Rolex và thành tựu điện ảnh
Rolex luôn duy trì mối quan hệ bền chặt với giới điện ảnh. Đồng hồ của hãng đã đóng vai trò riêng khi được đeo trên cổ tay của các nhân vật huyền thoại trong nhiều bộ phim, trong đó có nhiều kiệt tác đã đoạt giải Oscar.
Ngày nay, nhờ sự xuất sắc trong nghệ thuật và kỹ thuật làm phim, Rolex đã tự mình tham gia vào việc diễn xuất theo đúng nghĩa. Rolex khuyến khích việc bảo tồn và truyền tải nghệ thuật điện ảnh, thúc đẩy sự xuất chúng và tôn vinh sự tiến bộ, bằng cách đồng hành cùng những huyền thoại điện ảnh, cũng như hỗ trợ các tài năng mới, thông qua quan hệ đối tác với Viện hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Điện ảnh (học viện, giải thưởng và bảo tàng ở Los Angeles) và Sáng kiến nghệ thuật Rolex Mentor & Protégé.
Mỗi chiếc đồng hồ, một tác phẩm nghệ thuật
Rolex và điện ảnh: những chuyển động được tái tạo vĩnh cửu
Điện ảnh là một chuyển động vĩnh cửu, có sức mạnh làm cho lịch sử trở nên sống động và khám phá mọi tương lai có thể xảy ra, cả tập thể và cá nhân. Giống như một chiếc đồng hồ Rolex, điện ảnh đã ăn sâu vào ký ức và khát vọng của chúng ta. Đó là bằng chứng cho tham vọng và lòng quyết tâm của chúng ta để vượt qua bất kỳ trở ngại nào ta có thể gặp phải. Không chỉ đơn giản là 24 khung hình mỗi giây, hay 24 giờ mỗi ngày, nó thể hiện bản chất của những xúc cảm trong chúng ta.
Rolex và điện ảnh, song hành viết lại lịch sử
Vào năm 1926, Hans Wilsdorf, người sáng lập của Rolex, đã phát minh ra Oyster, chiếc đồng hồ đeo tay chống thấm nước mang tính cách mạng. Chỉ vài tháng sau, công chúng đã phải ngạc nhiên trước The Jazz Singer, bộ phim đầu tiên có lời thoại. Hai thời khắc này báo hiệu sự xuất hiện của cả ngành làm phim và ngành chế tác đồng hồ hiện đại.
Vào năm 1931, Rolex đã giới thiệu một bước đột phá khác cũng mang tầm nhìn sâu rộng trong chiếc đồng hồ Oyster Perpetual. Chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên không thấm nước, lên dây tự động, được trang bị rôto Perpetual. Trong khi đó, nghệ thuật điện ảnh lần đầu chứng kiến một bộ phim màu ra mắt trên màn ảnh rộng.
Kể từ đó, Rolex và điện ảnh luôn tạo nên tiếng vang cùng thời đại. Cho đến ngày nay, cả hai tiếp tục cùng theo đuổi những giá trị hoàn mỹ, đổi mới và tiến bộ, khuyến khích những khát vọng lớn nhất.
Rolex trong và ngoài màn ảnh
Trải qua nhiều thập kỉ, ngày càng nhiều người nổi tiếng đeo đồng hồ Rolex trên màn ảnh.
Khi lựa chọn đồng hồ, các diễn viên và những vị đạo diễn vĩ đại nhất sẽ phản chiếu trên chiếc đồng hồ sức hút và sự tinh tế của riêng họ. Tuy nhiên, sau khi làm ngôi sao khách mời trên cổ tay của các diễn viên, dù trước hay sau máy quay, Rolex đều sớm trở thành nhân vật chính.
Rolex và Hollywood
Trong năm 2017, hai sự kiện lớn đã củng cố mối quan hệ lâu dài giữa Rolex và ngành công nghiệp điện ảnh. Đầu tiên, đạo diễn Martin Scorsese cùng James Cameron đã trở thành các Rolex Testimonee. Cũng trong năm đó, thương hiệu đã ký kết mối quan hệ đối tác với cơ quan có thẩm quyền cao nhất của ngành điện ảnh, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh.
Các sứ mệnh của Viện Hàn lâm là quảng bá sự hoàn mỹ và bảo tồn di sản của điện ảnh cho các thế hệ tương lai, khơi dậy trí tưởng tượng và tôn vinh những giá trị phổ quát của điện ảnh. Sự hợp tác lâu dài này tôn vinh sự hội tụ của các giá trị chung giữa Rolex và nghệ thuật điện ảnh.
