Features

Rolex và những cống hiến vĩ đại cho nền điện ảnh

Trải qua nhiều thập kỷ, Rolex đã trở nên gắn bó mật thiết với thế giới điện ảnh: từ sự xuất hiện của những chiếc đồng hồ trong các bộ phim mang tính biểu tượng, đến sự hỗ trợ của thương hiệu này dành cho các nhà làm phim trẻ thông qua những chương trình phát triển tài năng.

Oct 02, 2021 | By Lương Tôn Bình

Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh (khung cảnh trên cao)

Câu chuyện về những chiếc đồng hồ Rolex trên màn ảnh bắt đầu một cách ngẫu nhiên, khi những diễn viên vĩ đại đầu tiên đeo đồng hồ của thương hiệu này, vay mượn sức mạnh và ý niệm thành công từ chúng.

Khi Marlon Brando thể hiện vai diễn kinh điển của mình, Đại tá Kurtz, trong bộ phim Apocalypse Now, ông ấy đã đeo một chiếc đồng hồ Rolex. Trong bộ phim The Color of Money, Paul Newman cũng đã đeo một chiếc đồng hồ của hãng khi đảm nhận vai Fast Eddie Felson. Và trong bộ phim Titanic, Bill Paxton, trong vai thợ săn kho báu Brock Lovett, đã đeo một chiếc đồng hồ ở cảnh quay khi tàu ngầm của ông lặn xuống khám phá xác con tàu khét tiếng.

Sự hiện diện của những chiếc đồng hồ này không phải là chiến lược quảng bá sản phẩm, bởi lẽ Rolex chẳng bao giờ thực hiện những chiến dịch như vậy. Thay vào đó, đồng hồ Rolex luôn là sự lựa chọn mang dấu ấn cá nhân của các đạo diễn, sử dụng thương hiệu để khắc họa tinh tế sự mạnh mẽ trong các nhân vật của họ − cảm giác rắn rỏi và kiểm soát, cùng phong cách sang trọng, thời thượng.

Kiến tạo một kiệt tác

Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh (khung cảnh bên ngoài)

Rolex đánh giá cao cách kể chuyện của điện ảnh thông qua những câu chuyện tuyệt vời riêng biệt. Lịch sử của công ty được đánh dấu bởi hơn một thế kỷ của sự đổi mới. Năm 1926, Rolex Oyster – một kiệt tác trong nghệ thuật chế tác đồng hồ, với tư cách là chiếc đồng hồ đeo tay chống thấm nước đầu tiên trên thế giới – đã giúp thay đổi tiến trình lịch sử. Lần đầu tiên, mọi người có thể theo đuổi lối sống mới đầy năng động và đi đến những nơi xa xôi như đỉnh núi với chiếc đồng hồ mạnh mẽ, chính xác và đáng tin cậy.

Cần những yếu tố nào để tạo nên một kiệt tác? Đối với việc sản xuất điện ảnh và chế tác đồng hồ, kiệt tác chính là thành quả lao động nghệ thuật nổi trội với kĩ nghệ bắt trọn từng khoảnh khắc của thời gian, khơi gợi cảm xúc nguyên bản, và truyền cảm hứng để mọi người có thể ngắm nhìn thế giới qua một lăng kính mới mẻ. Điều đó không khác gì sự thúc đẩy cho những đổi mới, một nguồn lực không làm mất đi sức mạnh vốn có.

Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh (khung cảnh bên ngoài)

Như một lời ca tụng về sự sáng tạo của nhân loại, kiệt tác vẫn sẽ luôn hợp thời, bất kể bao nhiêu năm trôi qua. Nhưng để tạo nên một kiệt tác lưu giữ thời gian hay một bộ phim kinh điển thì không chỉ cần tầm nhìn và ý tưởng sáng tạo mạnh mẽ, nó còn cần cả đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư và thợ thủ công, mỗi người đều có vai trò quan trọng trong một cơ chế phức tạp. Để theo đuổi sự hoàn mỹ, các nhà chế tác đồng hồ và nhà làm phim đã truyền tải tính chính xác ở mọi cấp độ công việc, trong sự kết hợp và hòa quyện giữa nghệ thuật và khoa học.

Các đối tác cùng tôn vinh sự hoàn mỹ

Năm 2017, Rolex đã chính thức hóa mối quan hệ hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, và đồng thời trở thành Nhà tài trợ Danh dự của giải Oscars®. Hai bên đi đến thống nhất dựa trên sự tương đồng về lịch sử, theo đuổi sự hoàn mỹ và có chung sứ mệnh bảo tồn, tôn vinh những tác phẩm độc đáo – những kiệt tác. Mối quan hệ hợp tác lâu dài này thúc đẩy sự hoàn mỹ trong ngành công nghiệp điện ảnh và việc truyền tải di sản điện ảnh cho các thế hệ tương lai. Sứ mệnh này đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Giải Thưởng Oscar®

Hàng năm, các diễn viên, nhà làm phim và đội ngũ kỹ thuật viên xuất sắc nhất được đề cử và đánh giá bởi các đồng nghiệp của họ tại giải Oscars®, một trong những sự kiện được mong đợi nhất trên toàn thế giới. Giải thưởng của Viện hàn lâm Academy Awards® mang một mục đích chính, đó là sự công nhận những thành tựu xuất sắc, được hỗ trợ bởi Rolex với tư cách thương hiệu Đồng hồ Độc quyền của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh.

