Features

Từ Jason’s Corner: Chơi đồng hồ – Lời và lỗ, chuyện không kể riêng ai

Nếu các bạn là những người quan tâm, yêu thích những cỗ máy cơ học chính xác trên cổ tay thì đây chính là thời điểm để bạn quyết định mua cho mình những mẫu đồng hồ mà từ lâu mình mong muốn. Tại sao nói thế?

Jul 12, 2023 | By Lương Tôn Bình

Ảnh: CNA

Là một người nghiên cứu, đam mê và “chơi” đồng hồ hơn suốt 1 thập kỉ qua, bài viết này của tôi sẽ tổng hợp lại những thông tin gần nhất về thị trường đồng hồ xa xỉ tại Việt nam, đồng thời nói về thú chơi & sưu tầm đồng hồ của người Việt. Bên cạnh đó, sẽ có những lời khuyên, nhưng phải nhắc lại cho quý độc giả, đây hoàn toàn là quan điểm và ý kiến cá nhân của tác giả, lựa chọn chắc chắn sẽ phụ thuộc vào quý vị.

Trước năm 2017, thị trường đồng hồ xa xỉ tại Việt Nam tương đối ổn định và hoạt động theo một logic rất cụ thể. Khi đó, những chiếc đồng hồ xa xỉ đa số sẽ có sẵn trên kệ của những boutique chính hãng nằm tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh – nơi mà các bạn được chào đón như thượng khách ngay khi bạn bước chân vào cửa hàng. Trên thị trường xám (grey market) – hay còn gọi là thị trường thứ cấp, những mẫu đồng hồ mới 100% sẽ có giá tốt, thấp hơn giá bạn mua tại boutique chính hãng do họ có “chiết khấu đặc biệt”. Còn về đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng, bạn có thể dễ dàng tìm được những đồng hồ trong Tam Thánh (Patek Philippe, Audemars Piguet, Vacheron Constantine) hoặc Rolex với mức giá tương đối phải chăng so với mức giá bán lẻ công bố.

Jason D (bên trái), Managing Editor World of Watches Vietnam trong một cuộc trò chuyện Grand Hour by Luxuo

Tuy nhiên, từ 2017 trở đi, các hãng đồng hồ xa xỉ đã siết chặt chính sách bán hàng, phân loại khách hàng và cả kênh phân phối của mình nhằm giành quyền kiểm soát lại từ thị trường xám một cách quyết liệt. Động thái này đã tạo ra sự khan hiếm, trước tiên họ siết chặt những mẫu đồng hồ thép thể thao được săn lùng, chỉ bán những mẫu đồng hồ làm bằng kim loại quý hoặc đồng hồ đính kim cương, đá quý.

Và đến đầu 2019, khi tôi đi loanh quanh một số nước từ Châu Âu đến Châu Á, các kệ trưng bày trong boutique chính hãng gần như trống trơn đến kinh ngạc, ngay cả những mẫu đồng hồ xa xỉ cơ bản nhất trước đây ít được quan tâm cũng không còn. Đây cũng chính là gia đoạn mà thị trường xám được hưởng lợi nhiều nhất khi giờ đây, những mẫu đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng nghiễm nhiên có giá còn cao hơn cả giá niêm yết chính hãng. Tôi đã trả lời hàng trăm câu hỏi về sự phi logic này nhưng quả thật, lúc đó người chơi đồng hồ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận.

Tiếp theo và cũng là đỉnh điểm của sự phi lý, không thể không nhắc lại thời kì đen tối mà hàng trăm năm nhân loại mới phải đối mặt một lần – 2 năm Covid 19 hoành hành toàn cầu. Đây là thời điểm các nước đóng cửa biên giới với thế giới bên ngoài nên việc thông thương trở nên cực kì khó khăn. Việc đứt nguồn cung từ nước ngoài khiến đồng hồ trở nên càng khan hiếm cộng với việc nhiều người tin rằng mua đồng hồ là một kênh đầu tư sinh lợi cũng như giữ tiền hiệu quả nên theo lẽ dĩ nhiên, giá đồng hồ lúc đó tăng phi mã một cách vô lý. Cũng những chiếc đồng hồ bạn đã từng đeo từ trước 2017, giờ đây, giá nhân 3 hoặc nhân 4 lần.

Đối với những người chơi lâu năm và còn giữ được những chiếc đồng hồ từ trước, đây là một cơ hội xả hàng tuyệt vời đem lại lợi nhuận cực lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là một nhóm nhỏ không đáng kể. Điều đáng nói ở đây là vào thời điểm bế tắc đó, chúng ta không biết khi nào thì đại dịch kết thúc nên một bộ phận lớn người có tiền đã lao vào đu đỉnh vì giá đồng hồ trên thị trường vẫn nhảy múa không ngừng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo tôi, cũng như đầu tư chứng khoán hay cổ phiếu, tâm lý đu đỉnh hay bắt đáy là hoàn toàn bình thường, không thể hiện trình độ hiểu biết hay kiến thức gì ở đây cả.

Và điều gì đến cũng đến, đại dịch đã qua đi và bong bóng cũng đã vỡ. Ở thời điểm này, giá cả đồng hồ trên thị trường thứ cấp lao dốc mạnh còn sức mua của các boutique tất nhiên cũng yếu đi rất nhiều theo xu thế chung của thị trường tài chính, chứng khoán và bất động sản. Rất nhiều người bạn của tôi than thở về việc mất đi vài trăm triệu cho đến tiền tỉ, nhưng đối với tôi, đồng hồ là một đam mê, vì vậy thắng thua là chuyện phải chấp nhận, nếu còn giữ đam mê trên cổ tay mình thì cứ tận hưởng đam mê theo cách thuần túy nhất.

The Talks: Gặp gỡ nhà sưu tầm đồng hồ Matt Liu

Matt Liu, một tay chơi đồng hồ trẻ

Trong bài này sẽ không có lời khuyên bạn nên làm gì, nên mua vào thời điểm này hay chờ giá xuống thấp hơn nữa để mua? Theo quan điểm của tôi thì chiếc đồng hồ là một món trang sức của đàn ông rất giàu cảm xúc, nếu bạn đã đam mê những cỗ máy cơ khí chính xác bé nhỏ này thì hãy tin theo cảm xúc của mình và bỏ qua việc thắng thua, lời lỗ. Còn nếu coi đó là một khoản đầu tư, không sao, hãy tìm những người thầy, người bạn thông thạo về thị trường để xin lời khuyên, nhưng tuyệt đối đừng bắt họ chịu trách nhiệm nhé!

Chúc quý độc giả tìm được chiếc đồng hồ mình yêu thích và hay trân quý thời gian mà chúng ta đang có!


 
Back to top