Rolex đã trở thành Đồng hồ Độc quyền của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, Nhà tài trợ Danh dự của Giải Oscars® và Nhà tài trợ Độc quyền của Giải thưởng Governors Awards.
Rolex đồng thời cũng là Nhà hỗ trợ Sáng lập của Viện bảo tàng Điện ảnh Học viện được mở cửa tại Los Angeles vào tháng 9 năm 2021.
Rolex khuyến khích việc quảng bá và tôn vinh sự hoàn mỹ, sự trường tồn của tri thức, việc bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật và sự phát triển của những tài năng mới.
Rolex và Viện Hàn Lâm
Hỗ trợ và tôn vinh nghệ thuật điện ảnh
“Điện ảnh chạm đến trái tim chúng ta, đánh thức tầm nhìn của chúng ta và thay đổi cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ. Chúng đưa ta đến những chân trời khác. Chúng mở lối những cánh cửa và tâm trí chúng ta”. Martin Scorsese
Tôn vinh những đóng góp lâu dài cho nền điện ảnh
Giải thưởng Governors Awards đánh dấu sự bắt đầu của mùa giải Oscar® và là sự công nhận thành tựu trọn đời.
Vì thế, giải thưởng thể hiện tinh thần hợp tác giữa Rolex và điện ảnh thông qua việc trao thưởng cho những cá nhân có sự nghiệp lâu dài, những người đã cống hiến không ngừng cho tầm nhìn nghệ thuật của họ và có quá trình làm việc bền bỉ. Nó ca ngợi những nỗ lực nhân đạo lớn lao và ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật làm phim.
Có ba hạng mục giải Governors Awards:
Giải Thưởng Nhân Đạo Jean Hersholt Humanitarian Award
Giải thưởng này được trao cho một cá nhân trong ngành công nghiệp điện ảnh, người được xem như tấm gương đáng học hỏi bởi những cống hiến không ngừng của họ trong công tác ủng hộ một hoạt động nhân đạo. Giải thưởng nhân đạo Jean Hersholt năm 2021 được trao cho nam diễn viên Danny Glover.
Theo lời của David Rubin, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Điện ảnh, nam diễn viên nhận giải thưởng này bởi “đóng góp cho công bằng xã hội và nhân quyền suốt nhiều thập kỷ, (điều này) phản ánh qua sự cống hiến không ngừng trong việc công nhận tính nhân văn chung của chúng ta cả trong lẫn ngoài màn ảnh.”
Những người từng được nhận giải thưởng này gồm Gregory Peck, Elizabeth Taylor, Audrey Hepburn, Paul Newman, Oprah Winfrey, Angelina Jolie và Geena Davis.
Giải Thưởng Danh Dự
Giải thưởng Danh dự năm 2021 được trao cho nữ diễn viên Liv Ullmann, nhà biên kịch – nhà làm phim kiêm nữ diễn viên Elaine May, cùng nam diễn viên Samuel L. Jackson.
Giải thưởng Danh dự được trao cho những thành tựu trọn đời. Giải thưởng này có thể tôn vinh một tài năng, một sự nghiệp nổi trội hoặc một đóng góp phi thường cho khoa học và nghệ thuật điện ảnh.
Những người thắng giải năm 2021 được đồng hành cùng các tên tuổi tiền nhiệm lừng lẫy như Charlie Chaplin, Spike Lee, Jean-Luc Godard, Lauren Bacall, Agnès Varda, Ennio Morricone, Federico Fellini, Kirk Douglas, Sidney Poitier, Stanley Donen, Sophia Loren và nhà soạn nhạc Lalo Schifrin.
Giải Thưởng Tưởng Niệm Irving G. Thalberg Memorial Award
Giải thưởng Tưởng niệm Irving G. Thalberg năm 2021 đã không được trao cho bất kỳ cá nhân nào.
Kể từ năm 1937, giải thưởng này đã được trao định kỳ cho “những nhà sản xuất sáng tạo có tác phẩm phản ánh quá trình chế tạo phim với chất lượng cao ổn định”.
Những người chiến thắng trước đó bao gồm Darryl F. Zanuck, David O. Selznick, Walt Disney, Cecil B. DeMille, Sam Spiegel, Alfred Hitchcock, Ingmar Bergman, Albert R. Broccoli, Steven Spielberg, Billy Wilder, Francis Ford Coppola và Clint Eastwood. Năm 2019, Kathleen Kennedy trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng này, cùng với chồng của mình.