Phòng Trưng Bày Rolex Greenroom

Nhà ga Union Station, một địa danh lịch sử tại Los Angeles, và là một trong những nhà ga xe lửa vĩ đại cuối cùng ở Hoa Kỳ, được chọn để trở thành địa điểm của phòng trưng bày Greenroom tại Oscars® lần thứ 93. Kể từ năm 2016, Rolex đã thiết kế và tổ chức Phòng trưng bày Greenroom, nơi những người thuyết trình và các khách mời đặc biệt giao lưu trước khi tham dự lễ trao giải Oscars®.

Giải thưởng Governors Awards

Giải thưởng Governors Awards là một lễ trao giải thưởng thường niên, được tổ chức bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, nhằm tôn vinh những thành tựu trọn đời trong lĩnh vực điện ảnh. Rolex là Nhà tài trợ của giải thưởng này kể từ năm 2018.

Bảo tàng Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ

Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh (Sảnh Dolby Family)

Để hỗ trợ bảo tồn di sản điện ảnh cho các thế hệ tương lai, Rolex là Nhà Hỗ trợ Sáng lập của Bảo tàng Viện Hàn lâm Điện ảnh mới tại Los Angeles, khai trương vào ngày 30 tháng 9 năm 2021. Được thiết kế bởi Renzo Piano, kiến trúc sư từng đoạt giải Pritzker, bảo tàng và trung tâm dành cho những người yêu điện ảnh sẽ có các phóng triển lãm rộng 4.645 mét vuông và một nhà hát 1.000 chỗ ngồi, cùng các cơ sở vật chất khác.

Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh (Thiết kế tiết diện)

Là bảo tàng đầu tiên và lớn nhất tại Mỹ dành riêng cho lịch sử, khoa học và những ảnh hưởng văn hóa của ngành sản xuất phim, nơi này hứa hẹn sẽ giúp mọi người hiểu hơn về những nghệ thuật và khoa học đã tạo nên phép màu của điện ảnh. Khu trưng bày Rolex Gallery mang chủ đề “Những câu chuyện về Điện ảnh”, với các tác phẩm sắp đặt đặc biệt, sẽ mang tới những câu chuyện thú vị về các bộ phim – từ các nghệ sĩ đến lịch sử hình thành của chúng. Chiếc Cosmograph Daytona huyền thoại, thuộc sở hữu của nam diễn viên Paul Newman, cũng được trưng bày tại đây.

Rolex Testimonees

James Cameron và Martin Scorsese – những chứng nhân Rolex Testimonee trong lĩnh vực điện ảnh – đã định nghĩa lại về đỉnh cao của nghệ thuật kể chuyện. Cả hai đều nhân cách hóa sự hoàn mỹ trong quá trình kiến tạo nghệ thuật và cam kết truyền lại kiến thức, sự uyên bác của mình cho các nhà làm phim trẻ. Với tư cách là đạo diễn, họ nhận ra tầm quan trọng của việc ghi lại đúng lúc những khoảnh khắc, và tác phẩm của họ như một lời giải thích mang đậm tính nghệ thuật về thế giới xung quanh chúng ta.

James Cameron

James Cameron là một nhà làm phim và nhà thám hiểm nổi tiếng. Với tư cách là đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất, ông đã tạo ra một số bộ phim đáng nhớ trong những thập kỷ gần đây: Kẻ hủy diệt (1984), Người ngoài hành tinh (1986), The Abyss (1989), Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xét (1991), True Lies (1994), Titanic (1997) và Avatar (2009).

Các bộ phim của Cameron đã tạo dấu ấn cho sự hiện thực hóa nghệ thuật và hiệu ứng hình ảnh tân tiến, xác lập nhiều kỷ lục phòng vé ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Titanic đã giữ kỷ lục bộ phim có doanh thu cao nhất trong suốt 12 năm, chỉ bị vượt qua bởi Avatar, bộ phim duy trì kỷ lục tương tự trong vòng một thập kỷ sau đó. Phim của ông cũng đã giành được nhiều đề cử và giải thưởng quan trọng. Đáng chú ý nhất, Titanic đã tạo nên hai kỉ lục, khi nhận được 14 đề cử và giành được 11 giải Oscar®, bao gồm ba giải Oscar® của Cameron cho Bộ phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Biên tập xuất sắc nhất.

