cổ điển, nổi bật trên đó là các kim và cọc số mạ rhodium, riêng kim phút được sơn màu đỏ rồi phủ lên đó lớp dạ quang Super-Luminova. Đặc biệt, xuất hiện tại hướng 6 giờ là logo “Ultra-Chron”, nhằm nhấn mạnh yếu tố di sản, cũng như tần số 5Hz của sáng tạo này.

Cung cấp năng lượng hoạt động cho Longines Ultra-Chron Diver 2022 là bộ máy cơ tự động L836.6 do chính Longines nghiên cứu – sản xuất với tần số dao động 5Hz, chạy với tốc độ 10 nhịp/giây, gồm lò xo cân bằng silicon, bánh thoát và neo chống từ tính. Không chỉ vậy, Longines còn tiến xa hơn trong hành trình theo đuổi độ chính xác tối đa trên đồng hồ khi chính thức công bố một tiêu chuẩn mới mang tên “Ultra Chronometer” dựa trên di sản lịch sử về độ chính xác mà bộ sưu tập Ultra-Chron đã tạo dựng được ngay từ thuở bình minh của mình.


 
Back to top