Do dời lịch, Giải thưởng Governors Awards năm 2021 được trao vào tháng 3 năm 2022.
Lễ Trao Giải Oscars®
Điểm nhấn của mùa phim
Lễ trao giải Oscars® là một lễ kỷ niệm độc đáo của những giá trị hoàn mỹ, nguồn cảm hứng và thiên tài kỹ thuật, những điều đã tạo nên các kiệt tác. Trong năm thứ sáu liên tiếp, Rolex là Nhà tài trợ Danh dự của lễ trao giải Oscars® được tổ chức tại Nhà hát Dolby®, Hollywood. Phát sóng trực tiếp tại hơn 200 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, sự kiện độc đáo này không chỉ tôn vinh điện ảnh: tiếp nối từ năm này qua năm khác, đây còn là sự kiện giúp định hình bối cảnh của nền điện ảnh toàn cầu.
Tôn vinh sự xuất chúng
Lễ trao giải Oscar® không chỉ đại diện cho sự công nhận của những người đồng nghiệp. Sự kiện này còn tôn vinh nguồn cảm hứng, cảm xúc cũng như quy trình sản xuất, chuyên môn kỹ thuật và tất cả các yếu tố khác trong quá trình làm phim. Mượn cách diễn đạt yêu thích của nhà sáng lập Rolex, Hans Wilsdorf, đó là lời ngợi ca dành cho “công việc được hoàn thành một cách xuất sắc”. Điện ảnh đồng thời là một môn nghệ thuật, một ngành khoa học và là một ngành công nghiệp, và Lễ trao giải Oscar® chiếu sáng trên mọi khía cạnh của nó.
Rolex và Greenroom của giải Oscars®
Rolex là nhà chủ trì chính thức của Greenroom, phòng chờ của Lễ trao giải Oscar®. Người được đề cử cùng người công bố và trao giải tập trung tại khu vực phòng chờ này trước và sau khi bước lên sân khấu của Lễ trao giải Oscar®, một số người trở lại với tượng vàng đáng mơ ước.
Mỗi năm, Rolex đều phát triển một trải nghiệm độc đáo và một phong cách trang trí mới cho Greenroom. Phiên bản năm 2022 của không gian này thể hiện sự tôn vinh đối với những bộ phim huyền thoại của Hollywood và kỷ niệm sự kết hợp của điện ảnh và nghệ thuật sản xuất đồng hồ.
Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh
Một ngôi đền của điện ảnh
Được khánh thành vào tháng 9 năm 2021 tại kinh đô điện ảnh của thế giới, Bảo tàng Viện hàn lâm Điện ảnh là địa điểm không thể bỏ qua đối với tất cả những ai đam mê điện ảnh.
Đây là bảo tàng lớn nhất dành riêng cho ngành làm phim tại Mỹ. Nằm trên Miracle Mile tại Los Angeles, có thể dễ dàng nhận ra bảo tàng này ngay bởi mái vòm bằng kính, được thiết kế bởi Renzo Piano – kiến trúc sư từng đoạt giải Pritzker, người cũng đã cải tạo toàn bộ tòa nhà 28.000 mét vuông này. Bên trong có một không gian rộng hơn 4.500 mét vuông, trưng bày các buổi triển lãm tạm thời và dài hạn, hai rạp chiếu phim bao gồm Nhà hát David Geffen với 1.000 chỗ ngồi, một studio giáo dục và các khu vực dành cho các sự kiện công cộng và các buổi lễ.
Rolex: Nhà hỗ trợ sáng lập của Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh
Với tư cách là Nhà hỗ trợ Sáng lập của bảo tàng, Rolex tái khẳng định cam kết phát huy tài năng, nuôi dưỡng sự hoàn mỹ, bảo vệ các di sản và đảm bảo rằng kiến thức và kỹ năng được truyền lại tới các thế hệ tương lai.
Bằng cách chiếu rọi vào quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành điện ảnh, bảo tàng đưa du khách vào thế giới độc đáo của điện ảnh, thông qua các buổi triển lãm, trình chiếu, chương trình giáo dục và các bộ sưu tập đặc biệt.