Nhà làm phim Canada đam mê sự chính xác; ông tin rằng việc chú ý đến từng chi tiết trong phim sẽ giúp đưa người xem vào thế giới mà bộ phim mang đến. Cameron đã đeo đồng hồ Rolex trong suốt nhiều thập kỷ. Đồng hồ của thương hiệu này thường xuyên xuất hiện một cách tự nhiên trong các bộ phim của ông, kể cả trong phim Titanic, bộ phim mà ông đã tặng cho nam diễn viên quá cố Bill Paxton một chiếc Rolex Submariner để đeo trong quá trình quay phim.

Martin Scorsese

Martin Scorsese là nhân vật lừng lẫy trong lịch sử điện ảnh, một đạo diễn, đồng thời là nhà sản xuất và biên kịch, có sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm cùng gia tài bao gồm những bộ phim vĩ đại nhất từng được thực hiện.

Niềm đam mê trọn đời của ông dành cho điện ảnh đã giúp nâng cao nhận thức của hậu thế về tầm quan trọng của việc bảo tồn những bộ phim kinh điển. Scorsese lớn lên ở New York’s Little Italy và thực hiện các bộ phim đầu tay vào cuối những năm 1960. Ông đã tái định nghĩa khái niệm về những gì có thể xảy ra trên màn ảnh thông qua những tác phẩm kinh điển của mình như Mean Streets (1973), Taxi Driver (1976) và Raging Bull (1980).

Sự kết hợp độc đáo giữa tính nghệ thuật, sức lôi cuốn và sự hào phóng của Scorsese tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà làm phim và khán giả trên toàn thế giới. Các chi tiết đóng một vai trò quan trọng trong việc kể một câu chuyện trên màn ảnh. Trong nhiều bộ phim mang tính biểu tượng của mình, Scorsese đã chọn để giới thiệu đồng hồ Rolex, đặc biệt là Oyster Perpetual Day-Date. Martin Scorsese đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến loại hình nghệ thuật vốn trở thành tài năng thiên phú của ông ngay từ khi còn trẻ.

Dự án Rolex Mentor And Protégé Arts

Bảo Tàng Viện Hàn Lâm Điện Ảnh (Cầu Barbra Streisand)

Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative là một dự án được thành lập để đóng góp cho nền văn hóa nhân loại. Chương trình tìm kiếm các nghệ sĩ trẻ tài năng từ khắp nơi trên thế giới và tập hợp họ lại cùng với các bậc thầy nghệ thuật, hợp tác sáng tạo trong mối quan hệ cố vấn một-đối-một. Tiếp tục theo đuổi quan điểm ủng hộ các cá nhân xuất chúng, Rolex tạo điều kiện để các nghệ nhân mới nổi có thời gian đầu tư cho việc học hỏi, sáng tạo và phát triển.

Kể từ năm 2002, Rolex đã kết nối các cố vấn và những tài năng trong các lĩnh vực khiêu vũ, điện ảnh, văn học, âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật thị giác và kiến trúc. Chương trình cố vấn đã phát triển thành một cuộc đối thoại phong phú giữa các nghệ sĩ thuộc các thế hệ, nền văn hóa và lĩnh vực khác nhau, giúp đảm bảo sự lưu truyền các di sản nghệ thuật của thế giới đến với thế hệ tiếp theo. Cố vấn trong trong lĩnh vực điện ảnh bao gồm các đạo diễn Alfonso Cuarón, Stephen Frears, Alejandro G. Iñárritu, Mira Nair, Martin Scorsese, Zhang Yimou và biên tập phim Walter Murch. Hiện nay, người cố vấn là đạo diễn Spike Lee.

Di sản vĩnh cửu

Cụm từ Perpetual – Vĩnh cửu được khắc trên mặt số của mỗi chiếc Rolex Oyster. Nhưng không chỉ đơn thuần là một cụm từ trên mặt số, đó là một triết lý bao gồm tầm nhìn và giá trị của người sáng lập Rolex, Hans Wilsdorf, và là động lực thúc đẩy Rolex ngày nay. Nó thể hiện sự gắn bó của công ty với thế giới, từ việc giúp bảo vệ môi trường đến việc đào sâu kiến thức, thành tích thể thao và tinh thần kinh doanh. Đó cũng là lý do tại sao Rolex đã phát triển mối quan hệ đối tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh. Hình thành quan hệ đối tác lâu dài với các cá nhân và tổ chức, đề cao và theo đuổi sự hoàn mỹ cũng là một phần của triết lý công ty.

Qua nhiều thập kỷ, di sản của Hans Wilsdorf cũng giúp Rolex đóng góp một cách độc đáo và lâu dài cho nền văn hóa nhân loại bằng cách hỗ trợ truyền tải kiến thức qua nhiều thế hệ. Sứ mệnh này được thực hiện dưới nhiều hình thức và là một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ của thương hiệu với Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, cũng như Giải thưởng Viện hàn lâm Academy Awards®.


 
Back to top