Vàng và thời hoàng kim trong ngành chế tác đồng hồ xa xỉ
Những chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới có thể không chế tác từ kim loại quý, nhưng nhờ giá trị bền vững theo thời gian, vàng và bạc đã sớm trở thành những vật liệu được ưa chuộng nhất ngành đồng hồ.
Nếu hiểu biết về đồng hồ, cả khía cạnh lịch sử lẫn nghệ thuật chế tác đồng hồ hiện đại, bạn sẽ biết rằng vàng đã tỏa sáng trong nhiều thế kỷ. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cũng là nhà chế tác vàng lớn nhất thế giới – chịu trách nhiệm cho khoảng 70% hoạt động gia công vàng toàn cầu, một sự trùng hợp may mắn cho ngành đồng hồ của quốc gia này.
Vàng là một vật liệu tuyệt vời trong nhiều lĩnh vực, từ trao đổi giá trị như tiền tệ cho đến sản xuất trang sức và gắn bó với ngành đồng hồ trong nhiều thế kỷ, mặc dù những chiếc đồng hồ để bàn hoặc đồng hồ bỏ túi đầu tiên được cho là sản xuất từ những vật liệu thực dụng hơn. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì đồng hồ cơ vừa là công cụ chức năng vừa là vật trang trí, và hiện tại vàng vẫn đảm bảo nhiều công dụng về thẩm mỹ, chức năng cùng biểu tượng.
Mặc dù nguồn tài liệu chính thức về những chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng đầu tiên còn hạn chế, nhưng vào năm 2000, L.F. Trueb – một nhà khoa học vật liệu đã đưa ra giả thuyết, rằng chiếc đồng hồ đeo tay của Nữ hoàng Elizabeth I có thể là một trong những ví dụ đầu tiên về việc ứng dụng vàng trong ngành đồng hồ. Chiếc đồng hồ ấy được cho là một món quà của Bá tước Leicester Robert Dudley tặng nữ hoàng, nhưng chi tiết duy nhất có sẵn là một mô tả mơ hồ vì chiếc đồng hồ thực tế đã bị thất lạc.
Đối với ngành đồng hồ Thụy Sĩ, vàng luôn có những lợi thế riêng. Bạn có thể nhớ rằng Geneva là một trung tâm quan trọng của ngành thương mại trang sức vào thế kỷ 17, cho đến khi John Calvin đến và làm đảo lộn mọi thứ. Như đã được ghi chép kỹ lưỡng tại Bảo tàng Cải cách ở Geneva cùng nhiều nơi khác, toàn bộ ngành công nghiệp đã chuyển sang sản xuất đồng hồ nhờ vậy mà các thợ kim hoàn thoát khỏi nguy cơ mất việc hoặc chuyển sang làm nghề khác. Do đó, Geneva đã giành được danh tiếng là nơi sản xuất những chiếc đồng hồ cầu kỳ nhất thế giới, vốn chế tác từ kim loại quý (một chuyến thăm Bảo tàng Patek Philippe tại thành phố sẽ chứng thực điều này). Sự dễ dàng trong việc chế tác vàng, đi kèm sức hấp dẫn về mặt cảm xúc của giới thượng lưu sẽ giải thích lý do tại sao các nhà sản xuất đồng hồ lại nhanh chóng sử dụng vật liệu này.
Những vấn đề về kỹ thuật
Nói chung, chỉ có một vài vấn đề kỹ thuật với vàng, có thể được rút gọn thành hai từ: mật độ và chi phí. Sử dụng vàng trong sản xuất đồng hồ là một đề xuất cần cân nhắc kỹ, nhưng lại không đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc hay quy trình hoàn toàn mới, vì vật liệu này rất dễ chế tác cũng như không làm hỏng dụng cụ. Thậm chí, các chuyên gia còn dễ dàng hiện thực hóa ý tưởng về một bộ máy cơ hoàn toàn bằng vàng, kể cả vành bánh cân bằng. Điều này không hề viễn vông, chúng ta có thể chế tạo một bộ máy cơ gần như hoàn toàn bằng vàng, ngoại trừ các lò xo cùng chân kính.
Nhưng giá trị của một chiếc đồng hồ không chỉ nằm ở chất liệu, mà phụ thuộc nhiều ở chuyên môn của thợ chế tác, vì chỉ những người có kỹ năng cao mới có thể phụ trách những bộ máy như vậy. Kế đến là tính độc bản, sự hiếm có, vì bộ máy bằng vàng sẽ có số lượng giới hạn hơn so với bộ máy bằng đồng thau. Về khía cạnh mỹ thuật, các bộ máy bằng vàng cũng được trang trí rất cầu kỳ, và điều này đến từ tính chất dễ gia công và hoàn thiện đặc trưng của vàng. Có thể nói chắc rằng, đây là kim loại gần như hoàn hảo để trang trí, do đó rất dễ để ta tìm thấy những chiếc đồng hồ có vỏ bằng vàng được chạm khắc đa dạng họa tiết tinh xảo.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa giá trị và thực tế
Vàng không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn có những lợi ích thực tế. Điển hình là những mẫu đồng hồ hải quân thời kỳ đầu đều được trang bị bộ vỏ bằng vàng nhằm đảm bảo khả năng chống ăn mòn. Môi trường ngoài khơi khắc nghiệt là một thử thách lớn đối với những chiếc đồng hồ cơ khí lúc bấy giờ, và vàng đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì hoạt động của chúng. Nhờ đóng góp phần lớn vào thành công của những cuộc khám phá vĩ đại, đã khiến vàng thực sự xứng đáng với danh hiệu “kim loại quý”. Khi đồng hồ chuyển sang hình thức đeo tay (tiếp xúc trực tiếp với làn da), chính tính chất không gây kích ứng của nhiều kim loại quý đã thực sự phát huy tác dụng.