Bảo tàng trưng bày một loạt các vật phẩm liên quan đến ngành sản xuất phim và các công nghệ làm phim, truyền tải những câu chuyện đa dạng, mang tính quốc tế và phức tạp của các nhà làm phim và các tác phẩm mà họ tạo ra. Trong số hàng trăm đồ vật được trưng bày, có cá mập từ phim Jaws, những món đồ chơi trong Toy Story, và những đồ vật gợi nhớ đến các đạo diễn từ Alfred Hitchcock đến George Lucas.
Phòng trưng bày Rolex
Trên tầng ba của bảo tàng, các triển lãm mô-đun tại Phòng trưng bày Rolex được thiết kế như những hành trình độc đáo, đi qua nhiều khoảnh khắc khác nhau trong lịch sử điện ảnh. Khách tham quan được đắm mình vào các tác phẩm điện ảnh và thế giới của các đạo diễn lừng danh đến từ khắp nơi trên toàn thế giới.
Sắp đặt tại trung tâm của phòng trưng bày, khu vực Stories of Cinema tiết lộ nhiều khía cạnh của quá trình làm phim – công nghệ, nghệ sĩ, lịch sử và ảnh hưởng xã hội – thông qua những tiếng nói đa dạng giúp truyền tải điều kỳ diệu của màn ảnh rộng. Tại khu Inventing Worlds and Characters, khách tham quan có thể tìm hiểu cách các nghệ sĩ và kỹ thuật viên phát triển một bộ phim, từ ý tưởng ban đầu cho tới bước sản xuất cuối cùng. Mô hình, trang phục và các tấm celluloid của phim hoạt hình nằm trong hàng loạt các đồ vật được trưng bày.
Chiếc đồng hồ của nam diễn viên huyền thoại, được trưng bày tại bảo tàng
“Drive carefully, me”
Ba từ này được khắc trên mặt sau của chiếc đồng hồ Cosmograph Daytona mà nữ diễn viên Joanne Woodward tặng cho chồng bà, Paul Newman, ngay trước khi ông bắt đầu sự nghiệp đua xe. Không ngừng cống hiến một cách đồng đều cho cả hai niềm đam mê của mình là diễn xuất và đua xe, Newman hoàn thành chặng đua chuyên nghiệp đầu tiên của ông vào năm 1972, và tiếp tục giành bốn chức vô địch của giải đua Sports Car Club of America.
Năm 1979, ông đã về nhì tại Giải đua 24 Hours of Le Mans. Năm 1995, ở tuổi 70, đội của ông đã vô địch hạng GT-1 tại giải đua 24 Hours of Daytona. Trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của mình, chiếc đồng hồ Cosmograph Daytona chưa từng rời khỏi cổ tay ông.
Rời khỏi đường đua, Newman đeo những chiếc đồng hồ Rolex khác, ông được nhớ tới nhiều nhất nhờ vai diễn “Fast Eddie” Felson trong The Color of Money, màn thể hiện đã mang về cho ông giải Oscar® dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Best Actor) năm 1987.
Ông là một người đa tài và là một nghệ sĩ phi thường. Bên cạnh vai trò là một diễn viên và tay đua xe tài năng, ông còn là một doanh nhân tiên phong trong các lĩnh vực xã hội.
Chiếc đồng hồ do Joanne Woodward tặng ông hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàn lâm về Nghệ thuật Điện ảnh.
Truyền cảm hứng cho thế giới: Khách mời Rolex
Khách mời là thuật ngữ được sử dụng trong ngành điện ảnh để mô tả sự xuất hiện thoáng qua của một nhân vật nổi tiếng trên phim. Trong gần một thế kỷ qua, Rolex đã xuất hiện với vai trò khách mời trên cổ tay của các diễn viên huyền thoại của Hollywood.
Mỗi chiếc đồng hồ lột tả một nhân vật
Đồng hồ Rolex làm phong phú thêm cá tính của các nhân vật đeo chúng với tính biểu tượng mạnh mẽ. Việc chúng xuất hiện trong nhiều bộ phim như vậy không phải là ngẫu nhiên. Khi một nhân vật đeo đồng hồ Rolex, đây là một sự lựa chọn đầy tính nghệ thuật của các diễn viên và đạo diễn. Nhờ những chiếc đồng hồ này và sự hiện diện trên màn ảnh của chúng, Rolex không thể tách rời khỏi giới điện ảnh.
Bản thân mỗi chiếc Rolex là một câu chuyện
Khi một diễn viên chọn đeo đồng hồ Rolex, sự hiện diện của nó trên cổ tay của họ sẽ bổ sung thêm thông tin cho cốt truyện. Hiệu ứng cá nhân của chiếc đồng hồ mang lại tính lịch sử, yếu tố quá khứ hay gợi mở về số phận có thể có của nhân vật. Nó tiết lộ về khí chất, phẩm vị, giá trị, khát vọng và tư tưởng của người đeo nó.
Rolex Testimonees: Những nhà phim xuất chúng
James Cameron: Khám phá thế giới của các bộ phim, làm phim về những hành trình khám phá
“Trí tưởng tượng là một sức mạnh có thể thực sự phản ánh hiện thực. Đừng tự đặt giới hạn cho bản thân. Người khác sẽ làm điều đó cho bạn.” James Cameron
Tác phẩm của James Cameron vừa là giấc mộng vừa là chuyến phiêu lưu, đồng thời thể hiện đam mê sáng tạo của ông. Dù là một đạo diễn từng đoạt nhiều giải Oscar, nhưng ông chưa từng gác lại niềm đam mê khác của mình: khám phá. Hai khía cạnh của James Cameron được đan xen vào nhau trong từng cuộc khám phá và từng bộ phim của ông.
Là một người kể chuyện chính xác với kỹ thuật sâu sắc, ông đã chứng tỏ được khả năng hấp dẫn bất kỳ kiểu khán giả nào. Xuất sắc ngay cả trong những tác phẩm tham vọng nhất, James Cameron có cách để đối mặt với áp lực và luôn thành công trong việc đặt cảm hứng của mình lên hàng đầu. Nhờ đó ông hoàn thiện tầm nhìn, mở rộng kiến thức và khiến các tác phẩm của mình trở nên phong phú hơn.
Hai mươi ba năm sau bộ phim The Abyss, ông đã một mình lặn xuống đáy Rãnh đại dương Mariana Trench ― sâu 10.908 mét ― bằng DEEPSEA CHALLENGER, chiếc tàu ngầm do chính ông thiết kế.
Với bộ phim Titanic năm 1997, ông đã biến tưởng tượng của chúng ta về thân tàu rỉ sét dưới đáy biển Bắc Đại Tây Dương thành một con tàu khổng lồ mới hạ thủy đang lướt qua những con sóng gần Southampton. Bốn năm sau, ông lặn xuống khu vực xác tàu Titanic ở độ sâu 3.700 mét để quay bộ phim tài liệu Ghosts of the Abyss.
Từ những chuyến lặn phi thường đến tái tạo hình ảnh 3D, James Cameron không ngừng vượt qua các giới hạn của con người, thành tựu kỹ thuật và nghệ thuật. Ông làm việc không mệt mỏi để tìm ra giải pháp cho những thách thức phức tạp nhất nhằm tái tạo nghệ thuật làm phim. Và với những cống hiến này, khán giả đã đón nhận Titanic, Avatar và Terminator như những tượng đài trong lịch sử điện ảnh, di sản của ông đã vượt xa thành công của phòng vé.
James Cameron sắp cho ra mắt phần tiếp theo của bộ phim Avatar với tựa đề Avatar II: The Way of Water. Bộ phim đã đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật và nghệ thuật mới, đồng thời, một lần nữa chứng minh quyết tâm theo đuổi sự hoàn mỹ của đạo diễn.
Martin Scorsese: Một tượng đài của cinema
“Từng thước phim đều là kỷ niệm trong cuộc sống mà chúng ta cần lưu giữ sự tồn tại của chúng.” Martin Scorsese
Các tác phẩm của Martin Scorsese đã chinh phục khán giả trên toàn thế giới. Hai mươi sáu bộ phim của ông đã giành được nhiều giải thưởng. Vị đạo diễn huyền thoại này đã đi theo con đường riêng và biến đổi phương tiện truyền đạt của mình một cách có hệ thống.
Một trong những yếu tố then chốt tạo nên các tác phẩm của Scorsese chính là sự chú ý đặc biệt ông dành cho từng khâu sản xuất, từ làm việc cùng các biên kịch để tạo ra những nhân vật có sắc thái sâu sắc, đến lựa chọn âm nhạc mang lại cho mỗi cảnh một màu sắc cụ thể hoặc tái hiện tâm trạng của một thời kỳ nhất định. Sự thông thạo ngôn ngữ điện ảnh kết hợp với khả năng tạo không khí trên phim trường của ông giúp các diễn viên tự tin ứng biến khi diễn.