Vàng không gây kích ứng da và an toàn cho mọi người, trong khi bạc thì không. Tính chống kích ứng của các kim loại quý như vàng với bạch kim đảm bảo rằng chúng luôn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực trang sức cùng đồng hồ đeo tay, đặc biệt là để sản xuất dây đeo tích hợp của những thiết kế cao cấp. Nhưng ưu điểm của vàng cũng chính là nhược điểm duy nhất của bạch kim: mức độ dễ chế tác và khối lượng. Do đó, vàng nhanh chóng nổi lên như kim loại quý hàng đầu trong ngành đồng hồ. Ngoài ra, còn có một lợi ích vô hình khác khiến vàng trở nên hấp dẫn. Không có gì sánh bằng cảm giác đeo và cầm những vật phẩm làm bằng vàng nguyên chất. Nó mang lại cảm giác tuyệt vời, và điều này được thể hiện rõ tại Triển lãm Watches & Wonders năm nay.
Đúng vậy, vàng đã thật sự vượt qua khỏi ranh giới của hình thức hay trọng lượng, mặc dù đó là những yếu tố mà hầu hết người thăm quan chú ý đến. Nhiều nhà sưu tầm đeo đồng hồ vàng hoặc bạch kim sẽ không cảm thấy nặng sau một thời gian, nếu họ thường xuyên đeo những chiếc đồng hồ như vậy trên tay. Mặt khác, dây đeo tích hợp còn mang đến cho vàng cơ hội tỏa sáng. Một dây đeo bằng vàng được chế tác tỉ mỉ sẽ mang đến cảm giác xa xỉ tuyệt đối, đây chính là yếu tố khiến Audemars Piguet Royal Oak và Patek Philippe Nautilus trở thành những chiếc đồng hồ xuất sắc vào thời điểm đó. Giờ đây, vào năm 2024, chúng ta vẫn tiếp tục được nhắc nhở rằng vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu về cảm giác lẫn cảm xúc.
Sự khẳng định từ các số liệu
Qua những mẫu đồng hồ mới ra mắt trong năm, bạn có thể tự hỏi rằng các kim loại quý đóng vai trò như thế nào trong ngành công nghiệp này, đặc biệt khi chúng rất quan trọng. Và chúng thực sự rất quan trọng. Trong báo cáo gần đây nhất của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ, từ tháng 4 năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồng hồ đã phục hồi sau biến động lớn vừa diễn ra chỉ một tháng trước đó. Tín hiệu khả quan này ghi nhận trên tất cả các loại vật liệu, ngoại trừ thép.
Về mặt giá trị, phân khúc đồng hồ xa xỉ ghi nhận mức tăng 5,9%, trong khi đồng hồ thép giảm 2%. Trong khi các vật liệu khác có mức tăng 4,3%, từ đó ta thấy phân khúc kim loại quý đang vượt trội hơn so với mức trung bình của ngành. Ấn tượng hơn, khối lượng xuất khẩu của đồng hồ kim loại quý tăng 6,3%. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đồng hồ kim loại quý lại chiếm thị phần giá trị lớn nhất, tiếp theo là thép. Nhưng sản lượng đồng hồ kim loại quý xuất xưởng lại thấp nhất. Điều này không có nghĩa là kim loại quý đang duy trì sự thống trị trong ngành chế tạo đồng hồ truyền thống, có thể nói hiện tượng Swatch cũng đang đóng góp một phần trong sự ảnh hưởng này.
Tuy nhiên, sự lựa chọn vật liệu có ý nghĩa mạnh mẽ, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng. Trước năm 1927, đồng hồ thép và niken được sản xuất với số lượng ngang bằng đồng hồ kim loại quý. Từ năm 1927, thép và niken chiếm ưu thế hơn, lên đến 95% tổng sản lượng vào năm 1935 khi tác động của cuộc Đại khủng hoảng gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực. Đó là giai đoạn mà những thương hiệu lớn như Vacheron Constantin và Patek Philippe phải chuyển sang sử dụng thép, nhưng cũng đánh dấu thời kỳ đồng hồ đeo tay phát triển mạnh mẽ.
Kho bảo lưu giá trị
Trong năm 2024, Patek Philippe và Vacheron Constantin tiếp tục đạt đến đỉnh cao, đồng thời củng cố vị thế lịch sử danh giá của mình với những mẫu đồng hồ mới hoàn toàn bằng kim loại quý. Bên cạnh đó, các thương hiệu lớn nhỏ khác của ngành công nghiệp đều đang theo đuổi hướng đi này và có thể sẽ tiếp tục cho đến khi thời kỳ hoàng kim của vàng kết thúc. Có thể coi đây là một cách để tận dụng lợi nhuận. Hoặc cũng có thể hiểu rằng các thương hiệu đang cố gắng tích lũy nguồn lực để chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn phía trước. Tuy nhiên, cần nhớ rằng số liệu xuất khẩu của Thụy Sĩ vẫn cao hơn mức năm 2019 và chỉ giảm so với đỉnh cao của năm 2022.