Vị đạo diễn theo chủ nghĩa chiết trung và nhân văn này đã khám phá mọi thể loại, từ phim lịch sử đến phim kinh dị, từ phim đen tới phim nhạc kịch và phim tâm lý xã hội. Các tác phẩm của ông đã mang đến những nhân vật làm nên lịch sử của ngành làm phim. Đắm mình trong di sản của những tác phẩm kinh điển vĩ đại và được thôi thúc bởi sự truy tìm tính hiện đại vượt thời gian, các bộ phim của Martin Scorsese mang đến một tầm nhìn cá nhân về nước Mỹ, đồng thời khám phá hiện trạng của con người một cách hợp lý.
Dù là phim điện ảnh, phim tài liệu, phim dài tập hay phim ngắn, dù là đạo diễn hay nhà sản xuất, Martin Scorsese đều xây dựng nên một bản thành tích nghệ thuật rộng lớn trải dài hàng thập kỷ. Ông là người đứng sau The Film Foundation, tổ chức bảo tồn và phục hồi điện ảnh thế giới, một nỗ lực với sự hỗ trợ từ Rolex. Ông bày tỏ sự tôn vinh tới những nghệ nhân nổi tiếng trong ngành làm phim, đồng thời duy trì đối thoại sáng tạo với các thế hệ trẻ thông qua những màn hợp tác nghệ thuật và sự tham dự của ông với Chương trình Rolex Mentor & Protégé Arts Initiative.
Siêng năng và đam mê, cùng sự ngưỡng mộ dành cho những bộ phim kinh điển và cả những bộ phim mới ra mắt, ông đã khiêm tốn và hết lòng phục vụ cho sự nghiệp được ông coi là lớn hơn những cống hiến của mình: đó là toàn bộ nền điện ảnh.
Chương trình The Rolex Mentor và Protégé Arts Initiative
Truyền lại nghệ thuật của nhà làm phim
“Mỗi kịch bản là một bài học. Mỗi cảnh quay là một trường học. Hãy để việc học luôn tiếp tục”. Martin Scorsese
Rolex tin tưởng rằng đây là một điều cần thiết để sự xuất sắc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, để đảm bảo sự trường tồn của tính thủ công và chuyên môn, thương hiệu đã thiết lập một chương trình cố vấn nghệ thuật, trong đó các nghệ sĩ trẻ triển vọng có thể nhận được sự hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ lớn trong lĩnh vực của họ. Trong khoảng thời gian hai năm, với sự hỗ trợ của Rolex, các nghệ sĩ trẻ đã phát triển những sự hợp tác sáng tạo, thường kéo vượt ra ngoài khuôn khổ của chương trình.
Kể từ năm 2002, tám trong số 58 bộ đôi Mentor và Protégé hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Mỗi protégé là một tài năng trẻ có các tác phẩm đã được săn đón rộng rãi tại các liên hoan phim hoặc thậm chí lọt vào danh sách đề cử của giải Oscars®. Các cố vấn đều đã nhận được ít nhất một đề cử Oscar®. Họ là Mira Nair, Stephen Frears, Martin Scorsese, Walter Murch, Zhang Yimou, Alfonso Cuarón, Alejandro G. Iñárritu và Spike Lee.
Lưu giữ di sản điện ảnh trường tồn
Bảo tồn lịch sử điện ảnh: Quỹ điện ảnh
Rolex hỗ trợ Quỹ Điện ảnh, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1990 bởi Martin Scorsese, chuyên bảo vệ và lưu giữ lịch sử của điện ảnh.
Ý thức được sự cần thiết của việc bảo tồn những di sản mong manh này, Martin Scorsese đã tham gia cùng bảy nhà làm phim lỗi lạc. Đó là Woody Allen, Francis Ford Coppola, Stanley Kubrick, George Lucas, Sydney Pollack, Robert Redford và Steven Spielberg. Ít năm sau, Robert Altman và Clint Eastwood cũng đã tham gia.
Hợp tác với các tổ chức lưu trữ và hãng phim, quỹ đã giúp khôi phục hơn 900 bộ phim. Những bộ phim này đã được đưa đến gần hơn với công chúng thông qua những suất chiếu tại các liên hoan phim, bảo tàng và cơ sở giáo dục trên khắp thế giới. Dự án Điện ảnh Thế giới của quỹ đã tôn vinh sự đa dạng phong phú của điện ảnh thế giới và đã khôi phục 47 bộ phim từ 27 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, chương trình giáo dục miễn phí của Quỹ Điện ảnh, The Story of Movies, dạy các bạn trẻ về lịch sử và ngôn ngữ điện ảnh.